Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 9 năm 2022 | 16:42

Cần làm gì để ngày càng có nhiều nông dân chuyên nghiệp?

Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Vì vậy, hãy định hướng để họ hướng đến chuyên nghiệp.

 

vna_potal_dong_thap_hieu_qu.jpg
Nông dân xã Thạnh Lợi (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật

 

Trong thời đại kinh tế tri thức, nhờ đẩy mạnh ứng dụng số hiện nay, ngày càng có nhiều nông dân chuyên nghiệp là những người vừa có tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất, lại vừa có tư duy kinh tế. Họ không chỉ tạo ra sản phẩm mà còn biết tạo ra giá trị cho sản phẩm.

Vậy làm gì để ngày càng có nhiều nông dân chuyên nghiệp? Đó là nội dung được thảo luận tại Diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII với chủ đề "Người nông dân chuyên nghiệp" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức sáng nay (ngày 12/9) tại Hà Nội.

Định hướng để nông dân trở thành chuyên nghiệp

Mở đầu câu chuyện về người nông dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, gần đây, xuất hiện cụm từ “Nông dân chuyên nghiệp” có vẻ là một cố gắng thay đổi hình ảnh nông dân làm theo kiểu tự phát, làm theo kiểu truyền từ đời này sang đời khác. Nhưng hiểu thế nào là chuyên nghiệp lại là vấn đề cần có những nghiên cứu, đối chiếu, so sánh, thậm chí trở thành giáo trình cho các lớp huấn luyện nông dân và cả cán bộ khuyến nông, cán bộ các cấp Hội Nông dân.

Bộ trưởng dẫn chuyện lão nông nói chắc nịch rằng: “Nông dân tụi tui nhắm mắt cũng mần ruộng được”. Điều này theo ông là đúng. Bởi từ thuở cha ông vào khai mở mảnh đất này, những thế hệ đi trước đã biết gieo những hạt giống xuống đất, để mọc lên cây lúa, đem lại những hạt gạo thơm, chén cơm dẻo cho bữa ngon mỗi ngày. Khách đến nhà thì “mời bác xơi cơm” với rau, cá quanh nhà.

Vậy thì có gì đâu mà phải cần “nông dân chuyên nghiệp”? “Chuyên nghiệp” thì khác gì với “không chuyên nghiệp” hay “chưa chuyên nghiệp”, khác gì với với nông dân thế hệ cha anh trăm năm trước?

Nông dân từ làm đủ ăn, rồi có “của ăn của để” tiến tới dư thừa đem bán cho người khác. Vậy là bắt đầu chuyện mua chuyện bán, bán cái mình có cho người không có. Đã là mua bán thì phải tính toán lợi nhuận. Muốn lợi nhuận cao có thì phải bán nhiều, muốn bán nhiều thì phải có sản lượng nhiều, muốn sản lượng nhiều thì phải sản xuất cho nhiều, năng suất phải cao. Năng suất cao đụng trần thì phải dùng đến chất tăng trưởng, tăng trọng.

Một quy luật bất biến ấy kéo dài mấy mươi năm. Nhưng rồi cái quy luật đó bắt đầu không còn thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo ông, ngày xưa ít người bán, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn. Ngày nay “trăm người bán, vạn người mua”, người tiêu dùng bắt đầu “kén cá, chọn canh”, có quyền chọn lựa sản phẩm nào phù hợp với mình.

Xã hội khá giả dần lên, người ta chuyển từ ăn cho no, đến ăn cho ngon, rồi ăn phải sạch, tiến đến ăn phải có nhiều chất dinh dưỡng, lành mạnh, tốt cho sức khoẻ. Vậy nông dân chuyên nghiệp là biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, chứ không phải sản xuất theo ý của mình.

Giá cả do quy luật cung - cầu quyết định. Cái gì dư thừa thì giá thấp, cái gì khan hiếm thì giá cao. Cùng một sản phẩm chất lượng như nhau, người tiêu dùng chắc chắn chọn sản phẩm có giá cạnh tranh hơn. Người sản xuất phải nắm cái quy luật vô hình đó để giảm giá thành đầu vào.

Vậy nông dân chuyên nghiệp cần biết sản xuất sao cho tiết kiệm nhất, để giá thành hợp lý nhất, mà vẫn bảo đảm chất lượng.

Nông dân xứ mình luôn cần cù, thậm chí còn tự hào “cần cù bù thông minh”. Nhưng ngày nay, nền nông nghiệp thông minh tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc. Ngày xưa muốn thăm ruộng, tưới tiêu thì nhất thiết phải ra đồng. Ngày nay chỉ cần một chiếc điện thoại cầm trên tay, dù ở bất kỳ đâu vẫn kiểm tra được đồng ruộng, vườn tược và điều khiển tưới tiêu. Ngày xưa thu hoạch xong thì chờ thương lái đến mua tận đồng, tận vườn. Ngày nay thì phải phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Vậy nông dân phải thông minh, mà muốn thông minh thì phải không ngừng học hỏi. Vậy nông dân chuyên nghiệp là người có tri thức, vừa có kiến thức, kỹ năng sản xuất, vừa có tư duy kinh tế.

unnamed.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII.

 

Xứ mình đang đối mặt với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, lượng phù sa ngày càng suy giảm, đất đai suy kiệt do những vòng quay sản xuất không ngơi nghỉ, dịch bệnh thường xuyên hơn. Nông dân đã phải sử dụng, thậm chí là lạm dụng, thuốc bảo vệ thực vật. Vậy là nông sản tồn dư lượng hoá chất độc hại ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng ngần ngại, mất lòng tin.

Hoá chất độc hại còn phá huỷ môi trường tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, hệ luỵ là “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Vậy nông dân chuyên nghiệp trước hết là người có tâm, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không là tổn thương lợi ích chung của cộng đồng, là người có kiến thức và hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững cho hôm nay và cho thế hệ tương lai.

Nông dân xứ mình ngày xưa “đèn nhà ai nấy sáng, đất nhà ai nấy làm”, sống một mình, làm cũng một mình. Bởi vậy, dẫn đến một lời nguyền về một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát”. Muốn vượt qua lời nguyền đó, phải mở rộng quy mô sản xuất. Muốn mở rộng quy mô sản xuất, thì phải biết hợp tác với nhau.

Nông dân chuyên nghiệp là người hiểu rõ sức mạnh của tinh thần hợp tác, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Bộ trưởng nhận định, nông dân mình trước nay quanh quẩn trong nhà, bên trong luỹ tre làng, suốt ngày ra vô cánh đồng, mảnh vườn. Không gian sống bó hẹp thì suy nghĩ, tầm nhìn, khát khao cũng bị bó hẹp. Theo ông, muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn, thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng.

Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết,... Theo đó, nông dân chuyên nghiệp là người có tư duy mở, luôn mong muốn mở rộng không gian giao tiếp, chủ động tạo lập các mối quan hệ xã hội,

Người nông dân chuyên nghiệp là người vừa có sức khoẻ về mặt thể chất, vừa có sức khoẻ về mặt tinh thần, một bầu nhiệt huyết chảy tràn trong một cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh.

"Người nông dân chuyên nghiệp khởi nguồn từ những con người sống tử tế, làm ăn tử tể. Sự tử tế bắt đầu bằng chữ “Tín”. Một chữ thôi nhưng có thể đem lại thành công cho người này, thất bại cho người khác. Nông dân chuyên nghiệp là yêu cầu tiên quyết để hình thành một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Thay vì thương cảm, xót xa với thực trạng của người nông dân, hãy định hướng để họ hướng đến chuyên nghiệp. Muốn vậy cần nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức cơ bản, bồi dưỡng kỹ năng, huấn luyện chuyên môn, tạo ra không gian mở để người nông dân tiếp cận, kết nối những mới mẻ, đa dạng, phong phú trong xã hội. Đây là câu chuyện sống còn của tiến trình chuyển đổi nền nông nghiệp nước nhà", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 

Phải hạn chế tình trạng “bẻ kèo”

Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho rằng, để người nông dân sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp, phải liên kết, hợp tác nhiều người nông dân với nhau. Nếu nhỏ lẻ, manh mún thì chắc chắn không hiệu quả. Nếu chúng ta có quy mô đủ lớn thì chúng ta mới đứng vững và có tiếng nói trên thị trường, đồng thời có thể quyết định cung cầu và giá cả của thị trường.

"Đây chính là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường, là quy luật khách quan, không phải chúng ta muốn hay không muốn mà được. Sản xuất theo quy luật của thị trường chính là sản xuất chuyên nghiệp nhất", ông Nghị nói.

unnamed-2.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII.

 

Cùng với đó, phải có khoa học công nghệ cao, phải có cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ số… để hạ giá thành đầu vào. Bài học của Israel đã minh chứng rõ nhất điều này. Công thức của họ là: Khoa học công nghệ cao + Hợp tác xã = Thành công. Do đó, chúng ta phải áp dụng cơ giới hóa, áp dụng khoa học công nghệ mới mong hướng đến nền sản xuất chuyên nghiệp, tạo ra những nông dân chuyên nghiệp.

Thứ ba, thời đại hiện nay là thời đại của thương hiệu. Nếu có thương hiệu giá trị sản phẩm có thể tăng gấp 10, 20 lần. Mà muốn có thương hiệu lại quay về câu chuyện liên kết hợp tác để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc… Từ đó mới có một thương hiệu được xây dựng bài bản và có giá trị lâu dài.

Thứ tư, chúng ta nói rất nhiều đến các mối liên kết "3 nhà", "4 nhà" rồi "6 nhà" nhưng chưa trả lời được câu hỏi tại sao liên kết các nhà đều không thành công?. Theo Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, mấu chốt của vấn đề này nằm ở 2 "nhà": Nông dân và doanh nghiệp. Họ đều đang thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng hợp đồng.

"Khi mất mùa được giá thì nông dân "bẻ kèo", được mùa rớt giá thì doanh nghiệp "bẻ kèo". Do đó, 2 "nhà" này cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình. Tôi cho rằng để hạn chế tình trạng "bẻ kèo" chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn"- ông Nghị nêu quan điểm.

Đáp lại phát biểu của ông Nghị, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP chuỗi thực phẩm Tập đoàn TH, cho rằng, thực tế các doanh nghiệp đều mong muốn xây dựng được vùng nguyên liệu. Vấn đề là làm sao xây dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp.

Có một thực tế là hiện nay nhiều nông dân đang bơ vơ không biết sản xuất cái gì để bán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phía doanh nghiệp cũng rất mong muốn xây dựng được một vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và minh bạch.

Phía doanh nghiệp không thể kết nối với từng nông dân riêng lẻ. "Chúng tôi kết nối với nông dân thông qua các hợp tác xã. Tuy nhiên, có một thực tế khi triển khai, nhiều nông dân còn e ngại và thiếu niềm tin khi tham gia các hợp tác xã. Vấn đề cốt lõi là làm sao xây dựng được hợp tác xã kiểu mới và ai là người tham gia. Khi nông dân tham gia hợp tác xã thì người nông dân được cái gì?"- ông Dũng nói.

Nhóm giải pháp tổng thể

Phát biểu tại diễn đàn, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn năm nay chọn chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, được bình chọn từ các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả của diễn đàn hôm nay sẽ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm vào cuộc sống. Đồng thời, Phó chủ tịch nước biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn của 10,2 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 3,6 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là các đại biểu về dự Diễn đàn.

unnamed-1.jpg
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao đổi và gợi mở những vấn đề tập trung tại diễn đàn nông dân Quốc gia lần thứ VII.

 

Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gợi mở một số vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận: Một là, diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể. Cụ thể: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020... Hai là, làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp? Việc xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng, trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.

Ba là, chúng ta cùng thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước.

Đề nghị nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý hãy thẳng thắn đặt vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.

Bốn là, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tham luận tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, những nông dân chuyên nghiệp đã trở thành "đầu tàu" dẫn dắt các lớp nông dân khác vươn lên làm giàu, nắm bắt công nghệ, góp phần giải phóng sức lao động, từng bước nâng cao năng suất lao động của khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng chỉ ra những hạn chế khiến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi còn một số khó khăn, vướng mắc như: Nông dân trông chờ, ỷ lại, chưa tích cực thi đua sản xuất. Một số nơi Hội Nông dân chưa thật sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, chưa có nhiều giải pháp, cách làm cụ thể; năng lực tham mưu và tổ chức thực hiện của một bộ phận cán bộ Hội còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc còn hành chính, thụ động, nên kết quả chung của phong trào có mặt còn hạn chế.

Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân gắn sản xuất với thị trường, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập; đào tạo người nông dân chuyên nghiệp; tăng cường liên kết hợp tác, dịch vụ hỗ trợ cho nông dân nhằm phát triển toàn diện phong trào ở các địa bàn; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề "tri thức hóa nông dân" trong lúc này là quan trọng, bởi hiện chất lượng lao động nông nghiệp của chúng ta đang suy giảm. Hiện nay, lao động nông nghiệp còn 17,7 triệu người (chiếm khoảng 32,8% tổng lao động cả nước). Tỷ lệ này tiếp tục giảm trong giai đoạn tới, nhưng quan trọng là cùng với sự “khan hiếm” lao động thì chất lượng lao động cũng suy giảm do hiện tượng già hóa dân số và tình trạng đô thị hóa đã “hút” nguồn nhân lực trẻ, khỏe từ nông thôn ra thành thị, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động…

Các đại biểu đề nghị cần "tri thức hóa nông dân", nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh và hiểu biết của nông dân về các vấn đề xã hội, kinh tế nói chung và vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nói riêng. Ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nông dân cần nâng cao kiến thức, hiểu biết, nắm rõ, cập nhật thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế chung trên thế giới và Việt Nam, bởi mỗi biến động ở những vấn đề trên đều có tác động đến sản xuất và thương mại nông sản, liên quan thiết thực đến quyết định sản xuất, kinh doanh của họ.

Phó Chủ tịch nước đề nghị Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sớm tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của bà con nông dân, các doanh nghiệp và các đại biểu tham dự Diễn đàn, từ đó phối hợp với các ban, bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách, giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả những vấn đề trước mắt và lâu dài cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta./.

 

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top