Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 6 năm 2018 | 13:51

Cần Thơ: Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái

Vài năm trở lại đây, ở Cần Thơ, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và cải tạo vườn sang áp dụng mô hình này đã trở thành phong trào mạnh mẽ.

cayantraivinhthanh.jpg
Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh thăm vườn cây ăn trái của anh Đinh Văn Bá.         

Từ hiệu quả của mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái của nông dân Huỳnh Văn Trí, ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ (Vĩnh Thạnh - TP. Cần Thơ), vài năm trở lại đây, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả và cải tạo vườn sang áp dụng mô hình này đã trở thành phong trào mạnh mẽ nơi đây. Vĩnh Thạnh đang tích cực hỗ trợ xã Thạnh Mỹ hướng đến mục tiêu xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái.

Hiệu quả bước đầu

Năm 2010, ông Huỳnh Văn Trí ở ấp Long Thạnh, xã Thạnh Mỹ cải tạo 2 công (1 công = 1.000m2) vườn tạp và trồng thử nghiệm cây quýt hồng và quýt đường. Sau 3 năm, quýt cho trái và đem lại khoản lợi nhuận khá, mỗi năm gia đình ông thu nhập  trên 300 triệu đồng. Ông Trí tiếp tục chuyển đổi hơn 6.000m2 đất trồng lúa của gia đình sang trồng loại cây này và năm nay lô quýt này bắt đầu cho trái.

Ông Trí cho biết: “Lúc mới trồng, tôi cũng rất lo vì không biết vùng đất này có thích hợp cho cây có múi phát triển hay không? Nhưng qua theo dõi thấy, cây “chịu đất” và tôi luôn áp dụng tốt kỹ thuật trong chăm sóc, bón phân nên đạt hiệu quả cao”.

Từ hiệu quả của mô hình, nhiều nông dân vùng lân cận đã học hỏi và áp dụng. Ông Lê Văn Ẩn, ấp Long Thạnh, chuyển đổi hơn 2ha đất nuôi tôm để lên liếp (hay còn gọi là bờ đất cao lên) và trồng cam mật, cam xoàn, quýt đường. Hiện, vườn cây nhà ông đang sinh trưởng và phát triển tốt.

“Trước đây, tôi áp dụng mô hình nuôi tôm trên ruộng lúa, nhưng mấy năm gần đây nguồn nước không thuận lợi như trước, nuôi tôm không đạt hiệu quả cao. Thấy mô hình trồng quýt của anh Trí có hiệu quả cao, tôi học hỏi và áp dụng”, ông An kể.

Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, cùng với trồng lúa, chăn nuôi…, Thạnh Mỹ khuyến khích các nông hộ tiến hành cải tạo vườn tạp hoặc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để phát triển kinh tế, tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất. Để giúp bà con sản xuất  hiệu quả, xã đã thành lập câu lạc bộ trồng cây ăn trái thu hút 19 thành viên tham gia. Tham gia sinh hoạt các nhà vườn cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc…

Theo các nhà vườn, trung bình 1 công quýt cho lợi nhuận hơn 60 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Đặc thù của địa phương là vùng đất xốp “gan rùa”, rất thích hợp cho các loại cây ăn trái sinh trưởng và phát triển, vì thế, đến nay, Thạnh Mỹ đã phát triển được 25ha  cây ăn trái. Ngoài cây có múi, nhiều nông hộ còn mạnh dạn học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ các nơi để trồng thêm nhiều loại cây khác như: ổi, xoài, mận (miền Bắc gọi là roi), mãng cầu (na),…

Anh Đinh Văn Bá ở ấp Quy Long đã tìm đến các nhà vườn ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật và đã chuyển đổi 6.000m2 đất trồng lúa của gia đình sang trồng 300 gốc mận An Phước và mận Hồng Đào Đá, đồng thời trồng xen 300 gốc mãng cầu. Ngoài áp dụng tiến bộ kỹ thuật, anh còn đầu tư giàn lưới phủ kín cả khu vườn nhằm hạn chế bướm và sâu hại xâm nhập từ bên ngoài. Với mô hình này, chỉ năm đầu tiên thu hoạch trái, gia đình anh đã thu được tiền vốn đầu tư khoảng 160 triệu đồng.

Anh Bá cho biết: “Hiện tại, mận trong vườn đang cho trái, cứ 4- 5 ngày thì hái khoảng một tấn trái, thương lái đến tận nơi thu mua giá 10.000 - 12.000 đồng/kg, loại 10 trái/kg có giá 30.000 đồng/kg, còn mãng cầu, vài tuần nữa là có thể thu hoạch tỉa”.

Xây dựng vùng chuyên canh

Từ thực tế cho thấy, áp dụng mô hình làm vườn, trồng cây ăn trái cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa. Để phát triển mô hình này mang tính bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, nâng cao đời sống người dân, mới đây, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thạnh cùng ngành chức năng đến khảo sát thực tế để quy hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái ở xã Thạnh Mỹ.

Theo đó, huyện thống nhất chọn vùng quy hoạch khoảng 50ha ở ấp Long Thạnh. Theo ông Phạm Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, xã đang phối hợp với ngành nông nghiệp huyện xây dựng đề án phát triển vùng trồng cây ăn trái và sắp tới sẽ tiến hành họp dân để vận động bà con chuyển đổi, áp dụng mô hình này để tăng lợi nhuận.

Ông Đỗ Sỹ Nhường, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “UBND huyện sẽ ưu tiên nguồn vốn bố trí cho xã Thạnh Mỹ đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh hệ thống đê bao, thủy lợi, kéo điện hạ thế…, giúp nhà vườn chủ động bơm tưới và tiêu thoát nước lũ. Đồng thời, giới thiệu với các ngân hàng cho hộ có nhu cầu vay vốn, chỉ đạo ngành chức năng tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và định hướng nhà vườn liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để đạt hiệu quả cao hơn”.

 

Cần Thơ hiện có 17.121ha cây ăn trái, với sản lượng trái cây mỗi năm đạt hơn 98.000 tấn. Đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây tập trung, chuyên canh với các sản phẩm chủ lực, như: xoài cát Hòa Lộc ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ; dâu Hạ Châu, huyện Phong Điền; vú sữa ở Phong Điền, Bình Thủy...

Thành phố cũng đã xây dựng được 12 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại quận Cái Răng, hai huyện Phong Điền và Thới Lai…, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ từ 1,5-2 lần so với chuyên trồng cây ăn trái.

Để nâng cao giá trị cho trái cây, phục vụ thị trường không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, ngành nông nghiệp Cần Thơ và các địa phương đã tích cực hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển các mô hình trồng cây ăn trái chất lượng cao, đạt theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, nhất là tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, TP.Cần Thơ cũng sẽ phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái rộng 700ha tại huyện Phong Điền, nhằm phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.


 

 

 

 

Minh Hải
Ý kiến bạn đọc
Top