Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 7 năm 2022 | 14:39

Canh tác vụ hè thu: Nơi bỏ, nơi chậm triển khai

Do điều kiện địa hình canh tác gặp khó khăn hạn hán, hoặc trũng thấp. Nhiều địa phương đã có tình trạng bỏ hoang đất, có địa phương triển khai nhưng lại chậm tiến độ gieo trồng. Do đó, cần phải có kế hoạch để không bỏ hoang phí đất trong vụ hè thu.

Gia tăng bỏ hoang ruộng vụ hè thu
 
Một số diện tích từng là "bờ xôi ruộng mật" bị bỏ không trong suốt 7 tháng liền, tình trạng này đang diễn ra ở Nghệ An và có xu hướng gia tăng.
 
Tại các huyện được mệnh danh là “vựa lúa” của Nghệ An như: Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu… không chỉ các cánh đồng ở vùng bán sơn địa điều kiện tưới tiêu khó khăn, hay vùng sâu trũng thường ngập lụt; mà cả diện tích đất lúa, vốn chủ động được nước tưới nhưng người dân vẫn bỏ hoang, không sản xuất trong vụ hè thu. Hầu như mỗi năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa xuân để đủ lương thực cho cả năm.
 
bna-nhung-canh-dong-thang-canh-co-bay-o-yen-thanh-bi-bo-hoang-trong-vu-he-thu-anh-xuan-hoang-2287.jpg
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên địa bàn huyện Yên Thành bỏ hoang trong vụ hè thu này. Ảnh: Xuân Hoàng

 

Tại huyện Quỳnh Lưu, dịp này đi các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn… chứng kiến nhiều cánh đồng không được triển khai sản xuất gối vụ.
 
Ở huyện Yên Thành, tình trạng ruộng bỏ hoang vụ hè thu không ít. Ông Cung Đình Chính ở xóm Đồng Bàn, xã Lăng Thành cho hay: Làm ruộng bây giờ nhàn, gần như 100% từ khâu làm đất đến thu hoạch là thuê máy móc, nên dù vợ con đi làm ăn xa thì một mình ở nhà cũng có thể làm được. Nhưng tính toán cho thấy, do tiền công và phân bón đều tăng, trong khi sản xuất hè thu đạt năng suất thấp, nên làm sẽ không có lãi, thậm chí lỗ.
 
Diện tích bỏ hoang nhiều nhất ở Yên Thành phải kể đến xã Đô Thành. Toàn xã có 538ha đất sản xuất lúa, nhưng vụ hè thu này chỉ gieo cấy được 90ha, còn lại 448ha bỏ hoang.
 
Tại một số xã ven thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, tình hình cũng tương tự khi hầu hết bà con nông dân chỉ sản xuất vụ xuân, còn vụ hè thu, thậm chí là vụ đông đều để hoang.
 
Ông Dương Văn Thám - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa (TP. Vinh) chia sẻ: Toàn xã có khoảng 900ha đất nông nghiệp nhưng đã thu hồi gần 1 nửa. Ngoài gần 200 diện tích đã thu hồi làm hồ điều hòa, đường giao thông trước đó, từ năm 2021 lại đây, TP. Vinh tiếp tục thu hồi 182,8ha phục vụ cho dự án đầu tư. Điều đáng nói là trên 400ha lúa còn lại, người dân hầu như chỉ làm vụ xuân, còn lại gần như 100% diện tích vụ hè thu bỏ hoang.
 
 
bna-ruong-chet-xen-lan-ruong-gieo-cay-o-xa-lang-thanh-yen-thanh-gay-kho-khan-cho-cong-tac-bao-ve-va-cham-soc-lua-dac-biet-la-sau-benh-hai-anh-xuan-hoang-6041.jpg
Thực trạng tại nhiều nơi, nhà gieo cấy, nhà bỏ hoang, khó khăn trong công tác bảo vệ, thủy lợi và hệ lụy là tồn dư của sâu bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng
 
Nghệ An có 84.000ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh chỉ gieo trồng 60.850ha. Đơn cử như tại huyện Yên Thành có 12.000ha có thể gieo cấy hè thu, nhưng vụ hè thu này kế hoạch của huyện đưa vào gieo cấy 11.500ha, còn lại 500ha thuộc vùng sâu trũng, huyện không khuyến khích gieo cấy. Như vậy, vụ hè thu này trên địa bàn Yên Thành có khoảng gần 1.000ha bỏ hoang. Các huyện khác như Diễn Châu chỉ sản xuất được 6.000ha/kế hoạch 8.000ha; Quỳnh Lưu sản xuất 5.754ha/kế hoạch 6.700ha…
 
Biết bỏ ruộng hoang là lãng phí, nhưng do làm vụ hè thu gặp nhiều rủi ro, trong khi người dân trên địa bàn xã có nhiều nghề kiếm ra tiền hàng ngày, nên bà con bỏ sản xuất mùa vụ”. Ông Luyện Xuân Huệ, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành – Nghệ An nói.
 
Chậm tiến độ gieo trồng vụ hè thu
 
Khác với Nghệ An gia tăng hộ nông dân bỏ hoang ruộng trong vụ hè thù, Hà Tĩnh không bỏ hoang nhiều nhưng lại chậm tiến độ gieo trồng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
 
Vụ hè thu 2022, chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Hòa Sơn, xã Hương Xuân (Hương Khê) gieo trỉa hơn 4 sào đậu xanh, ngô và vừng, thế nhưng, thời tiết nắng nóng nên đến nay mới chỉ hoàn thành được hơn 50% diện tích.
 
84d1161947t15950l0.jpg
Hương Khê đã hoàn thành kế hoạch sản xuất ngô lấy hạt và ngô sinh khối.
 
Chị Thủy cho biết: “Vụ hè thu nào tôi cũng gieo trỉa đậu xanh, ngô và một ít vừng. Năm nay, thời điểm xuống giống thời tiết nắng nóng, có những ngày nhiệt độ lên đến 39-40 độ C, đất làm xong cứ khô vón lại, khó khăn cho việc gieo trỉa. Vì thế, tôi chỉ mới hoàn thành được 2 sào đậu xanh và mấy thước ngô lấy hạt thôi”.
 
Nắng nóng cũng là khó khăn lớn nhất đối với nhiều bà con nông dân ở Hương Khê trong việc hoàn thành gieo trỉa các loại cây trồng cạn đúng tiến độ. Ở thời điểm cuối cùng của thời vụ xuống giống (30/6), Hương Khê chỉ mới hoàn thành được 2 loại cây trồng là ngô lấy hạt đã gieo trỉa được 504/400 ha (đạt 126% kế hoạch) và ngô sinh khối 100/100 ha. Đến ngày 4/7, đậu đạt 601/1.200 ha (50,1% kế hoạch), vừng 228/300 ha (76% kế hoạch), rau 206/270 ha (76,3% kế hoạch).
 
Ông Trần Văn Báu - thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn cho hay: “Thời tiết mùa hè khắc nghiệt nên chúng tôi chỉ sản xuất trong vườn nhà, chủ yếu là các loại rau. Năm nay, tôi dự định mở rộng thêm cây đậu đen nhưng do đầu vụ gieo trỉa, gia đình tập trung cho thu hoạch lúa, lạc xuân, tới thời điểm xuống giống thì các đợt nắng nóng liên tục nối nhau nên chỉ mới sản xuất được 350 m2".
 
84d1163217t43150l0.jpg
Thời tiết nắng nóng cũng khiến cho cây trồng sinh trưởng kém, gây khó khăn trong công tác chăm sóc.

 

Nhiều nơi, kể cả những vùng màu tập trung, bà con lại chuyển từ sản xuất cây màu sang gieo cấy lúa hè thu. Ông Lê Văn Thuận - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho hay: “Nguyên nhân là do nhu cầu của người sản xuất, nhiều năm nay giá bán ra của các loại cây trồng cạn không cao trong khi thời tiết diễn biến khắc nghiệt, khó sản xuất nên bà con cũng không mặn mà đầu tư. Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống thủy lợi cho các vùng sản xuất lúa cơ bản đáp ứng, vì vậy, diện tích sản xuất lúa tăng lên và rất ít nơi phải sản xuất luân canh, chuyển từ lúa vụ trước sang trồng màu vụ hè thu như trước đây”.
 
Vụ hè thu trước, diện tích một số cây trồng cạn đạt thấp so với kế hoạch (lạc đạt 77,6,6% kế hoạch, đậu đạt 80% kế hoạch). Năm nay, tiến độ gieo trỉa nhìn chung chậm, tỷ lệ hoàn thành đạt thấp trong khi so với năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt hơn vì xảy ra nhiều đợt nắng nóng, khả năng nhiều loại cây trồng tiếp tục sẽ không đạt kế hoạch gieo trỉa.
 
Đối với vụ hè thu, ngoài lúa thì cây trồng cạn đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch sản xuất của các địa phương, vừa giải quyết thức ăn phục vụ chăn nuôi, vừa có giá trị hàng hóa để tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đốc thúc bà con gấp rút bổ sung diện tích chưa được gieo trỉa, không nên bỏ lỡ kế hoạch sản xuất. Tốt nhất, nên tận dụng những thời điểm các đợt mưa xen kẽ, tranh thủ làm đất, gieo trỉa kịp thời để cây trồng dễ sinh trưởng, phấn đấu đạt diện tích tối đa theo kế hoạch. Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh cho biết.
 
Giải pháp để không bỏ hoang ruộng vụ hè thu
 
Giải pháp tốt nhất là phải nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp, ngoài việc quản lý HTX nông nghiệp phải cung ứng các loại dịch vụ đầu vào cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm.
 
Một vấn đề nữa, hiện nay ruộng vẫn còn manh mún và chưa đa dạng cây trồng, do vậy giải pháp khép kín cây trồng vụ hè thu là cần tiếp tục dồn điền đổi thửa, từ đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung và không nhất thiết phải làm lúa, để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
 
Ông Hồ Sỹ Quảng - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước thực trạng bà con nông dân bỏ hoang vụ hè thu, hợp tác xã vận động bà con tạo điều kiện cho một số hộ nhận làm, kết quả đã có 100ha đưa vào gieo cấy hè thu theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Để làm được điều đó, hợp tác xã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạo Khang Long (Thái Bình) đồng hành cùng bà con bằng cách thu mua toàn bộ lúa tươi tại ruộng cho bà con. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã cung ứng các loại dịch vụ: Làm đất gieo cấy bằng mạ khay, bảo vệ thực vật… đến thu hoạch với mức giá tối thiểu, nên giảm được chi phí cho bà con.
 
“Vấn đề quan trọng là hợp tác xã làm tốt vai trò của mình, phải lấy nông dân làm trọng. Khi bà con thấy có lợi nhuận thực sự từ sản xuất lúa thì họ sẽ quay lại với đồng ruộng”, ông Hồ Sỹ Quảng chia sẻ.
 
Một chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Doãn Trí Tuệ cho rằng, trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao như hiện nay, cần có 3 giải pháp căn cơ để bà con nông dân quay lại với đồng ruộng: Thứ nhất, cần có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, có thể là sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao để giải quyết đầu ra ổn định và lâu dài. Thứ hai, đã đến lúc Nghệ An không nên chạy theo về năng suất và sản lượng, bởi lúa gạo chất lượng thấp khó tiêu thụ và giá bán thấp, dẫn đến nông dân thua lỗ. Thay vào đó là hướng đến sản xuất các loại lúa có chất cao: TS25, TS24, hương thơm, bắc thơm… được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao trên thị trường. Thứ ba, trong bối cảnh giá vật tư, giống… tăng cao như hiện nay, phía Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân để khuyến khích, động viên bà con bám ruộng.
 
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top