Nắng nóng liên tục, nhiều nhà vườn không có chanh để bán; trái cây ở miền Trung, Tây Nguyên chín rộ, được giá.
Nghi Lộc: Chanh “cháy” hàng vì nắng nóng
Trong đợt nắng nóng này, các loại quả giải nhiệt như chanh rất đắt hàng. Hiện, các đại lý thu mua chanh ở Nghi Lộc (Nghệ An) đang tấp nập vận chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc. Còn tại các ki ốt bán lẻ tại huyện, giá lên đến 15.000 đồng/kg, đắt gấp 2 lần so ngày thường.
Ông Nguyễn Đức Quang xóm 1 xã Nghi Diên (Nghi Lộc), cho biết: Năm nay thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài khiến vườn chanh 200 gốc của ông chưa cho thu hoạch, vì quả bị sần. Trước nhu cầu tăng cao, gia đình ông đã thuê thêm 10 lao động thu mua, phân loại và vận chuyển đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Với giá mua vào 7 - 8.000 đồng/kg, đưa ra Hà Nội bán 10.000 đồng/kg; trừ chi phí vận chuyển, nhân công, ông Quang thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Năm nay chanh mất mùa, nên vừa trồng ông vừa thu mua 10 tấn/ngày mới đủ cung cấp cho thị trường.
Phân loại chanh trước lúc đóng thùng, vận chuyển ra Hà Nội.
Trong khi các hộ xuất bán ra Hà Nội với giá 10.000 đồng/kg, thì tại các ki ốt bán lẻ ở chợ trên địa bàn huyện Nghi Lộc chanh có giá từ 14.000 -15.000 đồng/kg (đắt gấp 2 lần so ngày thường).
Chị Nguyễn Thị Tâm - người chuyên bán lẻ chanh ở chợ Nghi Trung cho biết, chanh năm nay không được to, đẹp như năm trước, nhưng do mua vào với giá cao nên chị phải bán ra giá cao mới có lãi. Mấy ngày nay thời tiết nóng nên có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
Mặc dù giá bán lẻ cao hơn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhưng các hộ trồng chanh ở Nghi Lộc vẫn chọn hình thức bán sỉ cho các buôn lái, bởi khi chanh đến kỳ thu hoạch nếu không bán kịp thì quả sẽ bị vàng và hỏng.
Chị Nguyễn Tâm ở xóm 11, xã Nghi Mỹ cho biết: “Gia đình tôi vừa bán 5 tạ chanh, họ đến thu mua tại vườn bứt ngang giá 7.000 đồng/kg. Tuy có rẻ hơn so với ngoài chợ nhưng thu trọn được đồng tiền. Hơn nữa nhà neo người nên có khách đến thu mua một lần tôi bán luôn, không để như năm trước chanh chín quá lại không ai mua".
Hiện, ở Nghi Diên (Nghi Lộc) có 14 đại lý chuyên thu mua chanh để đưa ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội; Hải Phòng; Nam Định... tiêu thụ. Thời gian thu mua được rải đều trong năm. Nhưng vụ chính là từ tháng 6 - 12 DL. Mỗi ngày, làng thu mua chanh ở Nghi Diên tiêu thụ trên 150 tấn chanh, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Chanh được thu mua, vận chuyển trong ngày, do đó không kể nắng gắt, các buôn lái vẫn nhộn nhịp đổ hàng cho đại lý để kịp chọn, phân loại trước khi đi tiêu thụ. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 300 thương lái đưa chanh đến nhập tại các điểm thu mua ở Nghi Diên.
Ông Nguyễn Thế Mai, xã Nghi Công (Nghi Lộc) người buôn chanh thời vụ cho biết: "Năm nay chanh mất mùa nên chúng tôi lùng sục cả ngày mới mua được 6 tạ chanh, để kịp nhập cho đại lý và phải huy động vợ con đi hái cho kịp. Mỗi chuyến tôi chở từ 4,5 - 5 tạ, trừ chi phí, lãi từ 350.000 - 500.000 đồng"
Hiện, trên địa bàn Nghi Lộc có trên155 ha trồng chanh; chủ yếu tập trung ở các xã Nghi Diên, Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc, Nghi Mỹ, Nghi Phương, Nghi Kiều, Nghi Văn, Nghi Đồng... Nhờ hợp với chất đất nên chanh Nghi Lộc có hương thơm đặc trưng, được người tiêu dùng phía Bắc ưa chuộng. Năm nay hạn hán nên chanh mất mùa, song, bù lại chanh rất dễ bán, các hộ trồng không phải đi bán xa, đã có thương lái đến mua tại vườn. Trung bình, một hộ trồng chanh thu 20 - 35 triệu đồng/vụ.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng NN&PTNN Nghi Lộc cho biết, chanh là một trong những loại cây chịu hạn tốt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, bà con trồng chưa tập trung, còn manh mún, do vậy chúng tôi sẽ vận động bà con xây dựng mô hình trồng tập trung; đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT mới cho nông dân để nâng cao hiệu quả.
Anh Sơn: Thanh long ruột đỏ cho thu tiền triệu/ngày
Với vị ngọt đậm, thanh mát, những ngày nắng nóng này thanh long ruột đỏ được nhiều khách hàng lựa chọn là loại hoa quả giải nhiệt. Với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, người trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) có thu nhập tiền triệu mỗi ngày.
Chị Lê Thị Châu, xã Hoa Sơn, cho biết: Đã hơn 1 tuần nay bắt đầu vào mùa thu hoạch thanh long, với hơn 80 gốc, mỗi ngày chị thu được 50 kg quả, do thời tiết nắng nóng nên thanh long hái không kịp cho khách. Với giá hiện tại 35.000 đồng/kg loại quả to, 30.000 đồng quả vừa và nhỏ
Với hơn 80 gốc, mỗi ngày gia đình chị Lê Thị Châu hái được 50 kg quả thanh long.
Theo chị Châu, giống thanh long ruột đỏ chị lấy ở Ninh Thuận và đây là năm thứ 3 cho thu hoạch. Mỗi mỗi vụ kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 11, và cứ 15 ngày lại cho thu hoạch một đợt, nên rất dễ tiêu thụ. Hơn nữa, thanh long ruột đỏ chịu hạn rất tốt, sạch sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc nên thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng, Hiện, mỗi ngày gia đình chị thu về trên 1 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Bình thôn 1, xã Hoa Sơn cũng là một trong những hộ trồng thanh long nhiều ở xã. Với gần 200 trụ, năm 2017 cho thu hoạch 2 tấn quả, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg, ông thu về 40 triệu đồng.
Năm nay, đầu mùa gặp thời tiết nắng nóng nên thanh long rất dễ tiêu thụ và được giá. Thời điểm này, vườn thanh long của ông đang chín bói đầu vụ, mỗi ngày hái được 60 kg quả, bình quân 30.000 đồng/kg, thu về 1,5 triệu đồng.
Là cây họ xương rồng, không ưa nước, thích ánh nắng, thích nghi với môi trường và địa hình miền núi, nên những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Anh Sơn đã tiến hành trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ. Hiện, toàn huyện có 15 ha, tập trung ở các xã: Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn, hầu hết các hộ đều trồng trong đất vườn.
Bà con cho biết, so với các giống thanh long khác, thanh long ruột đỏ có chất lượng và giá cao hơn. Đây là loại cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc.
Gia Lai: Hạt sầu riêng đắt hơn... quả
Gần đây tại một số tỉnh của Tây Nguyên, hạt sầu riêng được thu mua với giá từ 50.- 75.000 đồng/kg.
Hạt sầu riêng được thu mua giá 50 -75.000 đồng/kg
Hơn một tháng nay, các tỉnh khu vực Tây Nguyên bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Năm nay ngoài việc mua bán sầu riêng thành phẩm, thì hạt sầu riêng cũng được thương lái thu mua với giá khá cao.
Theo đó, do giá sầu riêng tăng mạnh, gần đây nông dân các tỉnh Tây Nguyên đầu tư trồng loại cây này khá nhiều, thêm vào đó các cơ sở ươm giống ở miền Tây cũng có nhu cầu lớn về hạt và cây giống. Chính vì vậy mà hạt sầu riêng năm nay được thu mua nhiều hơn, và giá cả cao gấp 5-6 lần so năm ngoái.
Qua tìm hiểu, dọc Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) - thủ phủ sầu riêng của Lâm Đồng, nhiều chủ vựa sau khi bán sầu riêng cho khách, thu mua luôn hạt với mức giá mua vào 50.000- 60.000 đồng/kg. Như vậy, khi mua sầu riêng về ăn khách hàng bán lại hạt thì được gần bằng giá trị mua quả thành phẩm ban đầu.
Tại vựa trái cây Thạnh Lệ (Quốc lộ 20 xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai), chủ vựa cho biết, giá sầu riêng Ri 6 là 60.000 đồng/kg, Thái Lan 70.000 đồng/kg, sầu riêng hột giá 40.000 đồng/kg (loại trái to). Trong khi đó, hạt sầu riêng đã mua vào giá 65.000 đồng/kg.
“Cứ mua sầu riêng, mất công lột cơm ra rồi bán hạt thì đều lời vì đa số sầu riêng hạt rất to. Ở đây hạt loại nào cũng mua giá đó, trừ những hạt lép ra. Tôi cũng không biết người ta mua hạt về ươm hay làm gì, nhưng thấy thương lái họ thu mua thì chúng tôi cũng mua rồi bán lại kiếm lời thôi...”, người bán hàng tên Thạnh cho biết.
Anh Tấn Nghĩa - một người dân Lâm Đồng chia sẻ: "Mọi năm hạt sầu riêng sau khi ăn xong đều được vứt đi, hoặc luộc lên ăn. Năm nay thương lái thu mua hạt với giá gần bằng một quả sầu riêng. Mình thấy mua sầu riêng về ăn khá là lời". Giá tới tay chủ vườn ươm là 85.000 đồng/kg, còn giá thu mua chỉ từ 66 - 75.000 đồng/kg"
Ông Huỳnh Tín, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết, giá hạt sầu riêng tại các vựa trái cây được thu mua: 70.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên mạng, giá bán của 1 kg sầu riêng thậm chí còn cao hơn nhiều so với sầu riêng thành phẩm, khi giá được đẩy lên thành 150.000 đồng/kg tại TP.HCM.
Không chỉ “bão hạt sầu riêng”, giá của cây giống cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát các cơ sở sản xuất kinh doanh cây giống tại TP. Buôn Ma Thuột (nơi Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm Tây Nguyên đặt trụ sở), thì hiện nay cây sầu riêng giống có giá từ 85.000 - 120.000 đồng/cây, tùy từng giống, tăng từ 20.000 - 30.000 đồng/cây so với năm ngoái.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cảnh báo bà con nhân dân không nên tích trữ giống, vì rất có thể đây là hiện tượng nhất thời của thị trường.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…