Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 12 năm 2018 | 13:34

Chế biến sâu, hồ tiêu vẫn còn dư địa phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, hồ tiêu vẫn còn nhiều dư địa phát triển, nhiều cơ hội đa dạng hóa ngành hàng, chủng loại sản phẩm.

Tuy nhiên, thời gian tới, ngành hồ tiêu sẽ không tăng diện tích, thậm chí phải giảm. Doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi theo hướng lấy chất lượng và an toàn thực phẩm làm đầu để cùng cam kết thực hiện. 

 

tr7.jpg
Ông Hà Văn Oanh, ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu chăm sóc vườn hồ tiêu. Ảnh Hoàng Nhị.

Được mùa, nông dân vẫn không vui

Thời điểm này, hầu hết các hộ trồng tiêu trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện phun xịt dưỡng trái cho cây. Nhiều nhà vườn cho hay, mùa tiêu năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây sinh trưởng ổn định, ít sâu, năng suất cao hơn so với vụ tiêu năm ngoái.

Tuy nhiên, giá tiêu giảm chỉ còn khoảng 57.000 - 60.000 đồng/kg, nhà vườn sẽ lỗ do chi phí đầu tư giống, công chăm sóc, tưới nước, phân bón, thuốc trừ sâu, công thu hoạch… ở mức khá cao.

Ông Mai Gia Phới (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) cho biết, có hơn 3 sào tiêu được 7 năm tuổi, dự kiến sản lượng thu hoạch khoảng 2,5 tấn, cao hơn 3 tạ so với năm ngoái. Dù sản lượng tăng nhưng do giá tiêu giảm đã khiến ông không mấy phấn khởi.

“Do giá tiêu thấp hơn mọi năm nên lợi nhuận không cao. Nếu tiêu có giá từ 60.000 đồng/kg trở lên thì mới có lãi”, ông Phới nói.

“Vỡ” quy hoạch

Việt Nam hiện chiếm 1/3 diện tích và 1/2 sản lượng hồ tiêu của cả thế giới. Năm 2017, cả nước trồng 152.000ha hồ tiêu, sản lượng 240.000 tấn, chiếm 48% sản lượng hồ tiêu thế giới; xuất khẩu hơn 215.000 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt gần 1,2 tỷ USD. Châu Á vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất (51%) trong tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

Tháng 11, Việt Nam xuất khẩu 220.000 tấn hồ tiêu, trị giá 718 triệu USD, giảm 32,5% giá trị so với cùng kỳ năm 2017, do giá hạt tiêu giảm 38%.

Theo quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000ha, diện tích cho sản phẩm là 47.000ha, như vậy, diện tích trồng tiêu hiện nay đã vượt 3 lần.

Trong 3 năm qua, diện tích và sản lượng hồ tiêu liên tục tăng nóng, cung - cầu mất cân đối làm giá tiêu liên tục giảm, khiến nông dân và những người tham gia chuỗi đều bị động, rủi ro. Dự kiến, năm 2018, sản lượng tiêu đạt 230.000 tấn, tăng so với mức ước tính 210.000 tấn năm 2017 (175.000 tấn năm 2016).

Liên kết để tồn tại

Những năm qua, hồ tiêu gặp biến động lớn do giá cả xuống thấp, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, Bình Phước khuyến khích nông dân trồng hồ tiêu tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, tạo ra sản phẩm đáp ứng cao yêu cầu của đơn vị thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Bình Phước và Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã liên kết hợp tác, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hồ tiêu. Nedspice cam kết thu mua hồ tiêu trên địa bàn Bình Phước với sản lượng tiêu thụ khoảng 10.000 tấn trong năm 2018, chiếm 1/3 tổng sản lượng hồ tiêu của “thủ phủ” tỉnh này.

Hiện, Bình Phước có 1.500 nhà nông trồng hồ tiêu tham gia vào các dự án của Nedspice, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất hồ tiêu bền vững với tổng diện tích lên đến 2.100ha. Cùng đó, nông dân tham gia vào dự án sản xuất hồ tiêu đạt theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ được thưởng thêm 5.000 đồng/kg và nhiều ưu đãi khác.

Hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của Bình Phước. Tỉnh hiện trồng hơn 17.700ha hồ tiêu, vượt xa quy hoạch hơn 7.000ha. Sản lượng bình quân trên 30.000 tấn/năm; trong đó có 10.000 tấn được đặt hàng thu mua xuất khẩu; số còn lại do nông dân “tự bơi” tìm đầu ra trên thị trường.

Tập trung tái cơ cấu ngành hồ tiêu

Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho rằng, với tốc độ gia tăng năng suất và sản lượng hồ tiêu tại một loạt quốc gia như Brazil, Indonesia, Malaysia, Campuchia…, thị phần của Việt Nam đang bị đe dọa dù hiện tại chiếm trên 50% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Điều đáng lưu ý, các nước rất chú trọng đến vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm hồ tiêu, trong khi đây lại là điểm yếu của hồ tiêu Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua, diện tích tiêu tăng quá nhanh không thể kiểm soát được, đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.

“Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu... Do vậy, từ nay, cây tiêu không nên đi theo con đường chạy theo số lượng mà phải là chất lượng”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm mà phải kiên quyết kéo giảm xuống. Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Bộ sẽ tập trung làm ngay công tác về giống tiêu, chọn ra được những giống tốt để công nhận. Đồng thời, tìm ra những quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.

“Hạt tiêu không chỉ làm gia vị mà còn có thể làm nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm nước hoa, các thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Vì vậy, doanh nghiệp cần đầu tư các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu để tăng đầu ra, chất lượng, thương hiệu cho hồ tiêu Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.

Còn theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, cung vượt cầu vẫn là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu không hồi phục. Có tới 95% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam làm ra được dùng để xuất khẩu, vì vậy, chất lượng là con đường mà ngành hồ tiêu phải lựa chọn. Hiện, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hồ tiêu. Điều này chứng tỏ ngành hồ tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm, vẫn coi là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu nên họ đầu tư.

“Bình quân 5 năm chu kỳ giá lên và xuống đáy giá tiêu, nhưng Việt Nam duy trì 11 năm với giá gấp 5 lần giá thành. Nhưng tai họa khi cung vượt cầu quá nhiều. Việt Nam phải điều tiết thị trường với vị trí chủ chốt để giữ giá không xuống quá thấp. Doanh nghiệp hồ tiêu Việt cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để tăng đầu ra cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho hồ tiêu”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho rằng, với 100 tấn hồ tiêu nguyên liệu thì sản xuất được 8 tấn dầu thì giá trị gia tăng gấp 6 lần so với chế biến thô. Do đó, ngoài giải pháp tạo vùng nguyên liệu bền vững, hệ thống chế biến đồng bộ, hạn chế lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, thì việc tăng chế biến sâu là cần thiết.      

 

Việt Nam sẽ có sàn giao dịch hồ tiêu vào năm 2019

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Sàn giao dịch Hàng hóa Việt Nam dự kiến triển khai hoạt động năm 2019 với nhiều mặt hàng, trong đó có hồ tiêu, hoạt động theo cách thức giá tham chiếu sẽ giảm rủi ro cho nông dân và xuất khẩu, tăng giá trị cho ngành hồ tiêu Việt Nam.

 

 

 

 

 

P.V tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top