Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2022 | 11:36

Chi phí đầu vào “quét” lợi nhuận, cảnh báo hệ lụy của một nền nông nghiệp đánh đổi

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu các địa phương không xem vấn đề lạm dụng phân - thuốc là cái bẫy dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm bào mòn thu nhập của nông dân. Sâu xa hơn, còn chưa tính đến những hệ lụy khác của một "nền nông nghiệp đánh đổi".

279067939_730771381290986_8842404960339031275_n.jpg
Nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sẽ đánh đổi nhiều thứ, trong đó có sức khỏe nông dân. (Ảnh: Quang Định)

Chi phí đầu vào bào mòn lợi nhuận

Kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp làm nông ảm đạm trước bối cảnh giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, cước vận tải… tăng mạnh.

Sau 3 quý thua lỗ liên tiếp, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - HNG) tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn. Công ty nông nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương lỗ 113 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn có lợi nhuận dương. Mảng nông nghiệp của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng ghi nhận thêm một quý thua lỗ khi lợi nhuận âm gần 56 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 392 tỷ đồng.

Không đến mức thua lỗ nhưng Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) chỉ ghi nhận lãi sau thuế gần 9 tỷ đồng. Mức này giảm đến gần 98% so với cùng kỳ và trở thành con số thấp nhất 10 quý gần đây. Khả quan hơn, nhưng Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) vẫn hụt hơn 12% lợi nhuận sau thuế.

Chi phí đầu vào là nhân tố chính ăn mòn lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết, giá phân bón và vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng 130%, bao bì đóng gói trái cây cũng tăng 15% so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến Hòa Phát phải duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành.

Với Vinamilk, nguyên vật liệu đầu vào là yếu tố chính đưa biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp xuống thấp trong kỳ. Nhóm chi phí này tiếp tục duy trì ở mức cao do thiếu hụt nguồn cung và ảnh hưởng từ khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu. Thêm vào đó, việc giá dầu thô tăng cao đã làm đội thêm chi phí vận chuyển, đẩy giá vốn bán hàng và nhiều chi phí đầu vào tăng theo.

Tương tự, HAGL Agrico cho biết, chi phí vận chuyển đường bộ ghi nhận mức tăng đến 26% trong khi vận chuyển bằng đường biển tăng đột biến lên tới 237%. Công ty còn đối mặt tình trạng thiếu container lạnh để xuất khẩu trái cây, thời gian vận chuyển, thông quan tăng gấp 3 lần từ 12 ngày lên 35 ngày làm dồn ứ hàng, giảm chất lượng trái cây, tăng chi phí kho bãi.

Lãnh đạo Dabaco cũng nhấn mạnh căng thẳng Nga - Ukraine đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế. "Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng", Dabaco nói và cho rằng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp thuộc tập đoàn.

 

heo-jpeg-1646886707-2772-16468-6649-9187-1651741578.jpg
Trang trại nuôi heo của một doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Châu)

 

Không chỉ các doanh nghiệp lớn, chi phí đầu vào cũng đang quét "sạch túi" nhiều nông dân. Chị Kim Thủy (Trà Vinh) đang nuôi 30 con lợn, suốt thời gian qua luôn đau đầu vì giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Chị cho biết mới tuần trước, giá thức ăn cho lợn chỉ khoảng 555.000 đồng một bao 25kg, nay tăng lên 567.000 đồng. Từ đầu năm đến nay đã có 3-4 lần giá cám heo công nghiệp điều chỉnh.

"So với giá lợn, giá thức ăn chăn nuôi tăng nhanh hơn và liên tục từ cuối năm 2020. Trung bình để nuôi một con lợn tôi tốn khoảng 5,4 triệu đồng, với giá lợn hơi hiện tại, tôi chỉ huề vốn trong điều kiện nuôi suôn sẻ", chị nói. Nhiều hộ trong khu vực lỗ hàng chục triệu đồng khi vài con lợn trong đàn chẳng may bị bệnh.

Giá đầu vào vẫn không ngừng tăng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần nhận định giá phân bón và thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây áp lực cho nông dân và doanh nghiệp. Hồi tháng 8 năm ngoái, cơ quan này cũng đề nghị Bộ Công Thương lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón tại các tỉnh phía Nam.

Với ngành trồng trọt, phân bón chiếm gần một nửa giá thành sản xuất, tình trạng giá bán một số loại phân bón liên tục tăng cao đang là gánh nặng lớn. Giá urê Cà Mau, urê Phú Mỹ hiện khoảng 18.000 đồng một kg, phân DAP Đình Vũ có giá gần 19.00 đồng một kg, phân NPK Phú Mỹ giá 16.000 đồng một kg... Đa số đều có mức tăng lên đến hai chữ số, có loại tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm ngoái.

Tương tự, giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục lập đỉnh. Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp như MNS Feed, De Heus, Emivest Feedmill (Tiền Giang), C.P Việt Nam, Greenfeed Việt Nam... lần lượt thông báo tăng giá các sản phẩm thức ăn chăn nuôi với biên độ 300-500 đồng một kg. So với cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 125.000-150.000 đồng một bao 25kg.

Bước qua nền nông nghiệp đánh đổi

Giá đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đây là cơ hội chuyển nền nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kiên trì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững".

Trong vấn đề vật tư nông nghiệp tăng giá thì không có ai "vô can". Từ việc sử dụng, đã xuất hiện tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Rồi từ những loại phân thuốc bình thường, dần đã xuất hiện những sản phẩm "cực mạnh", "siêu nhanh" như những tấm bảng quảng cáo ngay trên đồng ruộng và hằng ngày trên báo đài.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng nông dân Việt Nam đã lãng phí trong sử dụng phân - thuốc tới 40-50%. Ngân hàng Thế giới cách đây 5 năm đã nhận định vấn đề của nông nghiệp Việt Nam là "chi phí cao, chất lượng kém", và đưa ra khuyến nghị về mọi giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là phải đảo ngược lại theo hướng "giảm chi phí, tăng chất lượng".

 

san-xuat-lo-npk-phu-my-vi-sinh-9486-6394-1651741578.jpg
Dây chuyền sản xuất phân NPK tại một doanh nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Tín hiệu đáng mừng là trong vài năm gần đây, nhiều mô hình chứng minh "giảm chi phí, nâng chất lượng" hoàn toàn có thể thực hiện. Nhiều nông dân trồng lúa đã giảm được giống xuống chỉ còn 2/3, thậm chí gần phân nửa so với trước. Giảm được giống đồng nghĩa là giảm được phân thuốc, song năng suất vẫn đảm bảo hoặc có thể sụt giảm nhưng bù lại tiết kiệm được chi phí nhiều hơn.

Nhiều nông dân áp dụng bón phân dùi, sử dụng phân tan chậm, tham gia mô hình "lúa - tôm", "lúa - cá", "lúa - sen", hoặc xen canh, đa canh, tạo ra tuần hoàn dinh dưỡng trong đất…

Tuy nhiên, sự lan tỏa những cách làm hiệu quả như vậy còn chậm.

Đầu tiên, đó là do tập quán lâu đời không dễ thay đổi. Bà con thường nhìn sang mảnh ruộng kế bên mà ít có điều kiện tìm đến những mô hình ở xa và "chưa thấy, chưa tin" là tâm lý chung.

Thứ hai, cũng có khi thấy rồi, tin rồi, nhưng vẫn khó thay đổi, vì muốn làm theo phải tốn thêm chi phí ban đầu, trong khi đó sức ép mùa vụ, nhất là với những nông dân sản xuất quy mô nhỏ…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu các cấp chính quyền thường chỉ quan tâm tới mục tiêu sản lượng, không xem vấn đề lạm dụng phân thuốc là cái bẫy dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm bào mòn thu nhập của nông dân. Sâu xa hơn, còn chưa tính đến những hệ lụy khác của một "nền nông nghiệp đánh đổi".

Đó là đánh đổi môi trường tự nhiên, suy thoái hệ sinh thái; đánh đổi sức khỏe cộng đồng và sức khỏe của chính người nông dân; đánh đổi hình ảnh, thương hiệu nông sản của địa phương mình.

Thực tế, một bộ phận cán bộ thanh tra, kiểm tra sản phẩm vật tư nông nghiệp thiếu năng lực, tắc trách. Bà con nông dân thì thường chỉ quan tâm đến giá đầu ra mà ít quan tâm đến giảm chi phí đầu vào, quan tâm đến sản lượng nhiều hơn là chất lượng.

Đi đâu cũng thường nghe bà con hỏi nhau câu: "Mùa rồi có được mùa, trúng giá không?", mà ít khi nghe chia sẻ nhau: "Có giảm chi phí được hơn chút nào không?".

Cơ hội thay đổi nền nông nghiệp

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, gần đây, nhiều mô hình sản xuất của bà con nông dân đã chủ động chuyển sang sử dụng chế phẩm, phân thuốc sinh học, vật tư đầu vào từ những nguyên liệu, phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sẵn có tại địa phương, thân thiện với môi trường… Kết quả ban đầu tại nhiều mô hình được đánh giá là tiết kiệm, hiệu quả.

Tất nhiên, mọi thay đổi cần một quá trình. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thương mại hóa các sản phẩm hữu cơ, sinh học nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước.

 

49739_may_cuon_rom_giai_phap_co_gioi_hoa_sau_thu_hoach_l.jpg
Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, thu lợi nhuận và an toàn thân thiện môi trường.

Phải tư duy rằng tiết giảm chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp có nhiều mục tiêu: Một là, tăng lợi nhuận cho người nông dân. Hai là, giảm chi phí nhưng đồng thời nâng chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản. Ba là, sẽ chuyển giao những công nghệ ủ phân hữu cơ phù hợp cho nông dân. Bốn là, kiên trì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp "Xanh - Sinh thái - Bền vững".

"Nông nghiệp truyền thống vì mục tiêu duy nhất là sản lượng. Nông nghiệp mới hướng tới vừa đạt mục tiêu sản lượng và đạt cái còn quan trọng hơn là chất lượng. Đó là chuyển từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp".

Tư duy đó không phải nằm trong các bản chiến lược cấp trung ương mà phải nằm trong kế hoạch hành động của địa phương, ngay cả cấp xã.

Đây là cơ hội để thay đổi hình ảnh một nền nông nghiệp. Đó sẽ là tiền đề xây dựng thương hiệu nông sản Việt. Như vậy, thay đổi để "chủ động thích ứng" bối cảnh mới chứ không phải giải pháp "đối phó" nhất thời", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top