Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2018 | 15:12

Cho những cánh rừng mãi xanh

Trong suốt chặng đường phát triển rừng và đất lâm nghiệp, Hà Tĩnh được Trung ương ghi nhận là địa phương bảo vệ, phát triển rừng tiêu biểu của cả nước.

Hà Tĩnh có 296.928,2ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 221.788,7ha; rừng trồng 75.139,5ha, rừng đặc dụng 74.166,4ha, rừng phòng hộ 100.364,9ha và rừng sản xuất 121.194,4ha. Vì thế, rừng Hà Tĩnh hiện có tổng trữ lượng gỗ lên đến 32 triệu mét khối, trong đó rừng tự nhiên gần 26 triệu mét khối, độ che phủ luôn đạt trên 55%, ở mức cao so với cả nước.

 

tr16.jpg
Lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh tuần tra kiểm soát rừng.

Cho rừng mãi xanh

Vào một ngày cuối năm 2017, chúng tôi có chuyến ngược ngàn lên với những cánh rừng ở các huyện miền núi Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn. Trước mắt chúng tôi là màu xanh bạt ngàn của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên và rừng trồng. Mặc dù Hà Tĩnh là tỉnh phải hứng chịu ảnh hưởng của thiên tai khắc nghiệt, hàng năm bão, lũ dồn dập nhưng có lẽ con người và vạn vật ở đây đã từng quen chịu đựng với phong ba bão táp, nên rừng Hà Tĩnh vẫn chở che, bảo vệ cuộc sống con người.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm- Lâm nghiệp Hà Tĩnh, ông Hoàng Quốc Huấn, chỉ tay về phía đỉnh núi Giăng Màn thuộc địa phận xã Sơn Tây (Hương Sơn) nói với chúng tôi: Rừng ở đây vẫn đầy ắp màu xanh, bạt ngàn gỗ quý như lim, táu, dỗi, kền kền…; trữ lượng gỗ ở khu vực này chiếm phần nhiều so với tổng trữ lượng 32 triệu mét khối trên địa bàn.

Cũng theo ông Huấn, với độ che phủ ở đây luôn đạt từ 80-90%, rừng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, hàng chục năm nay chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào đáng kể. Còn nói về nạn chặt phá rừng lại càng được bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Cũng theo ông Huấn, đây là thành công trong công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng có hiệu quả của các chủ rừng trên địa bàn, trong đó phải ghi nhận nỗ lực của Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, các tổ chức, cá nhân, các hộ gia đình được giao đất, giao rừng quản lý bảo vệ rừng nghiêm túc.

Đến với những vùng rừng nguyên sinh

Theo lời giới thiệu và hướng dẫn của ông Hoàng Quốc Huấn, điểm đến của chúng tôi là Vườn quốc gia Vũ Quang. Gặp gỡ những người gác rừng ở đây và Giám đốc Vườn quốc gia Nguyễn Văn Kỳ, tay bắt mặt mừng, sau ấm trà chén nước, chúng tôi vội vã lên đường. Mệnh lệnh mà anh Kỳ giao cho mấy chiến sĩ kiểm lâm vườn cùng chúng tôi là phải vượt rừng đến thực tế ở những cánh rừng nguyên sinh.

Trạm trưởng Trạm Khe Cò 1 Phạm Văn Ngọc vừa mới chỉ huy cánh quân đi kiểm tra rừng về, quần áo, giày tất ướt sũng và còn bám đầy sên, vắt nhưng các anh vẫn tranh thủ tiếp chúng tôi trên chiếc giường dã chiến được ghép bằng các thân cây nhỏ, lá cây rừng làm chiếu. Ngọc kể: Trạm quản lý và bảo vệ rừng khu vực Khe Cò đóng trên địa bàn các xã Hương Quang, Hương Điền. Trạm quản lý hơn 20.000ha rừng, bao gồm phân khu quản lý nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, kể cả vùng đệm 44ha là khu vực hành chính, dịch vụ du lịch. Khi công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ trở thành hồ lớn trên núi. Vì thế cả khu vực chúng tôi quản lý sẽ trở thành khu du lịch sinh thái rừng, việc quản lý, bảo vệ phải nghiêm ngặt hơn.

Rời trạm Cò 1, chúng tôi tiếp tục băng rừng đến với trạm Sao La. Đứng giữa rừng Vũ Quang bao la hùng vĩ, mới thấy con người quá nhỏ bé. Trạm trưởng Lê Công Sáng tâm sự, nơi đây khi chưa lập trạm, lâm tặc thường hay lợi dụng phương tiện ôtô, công nông, thuyền bè lén lút chở các loại lâm sản trái phép. Ngoài việc khai thác lâm sản, chúng còn tổ chức săn bắn, đặt bẫy bắt các loài động vật quý hiếm trong đó có cả sao la và mang lớn. Nhưng kể từ khi có trạm kiểm soát thì tệ nạn trên giảm xuống mức thấp nhất.

Sau nửa ngày chiêm ngưỡng các khu rừng đặc dụng cũng là lúc hoàng hôn bắt đầu buông xuống, chúng tôi cùng nhau mắc võng đánh một giấc ngủ trên độ cao gần ngàn mét so với mặt biển. Sáng sớm tinh sương, cả đoàn cơm đùm, cơm gói tiếp tục lên đường. Tuy trèo rừng không quen lắm nhưng tôi vẫn cố bám chắc chân theo các anh. Càng lên cao rừng càng bằng phẳng và xuất hiện nhiều cánh rừng gỗ quý dày đặc hơn, có những cây pơmu 3 anh em chúng tôi ôm không xuể. Chúng tôi phải chen chúc nhau giữa rừng cây gỗ lớn để tìm hướng đi tới một điểm dừng chân, mọi người kể, mỗi chuyến đi rừng phải mất cả tuần lễ, có khi nửa tháng bởi mưa, lũ trút xuống xối xả, hiện tượng lũ cướp dòng do nước nguồn từ phía rừng Lào đổ về khiến chỉ trong giây lát các vùng rừng bị chia cắt. Nhiều lúc hết thức ăn nước uống anh em phải đào củ rừng ăn qua bữa, “làm bạn” với mấy loài thú dữ như voi, hổ, gấu, rắn, beo... Còn cuộc chiến với lâm tặc càng gian lao và nguy hiểm hơn. Ngọc cho rằng: “Anh em ngăn cản ở rừng thì nhiều tên lâm tặc trả thù bằng cách về xuôi tìm đến nhà vợ con của chúng tôi để trả thù. Thế nhưng chẳng có gì ngăn nổi ý chí và nghị lực của anh em gác rừng Vũ Quang”.

Nỗi niềm mong mỏi

Sau hai ngày đêm lặn lội chốn rừng xanh trở về “Bộ chỉ huy”, chúng tôi có dịp trò chuyện với “Tư lệnh trưởng” Nguyễn Văn Kỳ, người được anh em ví lời nói  như “rìu chém đá”. Vì thế có bao nhiêu vụ lâm tặc đột nhập rừng đặc dụng đều bị các chiến sỹ kiểm lâm vườn chặn đứng sau mệnh lệnh của “tư lệnh”.

 

tr16a.JPG
Những nỗ lực giữ rừng của lực lượng kiểm lâm.

 

Bên ấm chè xanh, Kỳ tâm sự, bài học giữ được rừng là giữ được tài nguyên của một vườn quốc gia. Trước đây khi dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang chưa thực hiện thì việc quản lý bảo vệ rừng còn có phần thuận lợi hơn. Nhưng khi công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang xuất hiện thì tổng thể rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có rừng phòng hộ và đặc dụng buộc phải khai thác, thanh lý để nhường chỗ cho đập dâng nước rộng lớn cả chục ngàn hecta. Cái khó nhất là công tác bảo vệ rừng, bảo vệ phân ranh giữa lô, khoảnh khai thác rất khó phân biệt để giữ được rừng. Nhưng nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh, huyện, đơn vị đã không quản ngại ngày đêm bám trụ trên những cánh rừng để bảo vệ cho bằng được và hôm nay thực sự một đại dự án thành công ra đời, nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, hồ trên núi. Bởi một bên là cảnh quan môi trường rừng núi bao la, một bên là biển hồ dài 35km, rộng gần 1km2 đây là một tiềm năng khai thác du lịch tương lai. Vì thế, khi cửa đã mở thì “ruồi nhặng” sẽ lén lút phá rừng, săn bắt động vật hoang dã quý hiếm là không thể tránh khỏi. buộc những người gác rừng phải làm tròn bổn phận.

Còn nói về nhiệm vụ chính của cả Vườn quốc gia là phải bảo tồn mẫu chuẩn và bảo tồn sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng tự nhiên thuộc khu vực mình quản lý. Phía Tây Nam khu IV thuộc dãy Trường Sơn tiếp giáp biên giới Việt - Lào. Vùng rừng này góp phần tích cực duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển kinh tế đa dạng của các tỉnh khu IV cũ. Đồng thời phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học đời sống, tham quan du lịch...Vì thế, sứ mệnh của Vườn quốc gia phụ thuộc vào ý thức bảo vệ chung của toàn xã hội, nhất là của hơn 40.000 dân cư sống trong vùng đệm mà người đứng mũi chịu sào chính là những người gác rừng Vũ Quang.

Anh Bình

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top