Chủ động nước tưới cho cây trồng những ngày nắng nóng
Hiện nay, đang vào cao điểm của những ngày nắng nóng tại các tỉnh miền Trung, việc đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp đang là nỗi lo của người nông dân, việc chủ động nguồn nước tưới và bảo đảm nguồn nước cần sự chung tay của các ngành chức năng.
Nông dân Nghệ An xoay xở để có nước tưới cho cây
Trồng 6ha cam theo hướng hữu cơ, anh Trần Điển Vi ở xóm Sướn, xã Thanh Đức (Thanh Chương) đã đầu tư hệ thống tưới phun gốc tự động và kéo đường ống để tưới phun cho cam. Mùa Hè năm nay, để đảm bảo nguồn nước tưới ổn định, dồi dào cho hàng nghìn gốc cam trong giai đoạn dưỡng quả, tích nước cho quả, anh đã đầu tư cả trăm triệu đồng để kè ao giữ nước.
Anh Trần Điển Vi cho biết: “Cam là loại cây trồng có khả năng chịu hạn kém, mùa Hè là giai đoạn để cây phát triển, tích nước trong quả nên nếu không được chăm sóc cẩn thận thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, sản lượng. Do đó, để vườn cam đạt năng suất cao, từ đầu mùa nắng gia đình đã chuẩn bị chu đáo các biện pháp chống nóng cho cam, như: bổ sung hệ thống tưới, dùng cỏ để tủ gốc cho cam, bón phân vi sinh để chống hạn và điều hoà sinh trưởng cho cây cam...".
Anh Trương Phú Tuấn ở xóm Tân Yên (xã Tân Phú, Tân Kỳ) trồng 1,2ha cam, năm 2021, cam đến ngày thu hoạch thì thối và rụng quả hàng loạt, thua lỗ cả trăm triệu đồng. Bước vào vụ cam năm nay, tỷ lệ ra hoa đậu quả thấp, hiện cam đang thời kỳ dưỡng quả, tích nước cho quả thì gặp nắng nóng gay gắt bởi vậy anh rất lo lắng.
Để có nước tưới cho cam, anh đã vận dụng các mạch nước khe, suối xung quanh; khoan giếng để chủ động nguồn nước, đồng thời, thực hiện bón phân vi sinh để vừa cung cấp chất dinh dưỡng, vừa giữ ẩm cho cây cam. Mặt khác, để cỏ dại mọc tốt trong các vườn cam, tưới chế phẩm để cung cấp hệ vi sinh vật phát triển làm xốp đất và thoáng khí. Với cách làm này, dù nắng nóng và gió Lào thổi rạc nhưng vườn cam của anh vẫn xanh tốt, quả phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Kỳ cho biết: “Những năm gần đây, cây cam là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho nông dân Tân Kỳ. Việc chống hạn cho cây cam được bà con quan tâm, đầu tư. Ngoài biện pháp tưới nước, trồng xen để giữ ẩm cho đất thì giải pháp về sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cũng rất hiệu quả, đang được nhân rộng ra khắp các địa phương. Đây là giải pháp chống hạn tốt nhất lại ít tốn kém nhất”.
Còn những nông dân ở “thủ phủ” cam ở Quỳ Hợp lại có cách chống hạn bằng cách trồng xen lạc, xen dưa, xen bí vào các vườn cam. Nhờ phương pháp trồng xen này mà đất giữ ẩm tốt hơn, tơi xốp hơn, cây cam nhờ thế cũng bớt khô hạn hơn.
Anh Hoàng Văn Hoan (xóm Xuân Sơn, xã Văn Lợi, Quỳ Hợp) cho biết: “Trong 500 gốc cam đang giai đoạn ra quả bói, tôi trồng xen dưa, xen lạc vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa có tác dụng giữ ẩm, chống hạn cho cây cam. Trồng dưa theo rãnh xen giữa các hàng cam, có phủ ni lông đục lỗ, hàng ngày bơm tưới cho dưa, nước thẩm thấu xuống đất, ngấm lâu và giữ ẩm được lâu hơn, đỡ được khoản tưới thường xuyên cho cam”.
Hiện, Nghệ An đang bước vào giai đoạn nắng nóng gay gắt, khô hạn kéo dài, cây cam lại đang vào giai đoạn tích nước cho quả. Do đó, nếu không đủ nước tưới, không đủ độ ẩm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng cam quả. Thời gian qua, nông dân các vùng trồng cam chủ động, tích cực với nhiều phương án chống hạn cho cây cam nên hiện các vườn cam đang sinh trưởng, phát triển tốt, chưa bị tác động tiêu cực bởi thời tiết cực đoan.
Hà Tĩnh điều tiết hợp lý nguồn nước tưới
Vụ hè thu năm nay, nắng nóng kéo dài khiến lượng nước trên đồng ruộng và các công trình thủy lợi bốc hơi nhanh, trong khi đó, nhu cầu dùng nước trong giai đoạn tỉa dặm và bón thúc kỳ đầu tiên của lúa tăng cao. Vì thế, huyện Thạch Hà đã chỉ đạo các xã, trong đó có Thạch Long và Việt Tiến chủ động trong việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, tập trung vận hành công trình thủy lợi cấp nước, điều tiết, phân phối nguồn nước hợp lý.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, 7.600 ha lúa vụ hè thu ở huyện Thạch Hà sinh trưởng, phát triển khá tốt. Địa phương cũng đã chủ động trong việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa.
Diện tích chè ở huyện Kỳ Anh hiện nay là 360 ha. Toàn bộ sản phẩm chè của người dân được Xí nghiệp Chè 12/9 thu mua. Trong những năm qua, để ứng phó với các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, người trồng chè các xã Kỳ Trung, Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lạc... đã chủ động đầu tư hệ thống béc tưới bài bản, mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, diện tích chè ở vùng thượng Kỳ Anh đang phát triển nhanh, khỏe mạnh, năng suất tốt, giúp bà con yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định.
Đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng đã về một số địa phương để kiểm tra hệ thống công trình, kênh mương; tăng cường công tác chỉ đạo điều tiết, phân phối nguồn nước tưới, đảm bảo cho lúa hè thu sinh trưởng, phát triển tốt.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, vụ hè thu năm nay bước đầu có nhiều thuận lợi về nguồn nước tưới, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, không vì thế các địa phương được chủ quan mà cần thường xuyên kiểm tra hệ thống công trình, kênh mương, tăng cường công tác chỉ đạo điều tiết, phân phối nguồn nước tưới, nhất là các vùng cuối kênh, vùng cao, vùng xa, tránh nguy cơ thiếu nước; tăng cường kiểm tra, giám sát phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan diện rộng, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của cây lúa.
Huyện Kỳ Anh và các địa phương có diện tích cây chè lớn như: Hương Khê, Hương Sơn cũng cần thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để chủ động các biện pháp chống hạn; hỗ trợ và giúp đỡ bà con trong việc đảm bảo nước tưới ổn định cho vùng sản xuất chè.
Với các đề xuất chủ trương đầu tư dự án nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà đầu tư phối hợp với địa phương, các ngành liên quan để có rà soát, tính toán kỹ tất cả các yếu tố, đánh giá đầy đủ tác động tới môi trường sinh thái, nhất là khi dự án nằm ngay gần các đập, hồ chứa nước. UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét kỹ từng dự án để đưa ra quyết sách hợp lý.
Tuyên Hóa sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý
Vụ hè-thu năm 2022, toàn huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) gieo trồng được hơn 1.191ha lúa, trong đó, hơn 974ha diện tích bảo đảm được nước tưới, còn lại hơn 217ha lúa phải bơm nước chống hạn.
Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ hè-thu, ngay từ khi bước vào vụ sản xuất, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch vận hành các hồ, đập một cách an toàn và hiệu quả; đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, tận dụng những nguồn nước tại chỗ và tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước tưới bị rò rỉ.
Hiện nay, huyện Tuyên Hóa đang quản lý, vận hành 84 hồ, đập lớn nhỏ với trữ lượng nước tại các công trình đạt khoảng 70% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình nắng nóng có thể kéo dài, mực nước trên các dòng sông, khe, suối trên địa bàn có xu hướng hạ thấp, nhiều khả năng sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước cung cấp cho một số cánh đồng gieo trồng lúa hè-thu.
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, để bảo đảm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ hè-thu, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan, rà soát diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất, xây dựng phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.
“Trước mắt, UBND các xã, thị trấn tiếp tục chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, ao, đầm, sông, suối để chủ động phương án cấp nước cụ thể đối với từng vùng; lập kế hoạch sử dụng nước, lịch tưới, mức tưới từng đợt, theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Đặc biệt, quá trình sử dụng nước thực hiện quy trình tưới tiết kiệm, áp dụng hình thức tưới ẩm, chống tổn thất, lãng phí, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước để sản xuất, chăm sóc và thu hoạch”, ông Đinh Xuân Thương nhấn mạnh.
Năm 2022 là năm thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều địa phương miền Trung đang trải qua những ngày nắng nóng, nhiệt độ liên tục ở mức cao, không chỉ thiếu nước cho sinh hoạt, thiếu nước cho cây trồng vật nuôi đang là vấn đề mà nông dân và các ngành chức năng ở đây quan tâm.
Việc sử dụng có hiệu quả nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi được đặt lên hàng đầu, sử dụng nước sao cho hiệu quả, hợp lý nhất là ứng dụng các phương pháp tưới nước tiết kiệm cần được nông dân áp dụng để cây trồng có đủ nguồn nước sinh trưởng là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần phải có những biện pháp dự trữ nguồn nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp được lâu dài, dó đó xây dựng hệ thống hồ đập, nạo vé kênh mương cần phải được chú trọng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…
Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, Zoom..., vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội Làm vườn huyện Yên Thành (Nghệ An) còn chú trọng nhân rộng các mô hình VAC hiệu quả.