Trong những ngày vừa qua do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, gây mưa to ở nhiều tỉnh miền Trung làm diện tích trồng trọt bị ngập úng, gây thiệt hại cho lúa và hoa màu khi sắp đến thời kỳ thu hoạch.
Chủ động ứng phó với những bất thường của thời tiết để giảm thiệt hại cho nông dân là biện pháp quan trọng nhất.
Thiệt hại nặng nề do mưa lớn bất thường
Từ ngày 1/4 ở các tỉnh miền Trung xuất hiện một đợt mưa trái mùa gây nhiều thiệt hại cho bà con, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết. Đợt mưa lớn, giông lốc “dị thường” vừa qua gây thiệt hại rất nặng nề cho tỉnh, trên địa bàn có 2 người dân mất tích, 91 tàu thuyền của ngư dân bị chìm, có 2.450 lồng tôm; 12 nhà dân và 1 trường học bị ảnh hưởng; trên 12.400ha lúa bị đổ ngã, ngập nước; 259ha hoa màu bị thiệt hại. Ước tính khoảng 170 tỷ đồng thiệt hại.
Bình Định cũng là địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lớn những ngày qua. Theo đó, gió lớn đã gây đứt dây neo làm chìm, thiệt hại 55 phương tiện khai thác hải sản/53 hộ ở xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn). Ước tổng giá trị thiệt hại khoản 3,2 tỉ đồng. Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập nước, hư hỏng.
Từ 31/3 đến 2/4, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng, nhất là khu vực phía Nam tỉnh, tổng lượng mưa phổ biến 160-380 mm, có nơi trên 400 mm. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Mưa lũ đã khiến gần 10.500ha lúa và hơn 3.000ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng, 200ha thủy hải sản bị thiệt hại, 3 nhà dân ở huyện Triệu Phong bị tốc mái, có hơn 808 hộ bị ngập nước từ 0,1 đến 0,3m tập trung tại các xã: Hải Lâm, Hải Thượng (huyện Hải Lăng).
Tại Quảng Ngãi, trong những ngày qua, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm hàng ngàn héc ta lúa đông xuân và hoa màu của người dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, đổ ngã gây hư hại nặng.
Bà Huỳnh Thị Tất, ở xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) cho biết, trong mấy ngày qua, trời mưa lớn liên tục khiến 4 sào lúa gần tới ngày thu hoạch bị ngã rạp, ngập úng. "Ngoài lúa, hơn 3 sào rau màu khác như bắp cải, rau xanh, đậu phộng… cũng bị ngập nước, hư hỏng. Bị ngập như thế này là coi như mất trắng", bà Tất nói.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, tính đến chiều 2/4, toàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 5.000 héc ta lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông và chuẩn bị thu hoạch bị ngập nước, ngã đổ, trong đó có khoảng 1.500 héc ta lúa bị ngã đổ hoàn toàn và diện tích bị ngập úng là 3.000 héc ta. Ngoài ra, mưa lớn cũng làm cho 1.000 héc ta hoa màu bị ngập úng, hư hại nặng.
Trong bài viết này chưa thể thống kê hết được sự tổn thất, thiệt hại do mưa bất thường gây ra tại các tỉnh miền Trung, nhưng có thể khẳng định hình thái thời tiết này đều do biến đổi khí hậu gây ra, nó sẽ thường xuyên và có nhiều diễn biến phức tạp hơn nếu như chúng ta không có những biện pháp làm giảm ảnh hưởng từ sự biến đổi khí hậu này.
Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi
Để giảm thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra, bản thân còn người chúng ta cũng cần phải chủ động để ứng phó với nó.
Giảm lượng khí thải vào môi trường là một trong những biện pháp để làm giảm nguy cơ biến đổi khí hậu tác động xấu đến môi trường, cũng như giảm bớt những thiên tai do chính sự biến đổi khí hậu gây ra.
Trong khuôn khổ “Thỏa thuận xanh” của Ủy ban châu Âu, EU đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Tham vọng giảm phát thải khí nhà kính xuống 55% so với mức năm 1990 được đưa ra trong các văn bản pháp lý của các quốc gia thành viên và Nghị viện châu Âu trong các vấn đề khí hậu, vừa được thông qua vào cuối tháng 6/2021.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất kế hoạch “Fit for 55”, tạm dịch là “Thích ứng với khí hậu” gồm 12 dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một thế giới không phát thải ròng, mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin.
Việt Nam chúng ta không nằm ngoài sự biến đổi khí hậu này và cũng cần phải có trách nhiệm với các quốc gia khác trên thế giới.
Ngày 1/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ COP26 tại TP. Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ngoài việc tham gia vào các chương trình của quốc tế về biến đổi khí hậu, chúng ta cần chủ động thích ứng với thời tiết, để khi xảy ra những diễn biến bất thường bà con nông dân sẽ không bị thiệt hại.
Theo dõi tình hình thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm tốt công tác chuẩn bị chằng chống cơ sở vật chất, nhà cửa…để bảo đảm không bị thiệt hại khi có diễn biến thời tiết bất thường xảy ra.
Chủ động đưa bà con ở những vùng xung yếu, vùng có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng ra nơi an toàn để bảo vệ người và tài sản là một trong những biện pháp cấp thiết, hàng đầu.
Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, máy móc và con người để kịp thời ứng phó với những tình huống xảy ra, kịp thời có mặt để cứu hộ, cứu nạn cho bà con nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.
Đối với cây tròng và hoa màu cần kiểm tra và thu hoạch sớm để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất, kêu gọi các phương tiện đánh bắt xa bờ vào nơi tránh bão an toàn.
Đây mới chỉ là đầu mùa mưa bão của năm 2022, nhưng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đêm ngày 3/4 đến ngày 6/4, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và phía Đông Tây Nguyên tiếp tục có mưa to đến rất to. Trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ với đỉnh lũ lên mức báo động (BĐ) 1 và trên BĐ1. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị.
Vì thế, cần phải có sự chủ động trong phòng tránh thiên tai để giảm thiểu thiệt hại cho bà con và tài sản là điều quan trọng nhất mà chính quyền các địa phương nhất thiết phải chú ý.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.