Chiều 4/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trần Châu, cho biết: “Vừa chủ trì cuộc họp với các sở, ngành chức năng, hội - đoàn thể, UBND huyện Hoài Ân, TP. Quy Nhơn, các siêu thị, chợ… nhằm bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ thịt heo cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Giá heo hơi rớt ở mức quá thấp làm cho người chăn nuôi Bình Định lao đao. Trong ảnh: Một trang trại chăn nuôi ở xã Ân Nghĩa (Hoài Ân).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình: Từ đầu năm đến nay, do thiếu thị trường tiêu thụ, lượng heo nuôi xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch bị “đóng băng”, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao… đã làm cho giá heo hơi trên địa bàn tỉnh sụt giảm mạnh.
Hiện, giá heo hơi trung bình tại các địa phương trong tỉnh chỉ ở mức từ 19.000 - 24.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với cùng kỳ các năm trước. Trong khi đó, theo tính toán của người chăn nuôi, chi phí cho mỗi kg heo hơi xuất chuồng phải mất đến 36.000 đồng/kg. Mỗi kg thịt heo hơi, người chăn nuôi đang chịu mức lỗ 12.000 đồng/kg. Thêm vào đó, tuy giá heo hơi giảm mạnh, nhưng thực tế bất hợp lý hiện nay là tại các chợ, siêu thị, giá thịt heo các loại vẫn ở mức khá cao.
Giá thịt heo đùi tại các chợ hiện đang ở mức từ 70.000 - 80.000 đồng/kg; tại siêu thị Co.op Mart Quy Nhơn, giá thịt heo đùi ở mức 80.500 đồng/kg, sườn non 112.000 đồng/kg, thịt nạc giò 132.000 đồng/kg, sườn 74.500 đồng/kg. Đây là một thực trạng rất bất cập, đòi hỏi các ngành, các cấp cần có sự kiểm tra, kiểm soát giá cả một cách chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Theo nhận định, giá heo hơi trong thời gian tới vẫn còn ở mức thấp do đàn heo thịt trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung đến kỳ xuất chuồng còn rất lớn. Trong khi đó, các nhà máy, cơ sở giết mổ và đông lạnh ở nước ta không nhiều, riêng tại Bình Định hiện chưa có nhà máy nào đi vào hoạt động. Số lượng heo thịt giết mổ cấp đông để lưu kho dự trữ lâu dài không đáng kể, gây khó khăn cho hoạt động thu mua, tiêu thụ heo thịt...
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Trần Châu yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng khảo sát giá heo hơi thực tế, tính toán khung giá thành của thịt heo các loại sau khi giết mổ để đưa ra quy định mức khung giá thịt heo phù hợp.
Trên cơ sở đó, ban quản lý các chợ, các siêu thị cần công khai giá bán thịt heo tại quầy bán thịt để người tiêu dùng biết, hỗ trợ mua thịt heo sử dụng; UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh trại quân đội, công an, các doanh nghiệp, các trường học… có bếp ăn tập thể quan tâm hỗ trợ, giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thịt heo trong bữa ăn hàng ngày; Ngân hàng Nhà nước cho chủ trương để các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội có phương án khoanh nợ, giãn nợ, cho vay với lãi suất ưu đãi đối với người chăn nuôi, giảm gánh nặng về thua lỗ trong lúc khó khăn này.
Về giải pháp phát triển đàn heo lâu dài, Phó Chủ tịch Châu yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi heo trên địa bàn toàn tỉnh; ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ và định hướng phát triển chăn nuôi phù hợp; ưu tiên chăn nuôi trang trại theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi hữu cơ, gắn với tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Các doanh nghiệp, đại lý mua bán thức ăn chăn nuôi có chính sách hỗ trợ, giảm giá thức ăn chăn nuôi, giúp người chăn nuôi ổn định, khôi phục sản xuất.
Phú Mỹ
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.