Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai liên kết cùng các tổ chức xã hội… kêu gọi chung tay trong chiến dịch “cứu” hàng trăm ha chuối già hương của người dân đang bị bỏ đi vì giá quá rẻ hoặc đem về cho dê, bò ăn.
Trong hơn một tuần qua, báo chí đã liên tục đưa tin về việc bà con nông dân 2 huyện Thống Nhất, Trảng Bom (Đồng Nai) đang "lao đao" vì giá chuối xuống thấp đến mức kỷ lục. Năm ngoái giá chuối trung bình khoảng là 15.000 đồng/kg thì nay giảm xuống còn khoảng 1.000 đồng/kg. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bà con nông dân tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
Chia sẻ với những khó khăn của bà con nông dân trồng chuối, Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Nhân ái vòng tay Việt xuống tận nơi bà con đang trồng chuối để tìm hiểu thêm thông tin và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh kêu gọi các hội viên thanh niên cùng gia đình chung tay, góp sức hỗ trợ bà con nông dân mình trong giai đoạn khó khăn này để kích cầu và ổn định tình hình kinh tế tại các vùng nông thôn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam và của các thế hệ Thanh niên Việt Nam.
Những buồng chuối sẽ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh mua với giá 4000-5000 đồng/kg. (Ảnh Nguyễn Tuấn Khởi) |
Anh Văn Văn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết: Sau khi tính toán các chi phí vận chuyển, buôn bán thì giữa Hội LHTN Việt Nam tỉnh và công ty cổ phần Nhân ái vòng tay Việt sẽ thu mua từ người nông dân là 4.000đ/kg và bán ra với giá là 8.000đ/kg. Trừ các chi phí, số tiền còn lại sẽ được dùng làm các công tác xã hội, khám bệnh phát thuốc cho người dân. Về chất luợng chuối: Đảm bảo sạch và rất ngon, một buồng chuối khoảng 10-12 nải nặng tầm 25-28kg.
“Văn phòng Hội LHTN Việt Nam tỉnh sẽ đứng ra làm nhịp cầu nối cho bà con nông dân trồng chuối để đem sản phẩm chuối sạch đến các hộ gia đình; mong các cá nhân và tổ chức sẽ ủng hộ cho hoạt động ý nghĩa này”, anh Trung chia sẻ.
Bên cạnh Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, còn có nhiều hoạt động “giải cứu” chuối do các đơn vị, cá nhân tham gia. Điển hình là anh Nguyễn Tuấn Khởi, người từng tổ chức các chương trình cộng đồng như Hành trình đỏ, Vườn rau thanh niên…
Qua khảo sát thực tế tại các vườn chuối, anh Khởi đã viết trên facebook kêu gọi bạn bè chung tay “giải cứu” chuối.
Chỉ trong vòng 2 ngày 19-20/2, anh Khởi đã kết nối được đông đảo người dân, bạn bè chung tay mua chuối giúp nông dân.
Anh Khởi chia sẻ trên facebook: “Có nhiều đơn vị mua số lượng lớn mình và team đã cho kết nối thẳng với địa phương, nếu tính ra cũng đã tiêu thụ được hơn 10 tấn.
Hơn 2 tấn từ các comment tại status trước cũng là 1 tín hiệu rất vui. Trường Đại học Công nghệ Thực phẩm với anh Son Thai Tài Nguyễn ngày mai cũng xuất quân tính kế huy động 18.000 sinh viên của trường cùng chiến đấu. Ở khu KTX Đại học Quốc gia đã có mấy chục em nhóm Lê Danh Thạch đã sẵn sàng...”.
Các địa điểm nhận đăng ký mua chuối và bán chuối ủng hộ bà con nông dân Đồng Nai:
Trụ sở cơ quan tỉnh đoàn Đồng Nai, số 31, đường Võ Thị Sáu, phường Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai
419 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM
Văn phòng Đoàn Thanh niên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (140, Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM)
136 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM (ngay vòng xoay Phạm Văn Đồng-Lê Quang Định-Nguyên Hồng)
*Theo số liệu thống kê, hiện huyện Trảng Bom và Thống Nhất có diện tích trên 300 ha chuối già hương, tập trung ở các xã Bàu Hàm 1, Cây Gáo, Thanh Bình (H.Trảng Bom); Quang Trung, Gia Kiệm, Bàu Hàm 2 (H.Thống Nhất)./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…