Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 9 năm 2017 | 5:47

Chuyện buồn ở ngành sư phạm

Mùa tuyển sinh 2017 chứng kiến thực trạng gần như chưa từng có: Điểm chuẩn chuyên ngành sư phạm ở một số trường đại học, cao đẳng chỉ ở mức 9, 10, 12, 15 điểm. Nhiều chuyên gia, giáo viên khẳng định “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” một lần nữa đúng trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Nếu có chế độ đãi ngộ tốt, chắc chắn ngành sư phạm sẽ thu hút nhiều sinh viên chất lượng theo học.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục đều bộc lộ rõ sự ngỡ ngàng, lo lắng trước bức tranh tuyển sinh của ngành sư phạm. Mức điểm của các khoa sư phạm của các đại học vùng, đại học địa phương chỉ dừng ở mức 15 điểm là cao. Trong khi đó, đánh giá của nhiều giảng viên đại học thì với đề thi dễ như năm 2017, những thí sinh chỉ đạt điểm 15 thậm chí là “chưa đủ trình độ để học đại học”.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), cho biết: “Kết quả của kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được các trường ĐH, CĐ lấy để xét tuyển đã bộc lộ sự bất thường và tạo ra hai thái cực “đỉnh” và “đáy”. Ở thái cực “đỉnh” là các trường quân đội, công an, y dược, mức điểm 29 - 30 điểm vẫn chưa đỗ. Ở thái cực “đáy” thì các trường sư phạm chỉ lấy 9 - 10 điểm, trường cao hơn cũng chỉ 15 điểm. 

Xem ra, câu nói “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã đúng trong trường hợp này. Những em học khá, giỏi không chọn sư phạm, còn những em chọn sư phạm thì chất lượng đầu vào rất kém. Điều này thực sự đáng lo ngại bởi những trường sư phạm mà có đầu vào thầy thấp như vậy chắc chắn không có giáo viên giỏi trong tương lai.

Vì sao có tình trạng này, trước tiên xin khẳng định: nghề giáo có rất nhiều áp lực. Lương của giáo viên mới tốt nghiệp ĐH ra trường hiện trung bình chỉ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập thấp so với mặt bằng hiện nay. Mất 4 năm học ĐH với bao lo toan, áp lực thi cử mà ra trường nếu được đi dạy (đã là may mắn lắm), lương nhận không bằng công nhân may vào học việc mất có 2-3 tháng. Mức thu nhập thấp, không đủ sống là lý do khiến đội ngũ GV chưa chuyên tâm với nghề và ngành sư phạm cũng không thể thu hút được sinh viên giỏi.

Theo số tiết quy định cho GV hiện nay: tiểu học 23 tiết/tuần, THCS 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần. Nghe qua có vẻ… nhàn. Sự thật số giờ lên lớp chỉ là một chuyện, trong trường còn rất nhiều công việc khác mà GV phải lo, nhất là các cuộc họp, thanh tra, hồ sơ sổ sách, dự giờ thăm lớp, thao giảng, giáo án, chấm bài...

Chưa hết, ngày nay giáo viên còn chịu nhiều áp lực vô hình khác. Thầy giáo ngày nay và thầy đồ ngày xưa đều có trọng trách dạy chữ, dạy người. Ngày xưa, trò hư thì thầy mắng, thậm chí đánh đòn. Thầy giáo ngày nay mà hành xử như thầy đồ ngày xưa, đánh mắng học sinh là vi phạm đạo đức nhà giáo, bị “khối đá” dư luận đè bẹp.

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất làm các thí sinh ngoảnh mặt với ngành sư phạm năm nay chính là cơ hội việc làm không còn như trước. Nếu những năm 1970 - 1980, cả nước chỉ có chục trường ĐH sư phạm nòng cốt như: Sư phạm Hà Nội 1, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Vinh, Sư phạm Việt Bắc, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, thì nay hệ thống các trường sư phạm đã nở tung khắp nơi. Nhiều trường ĐH ở các địa phương đều mở “khoa sư phạm”.

Sự đào tạo ồ ạt đã gây tình trạng cung vượt quá cầu. Kết quả là giáo viên thất nghiệp đang ở tỷ lệ rất cao. Hiện cả nước thừa hơn 26.000 giáo viên. Một số địa phương đã rà soát để giảm biên chế trong ngành giáo dục.

Cần “phanh” đào tạo để đầu tư

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng: “Trong xã hội hiện nay có hai nghề đặc thù, đó là nghề giáo và nghề y. Nếu nghề y được đào tạo ra với trình độ chuyên môn kém thì cướp đi sinh mạng của con người; còn người thầy đào tạo ra kém thì sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học trò.

Nên chăng cần định hướng các trường sư phạm, nếu có điểm đầu vào thấp, thì nên dừng tuyển sinh khóa này. Đồng thời, cho rà soát lại chất lượng đào tạo. Kết thúc kỳ thi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nhìn nhận thẳng thắn vấn đề để đánh giá toàn diện trong tuyển sinh ngành sư phạm”.

Còn TS. Giáp Văn Dương, người sáng lập Trường học trực tuyến GiapSchool, cho rằng: “Các trường sư phạm phải có sự dũng cảm để phanh lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học”.

PGS. Nguyễn Hữu Hợp, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Thứ nhất, cần xóa bỏ sự ràng buộc chỉ tiêu tuyển sinh và ngân sách. Bởi hiện nay, các trường sư phạm chủ yếu sống bằng bầu sữa ngân sách Nhà nước. Ngân sách này phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh. Do đó, các trường buộc phải hạ điểm chuẩn để tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu nhằm hưởng ngân sách.

Vậy nên khoán cho trường một khoản ngân sách mà không phụ thuộc vào chỉ tiêu. Khi đó, Bộ nâng điểm chuẩn sư phạm lên, dù tuyển được ít thì ngân sách không đổi. Sĩ số sinh viên ít, thì chất lượng đào tạo càng cao. Nhưng cần đưa ra chỉ tiêu tối thiểu mà các trường cần tuyển, giả dụ 100 chỉ tiêu, nếu như không đủ số này thì cắt miếng bánh ngân sách này”.

PGS. Nguyễn Hữu Hợp cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đang rất nhiều sinh viên ra trường chưa có việc làm thì chất lượng đầu ra của trường sư phạm là yếu tố cần quan tâm hàng đầu (chứ không phải là số lượng).

Theo PGS. Nguyễn Hữu Hợp,  bấy lâu nay, các trường sư phạm đào tạo “hình ống”, tức là đầu vào 10 em thì 10 sinh viên tốt nghiệp. Trong khi lẽ ra, phải đào tạo theo kiểu “hình nón”, tức là số sinh viên tốt nghiệp sẽ nhỏ hơn số vào.

Khi đó, sau mỗi năm học, nếu sinh viên không “theo” được thì cho nghỉ học. Có như thế thì mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Nếu trường sư phạm nào cho ra “phế phẩm” thì sẽ bị cắt, giảm ngân sách.

Phần Lan: Học nghề giáo khó hơn nghề y

Mô hình giáo dục Phần Lan luôn là hình mẫu đáng mơ ước của nhiều quốc gia. Học sinh đất nước Bắc Âu 5,5 triệu dân này cũng luôn đạt thứ hạng cao trong bài thi đánh giá năng lực học sinh quốc tế PISA.

“Bí mật đằng sau thành công này chính là người thầy, những người giáo viên được đào tạo cực kỳ chuyên nghiệp”, nhà sư phạm Phần Lan Pasi Sahlberg, tác giả quyển sách Bài học Phần Lan 2.0 (đã xuất bản ở Việt Nam), nói với Đài ABC (Úc) trong một cuộc phỏng vấn.

Đặc điểm của hệ thống giáo dục Phần Lan là nhà trường và giáo viên được trao quyền tự quyết sẽ dạy gì và như thế nào, vì khung chương trình chuẩn quốc gia không ép buộc tất cả các trường phải dạy giống nhau. Giáo viên vì thế đóng vai trò rất quan trọng và việc đào tạo ngành sư phạm cũng cực kỳ gắt gao.

Hệ thống giáo dục Phần Lan gồm 1 năm mẫu giáo và 9 năm giáo dục cơ bản bắt buộc. Khi hoàn tất 9 năm này, học sinh có thể chọn học tiếp ba năm chuyển tiếp từ bậc giáo dục cơ bản lên đại học theo hướng học chữ hoặc học nghề. 

Ông Sahlberg cho rằng, hệ thống đào tạo giáo viên cho bậc cơ sở (lớp 1-9) ở Phần Lan vào loại cạnh tranh nhất thế giới với tỉ lệ chọi luôn là 1/10. “Chúng tôi chỉ nhận 10% số hồ sơ xin học sư phạm và điều này khiến việc đậu vào trường đào tạo giáo viên ở Phần Lan là cực kỳ khó”, chuyên gia giáo dục giải thích.

Đầu vào khó đồng nghĩa các trường luôn nhận được sinh viên chất lượng cao, và cuối cùng, “sản phẩm ra lò” cũng là các giáo viên xuất sắc, giỏi nghề.

Theo đó, ngoại trừ nhà trẻ và mẫu giáo chỉ yêu cầu giáo viên có bằng cử nhân, tất cả các bậc học từ lớp 1-12 đều yêu cầu giáo viên có bằng thạc sĩ mới được tuyển dụng chính thức. Chương trình đào tạo giáo viên ở các trường đại học Phần Lan kéo dài 5 năm, gồm 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sĩ.

Đậu vào trường sư phạm ở Phần Lan đã khó, việc học còn khó hơn. Ông Sahlberg cho biết, đào tạo giáo viên ở quốc gia Bắc Âu này theo hướng dựa trên nghiên cứu, nghĩa là các phương pháp giảng dạy phải dựa trên cơ sở khoa học và tập trung vào quá trình tư duy và kỹ năng nhận thức để phục vụ việc nghiên cứu.

Chương trình đào tạo cũng đa dạng và đảm bảo người giáo viên “mới ra ràng” cũng có thể cân bằng giữa lý thuyết và thực tế.

Những người theo nghề giáo được xem là không phải vì đam mê vật chất và “lương bổng không phải là lý do chính để người trẻ chọn nghề gõ đầu trẻ ở Phần Lan”. Theo số liệu mới nhất (năm 2014) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), giáo viên Phần Lan kiếm được 42.810 USD mỗi năm.

“Điều quan trọng hơn lương bổng là uy tín xã hội cao, quyền tự quyết trong nghề nghiệp và đặc tính truyền thống của nghề giáo là phụng sự xã hội và con người”, Sahlberg viết.

Tất nhiên, với điều kiện còn nhiều hạn chế như nước ta, không thể đem mô hình ở Phần Lan áp dụng, nhưng có một thực tế không thể chối cãi là “cái nào hấp dẫn và có tương lai thì người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn”. Nhìn vào thu nhập của giáo viên hiện nay cũng như cơ hội việc làm thì có thể thấy rằng sư phạm không còn hấp dẫn học sinh như trước đây. Ngày nay các gia đình có điều kiện chi trả cho các sản phẩm giáo dục hơn thì họ cũng sẽ tính đến việc đầu tư nhiều hơn, thế nhưng học xong ra trường các em sẽ làm gì, cơ hội tốt không, thu nhập tốt không, kiếm việc dễ không và thay đổi việc thuận lợi không... đang đặt ra nhiều vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nhanh chóng giải quyết.

 

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2016-2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, dư luận vừa qua rất quan tâm đến ngành sư phạm nhưng “vấn đề này phải nhìn nhận thật sự căn cơ. Nhìn bằng cả quá trình chứ không phải 1-2 năm gần đầy. Từ cung cầu, điều kiện đáp ứng. Ai cũng biết, sư phạm là máy cái, nên khi nhìn nhận hạn chế phải nhìn nhận một cách chính xác trong đầu tư, chế độ đãi ngộ… Tuy nhiên  muốn khắc phục những hạn chế đó phải có thời gian”.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top