Tích cực chuyển đổi cây trồng giá trị kinh tế cao; phòng trừ sâu, dịch bệnh hại trên cây có múi và xuất khẩu xoài, đó là công việc bận rộn của bà con Tây Bắc.
Mường Và: Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Mường Và, Sốp Cộp (Sơn La) có hơn 850ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn... Những năm gần đây, nông dân xã Mường Và đã tích cực chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả canh tác.
Nông dân bản Nà Mòn, xã Mường Và (Sốp Cộp) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cam.
Xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng Sốp Cộp là yếu tố quan trọng để phát triển các sản phẩm thế mạnh địa phương, từng bước xây dựng vùng chuyên canh. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã giao Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân phối hợp với Ban quản lý các bản vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Tập trung các nguồn vốn xây dựng mô hình, hỗ trợ kỹ thuật, giống, vật tư; tổ chức tập huấn tự nguyện kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả cho bà con. Từ đầu năm đến nay, Mường Và đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở 4 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, thu hút hơn 300 lượt người tham gia.
Tính đến thời điểm này, đã chuyển đổi 296ha ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng 80,2ha cây ăn quả có múi, 44,5ha nhãn, 19ha xoài, 7,7ha mơ, mận, 12,4ha chuối, 118 cây sơn tra. Trong số này, hơn 100 cây ăn quả đã cho thu hoạch, sản lượng 300 tấn quả/năm.
Nà Mòn là một trong hai bản chuyên canh cây cam đầu tiên ở Mường Và, Trưởng bản Vì Văn Diêm cho biết: Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Ban quản lý bản lồng ghép nội dung trong các cuộc họp bản, cùng các đoàn thể xã trực tiếp đến vận động hộ có đất sản xuất ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, đặc biệt là cam.
Nhờ hình thành vùng sản xuất, nhiều hộ đã có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, như hộ ông Lò Văn Cương, Lò Văn Hinh... Hiện, bản đã trồng được trên 20ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, năm 2018, dự kiến trồng mới 10 ha, bản cũng đã thành lập 1 HTX trồng cây ăn quả.
Đó là HTX Duy Lợi thành lập cuối năm 2016, với 7 thành viên là những hộ đầu tiên ở xã chuyển đổi đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi. Anh Vì Văn Doan, Giám đốc HTX thông tin: Hiện, HTX có 8 ha cây ăn quả có múi, trong đó 3 ha cam đã cho thu hoạch, năng suất đạt gần 14 tấn/ha, giá bán dao động từ 32 đến 35 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận khoảng 200 đến 300 triệu đồng/năm. Năm 2018, HTX còn vận động 8 hộ trong bản góp 13 ha đất vào HTX để trồng chanh leo và cam.
Ông Hoàng Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Mường Và thông tin thêm: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, năm 2018, xã phấn đấu trồng mới 90 ha cây có múi, 15 ha xoài, 22 ha sơn tra tập trung ở các bản Nà Mòn, Nà Một, Nà Vèn, Sổm Pói, Nong Lanh... Ngoài ra, từ các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 30a, 135 sẽ hỗ trợ nhân dân trồng mới hơn 43 ha cây ăn quả.
Thời điểm này thời tiết thuận lợi cho việc trồng cây, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn bà con trồng cây ăn quả theo đúng kỹ thuật, tư vấn bà con chọn mua giống cây ở các công ty có uy tín, đảm bảo cây giống phát triển tốt. Ngoài ra, vận động bà con góp vốn thành lập các HTX, sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết với các đơn vị tiêu thụ, nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình canh tác hiệu quả, đời sống của bà con nhân dân xã Mường Và đã và đang được cải thiện, trình độ canh tác của người dân được nâng lên, từng bước chuyển đổi sang phương thức sản xuất hàng hóa.
Hát Lót: Chuẩn bị xuất khẩu 47 tấn xoài tượng da xanh
Ngày 13/6, tại xã Hát Lót (Mai Sơn) Công ty TNHH Agricare Việt Nam, thu mua 7 tấn xoài tượng da xanh của bản Noong Xôm, để làm các thủ tục cần thiết, xuất khẩu sang thị trường Australia. Đây là lô xoài thứ hai của tỉnh trong năm 2018 được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Người dân bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) đóng gói xoài chuẩn bị xuất khẩu.
Cây xoài tượng da xanh được trồng chủ yếu tại huyện Yên Châu và Mai Sơn với sản lượng gần 2.000 tấn quả/năm. Bản Noong Xôm, xã Hái Lót (Mai Sơn) là một trong điểm đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã vùng trồng. Sản phẩm xoài được Công ty Agricare thu mua lần này thuộc các giống lai GL3 và GL4, trọng lượng trung bình từ 700 – 900 gam/quả. Ngày 14/6, số xoài này đã được chuyển về Hà Nội để chiếu xạ theo yêu cầu của đối tác, đạt tiêu chuẩn sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không sang Australia.
Ngày 14/6, cũng tại xã Hát Lót, HTX Ngọc Hoàng xã Nà Bó và HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn xã Cò Nòi đã thu mua 40 tấn xoài tượng da xanh để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuyên Quang: Phòng trừ sâu, bệnh hại cây có múi
Hiện, tại nhiều địa phương trong tỉnh, một số loại sâu, dịch bệnh đã phát sinh và đang bắt đầu gây hại trên cây ăn quả như: Bệnh ghẻ sẹo, bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân, ruồi đục quả… Diễn biến này, đòi hỏi người nông dân. cần chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, đảm bảo điều kiện sinh trưởng, phát triển tốt cho vườn cây ăn quả.
Cán bộ khuyến nông Hàm Yên (người đứng ngoài) kiểm tra và hướng dẫn người dân nhận biết sâu bệnh phát triển đến ngưỡng để phòng trừ hiệu quả.
Gần 1 tháng nay, vườn bưởi, cam của gia đình ông Vũ Văn Thuyên, thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) xuất hiện sâu vẽ bùa, bệnh ghẻ sẹo gây hại trên lá, quả non. Ngay sau khi phát hiện có sự phá hoại của sâu, bệnh hại, ông Thuyên đã chủ động phòng trừ bằng cách tỉa cành, tạo tán cho thông thoáng; tăng cường tưới nước và bón phân để cây ra lộc tập trung. Riêng đối với bệnh ghẻ sẹo, ông Thuyên đang tiếp tục theo dõi, nếu bệnh không có dấu hiệu giảm ông sẽ phun thuốc trừ.
Vườn bưởi hơn 500 gốc của ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) cũng đang bị sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh thán thư gây hại rải rác trên quả non và lá. Ông Lực cho biết, do thời tiết độ ẩm cao nên sâu, bệnh phát triển mạnh hơn so với những vụ trước, nên ông thường xuyên thăm vườn theo dõi diễn biến để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo tổng hợp của Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện: Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, sâu vẽ bùa, nhện đỏ, bệnh thán thư, ghẻ sẹo đang xuất hiện trên diện tích cây ăn quả với tỷ lệ hại phổ biến 2 - 3% số lá, quả; một số nơi có tỷ lệ hại cao 5 - 10% số lá, quả. Trong đó, bệnh ghẻ sẹo đã có 18 ha diện tích nhiễm, nhện đỏ có 16 ha bị nhiễm, bệnh thán thư có 53 ha bị nhiễm tập trung tại 2 huyện Yên Sơn, Hàm Yên.
Dự báo trong thời gian từ nay đến cuối tháng 8, các đối tượng chính tiếp tục gây hại trên vườn cây có múi là bệnh ghẻ sẹo, bệnh loét, sâu vẽ bùa, rệp, nhện đỏ...
Trước diễn biến trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV lưu ý nông dân phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây có múi, cần tuân thủ nguyên tắc phòng trừ tổng hợp (IPM), bằng các biện pháp vệ sinh vườn, cắt tỉa những cây bị nhiễm bệnh ra khỏi vườn; sử dụng thiên địch để phòng chống, và chỉ sử dụng hóa chất bảo vệ khi sâu, bệnh vượt quá mức cho phép.
Riêng đối với các bệnh do virus và siêu vi khuẩn, phải chủ động phòng bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, chứ không chữa trị được bằng các loại thuốc hóa học; bắt đầu từ khâu nhân giống sạch bệnh, tới các kỹ thuật canh tác, vệ sinh đồng ruộng, diệt trừ môi giới truyền bệnh...
Chi cục khuyến cáo, các địa phương có diện tích cây có múi cao như Hàm Yên, Yên Sơn, Chiêm Hóa... cần chủ động các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh để hạn chế thấp nhất khả năng phát sinh và lây lan của sâu, bệnh.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.