Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2017 | 3:26

Chuyển đổi hộ kinh doanh sang doanh nghiệp: Cần một lực đẩy

Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020 của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động hiệu quả. Việc tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, công bằng, sẽ là động lực để tự nguyện chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN.

Dù bị hạn chế nhưng nhiều hộ kinh doanh vẫn không muốn “lên” doanh nghiệp.

Ngại chuyển đổi

Khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay có số lượng rất lớn và nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế của đất nước. Hiện, có  hơn 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có khoảng 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ.

Theo các chuyên gia, hộ kinh doanh cá thể được xem là đối tượng chính để phát triển thêm số lượng DN, góp phần hoàn thành mục tiêu 1 triệu DN hoạt động đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế là, các hộ kinh doanh ngại chuyển đổi lên thành DN.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho hay: “Cách đây 10 năm, chúng tôi có cuộc điều tra, khảo sát tại Bắc Ninh. Câu hỏi đặt ra là, vì sao hộ lại không mong muốn lên thành DN thì các hộ chia sẻ lo lắng nhất là phải tuân thủ thuế, các báo cáo tài chính kế toán, kiểm toán khiến gia tăng thời gian và chi phí. Khi chuyển sang mô hình DN còn phải tuân thủ thêm giấy phép kinh doanh và các quy định chặt chẽ khác”.

Ông Trần Huy Quân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, chia sẻ, năm 2016, trên địa bàn tỉnh có tổng số 124.194 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 216.891 lao động, tăng 5,7% về số lượng và 7,7% về lao động so với năm 2015. Tuy nhiên, cả tỉnh Thái Bình hiện mới có hơn 5.400 DN. Tiềm năng phát triển các hộ kinh doanh sang DN trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung là rất lớn.

Sẽ không để DN sợ... bơi

Để phát triển số lượng DN đi đôi với sự tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ và các bộ, ban ngành đã và đang đưa ra nhiều giải pháp trong cải cách thủ tục hành chính, nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho DN gia nhập thị trường. Sẽ không để DN “sợ bơi”.

Là đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng chăn ga gối đệm, sau 7 năm hoạt động hộ kinh doanh cá thể và chuyển lên DN được 6-7 năm, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Hồng Phước (địa chỉ tại thôn Kìm, Vũ Lạc, thành phố Thái Bình), chia sẻ, so với mô hình kinh doanh cá thể, hoạt động theo mô hình DN có nhiều thuận lợi hơn. Nhờ hoạt động theo mô hình DN, DN có đủ tư cách pháp nhân, có thể đàm phán và ký hợp đồng; dễ dàng thực hiện các giao dịch hàng hóa điều mà trước đây, hoạt động theo mô hình hộ kinh doanh không thực hiện được. Bên cạnh đó, việc chuyển mô hình hộ kinh doanh sang DN giúp tạo uy tín, niềm tin của khách hàng. Từ đó, giúp DN nâng cao doanh số và mở rộng thị trường.

Chia sẻ báo cáo của nhóm chuyên gia tư vấn về tổng quan hộ kinh doanh và thực trạng hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN ở Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu cho hay, hộ kinh doanh có nhiều hạn chế so với DN về thương quyền. Nguyên nhân do hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân, không được phát hành cổ phiếu, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm và bị hạn chế số lượng lao động...

Nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN, ngày 6/6/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về “Tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN”. Tại chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME) xây dựng Đề án Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME, cho biết: Việc xây dựng Đề án phải đảm bảo một mục tiêu gồm: DN hoạt động hiệu quả hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn và bền vững hơn, đảm bảo tính liên tục về hỗ trợ trước và sau khi chuyển đổi. Dự kiến, trong tháng 10/2017, VINASME sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Theo các chuyên gia, khi Đề án đi vào hoạt động sẽ vừa tạo lực kéo và lực đẩy thu hút nhiều hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN.

Để hiện thực hóa Đề án “Hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN”, ông Trần Quốc Khoa, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Bình, cho rằng, cần sớm có nghị định về thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bởi nếu có nghị định thì sẽ cụ thể được vấn đề hỗ trợ như thế nào, trách nhiệm của cơ quan nhà nước ra sao. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền để hộ kinh doanh thấy lợi ích khi chuyển đổi lên DN cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bởi nếu để họ tự nguyện thì sẽ rất chậm...

Về phía DN, theo ông Phan Đức Hiếu, quá trình chuyển từ hộ lên DN chính là quá trình chuyên nghiệp hóa dần dần, trong quá trình này, các hộ kinh doanh cần có kế hoạch chuyển đổi,  xây dựng và tính đến kế hoạch kinh doanh một cách dài hơi hơn. Từ đó có thể tận dụng được lợi thế, hạn chế được các bất lợi.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, Bộ sẽ cố gắng để 4 nghị định liên quan đến Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa ra đời khi Luật có hiệu lực, gồm: Nghị định Bảo lãnh tín dụng, Nghị định về quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định về quỹ đầu tư khởi nghiệp, Nghị định hướng dẫn thực hiện quy định trong Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Về vấn đề thủ tục, cần đơn giản theo hướng hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ gia đình, đơn giản hóa thủ tục ở mức tối giản để họ làm quen thủ tục, không thấy quá khó trong 3-4 năm đầu khi mới thực hiện chuyển đổi.

“Thủ tục sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cần đơn giản để bà con lội xuống nước cảm thấy không sâu, không quá lạnh, không sợ... bơi”, ông Đặng Huy Đông nói.

Hạnh Nguyễn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top