Với lực lượng đông đảo, đến tận thôn bản, nhiều năm qua, những người làm công tác khuyến nông đã trở thành bạn đồng hành của nông dân trong quá trình xóa nghèo, làm giàu.
Không chỉ xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hoạt động khuyến nông thời gian tới còn đổi mới theo hướng cung cấp những dịch vụ mà nông dân cần.
Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi với TS.Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết, những hoạt động nổi bật nhất của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong năm 2017?
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) tiếp tục tập trung triển khai 4 nội dung chín: Đào tạo, tập huấn để nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông các cấp, đặc biệt là cấp huyện và xã; thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và tổ chức truyền thông qua các sự kiện như diễn đàn, hội thảo, hội chợ để giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, chính sách nông nghiệp, gương sản xuất điển hình, thông tin thị trường, thời tiết sâu bệnh hại…; xây dựng và khuyến cáo nhân rộng các mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiến bộ về quản lý sản xuất ra sản xuất đại trà; tư vấn cho bà con nông dân, người sản xuất.
Trong số các hoạt động trên, có một số điểm mới và nổi bật như: Đối tượng và nội dung đào tạo tập huấn được đổi mới. Theo đó, nội dung tập huấn ưu tiên chuyển tải gói kỹ thuật nuôi trồng kết hợp với tổ chức sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị của những cây - con chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và địa phương. Tổ chức thêm các lớp tập huấn phục vụ cán bộ xây dựng nông thôn mới, trang bị kiến thức cho lãnh đạo các hợp tác xã (HTX) kiểu mới thí điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về thông tin tuyên truyền, chúng tôi tập trung vào các loại hình nông dân dễ tiếp cận nhất nên rút gọn đơn vị tham gia, xây dựng chuyên trang chuyên mục vào thời điểm hoặc vị trí trang báo để nông dân dễ tham khảo. Ví dụ chuyên mục “Sổ tay nhà nông” trên chương trình Chào buổi sáng bông lúa của Đài truyền hình Việt Nam - VTV1; trên VTV2 với các chuyên mục “Nhịp cầu khuyến nông”; chuyên mục “Diễn đàn khuyến nông liên kết bốn nhà”; chương trình “Tiêu điểm kinh tế” trên Truyền hình Thông tấn và chương trình “Nông thôn đổi mới” trên Truyền hình Nhân dân; chuyên mục “Cho mùa bội thu” trên VTV9; chương trình Bạn của nhà nông trên VTV2... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến các vùng lõm, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn: Phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1, VOV4) phát sóng ngôn ngữ dân tộc thiểu số các khu vực Tây Bắc (Thái, Mông, Dao, Chăm), Tây Nam Bộ (Khmer), Miền Trung - Tây Nguyên (Cơ Tu, Ê Đê, Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng, Kơ Ho, Mơ Nông).
Về xây dựng mô hình trình diễn, mô hình được hỗ trợ kéo dài 2-3 năm trên cùng 1 điểm để tăng tính bền vững của mô hình và thuận lợi cho các mô hình cần chứng nhận an toàn thực phẩm. Kết hợp xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với mô hình về đổi mới tổ chức sản xuất.
Đẩy mạnh một bước công tác tư vấn cho nông dân, đa dạng hóa phương pháp hỏi đáp giữa nông dân và chuyên gia tư vấn, đặc biệt đẩy mạnh tư vấn qua internet, điện thoại di động, kênh truyền hình, trang web….
Trong năm qua, ngành nông nghiệp đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu một cách mạnh mẽ, lực lượng khuyến nông đã có những đóng góp như thế nào vào quá trình này, thưa ông?
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực đều có những nhiệm vụ, đề án, kế hoạch tái cơ cấu chi tiết cho lĩnh vực của mình. Hiệu quả của tái cơ cấu đã phát huy tác dụng với kết quả sản xuất năm 2017 đạt nhiều thành tích vượt trội với 10 nhóm nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giá trị nông sản xuất khẩu cả năm đạt 36,37 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Với hệ thống rộng khắp cả nước từ Trung ương xuống tỉnh, huyện, xã và thôn bản, hệ thống khuyến nông toàn quốc gồm trên 36.000 người đã tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi trồng cây - con và tiến bộ về tổ chức quản lý sản xuất đến người sản xuất. Là người hàng ngày trực tiếp gắn bó với nông dân, với sản xuất nông nghiệp, các cán bộ khuyến nông, đặc biệt cán bộ khuyến nông cấp huyện và xã, đã tư vấn cho nông dân chủ trương, chính sách nông nghiệp của nhà nước, giống cây trồng vật nuôi mới, kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến phù hợp nhất, xử lý tình huống khi thiên tai dịch bệnh xảy ra…, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của ngành ở mỗi địa phương và cả nước.
Được biết, Trung tâm Khuyến nông đang trong quá trình soạn thảo Nghị định về khuyến nông trình Chính phủ phê duyệt. Xin ông có thể nói đôi nét về dự thảo này?
Dự thảo mới về Nghị định khuyến nông đang trong quá trình xin ý kiến các địa phương và các bộ ngành. Trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của các nghị định khuyến nông trước và tình hình thực tiễn hiện nay để xây dựng nghị định mới, một số nội dung mới được đưa vào dự thảo là:
Tập trung hoạt động khuyến nông vào các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình khuyến nông được triển khai cả ở 2 vùng: vùng sản xuất hàng hóa lớn để thúc đẩy giá trị, hiệu quả kinh tế và vùng khó khăn, thiên tai để nâng cao sinh kế người nghèo, người yếu thế.
Tăng cường xã hội hóa khuyến nông, nhưng cũng quy định rõ điều kiện thành lập, nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức khuyến nông ngoài nhà nước.
Tăng cường gắn kết khuyến nông Trung ương và khuyến nông địa phương bằng việc phối hợp với địa phương khi triển khai nội dung khuyến nông từ kinh phí Trung ương, lồng ghép chương trình dự án khuyến nông của Trung ương và chương trình của địa phương để tránh chồng chéo, lãng phí.
Khuyến khích hình thành và vận hành tốt quỹ khuyến nông ở các địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất.
Xin ông cho biết một số phương hướng, nhiệm vụ của TTKNQG trong năm 2018?
Tiếp tục những đổi mới của năm 2017 và yêu cầu chung của thực tiễn đặt ra, TTKNQG sẽ đổi mới hơn nữa cả về nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông. Xác định hoạt động khuyến nông là dịch vụ công nên phải chuyển giao những tiến bộ mà nông dân, người sản xuất yêu cầu hơn là chuyển giao những cái mình đang có. Hoạt động khuyến nông góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ then chốt của Bộ Nông nghiệp và PTNT là tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới. Để làm tốt hơn vai trò chuyển giao của mình, chúng tôi sẽ tập trung một số nhiệm vụ chính sau:
Tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở bằng các lớp tập huấn TOT vì đây là đội ngũ chuyển giao trực tiếp cho nông dân. Nội dung tập huấn ngoài những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới còn trang bị kiến thức về tổ chức sản xuất, hạch toán kinh tế nông hộ, thị trường, an toàn thực phẩm….
Xây dựng và khuyến cáo mô hình sản xuất đồng bộ theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm trong cộng đồng người sản xuất như HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, hội quán… với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến với người dân thông qua các phương tiện truyền thông mà nông dân dễ tiếp cận, tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, các sự kiện khuyến nông hấp dẫn, thiết thực mà nông dân đang cần tìm hiểu, nắm bắt.
Tăng cường công tác tư vấn và dịch vụ khuyến nông cho nông dân theo hướng nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả.
Ngoài ra, Trung tâm sẽ tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế, đặc biệt tham gia hợp tác công tư PPP trong nông nghiệp, xây dựng trung tâm tập huấn tại Lào, tổ chức các hội nghị ký kết trong ASEAN đăng cai tại Việt Nam, hỗ trợ nông dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai dịch bệnh…
Xin chân thành cảm ơn ông!
Anh Thơ (thực hiện)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…