Thời gian gần đây, việc cải tạo ao đầm khai thác rươi tự nhiên, ương cá giống chất lựơng cao, nuôi vịt biển, đang là nỗ lực của người dân trên nhiều vùng miền cả nước.
Kinh Môn: Bội thu rươi
Khu Đảo Ngọc, thị trấn Minh Tân, Kinh Môn (Hải Dương) rộng 41,1ha, được thiên nhiên ưu đãi nhiều năm nay với các vùng rươi đem lại thu nhập cao cho người dân.
Mỗi năm, gia đình anh Vũ Văn Thu thu hoạch được 3,5-4 tạ rươi, lãi 150 triệu đồng
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hến có nhiều năm gắn bó với nghề khai thác rươi. Hiện gia đình có 1,5 mẫu đất cho khai thác rươi. Trước đây, diện tích này chị đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao. Từ khi con rươi xuất hiện, chị đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang khai thác rươi. Với kinh nghiệm lâu năm, và quy trình cải tạo ao nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất rươi đạt cao. Mỗi năm thu được từ 3-3,5 tạ rươi, trừ chi phí lãi ròng 130 triệu đồng.
Vào những ngày nước rươi, chị phải tranh thủ cả ngày lẫn đêm để thu hoạch. Hiện, mới là con nước đầu của rươi mùa, chị đã vớt được gần 30kg rươi. Với giá bán 420.000 đồng/kg, thu được trên 12 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Thu cũng có trên 4.600m2 đất khai thác rươi. Con nước đầu vụ, anh thu được gần 50kg rươi, lãi hơn 20 triệu đồng. Gần 10 năm khai thác trên diện tích này, năm nào anh cũng thu được 3,5-4 tạ rươi, lãi khoảng 150 triệu đồng. Theo anh Thu, con nước thứ hai của rươi mùa sẽ cho năng suất cao hơn. Vụ rươi chính tháng 9, 10 âm lịch, mỗi tháng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 3 ngày thu hoạch.
Từ hiệu quả rươi đem lại, một số hộ có đất canh tác gần khu vực Chương (tên gọi khác của khu Đảo Ngọc) đã mạnh dạn đầu tư để khai thác rươi và bắt đầu cho thu hoạch. Điển hình như chị Vũ Thị Ái có 1,5ha đất chuyển đổi sang vùng nước khai thác rươi. Sau hơn 1 năm cải tạo, vụ rươi chiêm năm nay, gia đình chị đã thu hoạch được trên 30kg.
Do được khai thác trong môi trường sống tự nhiên và áp dụng khoa học kỹ thuật nên rươi ở khu Đảo Ngọc đạt 5 tấn/năm, trừ chi phí, mỗi hộ thu lãi 50-150 triệu đồng.
Chị Lê Thị Ngoan xã Duy Tân, đã có gần chục năm thu mua rươi ở Đảo Ngọc cho biết: “Do chất lượng rươi ngon, con to đều nên người dân ở đây thu được bao nhiêu là chúng tôi mua hết và giao cho các nhà hàng. Có ngày, tôi giao 2-3 tạ rươi cho các nhà hàng ở Hải Phòng”.
Trước đây, khu Đảo Ngọc chỉ có vài ba hộ khai thác rươi, nhưng đến nay đã có 18 hộ với tổng diện tích khai thác gần 10,2ha. Thu lãi từ 50-150 triệu đồng/hộ.
Nuôi vịt biển
Vài năm qua, do biến đổi khí hậu nên nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng rất lớn đến việc chăn nuôi thủy cầm. Vì vậy, loại thủy cầm mới là vịt biển có nhiều khả năng trở thành vật nuôi chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân vùng ĐBSCL.
Mô hình nuôi vịt biển phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
Tại hội nghị “Phát triển giống vịt biển phục vụ chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu tại Nam bộ”, các chuyên gia cho biết vịt biển rất dễ nuôi ở cả môi trường nước ngọt, lợ,và mặn; chất lượng thịt, trứng tương đương vịt nước ngọt.
Hiện, tổng đàn vịt cả nước có khoảng 72 triệu con, trong đó vùng ĐBSCL 26 triệu con, giảm 1,2% so năm 2012. Tỉnh Trà Vinh giảm mạnh nhất, từ 2,4 triệu con nay còn 1,4 triệu con. Theo Viện Chăn nuôi, tình trạng xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp nên trong tương lai đàn vịt sẽ tiếp tục giảm, không còn là vật nuôi chủ lực của ĐBSCL.
Vùng ĐBSCL có 8/13 tỉnh ven biển đang nhiễm mặn và điều kiện này rất phù hợp nuôi vịt biển. Viện Chăn nuôi đã nghiên cứu đưa giống vịt biển nuôi tại vùng bị nhiễm mặn trong vòng 3 năm và kết quả đã thành công, đặc biệt là vịt biển có thể nuôi nhốt, chăn thả ở điều kiện nước lợ, nước mặn các tỉnh ven biển, vùng biển đảo. Chất lượng thịt tương đương vịt siêu nạc, chất lượng trứng tương đương vịt thả đồng.
Ông Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA, cho biết, vịt biển có sức sống khỏe, dễ nuôi; Trung tâm đã chuyển giao mô hình nuôi vịt biển cho 12 tỉnh vùng ĐBSCL nuôi thử. Kết quả cho thương phẩm tương đối tốt, vịt biển 9 tuần nặng 2,8kg; 70 ngày có thể xuất chuồng, một năm đẻ khoảng 240 quả trứng/con.
Trung tâm Khuyến nông Long An đã thí điểm nuôi vịt biển được 2 năm; nông dân đánh giá, vịt biển thích nghi tốt với điều kiện xâm nhập mặn. Mặt khác, vịt biển có tỷ lệ sống cao, ít bệnh tật và có thể tận dụng thức ăn địa phương, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Tương tự, tỉnh Sóc Trăng nhận định, nhờ nuôi nước mặn, nước lợ mà vịt biển có khả năng diệt khuẩn cao, giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
Sở Nông nghiệp và PTNT Hậu Giang cũng cho biết, chăn nuôi vịt đứng thứ 4 của ngành nông nghiệp với 2,5 triệu con. Năm 2016, khoảng 50% diện tích toàn tỉnh bị xâm nhập mặn, khiến ngành chăn nuôi vịt thiệt hại rất lớn. Tỉnh đã thí điểm nuôi vịt biển ở các xã bị nhiễm mặn cho hiệu quả cao. Nếu có giống vịt nuôi được tại vùng nhiễm phèn nữa sẽ rất tốt.
Ông Mai Văn Dương (Trà Vinh) đang nuôi thử nghiệm 800 con vịt biển, cho biết: chất lượng thịt và trứng rất tốt nhưng đầu ra cò gặp khó khăn, do người tiêu dùng chưa biết chất lượng vịt biển như thế nào. Cần phải tuyên truyền rộng rãi về chất lượng thịt và trứng vịt biển để không ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi và thu hút người tiêu dùng; đặc biệt cần có quy hoạch vùng để tránh nuôi ồ ạt. Vịt biển nuôi tốt nhưng độ mặn của nước uống cần phải phù hợp với độ tuổi để cho năng suất tốt nhất.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, cho biết, vịt biển không chỉ triển khai ở ĐBSCL, mà đã nuôi thí điểm ở vùng hải đảo, ven biển, cách đây vài năm. Để vịt biển đạt năng suất cao, Cục đã hỗ trợ kỹ thuật, giống, thức ăn và quy trình chăn nuôi cho nông dân. Nhưng, khi thành công thì lại gặp vướng mắc con giống không đủ cung cấp và sản phẩm chưa được người tiêu dùng đánh giá cao. Cần phải có chuỗi liên kết theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, mới đi đến thành công được.
Ngược lại, bà Hà Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, nếu như ỏ miền Nam khó tiêu thụ trứng vịt biển, thì ở miền Bắc lại" cháy" hàng. Cách đây 4 năm, Trung tâm thử nghiệm nuôi vịt biển ở các xã ven biển Quảng Ninh, đã cho kết quả tốt. Vịt biển có thể nuôi được ở các dạng môi trường khác nhau. Chất lượng tốt, cụ thể, trứng vịt biển ở miền Bắc giá cao hơn so với vịt thường, và rất nhiều người tìm mua nhưng không đủ nguồn cung.
Vịt biển có tiềm năng rất lớn đối với ĐBSCL, tuy nhiên, để có chất lượng cao, cần phải quan tâm phương thức chăn nuôi, bởi mỗi địa phương có độ mặn, nguồn thức ăn khác nhau. Từng tỉnh cần chú trọng nghiên cứu để có môi trường phù hợp như: nuôi ven biển, vùng nước lợ, nuôi nhốt, chạy đồng…
Yên Sơn: Ương nuôi cá giống chất lượng cao
Với ưu thế về mặt nước, cuối năm 2015 xã Hoàng Khai, Yên Sơn (Tuyên Quang) đã triển khai Dự án ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm trong ao, hồ nhỏ. Sau 3 năm, dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhiều gia đình đã vươn lên thành hộ giàu.
Ông Vũ Đình Chén, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai đang vớt cá.
Ông Vũ Đình Chén, thôn Yên Mỹ 1, cho biết, khi có dự án, ông mạnh dạn đầu từ 20 triệu đồng xây 2 bể nhỏ để ương cá mới nở. Với trên 30 năm kinh nghiệm nuôi cá, ham học hỏi, ông đã đưa ra thị trường các loại cá giống, cá thương phẩm chất lượng cao. Theo đó, ôg mua cá rô phi đơn tính, cá chép, cá lăng... từ các cơ sở uy tín về ương nuôi 30 - 45 ngày, khi cá lớn đủ kích cỡ theo tiêu chuẩn thì chuyển sang ao nuôi thương phẩm, hoặc xuất bán. Hiện, ông có 7 ao cá với diện tích 1,5 ha, ông phân nhỏ mỗi ao một loại để tiện cho việc chăm sóc từng loại.
Ông Chén cho biết, quá trình nuôi ương, đánh bắt, vận chuyển đều phải có kỹ thuật. Ao phải có cống cấp thoát nước chủ động, nước cấp cho ao phải sạch, không ô nhiễm. Mỗi năm, ông xuất bán khoảng 6 vạn cá giống và hàng chục tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 400 triệu đồng. Sản phẩm cá thịt không chỉ cung cấp trong tỉnh mà còn mở rộng ra một số tỉnh lân cận: Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ...
Ôngng Ma Văn Thủy, thôn Yên Mỹ 1 cũng có 0,5ha ao. Trước đây, chỉ nuôi cá thịt đơn thuần, hiệu quả không cao. Sau khi thực hiện ương nuôi cá giống chất lượng cao, hàng năm đều cho thu gần 200 triệu đồng. Nguồn thức ăn cho cá cũng khá đơn giản, chỉ cám, gạo, bột ngô, bột đậu tương tự chế biến tại nhà không tốn nhiều thời gian, chất lượng cá đảm bảo.
Xã Hoàng Khai có trên 50ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Cuối năm 2015, khi triển khai dự án chỉ có 15 hộ gia đình tham gia trên 4 a, thì nay toàn xã đã có trên 60 hộ tham gia với trên 30 ha ương cá. Các hộ ương cá đều cho thu nhập bình quân hàng năm từ 100 triệu đồng trở lên. Ông Tống Công Hồi, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, thị trường cá giống có đầu ra ổn định, việc chăm sóc cũng không quá khó khăn như nuôi cá theo cách truyền thống. Thời gian tới, xã tiếp tục hoàn thành đề án nuôi cá theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và chăn nuôi theo hướng an toàn.
An Như (tổng hợp)
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.