Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 4 năm 2021 | 14:48

Cơ hội để ngành thủy sản tăng tốc

Thủ tướng Chính phủ vừa  phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất  3-4%/năm, xuất khẩu 14-16 tỷ USD...

Đây là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam khẳng định vị trí của mình.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành thủy sản cần có định hướng, giải pháp, chính sách cụ thể tạo đột phá hơn nữa.

 

t11.JPG
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai (An Giang). Ảnh Vũ Sinh

 

Thủy sản tăng trưởng ổn định bất chấp Covid-19

Năm 2020, ngành nuôi trồng thuỷ sản nước ta đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống và hoạt động thương mại toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, hàng loạt các nhà hàng ăn nhanh ở những quốc gia nhập khẩu chính bị đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng, một số khách hàng từ chối thực hiện đơn hàng mới, thiếu hụt lao động tạm thời...

Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp, thất thường, hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá nuôi bị bệnh, chết là nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho thuỷ sản nuôi, ảnh hưởng sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế như cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương… cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nhà hàng.

Sự cạnh tranh từ Ấn Độ, Ecuador khi các nước đều tăng cường nuôi tôm nguyên liệu để cung ứng ra thị trường thế giới; Trung Quốc mở rộng diện tích nuôi cá, tự cung ứng nguồn nhiên liệu trong nước, thậm chí phục vụ xuất khẩu, làm tăng khả năng cạnh tranh với cá tra Việt Nam. Các rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản duy trì ổn định khoảng 1,3 triệu hecta (diện tích nuôi mặn lợ đạt 850 nghìn hecta, nuôi nước ngọt đạt 450 nghìn hecta). Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 8,4 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trong năm 2020 đạt khoảng 1,3 triệu hecta (bằng 100% so với năm 2019) và khoảng 10 triệu mỏ lồng.

Tổng sản lượng nuôi đạt 4,56 triệu tấn (tăng 1,5% so với năm 2019). Trong đó, tôm đạt 950.000 tấn (tôm sú: 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm chân trắng là 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5%, tôm khác 50.000 tấn), cá tra 1,56 triệu tấn (bằng 96,9%), nuôi biển tăng trưởng tốt, sản lượng đạt 600 nghìn tấn (cá biển 38 nghìn tấn; nhuyễn thể 375 nghìn tấn; tôm hùm 2,1 nghìn tấn, rong biển 120 nghìn tấn; còn lại là cua biển và các đối tượng nuôi khác), cá nước lạnh đạt 3.720 tấn.

Sản xuất tôm nước lợ, cá tra các tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xâm nhập mặn dẫn đến sản lượng bị sụt giảm. Các tháng cuối năm 2020, sản xuất tôm, cá tra đã có sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh được khống chế, sự hồi phục của các thị trường nhập khẩu và nỗ lực của người nuôi, doanh nghiệp đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, tổng sản lượng vượt kế hoạch năm 2020, cá tra cũng đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), cá biển đang phát triển tốt.

Có thể thấy, mặc dù chịu nhiều tác động ảnh hưởng, song ngành thủy sản đã nỗ lực giữ được tốc độ phát triển tốt.

Mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045

Trên cơ sở các kết quả đạt được, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030, phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3-4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỷ USD.

Một mục tiêu nữa là giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.

Xây dựng các làng cá ven biển, đảo thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Đặc biệt, định hướng phát triển theo vùng, tập trung nguồn lực củng cố, mở rộng, phát triển và thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội từng vùng, nhất là khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven biển, trong rừng ngập mặn, các đầm phá, trên thượng nguồn và lưu vực của các dòng sông; hỗ trợ thực hiện đồng bộ quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhà nước đẩy mạnh công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng ở vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa.

 

t11a.jpg
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Minh Phu Seafood Corp tại Khu công nghiệp Nam Sông Hậu (Hậu Giang).

 

Xây dựng các làng cá (ven đô, cửa sông, lòng hồ, bãi ngang, hải đảo...) gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản; giảm mạnh các nghề xâm hại đến nguồn lợi thủy sản; kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về thủy sản và khuyến ngư ở địa phương.

Những điểm yếu

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, trong giai đoạn 2021 - 2025 đến năm 2030, Việt Nam đã và đang thực hiện 14 Hiệp định FTA thế hệ mới, trong đó đặc biệt là EVFTA, bởi EU là thị trường rất lớn cho thủy sản.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn là những rào cản và quy định bảo hộ. Ông Tiến nhận định, đây là những vấn đề mà ta phải vượt lên thì mới có thể tăng tốc.

Ông Tiến đánh giá thực trạng của ngành thủy sản nói chung và nuôi trồng nói riêng hiện nay là hạ tầng thủy sản rất yếu kém. Cả hạ tầng khai khác và hạ tầng vùng nuôi lâu nay không được đầu tư dẫn đến nguy cơ trong quản lý an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

“Ngoài ra, quy mô sản xuất của 7,5 triệu hộ nông dân và 8,6 triệu thửa ruộng, ao chuồng đều rất nhỏ lẻ. Có thể nói tình hình dịch bệnh và an toàn sinh học đang là những vấn đề rất khó khăn”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cho rằng, để thực hiện mục tiêu trong chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 thì cần thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp từ đầu tư hạ tầng cho đến giống, thức ăn dinh dưỡng, chế phẩm sinh học, quy trình nuôi và đặc biệt là thú y phòng bệnh. Nếu để xảy ra dịch bệnh sẽ dẫn đến việc các chỉ tiêu kinh tế - kĩ thuật không đạt, chất lượng kém và giá thành cao.

Theo ông Tiến, với diện tích nuôi trồng 1,3 triệu hecta hằng năm, sản lượng 7 triệu tấn, sắp tới đây, nếu không có nhận thức đúng đắn, không có kế hoạch hành động thì ngành thủy sản sẽ rất khó khăn. Để giải quyết tốt công tác thú y phòng bệnh thì không chỉ độc lập mỗi thú y phòng bệnh mà còn nhiều yếu tố khác.

Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã chỉ ra 5 vấn đề nổi cộm của ngành thủy sản hiện nay.

Thứ nhất, vì động vật dưới nước có đặc điểm riêng nên quan trắc môi trường và giám sát dịch bệnh phải có sự phối hợp với nhau. Đây là 2 khía cạnh độc lập nhưng lại liên kết rất chặt chẽ.

“Cục Thú y và Tổng cục Thủy sản phải chia sẻ về số liệu để có những nghiên cứu đánh giá về tương quan các tiêu chí với phần dịch bệnh để có những cảnh báo. Để mục tiêu cuối cùng là tăng trưởng và xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh, giảm giá thành”, ông Tiến yêu cầu.

Thứ hai là công tác giống. Giống không những quyết định năng suất, chất lượng mà còn có cả sức kháng bệnh. Ông Tiến lấy ví dụ: có những giống ta phải mua với giá rất đắt là vì sức kháng bệnh tốt sẽ mang lại năng suất cao. Chính sức miễn kháng và sạch bệnh làm cho con giống sinh sản, sinh trưởng tốt, tiêu tốn ít thức ăn.

“Thứ ba là thức ăn thủy sản. Đến nay, 1,923 triệu tấn thức ăn thủy sản thì chỉ duy nhất có 1 doanh nghiệp trong nước sản xuất 234.000 tấn, còn cơ bản 1,9 triệu tấn là của doanh nghiệp nước ngoài. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nước ngoài đã là chuẩn. Tổng cục Thủy sản vẫn phải rà soát kiểm tra”, ông Tiến đề nghị.

Thứ tư là cần phải có danh mục chế phẩm sinh học dùng cho nuôi trồng thủy sản. Để từ đó rà soát và loại bỏ bớt, kết hợp phương thức nuôi, thiết bị nuôi, quy trình nuôi.

Thứ năm là vấn đề hạ tầng. Sắp tới chúng ta sẽ đầu tư hạ tầng và các cơ sở sản xuất giống. Ngoài ngân sách Trung ương, vốn vay World Bank (Ngân hàng Thế giới) thì ngân sách của địa phương cũng sẽ đầu tư vào. Vấn đề này cần phải được giải quyết một cách đồng bộ.

“Thú y phòng bệnh rất quan trọng. Đó là giải pháp hàng đầu để thủy sản đạt được sản lượng 7 triệu tấn. Ta phải xác định phòng hơn chống vì một khi đã phải đưa kháng sinh, đưa thuốc vào là tốc độ tăng trưởng giảm, là tiêu tốn thức ăn cao, là mất an toàn thực phẩm, không còn sức cạnh tranh.

Chúng ta phải ra được một quy trình an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho từng đối tượng thủy sản để hướng dẫn doanh nghiệp, xây dựng những mô hình và thông tin tuyên truyền rộng rãi”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chuỗi liên kết: Giải pháp cơ bản

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tôm và cá tra là 2 đối tượng chủ lực của ngành thủy sản. Về cá tra, diện tích sẽ mở rộng lên khoảng 6.000 ha; nghiên cứu các dòng cá tra theo hướng kháng bệnh, sinh trưởng tốt; đồng thời, đẩy mạnh chuỗi liên kết, tập trung nâng cao giá trị ở khâu chế biến sản phẩm.

Về tôm, phấn đấu nuôi trên 740.000 ha và sản lượng trên 940.000 tấn; mở rộng diện tích tôm, chú trọng quy trình nuôi an toàn sinh học, giống tốt để nâng cao năng suất.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh nuôi thủy sản nội đồng và nuôi biển, bởi lĩnh vực này còn dư địa rất lớn. Sắp tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng đề án nuôi biển, phối hợp với các bộ, ngành để giao đất cho các đơn vị nuôi biển.

Hiện thủy sản của ĐBSCL chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Nuôi tôm ở ĐBSCL đang có lợi thế rất lớn, nhưng nếu không đầu tư đồng bộ về hạ tầng, phòng chống dịch bệnh, con giống, kiểm soát chất lượng, quy trình nuôi…, thì rất khó phát triển bền vững.

Ngoài ĐBSCL, định hướng phát triển thủy sản cho các vùng cũng được xác định rất rõ trong Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 339/QĐ-TTg.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để phát triển bền vững ngành thủy sản, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh; tổ chức, sắp xếp lại để đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từng vùng nuôi ... Và đặc biệt, chú trọng tạo điều kiên cho các doanh nghiệp thủy sản phát triển. Cả nước hiện có 1.235 doanh nghiệp thủy sản, cần cơ cấu lại các doanh nghiệp này, gắn vào các chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng kinh tế tuần hoàn; đổi mới, cập nhật công nghệ nhanh hơn để tạo sự cạnh tranh trên thị trường.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top