Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:15

Công nghệ số tạo nhiều xu hướng sống mới

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đã góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, như bán hàng, mua sắm, vận chuyển...

t11.jpg
Mua sắm và thanh toán online tăng đột biến.

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đã góp phần thay đổi thói quen sinh hoạt, như bán hàng, mua sắm, vận chuyển... Qua đó, nhiều ngành nghề dịch vụ cũng dần thay đổi theo bước chuyển mạnh mẽ này.

Thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của mạng internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến.

Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động như: quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế được thực hiện bằng thương mại điện tử (TMĐT) với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.

Thay vì phương thức bán hàng truyền thống như mang ra chợ, bán cho thương lái…, giờ đây chỉ cần có smartphone kết nối với internet, người bán có thể dễ dàng giới thiệu sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Vì vậy, ứng dụng TMĐT để hỗ trợ, mở rộng thị trường buôn bán hay mua sắm đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong số trên 4.000 doanh nghiệp có đến 99% số doanh nghiệp kết nối internet, nhất là ứng dụng TMĐT tại các thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong số trên 800 doanh nghiệp xuất khẩu được khảo sát, có đến 70% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 30% là doanh nghiệp lớn. Hơn nữa, số doanh nghiệp lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 54%, trong khi tỷ lệ này ở doanh nghiệp nhỏ và vừa là 36%.

Tuy tỷ lệ doanh nghiệp tham gia còn khiêm tốn song hiệu quả  thu được không hề nhỏ bởi có tới 42% doanh nghiệp cho biết tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%.

Đơn cử, những ngày gần đây, truyền thông liên tục đưa tin vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) vừa được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.

Thời gian qua, Hải Dương đã tập trung khơi thông, mở rộng, phát triển các thị trường mới, có tiềm năng ở trong và ngoài nước. Tăng cường quảng bá sản phẩm vải thiều và nông sản trên các phương tiện truyền thông, các sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 trên nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm.

Ông James Dong, Giám đốc điều hành của Lazada Việt Nam cho biết, ngay trong sau 4 giờ (sáng 18/5/2021) đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Lazada, 1 tấn vải u trứng của Hải Dương đã được đặt hàng.

Còn ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ, cho hay: 25 tấn rau sạch của Hải Dương đã được sàn thương mại điện tử Sendo tiêu thụ trong thời gian 6 ngày. “Công ty muốn phối hợp với tỉnh Hải Dương đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong thời gian tới trên sàn thương mại điện tử Sendo của công ty”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bắc Giang là địa phương có sản lượng vải hàng đầu cả nước, năm nay được mùa và đang bắt đầu vào thời kỳ thu hoạch. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, tỉnh đã đặt ra quyết tâm không có F1 tại các vùng vải thiều lớn và đưa ra một số giải pháp để bảo đảm tiêu thụ thuận lợi. Thí dụ như, tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các đầu cầu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, hợp tác tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang với các nước, ngày 26/5 làm lễ xuất vải đi Nhật Bản.

Không chỉ tiêu thụ trong nước, thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là “khó tính” khác như Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, UAE...

Mua sắm và thanh toán online tăng đột biến

Thời 4.0, thiết bị thông minh ngập tràn đến từng “ngóc ngách” của cuộc sống, Internet và các dịch vụ trực tuyến phát triển vượt bậc thì thị trường “mua sắm online” cũng phát triển theo tỷ lệ thuận.

Trong vòng 2 năm 2020 - 2021, thế giới và Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức từ các chuyển động, biến động toàn cầu. Trong đó, phải kể đến tác động của cuộc cách mạng 4.0, đại dịch Covid-19 và sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để phòng tránh dịch hiệu quả, hành vi và thói quen tiêu dùng đã dần thay đổi, việc thanh toán, mua sắm trực tiếp của người dân có xu hướng giảm, thay vào đó là các hình thức phi tiền mặt như: Thẻ ngân hàng, ví điện tử, qua tài khoản ngân hàng và đặt hàng qua internet…

Anh Đặng Tiến Lực (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, gần 3 tháng nay, anh đều đi chợ online, “chỉ cần 1 cú click chuột hay 1 cú chạm nhẹ trên màn hình điện thoại, chỉ cần ngồi tại nhà, tôi có thể đặt hàng từ đồ uống đến bữa ăn trưa, các vật dụng gia đình mà không phải ra đường. Việc giao hàng cũng nhanh chóng và tiện lợi”.

“Còn đối với việc thanh toán, tôi đều thực hiện trên ứng dụng SmartBanking của các ngân hàng. Hàng tháng, việc trả tiền điện, tiền nước, dịch vụ truyền hình... tôi cũng chọn cách thanh toán online trên điện thoại”, anh Lực cho biết thêm.

 

t11a.jpg
Khởi động “Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử” thuộc chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Ảnh: Mạnh Tú.
 

Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm. Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng cho biết, quý I/2021, hoạt động thanh toán không dùng tiến mặt đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu lượt với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị. Riêng hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đạt 482,5 triệu lượt với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100%.

Nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ ngày 17/05/2021, Agribank thực hiện chính sách miễn phí chuyển tiền trong nước.

Các kênh thanh toán áp dụng chính sách miễn phí: Miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, áp dụng trên tất các kênh thanh toán: tại quầy giao dịch, ATM, Agribank E-Mobile Banking, SMS Banking, Bankplus.

Miễn 100% phí dịch vụ chuyển tiền ra ngoài hệ thống Agribank, áp dụng trên các kênh ngân hàng điện tử: ATM, Agribank E-Mobile Banking.

Hót dịch vụ giao nhận hàng

Sự phát triển của công nghệ thông tin và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ (cụ thể là mạng internet và sự lan tỏa của các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số đến khắp nơi trên thế giới) là nhân tố chính thúc đẩy sự thay đổi nhanh chóng tại nhiều lĩnh vực. Tại lĩnh vực giao hàng, thông qua các sàn TMĐT, các app bán đồ ăn, thức uống… cũng thay đổi chóng mặt.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 cùng dịch Covid-19 đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn, kéo theo vị thế của ngành giao nhận đang ngày càng tăng đột biến.

Theo đó, thay vì ra hàng quán để ăn uống, thì bây giờ khách hàng chuyển dần sang đặt hàng online và người giao hàng (shipper) sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, bán hàng online rất thịnh hành và các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.

Chị Hoa, một nhân viên văn phòng cho rằng, thời buổi ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống thì Shipper là một mắt xích không thể thiếu,  “mỗi tuần có ít nhất 3-5 lần đặt đồ ăn qua các ứng dụng như Grab, Now hay Go-Viet. Bên cạnh đó, tôi còn  giao đồ đạc, hàng hóa, chuyển tài liệu đến đối tác…”

Anh Đinh Văn Thiều làm shipper trên ứng dụng Grab chia sẻ, từ đầu tháng 4 đến nay, hoạt động giao hàng nhất là đồ ăn, uống tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi Hà Nội có thêm các ca dịch mới. “Trung bình 1 ngày tôi chạy khoảng từ 25-30 đơn hàng; tiền công vận chuyển 1 đơn hàng từ 20.000- 25.000 đồng giúp tôi có thu nhập khoảng từ 500.000-600.000 đồng/ngày”- Anh Thiều chia sẻ.

Có thể nói rằng, xu hướng chuyển đổi số từ cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới để bứt phá, dựa trên nền tảng của công nghệ trong thời kỳ đổi mới… Cùng với việc dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế, chuyển đổi số đang trở thành bắt buộc đối với tất cả mọi ngành nghề, thói quen sinh hoạt nhằm thích ứng với cuộc sống, qua đó sự thích ứng này cũng góp phần đào thải những nghề bị tụt hậu khó đáp ứng nhu cầu của xã hội. Phát triển ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020, những nền tảng quan trọng nhất cho phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam đã được hình thành và bước đầu phát huy hiệu quả. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% số bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 98% quận, huyện, thị xã.

Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng Chính phủ điện tử đã được xây dựng, gồm CSDL về Bảo hiểm quản lý thông tin của 24 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của trên 90 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế; CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỉ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%; CSDL tài chính chứa thông tin quản lý thuế của khoảng 65 triệu cá nhân và trên 700.000 doanh nghiệp; CSDL giáo dục chứa thông tin của trên 53.000 trường học; 1,5 triệu giáo viên; 23 triệu hồ sơ học sinh; CSDL danh mục dùng chung của Bộ Y tế gồm 10.000 đầu thuốc, 41.000 cơ sở kinh doanh dược. Ngày 25/2/2021, CSDL quốc gia về Dân cư được khai trương. Tính đến tháng 12/2020, gần 40 nền tảng “Make in Viet Nam” do cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng đã được giới thiệu, ra mắt…

Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như các cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế, giáo dục, hộ tịch. Trong đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được khai trương ngày 25/02/2021, đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại, là cú hích giảm giấy tờ, thủ tục hành chính đáng kể. Trên 90% văn bản điện tử được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước; trên 4,5 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số (đến nay có khoảng 40 nền tảng “Make in Việt Nam” được ra mắt).

Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đã có Trung tâm điều hành và giám sát an toàn an ninh và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để tạo thành hệ thống giám sát toàn diện an toàn không gian mạng quốc gia.

“An toàn, an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số là điều kiện tiên quyết, luôn là nhiệm vụ song hành với các nhiệm vụ chuyển đổi số”,  Chủ tịch nước  Nguyễn Xuân Phúc  nêu rõ.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được khởi động và bước đầu triển khai hiệu quả. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra mắt Cổng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (thu hút 400 người dùng doanh nghiệp, hỗ trợ gần 200 doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số).

Cùng với những thành tựu quan trọng, toàn diện về kinh tế-xã hội, những nỗ lực mạnh mẽ trong chỉ đạo thực hiện và những kết quả quan trọng đạt được trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử là một điểm sáng nổi bật trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, nhất là năm 2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế như môi trường pháp lý cho Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện (một số Nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành “đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu cá nhân; định danh, xác thực điện tử…). Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành triển khai chưa đáp ứng được tiến độ, kế hoạch đã đề ra...

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước  Nguyễn Xuân Phúc  nhấn mạnh đến công tác xây dựng thể chế, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến. Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới; quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp duy trì, tiếp tục phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

 

 

 

Thanh xuân
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top