Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã tạo bước tiến đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với những hứa hẹn mới.
Nhiều điểm mới
Trước khi diễn ra, COP26 đã được kỳ vọng là “hy vọng tốt nhất và cuối cùng” để cứu hành tinh. Theo các chính trị gia và một số nhà hoạt động, kết quả đạt được bất chấp nhiều bất đồng cho thấy sự đồng thuận của tất cả các nước và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc cần phải đẩy mạnh hành động.
Tại hội nghị, 197 quốc gia khẳng định ưu tiên hàng đầu là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp - mục tiêu đã được đề ra trong Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. Vượt qua ngưỡng này, theo cảnh báo của các nhà khoa học, sẽ gây ra nguy cơ về các đợt nóng chết người, những cơn bão hung tợn, khô hạn và phá vỡ hệ sinh thái. Nhiệt độ trái đất hiện đã tăng thêm 1,1 độ C.
Đây cũng là lần đầu tiên một thỏa thuận COP chỉ đích danh nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ trái đất. Tranh cãi gay gắt nhất trong những giờ cuối của hội nghị là việc Ấn Độ, với sự ủng hộ của Trung Quốc và các nước đang phát triển phụ thuộc vào than, phản đối “xóa bỏ” sử dụng than, sau đó đã được điều chỉnh thành “giảm dần”.
Thỏa thuận đã vạch ra các bước cụ thể, từ việc cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon vào năm 2030, giảm thải khí methane và lập ra bộ quy định mới buộc các nước có trách nhiệm hơn dù vẫn không có hình phạt nào nếu các nước không tuân thủ, theo báo New York Times (Mỹ).
Tài chính cũng là một trong những vấn đề nổi cộm của COP26, và gây tranh cãi nhất là việc các nước nghèo yêu cầu các nước giàu “bồi thường” những tổn thất do các hiện tượng thời tiết cực đoan, hỗ trợ các nước ứng phó những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia tuyên bố sẵn sàng hạn chế sử dụng than nếu được hỗ trợ tài chính.
Một trong những điểm đột phá của Thỏa thuận Glasgow so với Thỏa thuận Paris 2015 là cho phép các nước mua tín chỉ carbon từ các nước khác, mở ra tiềm năng tạo ra nguồn quỹ hàng ngàn tỉ USD để bảo vệ rừng, phát triển năng lượng sạch và các dự án chống biến đổi khí hậu.
Những vướng mắc
Thỏa thuận khí hậu Glasgow cũng kêu gọi các nước trở lại vào năm sau để giải quyết vấn đề còn bỏ ngỏ là chia sẻ gánh nặng cắt giảm khí thải giữa các nước và đưa ra các cam kết mạnh mẽ hơn cho năm 2030.
Nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Greta Thunberg và nhiều nhà hoạt động khác cho rằng, thỏa thuận thiếu hành động thực tế. “COP26 đã kết thúc. Nhưng công việc thật sự vẫn tiếp diễn bên ngoài các phòng họp này và chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ những công việc này” - Greta Thunberg nói. Trước đó, Thunberg và các nhà hoạt động khác khẳng định các nhà lãnh đạo thế giới đã thất bại khi chuyển từ lời nói thành hành động.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá cao việc thỏa thuận kêu gọi các nước giàu tăng gấp đôi cam kết hỗ trợ 100 tỉ USD cho các nước nghèo như đã hứa cách đây một thập niên.
Nhận định về thỏa thuận, Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Antonio Guterres cho rằng, thảm họa khí hậu đang đến gần và trái đất đang trong tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
“Kết quả COP26 là một thỏa hiệp. Kết quả phản ánh lợi ích, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Đó là một bước tiến quan trọng, song chưa toàn diện”. Ông kêu gọi đẩy nhanh hàng động để đạt “mục tiêu 1,5 độ C”, kêu gọi các nước từng bước ngừng sử dụng than đá và bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất.
“Họ đã thay đổi ngôn từ nhưng tín hiệu từ COP này không đổi, rằng thời đại của than đang chấm dứt”, bà Jennifer Morgan, lãnh đạo nhóm Greenpeace, nhận định.
Còn Mohamed Adow, Giám đốc Tổ chức Power Shift Africa ở châu Phi, chỉ trích việc các nước nghèo hy sinh trong thỏa thuận vì sự ích kỷ của các nước giàu. “Đây là kết quả từ một COP tổ chức ở thế giới giàu có và bao gồm các ưu tiên của thế giới giàu có đó”, ông nói.
Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26, gọi Thỏa thuận Glasgow là “chiến thắng mong manh”. Ông cho rằng: “Chúng ta đã giữ cho (mục tiêu) 1,5 độ C tồn tại. Tuy nhiên, nhịp đập của nó rất yếu và nó sẽ chỉ tồn tại nếu chúng ta giữ lời hứa, nhanh chóng chuyển các cam kết thành hành động”.
Hiệp ước Khí hậu Glasgow công nhận tầm quan trọng của “tổn thất và thiệt hại” và đồng ý tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng. Nhưng thay vì đồng ý lập một quỹ dành riêng cho vấn đề này, hiệp ước chỉ kêu gọi đối thoại nhiều hơn. Điều đó có nghĩa là quỹ này có thể mất hàng năm mới được thành lập nếu các bên có ý định.
Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ phản đối quỹ này. Còn Liên minh châu Âu từng cho biết sẽ không ủng hộ. Australia cũng ngăn chặn ý định thành lập quỹ.
Có thể nói COP26 là hội nghị quan trọng nhất kể từ năm 2015. Mặc dù kết quả chưa thực sự hoàn hảo và đầy đủ, nhưng hội nghị cũng cho thấy các nước đang nỗ lực bảo vệ “Hành tinh xanh” của chúng ta.
Ba thông điệp của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
Theo Thủ tướng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
“Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực “để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 3 thông điệp quan trọng.
Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất.
“Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Thủ tướng nêu cam kết của Việt Nam.
Cuối cùng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
Thủ tướng đề nghị các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có và khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.
“Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Cam kết sẽ có đầu tư xanh
Ông Gareth Ward, Đại sứ Anh tại Việt Nam cho biết, mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam cho thấy đây là bước tiến thực sự trong tham vọng của Việt Nam và là một đóng góp lớn trong việc đảm bảo mục tiêu nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ để ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên.
“Tất cả các tuyên bố này củng cố hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được kết quả thành công cho COP26, và hỗ trợ việc thực hiện các cam kết mới về khí hậu và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế”, Đại sứ Gareth Ward nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, tin tưởng và cho rằng, việc nâng cao cam kết giảm phát thải khí nhà kính sẽ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết, chúng ta có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỉ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.
Đây là một cam kết quan trọng và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình đồng hành cùng các quốc gia khác đạt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Cam kết này cũng phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu Covid-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đề ra. Thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta có mục tiêu tăng GDP lên 6,5-7% mỗi năm, đồng nghĩa với phát thải khí nhà kính gia tăng nếu chúng ta tiếp tục dựa vào nguồn nguyên liệu hóa thạch.
“Việt Nam cần chuyển đổi tầm nhìn về phát triển kinh tế. Thay vì xem GDP là mục tiêu đạt được thì nên lấy giá trị về con người mạnh khỏe, môi trường trong sạch, đảm bảo an sinh xã hội làm mục tiêu phát triển. Không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế”, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa nhấn mạnh.
Các kết quả khác tại COP26 * Trung Quốc - Mỹ, hai quốc gia phát thải nhiều nhất thế giới, ra tuyên bố chung về việc cắt giảm khí thải trong thập niên này, trong đó Bắc Kinh lần đầu tiên hứa xây dựng kế hoạch giảm khí methane - một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. * Phá rừng: Lãnh đạo của hơn 100 nước cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. * Methane: Hơn 100 nước nhất trí giảm 30% khí thải nguy hiểm này vào cuối thập niên. * Ấn Độ, nước tiêu thụ than hàng đầu thế giới, gia nhập câu lạc bộ “zero carbon” với mục tiêu chấm dứt phát thải vào năm 2070. |
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.