Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 14:33

Củ cải sản xuất an toàn vẫn loay hoay “đầu ra”

Canh tác 4 vụ củ cải/năm, người dân thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (Mê Linh) thu được khoảng 800 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, mặc dù củ cải sản xuất theo phương pháp hữu cơ song chủ yếu tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Hà Nội, rất ít sản phẩm được các siêu thị thu mua.

Việc tìm đầu ra cho củ cải đang là bài toán cho chính quyền, HTX và người dân nơi đây.

 

t23.JPG
Ông Biên trong ruộng trồng củ cải trắng của mình.
 

Tăng giá trị nhờ trồng rau an toàn

Về xã Tráng Việt, chúng tôi thật ngỡ ngàng bởi những cánh đồng trồng rau củ cải xanh ngút kéo dài ra tận bờ sông, đang trong thời kỳ thu hoạch. 

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường đã được bê tông hóa, chỉ sang hai bên đường để giới thiệu, ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX DVNN Đông Cao, cho biết: “Vùng sản xuất rau tập trung của HTX hiện đạt gần 200ha, trong đó có 134,68ha rau an toàn và 5ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm nông nghiệp chủ đạo của bà con ở đây là củ cải trắng, giống Hàn Quốc”.

Được phù sa sông Hồng bồi đắp, đất đai tại xã Tráng Việt nói chung, thôn Đông Cao nói riêng, rất màu mỡ, thích hợp cho việc trồng rau màu, cộng với bản tính cần cù yêu lao động của người dân nơi đây, rau đã không phụ công người chăm sóc.

“Nhưng với tư duy canh tác trước đây, chỉ lấy sức lao động là chủ yếu, hơn nữa việc trông chờ vào “mưa thuận, gió hòa” từ thiên nhiên mang lại, nên cuộc sống của người dân ở đây không có gì khá giả, thậm chí để đủ sống cũng đã là cả một vấn đề. Bây giờ trồng củ cải theo phương pháp an toàn, năng suất đạt cao, thu lợi nhuận cao hơn trồng các loại rau màu khác rất nhiều”, ông Đua cho biết.

Theo ông Nguyễn Văn Biên, ở khu 2, thôn Đông Cao, từ khi lựa chọn được cây củ cải, với giống được chúng tôi nhập từ nước ngoài, gặp được đất đai và khí hậu thuận lợi, củ cải phát triển cho năng suất và chất lượng rất cao. Nhưng để gia tăng giá trị kinh tế, xã viên HTX DVNN Đông Cao phải thực hiện trồng theo phương pháp an toàn.

Trao đổi về phương pháp trồng và chăm sóc giống củ cải này, ông Biên chia sẻ, chúng tôi chăm sóc hoàn toàn bằng phương pháp hữu cơ, không phun bất kỳ loại thuốc hóa học nào để diệt cỏ, mà diệt cỏ hoàn toàn làm bằng tay. Phân bón cho củ cải cũng được sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng phải được ủ cho mục rồi sau đó đem bón cho cây.

 

t22.JPG
Ông Đàm Văn Đua (người cầm micro đứng giữa), Giám đốc HTX DVNN Đông Cao.

 

Được hỏi về thu nhập của gia đình ông từ khi trồng củ cải đến nay, ông Biên cho hay: “Gia đình  trồng củ cải gần 10 năm nay, nếu so với trồng lúa, thu nhập được từ củ cải gấp gần 20 lần. Gia đình chỉ có hai vợ chồng, với diện tích khoảng 3 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2), trừ chi phí, gia đình thu được khoảng 300 triệu đồng”.

Theo tính toán của ông Đàm Văn Đua, nếu một năm canh tác 4 vụ trồng củ cải, xã viên HTX Đông Cao thu hoạch 37 - 40 nghìn tấn củ cải, thu nhập 800 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và các loại rau màu khác.

Chủ yếu tiêu thụ tại chợ đầu mối

Những năm trước đây, có thời điểm nông dân trồng củ cải ở Tráng Việt phải nhổ bỏ hàng tấn củ cải đem xếp lên bờ ruộng để cho gia súc ăn, nhiều cơ quan báo chí vào cuộc và kêu gọi người dân nhiều địa phương “giải cứu củ cải” cho bà con.

Theo ông Đua, nguyên nhân củ cải phải nhổ bỏ khi đến thời điểm thu hoạch mà không có thương lái đến thu mua, đó là người dân canh tác quá nhiều, mỗi năm chỉ canh tác khoảng 4 vụ/năm, nhưng do thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cao nên đã trồng thêm 1 vụ nữa, dẫn đến hiện tượng củ cải phơi đầy trên ruộng do cung  vượt quá cầu.

Tuy nhiên, mặc dù củ cải có chất lượng rất cao, sản lượng khá lớn nhưng vẫn chỉ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối của Thủ đô Hà Nội, ít được các siêu thị bày bán.

Ông Đua cho biết. “Mỗi ngày  vùng sản xuất rau tập trung của HTX tiêu thụ 300 - 500 tấn củ cải;  thị trường là các chợ đầu mối và các tỉnh, thành lân cận như Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Giang. Theo thống kê, năm 2019, sản phẩm của bà con tiêu thụ chỉ chiếm 20% trên thị trường rau của Hà Nội, HTX  đang tìm đầu ra cho củ cải trắng ở đây”.

Ngoài ra, HTX DVNN Đông Cao đã xuất khẩu một số ít củ cải sang thị trường Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Văn Biên chia sẻ, gia đình thường bán củ cải tại ruộng cho thương lái. Rất mong HTX tìm được đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm để người nông dân  đỡ vất vả, giá cả lại ổn định và cao hơn.

Tiến tới xây dựng thương hiệu củ cải trắng

Trao đổi về việc tìm đầu ra cho củ cải trắng của người dân Tráng Việt, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết. “UBND huyện đã giao cho các phòng, ban chức năng tham mưu cho lãnh đạo huyện trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm của địa phương nói chung và củ cải nói riêng. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ truy xuất nguồn gốc củ cải, xây dựng thương hiệu củ cải trắng. Công việc tìm đầu ra mới chỉ dừng lại ở đó, sắp tới sẽ phải triển khai quyết liệt để bảo đảm sản phẩm nông nghiệp của nông dân có địa chỉ tiêu thụ”.

Củ cải trắng trồng tại đây rất ngon, củ to, chắc, trắng, nhưng với sản lượng lớn như vậy mà thị trường tiêu thụ chỉ là những chợ thu mua nông sản đầu mối của Thủ đô và một số tỉnh, thành lân cận là chưa đủ.

Tìm thị trường tiêu thụ đang là bài toán cho chính quyền, HTX và người dân nơi đây. Nó sẽ không khó nếu sản phẩm được xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là kênh phân phối được mở rộng. Có như vậy, nông dân trồng củ cải trắng nói chung và các loại sản phẩm nông nghiệp nói riêng sẽ không còn thấy cảnh “giải cứu”.

 

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top