Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về hiện tượng giá một số mặt hàng rau, củ tươi trên thị trường các tỉnh phía Bắc “rớt thảm” khiến nông dân bị thua lỗ.
Trước tình hình trên, Cục Trồng trọt phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sản xuất và tiêu thụ rau ở một số địa phương, đồng thời đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn.
“Cung lệch cầu khiến giá rau rớt thảm”
Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Hồng Sơn cho biết, theo báo cáo của các địa phương, vụ Đông 2017 là vụ sản xuất rất thuận lợi nên nông dân vừa được mùa, vừa được giá. Năng suất rau tăng xấp xỉ 10%, giá bán cao hơn khoảng 15% so với vụ Đông năm 2016 và kéo dài suốt từ tháng 9/2017 đến hết tháng 1/2018, thậm chí đến giữa tháng Hai, giá rau vẫn cao hơn các năm trước, thị trường tiêu thụ khá ổn định. Do năng suất và giá bán tăng, thu nhập trung bình của người dân tăng khoảng 20% so với năm trước.
Qua tổng kết từ các địa phương, giá trị sản xuất cây vụ Đông 2017 đạt xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, tăng khoảng 3.000 tỷ đồng so với vụ Đông 2016, trong đó giá trị sản xuất tăng chủ yếu từ cây rau.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, vào tuần đầu tháng Ba, giá rau bắt đầu giảm và đến tuần thứ 2 thì giảm sâu. Người đứng đầu Cục Trồng trọt lý giải việc giá rau giảm là bởi những nguyên nhân chính cụ thể sau:
Thứ nhất, theo quy luật, đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi chuẩn bị kết thúc thời vụ cấy lúa Xuân, nông dân đều tận thu toàn bộ rau trên các vùng không chuyên canh (trồng 2 vụ lúa - 1 vụ rau đông) để giải phóng ruộng, chuyển sang cấy lúa Xuân nên lượng rau đến kỳ thu hoạch cung cấp ra thị trường là rất lớn, vượt quá nhu cầu của thị trường.
“Do đó, vào dịp này, giá rau hàng năm đều bị giảm. Riêng năm nay, giá rau tại các chợ giá bán khá thấp, thậm chí rất rẻ: su hào 500-1.000 đồng/củ, củ cải từ 1.000-1.500 đồng/kg, cải bắp 2.000-2.500đồng/cây”, ông Sơn phân tích.
Mặt khác, do giá rau cao liên tục trong suốt cả 3 lứa của vụ Đông, thời vụ để chuyển sang trồng một số loại cây rau màu khác như dưa hấu, dưa lê… còn chưa đến, một số hộ tranh thủ trồng 1 vụ rau ưa lạnh vào vụ xuân sớm với hy vọng giá tiếp tục đạt cao, đặc biệt vào thời điểm gối vụ. Do thời tiết ấm, cây sinh trưởng nhanh, thời điểm thu hoạch trùng lúc thu vét của rau vụ Đông lứa cuối nên dẫn đến hiện tượng dồn ứ về sản lượng.
Bên cạnh đó, thời tiết những tháng giáp Tết thuận lợi, nửa cuối tháng Hai và đầu tháng Ba trời ấm nên tiến độ gieo trồng một số rau ăn lá nhiệt đới trong vụ xuân hè như rau giền, rau muống, mùng tơi... phát triển rất nhanh; đến đầu tháng 3 nguồn cung khá dồi dào, đã bán ra thị trường khá nhiều. Sau một thời gian dài tiêu thụ các loại rau ôn đới, người tiêu dùng muốn thay đổi chủng loại rau nên tập trung tiêu thụ nhiều rau nhiệt đới.
Đồng thời, những tháng đầu năm, một số nhà máy, trường học chưa làm việc đều, các bếp ăn chưa hoạt động trở lại thường xuyên nên lượng rau tiêu thụ cũng giảm.
Tuy nhiên, Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn cũng khẳng định, theo báo cáo của một số Sở Nông nghiệp và PTNT trồng rau chính, diện tích lứa cuối rau vụ Đông và lứa đầu rau vụ Xuân còn không đáng kể.
“Nhiều nhất tại Hà Nội là nơi tiêu thụ rau rất lớn chỉ còn khoảng 1.150ha, các địa phương khác chỉ còn khoảng 10-15ha. Như vậy, lượng tồn rất thấp và có thể khẳng định, sản lượng gây ế thừa nghiêm trọng phải chặt bỏ là không còn nhiều”, ông Sơn nói.
Tăng cường chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến
Mặc dù đại diện Cục Trồng trọt khẳng định sản lượng rau ế thừa chặt bỏ là không nhiều, song Cục Trồng trọt cũng đã nêu những giải pháp then chốt để tránh rơi vào “vết xe đổ” của bài toán “rớt giá” các loại nông sản.
Trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo các đơn vị cơ sở cần tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động nông dân trồng rải vụ, lách vụ, giảm diện tích trồng các loại rau khó tiêu thụ trong vụ Xuân sớm giáp vụ Đông.
Tăng cường chỉ đạo các mô hình liên kết có bao tiêu sản phẩm trên cơ sở xây dựng các Đề án phát triển sản xuất hàng hoá tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh.
Trước tình hình tiêu thụ rau khó khăn trong vụ Xuân 2018, cần tăng cường thông tin về sản xuất rau, kêu gọi các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.
Đặc biệt là các đơn vị cơ sở cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu.
Trước mắt, Cục Trồng trọt sẽ có công văn chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát diện tích, sản lượng, đánh giá việc thực hiện liên kết và bao tiêu sản phẩm, cân đối cung cầu, xác định thị trường tiêu thụ để có giải pháp chỉ đạo chặt chẽ, hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ hơn, tiếp tục phát triển sản xuất rau vụ xuân theo khả năng và nhu cầu của thị trường.
Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, đến nay các địa phương các tỉnh phía Bắc đã thu hoạch xong rau vụ Đông và đã trồng được khoảng 55-80% rau vụ Xuân Hè theo kế hoạch. Dự báo trong thời gian tới, giá rau sẽ tăng lên và duy trì ổn định do lượng cung bị giảm, lượng rau cung cấp ra thị trường chủ yếu là trên đất chuyên trồng rau.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.