Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2019 | 12:28

Đắk Lắk: Cây trồng xen trong vườn cà phê, tiêu, lãi “khủng”

Trồng xen các loại cây ăn quả, đang được bà con Đắk Lắk lựa chọn, để tăng thu nhập, nhiều nông dân giàu có từ mô hình này.

Trồng xen cây ăn quả, đang được người dân xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar lựa chọn, để tăng thu nhập. Với mô hình này, ông Nguyễn Đức Cang, thôn Tiến Đạt, đã trở thành triệu phú trên đồng đất của mình.

 

xen-333.jpg

Ông Cang (phải), giới thiệu mô hình cho khách tham quan

 

Từ 8 sào cà phê, tiêu được thừa kế, ông Cang mua thêm 6 ha đất rẫy. Lúc đầu, ông tái canh 1 ha cà phê, chuyển đổi 1 ha đã già cỗi sang trồng mít, mãng cầu.

Thấy giá hồ tiêu, cà phê bấp bênh, trong khi cây ăn quả phát triển tốt, ông Cang quyết định chặt bỏ 4 ha cà phê, hồ tiêu già cỗi, để phát triển vườn trồng xen cây ăn quả.

Để có mô hình vườn trồng xen thành công, ngoài tìm hiểu trên sách báo, ông Cang đi đến các nhà vườn uy tín ở TP. Buôn Ma Thuột, để  mua giống cây bảo đảm chất lượng.

Ông cho hay: “Mỗi loại cây ăn quả có cách chăm sóc riêng, hơn nữa cần vốn lớn để mua giống, phân bón, và cần công chăm sóc, mất ít nhất 2 - 3 năm, mới cho thu hoạch, sau đó, vốn đầu tư sẽ thấp dần, lợi nhuận mới tăng lên.

Vì vậy, tôi quyết định trồng xen một số cây ăn quả ngắn ngày như: ổi, chanh dây, dứa, mít… để “nuôi” cây ăn quả dài ngày: bơ, sầu riêng...”.

Năm 2016, ông chi 120 triệu đồng, trồng 1 ha chanh dây, và thu được 400 triệu đồng ngay năm đầu tiên. Ông Cang dùng toàn bộ số tiền trên, trồng xen 500 cây mít Thái, 500 cây sầu riêng dona da xanh, bơ, ổi, xoài, bưởi, dừa, quýt đường, dứa…trên 3 ha còn lại.

Hiện, một số cây ngắn ngày đã cho thu hoạch; trung bình mỗi tuần ông bán 4 tạ mít Thái, thu trên 10 triệu đồng; 4 tạ chanh dây, gần 2 triệu đồng, và hàng chục kg ổi, dứa, quýt đường, xoài…, thương lái đến tận vườn thu mua

Từ mô hình trồng xen cây ăn quả, ông Cang đã tạo việc làm ổn định cho 4 lao động địa phương, với thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy là, thu nhập từ vườn trái, cao hơn nhiều so trồng thuần cà phê, hồ tiêu.

Krông Pắc: Bí đỏ không ra quả, cơ quan chức năng cần vào cuộc

Ký hợp đồng cung ứng 60 tấn bí đỏ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An, xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), liên kết với nông dân trồng hơn 2 ha. Song, sắp đến kỳ thu hoạch, không có quả nào.

 

bi-999.jpg

Vườn bí của chị Nguyên, xanh tốt nhưng không có quả

 

Tháng 4–2019, qua giới thiệu của đại lý giống, HTX Nhân An, liên hệ  với ông Phan Anh Quân, Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ, mua 100 gói hạt giống bí đỏ lai F1 Arjuna, giá 55.000 đồng/gói; ươm được hơn 1 vạn bầu.

HTX thường xuyên cử kỹ sư nông nghiệp theo dõi. Thời gian đầu, bí phát triển nhanh, không sâu bệnh. Song, sau 50 ngày tuổi, bí rất ít hoa, quả non không phát triển.

Anh Cao Xuân Lộc, thôn 5, xã Tân Tiến, trồng 6 sào. Do đã ký hợp đồng canh tác hữu cơ, nên chỉ sử dụng phân bò hoai, và phun chế phẩm Canxi-Bo.

Song, anh thấy hoa cái rất ít, thường bị vàng, teo dần, rồi rụng. Hiện, nhiều ngọn vẫn còn hoa cái, song, những nụ này, chắc chắn không thể tạo quả, vì mọc ở nhánh phụ, không đủ dinh dưỡng.

Tương tự, Chị Nguyễn Thị Khôi Nguyên (thôn 4, xã Tân Tiến), đã trồng 400 cây bí, cũng đang rầu rĩ vì không quả.

Chị cho hay, ban đầu, bí xanh tốt, rất phấn khởi. Càng về sau, càng thất vọng, vì hoa ít hơn hẳn so bí đỏ hồ lô chị đã trồng trước đây. Sau khi hoa nở thì dần rụng, không đậu quả nào.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nhân An, ông Trần Thế Châu, cho hay, trước khi mua giống, ông đã trao đổi với ông Quân, về canh tác hữu cơ của HTX .

Ông Quân nhiều lần xuống khảo sát, và khẳng định: bí đỏ Arjuna có thể phát triển tốt tại đây, với năng suất 7 kg/quả.

HTX đã ký 2 hợp đồng cung ứng cho Công ty TNHH Ba Lành (TP. Hồ Chí Minh), và HTX Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk (TP. Buôn Ma Thuột).

Mỗi hợp đồng 30 tấn bí đỏ, trị giá 600 triệu đồng. Phía đối tác đã tạm ứng cho HTX 120 triệu đồng/hợp đồng, thời gian giao hàng, cuối tháng 7-2019.

Nếu chậm tiến độ, Nhân An phải chịu phạt số tiền tương ứng 0,2% giá trị hợp đồng/ngày. Ngoài ra, HTX cũng đã ký 3 hợp đồng bao tiêu với nông dân, giá 15.000 đồng/kg.

Hiện, HTX đã đầu tư 200 triệu đồng chi phí, công ươm giống, phân bón, chế phẩm Canxi-Bo, và một số vật tư khác, chưa kể tiền thuê cày, công xuống giống, chăm sóc của nông dân và HTX.

Giữa tháng 6, thấy bí không đậu quả, HTX và các hộ  dân nhiều lần liên lạc với Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ, đề nghị kiểm tra, hỗ trợ xử lý, song, chỉ nhận được câu trả lời lấp lửng, hoặc không trả lời.

Ông Châu cũng hẹn bà con đến làm việc theo yêu cầu từ phía công ty nhưng không ai đến. Quá bức xúc, ngày 12-7, ông Châu đăng hình ảnh, thông tin sự việc lên mạng xã hội. Lúc này, ông Quân mới liên lạc và xuống kiểm tra.

Chiều ngày 15-7, Ông Đặng Văn Tuấn, Công ty TNHH Hai mũi tên đỏ, đã đến làm việc với HTX và nông dân.

Ông Tuấn lý giải, bí không có quả là do thời tiết mưa đầu mùa. Những cơn mưa này nhiều đạm, khiến cây sinh trưởng mạnh, dẫn đến ức chế phát triển nụ.

Vì vậy, công ty sẽ hoàn trả tiền mua hạt giống. Không đồng tình câu trả lời trên, phía HTX cho rằng, nếu mất mùa do thời tiết, ít nhất phải đạt sản lượng nhất định, không thể hoàn toàn không có quả.

Được biết, nhiều địa phương trong tỉnh, cũng đang gặp hiện tượng như vậy, bí không có quả, ngọn cũng không dám hái, vì sợ ảnh hưởng cây.

Đề nghị, cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ nguyên nhân, giúp bà con thoả đáng.

Hiện, nông dân phải chịu rất nhiều áp lực, mất tiền đầu tư, nguy cơ phải bồi thường các hợp đồng, trị giá  khoảng 2 tỷ đồng. HTX đề nghị Công ty hỗ trợ ít nhất 30% sản lượng, và giá HTX đã ký với nông dân.

Kon Tum: Nông nghiệp hữu cơ, hướng sản xuất bền vững

Hiện, yêu cầu ATTP, bảo vệ môi trường ngày càng cao, vì vậy, xu hướng sản xuất hữu cơ, đang được doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng quan tâm.

 

k-tum-661.jpg

Trồng rau hữu cơ ở HTX Măng Đen. Ảnh: DL

 

Song, phát triển hữu cơ cũng gặp nhiều thách thức, quy trình sản xuất khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao…

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã ban hành bộ tiêu chuẩn Việt Nam, dành riêng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, có hiệu lực từ  năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm HTX rau, hoa và du lịch Thanh niên Măng Đen, cho biết, sản xuất hữu cơ, không được sử dụng 5 nguồn vật liệu: thuốc BVTV, phân hóa học, chất kích thích tăng trưởng, sản phẩm đột biến gen và phân bắc.

Chủ yếu sản xuất luân canh, phân chuồng ủ hoai, phân xanh, phân vi sinh, và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Sản phẩm của HTX, đã được Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC, thuộc Liên hiệp các hội KHHT Việt Nam, đánh giá phù hợp Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Quốc gia: TCVN 11041-2:2017.

Ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp, cho biết: Sản xuất hữu cơ được Chính phủ khuyến khích, trong đó có nhiều cơ chế hỗ trợ sản xuất.

Mặt khác, sản xuất rau an toàn, chuẩn VietGap cũng đang phát triển mạnh tại T.p Kon Tum, huyện Đăk Hà, Ngọc Hồi, Kon Plông.

Người dân đã nhân rộng gần 50ha rau, 14ha cây ăn trái (cam, bơ, bưởi, thanh long ruột đỏ), chuẩn VietGAP.

Đã có khoảng 200ha cây ăn quả: cam, bưởi, chanh, bơ, chuối, đang được Sở chỉ đạo, xây dựng mô hình thử nghiệm, nhân rộng nông nghiệp hữu cơ, vận động người dân làm nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ, là hệ thống nông nghiệp luân canh, chủ yếu dựa vào phân bón hữu cơ, từ gia súc, gia cầm, phân xanh... nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất.

Ngoài ra, còn có lợi cho môi trường, đất, cây trồng, gia súc, con người, và cả cộng đồng; làm cho hệ sinh thái bền vững - ông Trần Văn Chương phân tích.

Gia Lai: Cây na nguồn thu nhập cao của người dân vùng khó

Hiện, nhiều hộ dân huyện Kông Chro, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng na, đem lại thu nhập cao.

 

na-93.jpg

 Trừ chi phí, 650 gốc na dai của ông Ất thu hơn 200 triệu đồng Ảnh: Ngọc Minh

 

Ông Vũ Văn Tĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang-cho hay: Xã đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển diện tích đất kém hiệu quả, sang trồng thanh long, quýt, bưởi, chuối, na...

Riêng cây na dai, có 34 hộ, diện tích 20,6 ha, đã có 18,6 ha cho thu hoạch. “So cây trồng khác, na dai giá tương đối ổn định, hiệu quả cao. Chúng tôi đã đăng ký na dai là sản phẩm đặc trưng của xã”-ông Tĩnh chia sẻ.

Ông Lê Văn Ất (thôn 2, xã Kông Yang),cho biết: Năm 2001, ông đưa vợ con từ tỉnh Vĩnh Phúc vào Kông Chro lập nghiệp.

Sau nhiều năm tích góp, ông mua được 6,5 sào đất toàn sỏi đá, trồng cây gì cũng chậm, năng suất thấp. Năm 2006, ông cải tạo để trồng 650 cây na dai.

Hơn 2 năm sau, na cho thu hoạch, nhưng sản lượng chưa cao, do thiếu nước. Năm 2014, ông đào giếng, làm hệ thống tưới tự động, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, bón phân cho na.

Từ đó, năm nào cũng thu hơn 11 tấn quả, bình quân trên 25 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, lãi hơn 200 triệu đồng/năm”-ông Ất chia sẻ.

Ngoài bán quả, ông còn bán na giống, mỗi năm  4-5 ngàn cây, giá 10 ngàn đồng/cây. 

Tượng tự, bà Nguyễn Thị Báu (thôn 2, xã Kông Yang) có 800 cây na, thu lời trên 100 triệu đồng/năm.

“Từ năm 2014 đến nay, na cho thu gần 200 triệu đồng/năm, trừ chi phí  lãi hơn 100 triệu đồng. So với bắp, mì na cho thu nhập cao hơn nhiều”-bà Báu so sánh.

Theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kông Chro: “Huyện có 69,6 ha na, đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn, vận động người dân chuyển đổi cây trồng.

Canh tác  theo hướng hữu cơ, để nâng chất lượng, đảm bảo na sạch, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”- ông Hưng thông tin.

 

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top