Hiện, cây giống sầu riêng Musang King ở Đắk Nông lại đang lên “cơn sốt”, do loại sầu riêng này đang có giá rất cao, nhưng cây giốn chưa được kiểm định.
Gần đây, sầu riêng Musang King (nguồn gốc Malaysia) có giá bán rất cao, được xem là “vua” sầu riêng, luôn dẫn đầu bảng về giá cả, với mức “khủng” 500.000 đồng/kg. Vì thế, bà con Đắk Nông đang đua nhau trồng.
Giống sầu riêng Musang King, được chào bán công khai trên địa bàn tỉnh
Anh Mai Văn Tuấn, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa), cho biết: Tham gia hội chợ Thị xã Gia Nghĩa, tôi mua 50 cây giống sầu riêng Musang King, trồng xen với cà phê. Do trái sầu này có giá cao nên cây giống cũng đang “sốt”.
Hiện, đang bán 150.000 đồng/cây giống, nếu không nhanh chân cũng khó mua. Tôi biết đây là cây trồng mới, nhưng vẫn thử, vì lợi nhuận quá cao.
Cũng chạy theo "cơn sốt" sầu riêng, ông Lê Quốc Hội, xã Thuận An (Đắk Mil) đã cắt ghép, trồng mới khoảng 150 cây. Ông chia sẻ: Đây là giống sầu riêng mới, chưa ai thu hoạch, nên không đánh giá được.
Chỉ thấy đồn thổi Musang King là “vua” của sầu riêng, nên tôi trồng thử nghiệm. Hi vọng, sầu riêng Musang King sẽ phát triển tốt, năng suất cao, đặc biệt là giữ được giá như hiện nay.
Trong khi hàng trăm hộ săn tìm, xuống giống sầu riêng Musang King, nhưng chưa có sự đánh giá, khảo nghiệm, nên cơ quan chức năng chưa thống kê được diện tích cụ thể.
Mặc dù vậy, diện tích sầu riêng Musang King đang được mở rộng rất nhiều, nhưng chưa hề có sự kiểm soát, nhất là nguồn giống.
Nắm được nhu cầu trên, hầu hết cơ sở bán cây giống trên địa bàn tỉnh đều có giống sầu riêng Musang King bán cho người dân.
Mới đây, trong vai người đi mua giống sầu riêng Musang King, chúng tôi đến cơ sở cây giống trên địa bàn huyện Đắk Song. Chủ cơ sở liên tục giới thiệu những lợi thế của giống cây này như: phù hợp điều kiện khí hậu Tây Nguyên, năng suất, giá trị cao…
Thế nhưng, khi đặt vấn đề muốn tham quan mô hình thử nghiệm loại sầu riêng này, chủ cơ sở giống lại xoay sang phân tích, đây là giống xuất xứ từ Malaysia, mới du nhập về Việt Nam, nên có ít vườn cho trái.
Song, điều kiện Việt Nam tương đồng, đất màu mỡ, nên chỉ cần chăm sóc tốt, sầu riêng Musang King sẽ phát triển tốt, năng suất, chất lượng không kém Malaysia.
Lợi thế của giống sầu riêng này là giá rất cao, khoảng 500 ngàn đồng/kg, gấp cả chục lần so sầu riêng thường
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Chi cục Phó Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp Đắk Nông, sầu riêng Musang King được một số người dân, đưa vào trồng thử nghiệm rải rác tại Đắk Nông.
Song, tỉnh lại chưa có mô hình nào đánh giá mức độ thích nghi của loại giống mới này, với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh. Đặc biệt, trên lãnh thổ Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào đăng ký nhập khẩu giống sầu riêng Musang King về trồng khảo nghiệm, đánh giá.
Do đó, giống sầu riêng này chưa được cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá về khả năng sinh trưởng, thích nghi với điều kiện thời tiết, chống chịu sâu bệnh, năng suất, chất lượng và tính hiệu quả.
Để hạn chế những thiệt hại, rủi ro khi sử dụng loại giống sầu riêng Musang King, mới đây Sở Nông nghiệp đã đề nghị các huyện, thị xã, khuyến cáo người dân không trồng sầu riêng Musang King ồ ạt, do chưa có cơ quan thẩm quyền cho phép trồng thử nghiệm, để giảm thiểu rủi ro.
Mặt khác, cần tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với các hộ sản xuất, kinh doanh giống sầu riêng Musang King theo quy định của Nhà nước.
Làng hoa Xuân Thành hướng đến Festival Hoa Đà Lạt
Làng hoa truyền thống Xuân Thành - xã Xuân Thọ, ven Đà Lạt, đang phát triển nhanh, nhờ chuyên canh hoa những năm gần đây, và đang chuẩn bị Festilval Hoa Đà Lạt 2019 dịp cuối năm.
Ông Nhân trong vườn hoa cúc
Theo chân ông Nguyễn Đức Bình - Chủ tịch Hội Nông dân Xuân Thọ - xã vùng ven Đà Lạt,
Ông Đặng Quang Nhân - một nông dân tiêu biểu của làng hoa Xuân Thành, cho biết, khu sản xuất của ông rộng 5 sào, nằm ngay trên mặt đường, thuận tiện đi lại.
Gần đây, khi hoa được giá và ổn định, ông chuyển sang chuyên canh hoa cúc. Theo đó, ông Nhân chia các khoảnh đất để trồng luân phiên. “Cứ mỗi nửa tháng, đúng vào ngày rằm, là tôi xuống giống một khoảnh, các khoảnh khác, cứ theo đợt mà chăm sóc thu hoạch.
Trồng như vậy để vào dịp rằm, mùng một - dịp cữ hoa, vườn mình luôn luôn có hoa để cho các vựa thu mua”- ông cho biết.
Mỗi lứa hoa thường kéo dài 3 tháng, mỗi năm ông Nhân làm 3 vụ, thời gian xen kẽ còn lại, ông xử lý cho đất sạch bệnh, cũng như là để đất nghỉ.
Để tiết kiệm chi phí, ông tự ươm giống, vừa đỡ tiền mua giống vừa chủ động xuống giống bất cứ khi nào ông muốn. Do vậy, mỗi năm sẽ giảm được 100 - 200 triệu đồng tiền mua giống” - ông Nhân chia sẻ.
Từ vườn hoa cúc, bằng sự chăm chỉ làm ăn, ông Nhân đã có thu nhập rất ổn định, trung bình mỗi năm trừ chi phí, ông cũng thu được vài trăm triệu đồng.
Không riêng ông Nhân, ông Phạm Văn Sơn, chủ yếu canh tác cẩm chướng và cát tường trong nhà kính, bên cạnh trồng hoa, ông còn kiêm thêm việc mua hoa từ các nhà vườn, để bán cho các vựa hoa
“Ngày thường, mình vừa làm hoa vừa mua hoa của bà con, công việc người nhà san sẻ làm, nhưng đến mùa hoa Tết phải thuê thêm người, vì lúc ấy hàng nhiều”- ông Sơn cho biết.
Xã Xuân Thành, từ trồng rau đang dần chuyển sang chuyên canh hoa, và thôn Xuân Thành được công nhận là một trong 5 làng hoa truyền thống của T.P Đà Lạt năm 2015.
Cũng theo ông Bình, làng hoa này đã có trên 295 gia đình, với diện tích gần 224 ha. Hoa thương phẩm khá đa dạng, từ lily, lay ơn, cát tường, cẩm chướng, đồng tiền…
Chính nhờ trồng hoa, nhiều hộ đã ăn nên làm ra, nhà cửa khang trang. Nhiều người dân đã mạnh dạn làm nhà kính, nhà vòm trồng hoa, ứng dụng KHKT vào sản xuất.
Năm 2019, tổng giá trị sản xuất hoa toàn xã đạt 1.042 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 75 triệu đồng/người/năm. Diện tích trồng hoa đã chiếm khoảng 70%, tổng diện tích đất nông nghiệp của xã Xuân Thọ, và nơi chuyên canh hoa tiêu biểu nhất là làng hoa Xuân Thành.
Hướng đến Festival Hoa Đà Lạt 2019, làng hoa đã xuống giống hoa chậu, dùng để trang trí đường làng, cổng chào đường vào làng hoa. Năm nay, theo tinh thần xã hội hóa, các làng hoa tự trang trí không gian hoa tại địa phương mình.
Theo kế hoạch, dịp Festival Hoa năm nay sẽ trang trí khoảng 1.000 chậu hoa các loại như: viola, hải đường, sống đời… theo dọc con đường vào thôn; đồng thời chọn ra một số hộ tiêu biểu có vườn đẹp, để đưa khách đến tham quan.
Dự kiến, làng hoa Xuân Thành sẽ bắt đầu trang trí đường làng khoảng 2 tuần trước khi diễn ra lễ hội. Làng đã đăng kí 2 gian trong triển lãm “Rau và hoa” theo kế hoạch của Thành phố, để giới thiệu với người Đà Lạt và du khách thập phương.
Đắk Lắk: Mập mờ nguồn gốc bột ca cao
Chất lượng ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới, đặc biệt xuất xứ tại Đắk Lắk. Vì vậy, rất nhiều sản phẩm bột ca cao, lấy nhãn hiệu Đắk Lắk bán tràn lan, dưới nhiều hình thức, và nhiều mức giá.
Một số sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng. Thực tế, việc chế biến bột ca cao khá phức tạp, đòi hỏi máy móc, kỹ thuật cao, không phải ai cũng có thể chế biến được, như các loại bột khác.
Thu hoạch ca cao ở Krông Pắc
Song, sản phẩm từ ca cao đang được rao bán tràn lan trên thị trường, số lượng lớn, và được quảng cáo là "nhà làm", nhất là qua kênh bán hàng online.
Nếu cần bột ca cao, chỉ việc liên hệ qua Facebook, hoặc gọi điện trực tiếp, thì các mối hàng sỉ, lẻ lập tức báo giá, số lượng có thể lên đến hàng tạ, thậm chí hàng tấn.
Trên bao bì đều ghi bột ca cao nguyên chất Đắk Lắk, với những lời quảng cáo có cánh như “chống trầm cảm, chống oxy hóa cực cao, giúp cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả, giảm nguy cơ bệnh mạch vòng và đột quỵ...”.
Theo đó, bột ca cao "nhà làm" cũng đủ mức giá, nhập sỉ số lượng lớn giá “mềm” hơn. Trao đổi thông tin qua một trang chủ Facebook bán sản phẩm bột ca cao “có tiếng” trên địa bàn tỉnh được biết, nếu nhập từ 1 tạ trở lên, giá 68.000 đồng/kg; 10 kg giá 80.000 đồng/kg; 5 kg 85.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá bán lẻ trên thị trường ở các trang, nhóm bán hàng online, thường có giá từ 150.000 – 180.000 đồng/kg.
Theo Sở NN-PTNT, thông thường, người trồng ca cao ở Đắk Lắk sau khi thu hoạch quả, hoặc sẽ bán luôn cho các cơ sở thu mua, hoặc tự làm các công đoạn chế biến thô như: lên men, phơi khô hạt, rồi bán hạt thô cho doanh nghiệp chế biến.
Sản lượng ca cao của Đắk Lắk đạt khoảng 1.300 tấn khô, phần lớn được các công ty, doanh nghiệp thu mua hết, để phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Vì vậy, tình trạng bán bột ca cao xuất xứ Đắk Lắk, với số lượng lớn ở các cơ sở nhỏ lẻ, là không thể có, vì sản lượng ca cao Đắk Lắk không đủ nhiều, để có thể sản xuất một lượng hàng lớn như vậy.
Hiện, việc sơ chế, lên men hạt ca cao thường thực hiện ở các nông hộ, doanh nghiệp thu mua. Công nghiệp chế biến ca cao tại Việt Nam đến nay mới ở giai đoạn đầu, quy mô nhỏ, với hình thức chế biến sản phẩm ca cao bán thành phẩm như bột nhão, bột ca cao, bơ ca cao, bánh kẹo, sữa, rượu.
Những mặt hàng này chủ yếu cung ứng cho sản xuất thực phẩm trong nước. Trên phạm vi cả nước, một số doanh nghiệp quy mô sơ chế và lên men ca cao lớn, đã thu mua quả, hoặc hạt ướt để sơ chế, lên men.
Ở Đắk Lắk, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn ( huyện Krông Ana) đi đầu trong việc đầu tư máy móc, chế biến hạt ca cao của Đắk Lắk thành: bơ ca cao, bột ca cao nguyên chất, chocolate… và đã đăng ký thương hiệu.
Trung bình, mỗi năm Công ty bán ra 50-60 tấn sản phẩm: bột ca cao 3 trong 1, sôcôla đen, sôcôla sữa, ca cao xay nhuyễn, chủ yếu tại Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn, cho biết, việc chế biến ca cao trải qua 10-12 công đoạn, mới ra được bột ca cao, và cần quy trình rất nghiêm ngặt, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm.
Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng, trước khi lựa chọn sản phẩm chế biến từ quả ca cao như bột ca cao, sôcôla… cần đọc kỹ các thông tin trên bao bì, về cơ sở sản xuất, nguồn gốc, công dụng, hạn sử dụng…
Bởi thực tế, một số thương lái Đắk Lắk và một số tỉnh, thành khác nhập bột ca cao từ Indonesia, Malaysia, với giá chỉ 30.000 – 40.000 đồng/ký, rồi về dán mác “Ca cao nhà làm”, “Ca cao Đắk Lắk”.
Thực chất, đó chỉ là bột hương liệu, có vị ca cao, hoặc bột ca cao chất lượng thấp, thường được sử dụng trong sản xuất bánh, kẹo. Việc làm nhái sản phẩm như vậy, đang làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm cũng như lòng tin của khách hàng, đối với các sản phẩm làm từ ca cao của Đắk Lắk.
Thực tế, hạt ca cao Đắk Lắk chất lượng không thua kém, các sản phẩm nhập ngoại. Song, diện tích, sản lượng ít, nên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm, dẫn đến người tiêu dùng chưa nhận diện được đâu là ca cao của Đắk Lắk.
Rau bò khai xứ lạnh, “cháy hàng” ở Krông Năng:
Vừa ra mắt 3 tháng, THT liên kết trồng rau bò khai của Hội Phụ nữ xã Ea Tam (huyện Krông Năng, Đắk Nông) cho thấy, đây là mô hình hiệu quả.
Vườn rau bò khai của chị Thu (Tam Hiệp)
Rau bò khai còn có tên là rau dạ hiến, thường mọc ở khu vực núi đá tại các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn…,dạng thân leo, người dân thường hái ngọn, lá non để luộc, xào, nấu canh...
Bà con vùng núi phía Bắc, khi vào lập nghiệp tại Đắk Lắk đã mang theo để phục vụ nhu cầu hằng ngày. Không ngờ, được nhiều người ưa thích, thường “cháy hàng” vào các ngày lễ, tết, mùa cưới hỏi…
Nhận thấy đây là loại rau đặc sản sạch, tháng 7-2019, Hội Phụ nữ xã Ea Tam đã thành lập THT liên kết trồng rau bò khai với 18 thành viên, có trồng rau bò khai trên địa bàn xã.
Tổ có trách nhiệm hỗ trợ, tìm kiếm thị trường, các thành viên sẽ trích 20% số lãi để làm quỹ. Trung bình, mỗi ngày THT thu được hơn 20 kg rau bò khai.
Số rau này được cán bộ Hội Phụ nữ chia sẻ lên Facebook, chào hàng trên địa bàn tỉnh… để tiêu thụ. Dù mới chào hang, nhưng rau của THT được đặt hàng liên tục, hiện, không đủ để bán.
Nhận thấy mô hình hiệu quả, THT kêu gọi chị em phụ nữ tham gia, đồng thời mở rộng diện tích. Chị Vi Thị Thu (thôn Tam Hiệp) cho hay: “Trước đây, tôi chỉ trồng 3 gốc rau bò khai, thu hơn 8 kg/tuần, phục vụ trong gia đình. Từ khi có THT, rau được bao tiêu 50 – 70 nghìn đồng/kg, có thêm thu nhập khá. Hiện, tôi đang mở rộng quy mô, tăng sản lượng để bán cho THT”.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.