Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 8 năm 2019 | 7:47

Đắk Nông: Nuôi trùn quế thu nhập 70 – 100 triệu đồng/tháng

Nuôi trùn quế, hiện không còn xa lạ với bà con nông dân trên cả nước, thậm chí, có người đã thu nhập 70 – 100 triệu đồng/tháng.

Sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn quế của anh Nguyễn Văn Thành, thôn 9, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, được nông dân ưa dùng vì có thêm tác dụng tái tạo đất, bảo vệ môi trường, do vậy đã tạo ra nguồn thu nhập cao và ổn định cho gia đình.

Trang trại sản xuất phân bón hữu cơ ViGreen của anh Thành hoạt động từ cuối năm 2018 với quy mô rộng hơn 2.000m2. 

 

trun-991.jpg
Khu sản xuất trùn quế của gia đình anh Thành

Theo anh Thành, khi xây dựng trang trại, anh đã mua 150 tấn trùn quế, với giá hơn 2 tỷ đồng để làm giống. Trùn quế được nuôi bằng cách ủ phân gia súc, gia cầm, rơm rạ... để làm thức ăn và nơi trú ẩn cho trùn.

Quá trình nuôi, cần tưới nước hàng ngày để giữ độ ẩm phù hợp cho trùn sinh sản.

Mặt khác, trùn quế là loại sinh vật không chịu nắng, mưa, nên trang trại nuôi luôn được che mát. Chú ý bảo vệ trùn khỏi bị kiến, các loại gia cầm tấn công và đặc biệt không để trùn tiếp xúc với hóa chất.

Các loại phân chăn nuôi trùn được ủ hoai mục tự nhiên, không có hóa chất. Sau thời gian 4 tháng, khi trùn đã ăn hết thức ăn, người chăn nuôi tiến hành thu hoạch phân và dịch (dịch trùn quế cũng là một loại phân sinh học có giá trị cao).

Anh Thành phấn khởi: “Hiện, trung bình mỗi tháng, trang trại cung cấp ra thị trường 100 tấn phân, 1.000 lít dịch trùn. Chi phí đầu tư chỉ tốn lúc đầu tư ban đầu.

Sau khi đã xây dựng xong trang trại, chỉ cần mua phân chuồng hàng tháng, để cung cấp thức ăn cho trùn. Sản phẩm phân, dịch trùn quế không chỉ có giá trị cao, mà còn có thị trường rộng lớn, nhiều khách hàng đặt mua với số lượng lớn".

Theo anh Thành, hiện, phân hữu cơ trùn quế, bán với giá 5.000 đồng/kg và dịch trùn quế 90.000 đồng/lít. Sản phẩm đã được cơ quan chức năng chứng nhận và cấp phép.

Vì vậy, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Trung bình mỗi tháng, thu nhập ổn định từ 70 - 100 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ cho biết, đây là mô hình mới đầu tiên ở Nhân Cơ. Các sản phẩm từ trùn quế rất tốt, thích hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, góp phần bảo vệ nguồn đất, nước.

Thời gian qua, xã Nhân Cơ đã tổ chức cho người dân thăm quan mô hình. Một số hộ dân sau khi tìm hiểu, đã sản xuất được phân hữu cơ vi sinh từ trùn quế.

Lâm Đồng: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó hay dễ?

Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đã và đang trở thành xu hướng khởi nghiệp của giới trẻ. Tuy nhiên, việc tiếp cận nền sản xuất NNHC vẫn còn rất mơ hồ.

 

lđ-99911.gif

  Các bạn trẻ nghe chuyên gia, hướng dẫn quy trình sản xuất phân vi sinh hữu cơ.

 

Tại buổi Workshop, trao đổi về sản xuất NNHC, tổ chức tại Tùng Hạ Farm, TP Đà Lạt, có ý kiến cho rằng, phương thức canh tác NNHC chỉ đơn thuần là không sử dụng hóa chất như: phân bón hóa học, thuốc BVTV... để sản phẩm sạch, an toàn. 

Theo ông Bùi Hồng Quân, Viện trưởng Viện công nghệ sinh học và Vi sinh ứng dụng miền Nam, cách hiểu này không toàn diện, vì không hiểu rõ những điều kiện gì để sản xuất.

Ngoài yếu tố không sử dụng hóa chất, các bạn trẻ cũng có nhầm lẫn giữa phương thức sản xuất NNHC, với phương thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Bởi vì trong các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, vẫn sử dụng hóa chất, với một liều lượng hợp lý, trong phạm vi tiêu chuẩn cho phép mà không ảnh hưởng đến môi trường.

Để đáp ứng việc sản xuất NNHC, người sản xuất cần nắm vững bốn nguyên tắc căn bản:

Thứ nhất: sức khỏe, đối với nguyên tắc này, các đối tượng cần được quan tâm trong nhóm sức khỏe là: đất, cây trồng, gia súc, con người. Bởi nếu không chăm sóc đất, cây trồng và gia súc tốt, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm giảm giá trị dinh dưỡng, ẩn chứa mầm bệnh.

Từ sản phẩm không đạt chất lượng, trở thành thực phẩm mà chúng ta sử dụng, chế biến thức ăn, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Kế đến là nguyên tắc sinh thái, đó chính là đảm bảo sự cân bằng hệ sinh thái, bằng cách, thiết kế hệ tự nhiên mô phỏng và bền vững, tại khu vực đất trồng mà bà con sử dụng.

Đây được xem là nguyên tắc, giúp nông dân có thể tận dụng được các thiên địch khắc chế, phòng ngừa sâu bệnh cho cây trồng, bảo tồn tài nguyên sinh vật đa dạng.

Thứ ba là nguyên tắc công bằng, thể hiện sự tôn trọng, bình đẳng dành cho mọi sinh vật. Bởi mỗi sinh vật khi chúng xuất hiện ở môi trường tự nhiên, đều có vai trò, cũng như đóng góp trong việc cân bằng hệ sinh thái.

Nếu trong quá trình sản xuất, đánh mất sự công bằng, làm hao tổn tính cân bằng hệ sinh thái tự nhiên nói chung, và hệ sinh thái tự nhiên mô phỏng nói riêng, mà chúng ta đang xây dựng, dẫn đến hệ quả sản xuất NNHC sẽ không có độ bền, cũng như sự lâu dài về mặt thời gian.

Cuối cùng, đó là nguyên tắc quan tâm. Trong quá trình sản xuất, nếu chúng ta chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, mà không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, cũng như sức khỏe cộng đồng, khi cung cấp nông sản bẩn, kém chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ trong tương lai.

Hiện, đã có nhiều bạn trẻ lựa chọn nông nghiệp làm con đường khởi nghiệp. Song, công việc này không đơn thuần chỉ là cuốc cỏ, trồng rau, mà đòi hỏi phải có kiến thức nông nghiệp đúng, sản xuất nông nghiệp tử tế.

Một số bạn với niềm đam mê, đem kiến thức mình học được để phát triển nông nghiệp, mang tính ổn định, bền vững, thì cũng không ít bạn trẻ làm NNHC theo phong trào.

Là người gắn bó, đi tiên phong trong phong trào NNHC, gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Sơn, chủ trang trại cà phê Pacamara 4 ha, cho biết, ông có 15.000 cây cà phê Arabica; trong đó có 5.000 cây Tybica, 5.000 cây Bourbon, 2.000 cây Caturra; đặc biệt là 3.000 cây Pacamara, giống quý hiếm nhất trên thế giới.

Tất cả diện tích trên được canh tác theo phương thức NNHC bền vững, tại khu vực Dốc Trời, Phường 5, TP Đà Lạt.

Theo ông Sơn, so với trước đây, các bạn trẻ khởi nghiệp NNHC bây giờ có nhiều thuận lợi hơn, vì họ có thể nhìn vào người đi trước để rút kinh nghiệm.

Hệ sinh thái NNHC cũng đang dần hình thành, từ vật tư đầu vào, tư vấn hỗ trợ, đến việc đánh giá chứng nhận hữu cơ quốc tế. Nhất là khi, đã có nhiều tổ chức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tuy vậy, những khó khăn, thách thức khi chọn khởi nghiệp với NNHC vẫn còn rất nhiều.

Thị trường là yếu tố đầu tiên. Theo khảo sát, hơn 90 triệu dân Việt Nam, có tới 70% chưa có khả năng tiếp cận thực phẩm hữu cơ, 30% còn lại đang tìm hiểu, và chỉ 1% sẵn sàng mua.

Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, hiện đang được triển khai rộng khắp cả nước. Các sản phẩm này có giá cao hơn một chút, nhưng với thu nhập hiện tại, người lao động có thể chấp nhận được.

Trong khi sản phẩm canh tác NNHC, có giá bán cao hơn giá thị trường 3-4 lần.

Mặt khác, khi lựa chọn NNHC, những nông dân trẻ cần có sự bền bỉ và kiên trì, ít nhất 5-10 năm. Không nói đâu xa, đó chính là ông Nguyễn Văn Sơn, chủ trang trại cà phê Pacamara.

Liên tục từ năm 2010-2016, trang trại của ông phải chịu cảnh thua lỗ. Có thời điểm, sản lượng tụt xuống chỉ còn 1/3, trong khi giá đầu ra sản phẩm, không đạt như kỳ vọng.

Chỉ từ năm 2017 đến nay, vườn cà phê của ông mới cho năng suất ổn định, cùng với đó là giá bán tăng gấp 4 lần, so trước đây.

Đặc biệt, trong nhiều năm làm cố vấn cộng đồng NNHC tại Lâm Đồng, ông Sơn chứng kiến, gần như 90% trường hợp khởi nghiệp với NNHC thất bại.

“Có nhiều người bỏ việc công sở, về làm vườn như tôi, nhưng kết cục là toàn bộ tiền tích lũy ra đi, lên diễn đàn nói lời tạm biệt, sau đó quay lại Sài Gòn kiếm việc.

Tôi có lời khuyên chân thành cho người khởi nghiệp NNHC là, chỉ nên đầu tư trên đất của mình, không nên làm trên đất thuê, rất rủi ro.

Mặc khác, các bạn phải đầu tư và trang bị kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, cũng như kiên trì trong công việc, tránh làm theo kiểu “ăn xổi ở thì”, có như vậy khởi nghiệp mới có thể thành công, nhất là NNHC” - ông Sơn nói. 

Gia Lai: Hàng ngàn ha cây trồng bị sâu keo, bệnh khảm lá gây hại

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị vừa có báo cáo tình hình gây hại, biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu, và bệnh khảm lá virus trên địa bàn tỉnh.

 

sau-39.jpg

 Sâu keo ăn lá cây, từ ngọn xuống gốc. Ảnh: Chí Hào

 

Hiện,  sâu keo mùa thu đã gây hại cây ngô tại 14/17 huyện, thị xã với diện tích: 5.673,35 ha. Trong đó, bị nhiễm nhẹ: 1.124,88 ha; trung bình 3.133,31 ha; nặng 1.415,16 ha.

Các địa phương đã tổ chức phòng trừ được 4.500 ha. Cụ thể, 2.743 ha xử lý bằng thuốc BVTV, phun 2-3 lần, đạt hiệu quả 70-80%.

1.757 ha chỉ xử lý thuốc BVTV 1 lần, nên sâu keo tái phát, đạt hiệu quả dưới 50%. Đối với bệnh khảm lá virus hại sắn, có 1.817,8 ha bị bệnh tại 6/17 huyện, thị xã.

Trong đó, diện tích bị nhẹ: 1.376,43 ha; trung bình: 422,97 ha; nặng: 18,4 ha. Bệnh gây hại tập trung trên cây sắn HL-S11, KM 419, KM 140, KM 98-5. Đến nay, chỉ có huyện Ia Pa tổ chức tiêu hủy được 13,3 ha sắn.

Để chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu, bệnh khảm lá virus, cơ quan chuyên môn, địa phương đã tổ chức hàng trăm buổi tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền với khoảng 4.050 người.

Đồng thời, tổ chức tiêu hủy nguồn bệnh, để giảm thiểu nguy cơ lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top