Nghề trồng dâu nuôi tằm đang trở thành lựa chọn của nhiều nông dân ở huyện Đắk G’long (Đắk Nông). Với hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều gia đình ở đây đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trong đó có gia đình chị Chung Thị Lân.
Năm 2010, chị Lân từ Tp.Bảo Lộc qua xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long lập nghiệp. Ban đầu, người nông dân này chọn cây chanh dây và cà phê để nuôi hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, nên các cây trồng trên không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đến năm 2013, chị Lân quyết định chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm.
Xác định thức ăn là yêu tố quan trọng quyết định đến kết quả của mô hình. Vì vậy, người phụ nữ sớm đưa các giống dâu lai cao sản (S7-CB, VA201) với nhiều ưu điểm như: lá to, năng suất cao vào canh tác. Nhờ lá to hơn, nên cũng tiết kiệm được công hái. Nếu trước đây, các giống truyền thống, chị phải trả 2.000 – 2.500 đồng/kg tiền công, nhưng mỗi lao động chỉ hái được 70 – 80kg/ngày thì với giống dâu mới, chị Lân chỉ phải trả 1.500 đồng/kg, trong khi một người có thể hái 180 – 200kg dâu/ngày.
Theo chị Lân, cây dâu không kén đất, sau 04 – 06 tháng trồng, cây dâu đã cho thu hoạch lá để nuôi tằm. Với 5.000m2 đất trồng dâu, chị quay vòng 3 lứa tằm/tháng, thu về hơn 20 triệu đồng tiền kén. Ngoài thu nhập từ nuôi tằm, gia đình còn bán hom dâu, tận dụng phân tằm để chăm sóc cho vườn dâu và cà phê.
Để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu vào, quá trình nuôi, chị Lân luôn chú ý học hỏi kinh nghiệm và áp dụng nhiều tiến bộ mới vào sản xuất.
“Nếu như ở các mô hình khác, vẫn nuôi tằm bằng nong, còn tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trên nền xi măng. Ngoài ra, né gỗ cũng được tôi thay thế cho né tre truyền thống. Ưu điểm của phương pháp nuôi mới đó là: việc cho ăn rất thuận lợi, tiết kiệm công chăm sóc, sợi tơ có độ bền cao, không bị đứt khi xe tơ, tơ phế phẩm ít, không có kén tằm đôi”, chị Chung Thị Lân nói.
Chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng giá bán trên thị trường lại cao, từ 100-120.000đ/kg kén, nên nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả hơn hẳn so với các cây công nghiệp.
Tuy nhiên, để mô hình này mang lại hiệu quả, theo chị Lân, người dân cần phải lưu ý một số điểm như: Đất trồng dâu phải thoát nước, không bị ngập úng lâu ngày. Sau mỗi lứa tằm cần thực hiện vệ sinh triệt để toàn bộ dụng cụ nuôi tằm, khu vực nuôi phải luôn sạch sẽ, khô thoáng.
Ông Nghiêm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Khê đánh giá, chị Lân là nông dân dám nghĩ, dám thực hiện. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các hộ gia đình khác. Mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Lân từ lâu trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nhiều nông dân trong và ngoài xã. Là địa phương có đông bà con đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, nên sắp tới, chúng tôi sẽ có kế hoạch khuyến khích người dân nhân rộng mô hình này để xóa đói, giảm nghèo.
Tơ tằm là một sản phẩm có giá trị cao, nhu cầu kén trên thị trường hiện rất lớn. Trong khi đó, nghề trồng dâu nuôi tằm đầu tư không nhiều, đất trồng dâu không đòi hỏi dồi dào dinh dưỡng. Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm để tăng thêm thu nhập là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh giá thu mua nhiều loại cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang xuống thấp.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.