Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 1 năm 2020 | 13:54

Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở Lâm Bình

Lâm Bình (Tuyên Quang) là huyện có tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch. Những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành du lịch nói riêng, kinh tế - xã hội Lâm Bình nói chung có nhiều bứt phá.

Tới đây, Lâm Bình xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ hàng đầu, triển khai theo hướng bài bản, chuyên nghiệp.

 

tr45.jpg
Hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào) trên hồ thủy điện Tuyên Quang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách mỗi khi đến với Lâm Bình.

Tiềm năng

Lâm Bình là huyện có địa hình hiểm trở, hầu hết các đỉnh núi ở đây cao từ 800 đến 1.000m, nhiều núi cao trên 1.000m. Với hệ thống núi non trùng điệp, hùng vĩ, hòa quyện giữa đại ngàn xanh thẳm, soi bóng xuống hồ thủy điện Tuyên Quang tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ.

Huyện có diện tích rừng tự nhiên và độ che phủ lớn, hệ động, thực vật đa dạng; tại đây, đang bảo tồn trên 100 cá thể Voọc đen má trắng nằm trong sách đỏ của thế giới. Cùng với đó, huyện đang quản lý hồ thủy điện Tuyên Quang dọc theo tuyến sông Gâm kéo dài đến địa phận huyện Bắc Mê (Hà Giang), chỗ rộng nhất 3km, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các tua/tuyến du lịch, các hoạt động dưới nước.

Lâm Bình có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Danh thắng Quốc gia 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, nơi được coi là Vịnh Hạ Long cạn giữa đại ngàn; hòn Cọc Vài (cọc buộc trâu của chàng Khổng lồ Tài Ngào)… Mỗi danh lam, thắng cảnh đều có vẻ đẹp, sự kỳ vĩ gắn với sinh hoạt, đời sống ngàn đời của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Mới đây, Lâm Bình còn phát hiện một quần thể hang động rộng lớn, nguyên sơ, đẹp kỳ vĩ. Các hang rộng từ 50 đến 200m, cao từ 20 đến 50m, chạy dài từ 500 đến 1.500m. Các chuyên gia đánh giá rất cao về giá trị khảo cổ, địa chất và giá trị du lịch.

Đầu năm 2019, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được công nhận danh thắng quốc gia đặc biệt. Đây cũng là phần lõi của bộ phận hợp thành Khu Lâm Bình - Na Hang - Ba Bể đang được tỉnh Tuyên Quang phối hợp với tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ để trình UNESSCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Đặc biệt, Lâm Bình còn được biết đến với nhiều lễ hội và phong tục độc đáo như: Lễ hội Lồng tông, Lễ hội nhảy lửa, Lễ cấp sắc... Và nét văn hóa ẩm thực độc đáo, hấp dẫn du khách mỗi khi đến đây.

Quảng bá các mô hình du lịch sinh thái

Đầu năm 2016, Lâm Bình triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng Homestay tại 04 điểm với 15 hộ tham gia. Để mô hình hoạt động hiệu quả, huyện đã thành lập Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng hộ dân. Vận động người dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống, thực hiện chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh… Đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng bảng giá các dịch vụ Homestay; thành lập Website, các trang mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá du lịch... Đến nay, Lâm Bình đã có 4 điểm với 24 cơ sở du lịch cộng đồng Homestay phục vụ, mỗi điểm khoảng 100 khách.

 

tr45a.jpg
Hội đua thuyền Kayak lần thứ II/2019, thu hút 82 vận động viên trong cả nước tham gia. ảnh: Quang Minh.

 

Anh Chẩu Xuân Việt (thôn Nặm Địp, xã Lăng Can) cho biết, năm 2017, gia đình đầu tư làm du lịch Homestay. Ngoài một số công trình được huyện hỗ trợ, gia đình đã sửa sang, cải tạo khuôn viên, cải tạo ao tắm với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng. Hiện, gia đình có 5 phòng, sức chứa 25 khách/đêm. Tuy lượng khách đến còn hạn chế nhưng hàng tháng gia đình vẫn có thu nhập tương đối ổn định.

Ngoài phát triển du lịch cộng đồng, những năm qua, Lâm Bình còn tổ chức nhiều hoạt động là các lễ hội lớn, đặc sắc của địa phương, từ đó bảo tồn nét đẹp của người dân bản địa, đồng thời thu hút khách du lịch đến khám phá.

Điển hình như: Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn diễn ra vào ngày 16/2/2019 tại xã Hồng Quang; Lễ hội Lồng tông diễn ra vào ngày 19/2/2019 tại sân vận động thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong và ngoài nước đến dự.

Gần đây, UBND huyện Lâm Bình tổ chức thành công Hội đua thuyền kayak lần thứ II-2019 trên hồ thủy điện Tuyên Quang, thu hút 82 vận động viên trong cả nước tham dự. Đây là dịp để quảng bá du lịch sinh thái của Lâm Bình và cảnh đẹp lung linh, huyền thoại của hồ thủy điện Tuyên Quang giữa đại ngàn.

Với cách làm thiết thực, năm 2019, Lâm Bình đã kết nối trên 200 công ty, đơn vị đến khảo sát, xây dựng sản phẩm, kết nối tour du lịch. Trong đó, Công ty Du lịch 5 sao đã đầu tư cơ sở Homestay; Công ty ETHOS (Sa Pa) kết nối tour dành riêng cho khách du lịch người nước ngoài. Lượng khách đến Lâm Bình đạt trên 90.000 lượt, trong đó khách du lịch theo hình thức Homestay là 12.000 lượt.

Phát triển du lịch, nhiệm vụ hàng đầu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dưng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, cho biết, những năm gần đây, Huyện ủy Lâm Bình tập trung chỉ đạo 3 nhiệm vụ trọng tâm: Một là, huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, lớp học, y tế ở các xã vùng sâu, vùng xa. Hai là, tập trung phát triển kinh tế nông - lâm - thủy sản theo hướng hàng hóa, với các cây trồng, vật nuôi đặc sản có lợi thế của huyện. Ba là, đẩy mạnh phát triển du lịch.

 

tr45b.jpg
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày. ảnh: Quang Minh.

 

Đối với du lịch, huyện thực hiện thí điểm mô hình cộng đồng Homestay, tổ chức các lễ hội truyền thống, tăng cường quảng bá, giới thiệu, tuyên truyền, nâng cao kỹ năng làm du lịch cho các hộ tham gia vào các dịch vụ du lịch.

Ông Dưng tâm sự, khi mới thành lập huyện, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 70%), công tác giáo dục, y tế còn nhiều hạn chế. Sau hơn 9 năm, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối từ huyện đến các xã, thôn; 8/8 trạm y tế xã đều đạt chuẩn, 8/8 trụ sở xã được đầu tư xây dựng mới; đời sống bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 36%. Du lịch có sự phát triển tích cực.

Thời gian tới, khi xây dựng Nghị quyết, kế hoạch 5 năm 2020 - 2025, huyện xác định tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, nhưng đưa nhiệm vụ phát triển du lịch lên hàng đầu. Trong đó, chú trọng lập quy hoạch, xây dựng đề án phát triển du lịch một cách bài bản.


 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top