Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 3 năm 2022 | 15:57

Đầu tư chế biến nông sản để nâng cao giá trị sản phẩm

Một số nông dân, doanh nghiệp tư nhân ở miền Trung hiện nay đang đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp hữu cơ, chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, nông sản nâng cao giá trị hàng hóa, đem lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này. 

Đầu tư tiền tỷ để chế biến sâu thủy sản

Nhiều doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh sản xuất, đã nhận thấy việc chế biến sâu các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản phẩm không được chế biến sâu sau khi thu hoạch.

Với 12 năm kinh doanh hàng thủy hải sản ở địa phương, đại lý của chị Trần Thị Vân là địa chỉ thu mua uy tín của ngư dân các xã vùng bãi ngang ven biển Nghi Xuân, đặc biệt là ngư dân xã Xuân Yên - nơi sở hữu hơn 200 tàu thuyền đánh bắt hải sản các loại.

 

92d6135200t87400l0.jpg
Công nhân Tổ hợp tác kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy đóng gói 2 sản phẩm cá trỏng (phải) và cá ngần (trái) chuẩn bị xuất xưởng.

 

Quá trình kinh doanh hải sản khô, chị Vân luôn lựa chọn những sản phẩm đầu vào có chất lượng, dù giá thành có cao hơn nhưng bù lại, sản phẩm của chị làm ra đến đâu được thương lái đến nhà thu mua hết. Cao điểm có ngày chị Vân bán ra gần 500 kg cá trỏng khô và cá ngần.

Năm 2019, chị Vân đầu tư 1,3 tỷ đồng mua 2 container lạnh (800 triệu đồng), lắp đặt nhà kính, thuê nhân công và các điều kiện khác để thành lập Tổ hợp tác (THT) kinh doanh và chế biến hải sản Vân Huy với 2 dòng sản phẩm chính là cá trỏng và cá ngần sấy khô.

Với tiêu chí sản xuất “sạch”, nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống quê hương, cá trỏng khô, cá ngần của cơ sở luôn giữ hương vị thơm, ngon, màu sắc bắt mắt và được người tiêu dùng ưa chuộng. Tính bình quân, mỗi tháng, tổ hợp tác sản xuất 1,5 tấn cá trỏng khô trị giá 300 triệu đồng và 1 tấn cá ngần trị giá 400 triệu đồng.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Công ty TNHH Vitamin D2 Organic đã xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tại Hợp tác xã rau củ quả an toàn Nam Anh (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) quản lý trực tiếp, giám sát kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, chăm trồng đến khâu thu hoạch và chế biến. Các dòng sản phẩm mà công ty phát triển là bữa ăn "eat clean healthy" (tạm dịch: Bữa ăn sạch vì sức khỏe).

 

rau.jpg
Vùng rau hữu cơ của Công ty TNHH Vitamin D2 Organic.

 

Giám đốc Công ty TNHH Vitamin D2 Organic chia sẻ: “Tạo ra sản phẩm hữu cơ cực kỳ khó khi khí hậu Nghệ An khắc nghiệt, "nắng thì đỏ đồng, mưa thấm cả bùn non". Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang xây dựng thêm một vùng nguyên liệu ở vùng núi cao tại huyện Kỳ Sơn-nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm-để đáp ứng nguồn rau hữu cơ chế biến. Trừ một số loại hạt phải nhập khẩu, còn lại các loại rau, củ đều được chúng tôi tự trồng theo phương thức hữu cơ, bảo đảm được chất lượng cao nhất, tạo ra sản phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, hướng đến lối sống xanh, lành mạnh”. Sản phẩm của Công ty TNHH Vitamin D2 Organic giành giải ba tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An mở rộng năm 2021.

Mì rau củ Anpaso của Công ty Cổ phần An An Agri ở huyện Diễn Châu cũng là một sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu của tỉnh Nghệ An. Đối mặt với nhiều khó khăn khi làm nông nghiệp hữu cơ nhưng Công ty An An Agri đã đầu tư nhiều công sức, kiên định với hình thức canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, kết hợp chế biến, tạo sinh kế bản địa cho phụ nữ nông thôn.

 

rau-1.jpg
Vườn rau củ được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của Công ty CP An An Agri (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). 

 

Mì rau củ Anpaso đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là một tấm vé để mì rau củ Anpaso vươn xa tới các thị trường trên thế giới.

Cần có chính sách hỗ trợ 

Có thể nhận thấy rằng chỉ có những hộ nông dân và doanh nghiệp tư nhân có điều kiện về tài chính, mới có thể đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp và nông nghiệp hữu cơ, chứ hiếm thấy nông dân chế biến sâu sản phẩm nông sản hay làm nông nghiệp hữu cơ đại trà. Vì thế, rất cần phải có những cơ chế chính sách để phát triển cho chế biến sâu, sau thu hoạch các sản phẩm nông sản.

Ông Nguyễn Hồng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An cho biết: “Khó khăn nhất trong phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Nghệ An là làm thế nào để thay đổi thói quen, tập quán canh tác nông nghiệp của người dân. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ yêu cầu sử dụng phân bón hữu cơ, các sản phẩm chăm sóc sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Nông nghiệp hữu cơ dễ thì thật dễ nhưng cũng rất khó. Nếu như người dân làm theo đúng quy trình thì rất dễ. Còn người dân không có suy nghĩ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thông thường sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ mà chạy theo lợi nhuận trước mắt thì rất khó”.

Chị Phạm Thị Kim Dung chia sẻ: “Làm nông nghiệp hữu cơ có cái khó khách quan là khí hậu khắc nghiệt, mưa lũ, gió bão, hạn hán liên miên. Ngoài ra, Nghệ An chưa có văn bản chính thức quy định về chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ; chưa hình thành thị trường tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ; hạ tầng phụ trợ cho nông nghiệp hữu cơ như chứng nhận, xúc tiến thương mại, cung cấp vật tư nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có”.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, trong 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (NLTS) của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 8 - 10%.

"Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm" - TS. Nguyễn Quốc Toản thông tin.

Đồng thời, sản phẩm nông sản được chế biến sâu đạt trên 32%, chủng loại phong phú, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài ra, nước ta còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng nội địa.

Chế biến NLTS đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến NLTS chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại.

Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành một động lực của phát triển kinh tế trong cả nước, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào mậu dịch quốc tế và nâng cao mức sống. Vì vậy, để giúp cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ.

Những năm qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để định hướng và khuyến khích phát triển, nhất là các chính sách hỗ trợ (trong đó có các chính sách về phát triển và ứng dụng công nghệ) để phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tạo ra đột phá cho ngành.

Sản phẩm nông sản của Việt Nam chúng ta hàng năm được xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới, đem lại một nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho quốc gia, tuy nhiên các sản phẩm nông sản mới chỉ dừng lại ở khâu thu hoạch và đóng gói sản phẩm chứ chưa xuất khẩu những sản phẩm nông sản đã được chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao. Chỉ có một số sản phẩm nông sản được các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch nhưng số này không phải là nhiều, do đó giá trị từ những sản phẩm chế biến sâu sau thu hoạch này chưa cao.

Vì thế muốn các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản có giá trị cao rất cần phải có cơ chế chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp, HTX được vay vốn, cải tạo và đầu tư vào chế biến sâu sau thu hoạch. Mặc dù Nhà nước ta đã có những chính sách để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà gây khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này. Đây là một trong những nút thắt cần phải được tháo gỡ để sản phẩm nông sản chế biến sâu sau thu hoạch phát triển.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top