Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 9 năm 2020 | 19:25

Đầu tư cơ sở hạ tầng, linh hoạt trong đánh bắt xa bờ để có hiệu quả cao

Cần thiết phải đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, có phương thức linh hoạt trong đánh bắt xa bờ để có những chuyến biển bội thu.

Khánh Hoà: Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp – PTNT, lãnh đaọ tỉnh Khánh Hoà đã Tổ chức hội nghị gồm 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, bàn về việc đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão và công tác đảm bảo an toàn cho người, tàu cá hoạt động trên biển.

 

lay-61.jpg

 Tàu cá neo đâụ tại khu vực cảng Hòn Rớ

Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hoà, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, đặc biệt là cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho tàu cá vào tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai gây ra.

Hiện, ngoài các bến cá quy mô nhỏ do UBND cấp huyện quản lý, trên địa bàn tỉnh có 4 cảng cá và 1 khu neo đậu tránh trú bão đủ điều kiện phục vụ các tàu khai thác xa bờ.

Trong đó, cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) có công suất 25.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 20.000 tấn/năm; cảng Đá Bạc (TP. Cam Ranh) công suất 12.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 15.000 tấn/năm; cảng Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) công suất 8.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 14.000 tấn/năm.

Cảng Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) công suất 6.000 lượt tàu/năm, sản lượng thủy sản qua cảng 13.000 tấn/năm.Hiện, tỉnh đã có Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa), theo thiết kế có thể đáp ứng 300 tàu vào neo đậu.

Ngoài ra, cảng Hòn Rớ có thể tiếp nhận 1.200 tàu cá, cảng Đá Bạc có thể tiếp nhận 1.000 tàu cá của tỉnh và các tỉnh trong khu vực vào tránh trú bão.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đầu tư, tổ chức quản lý các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ví như: Tổng cục Thủy sản chưa có bất cứ quy chuẩn thống nhất quy định thế nào là cảng cá đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường…

Trong khi đó, các phương tiện khai thác đang phát triển nhanh về quy mô cũng như công suất, thì việc quy hoạch, đầu tư cảng cá, khu neo đậu chưa theo kịp thực tế, dẫn đến quá tải.

Ví như:  Khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải, công suất neo đậu chỉ có 300 tàu, chưa đúng công suất quy hoạch được duyệt, trong khi nhu cầu tránh trú bão của tàu thuyền lại rất lớn, vượt hơn 100% công suất thiết kế.

Ngoài ra, nhiều cảng cá trên địa bàn tỉnh được đầu tư chưa đồng bộ, nhiều hạng mục đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp. Mặt khác, luồng lạch cạn nhưng chưa được nạo vét; cầu Bình Tây (phường Ninh Hải) khi xây dựng chưa tính độ cao lưu thông cho tàu thuyền lớn, đã ảnh hưởng không nhỏ đối với tàu thuyền mỗi khi ra khơi.

Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Để nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các yêu cầu của EC, gỡ “thẻ vàng”, tỉnh xác định phải tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão và tổ chức quản lý cảng cá theo đúng Luật Thủy sản.

Tỉnh kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh và của khu vực Nam Trung Bộ.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Khánh Hòa là một trong những địa phương có lợi thế để phát triển ngành thủy sản và thực tế ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển của địa phương.

Để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá, song, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế; công tác đầu tư hạ tầng nghề cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá vẫn còn một số hạn chế, chưa đồng bộ.

Hiện, bên cạnh việc rà soát lại quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, Khánh Hòa và các địa phương ven biển cần bố trí vốn xây dựng, nâng cấp cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy định; bố trí kinh phí duy tu, nạo vét luồng lạch các cảng cá, khu neo đậu để tàu thuyền ra vào an toàn.

Các địa phương cần rà soát, bổ sung đầu tư, nâng cấp để các cảng cá đã xây dựng, thỏa mãn các điều kiện về cảng cá theo quy định của Luật Thủy sản.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ dành ít nhất 15% nguồn vốn để đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng nghề cá trong cả nước.

Bình Định: Linh hoạt trong đánh bắt thủy sản

Thay vì chuyên một nghề khai thác thủy sản tại vùng khơi, gần đây ngư dân Bình Định đã kết hợp nghề chính - nghề phụ, hoặc cùng lúc làm nhiều nghề. Cách làm linh hoạt này đã giúp tăng hiệu quả khai thác khá nhiều.

 

tau-9.jpg

Tàu 67 của ngư dân Lê Văn Thái được cấp phép thêm nghề phụ

 

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), toàn tỉnh hiện có hơn 1.000 tàu cá khai thác thủy sản (KTTS) tại vùng khơi theo kiểu đánh bắt nghề chính - nghề phụ, hoặc hoạt động kiêm cùng lúc 2 loại nghề, như: Lưới vây ánh sáng - mành chụp; câu cá ngừ đại dương - mành chụp; câu mực - mành chụp; lưới rê - câu mực… giúp nâng cao năng lực khai thác, tăng thu nhập.

Ngư dân Nguyễn Văn Xỉn, ở xã Hoài Mỹ, TX Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97169-TS, làm nghề câu cá ngừ đại dương kiêm mành chụp, cho hay: “Nếu ra khơi hoạt động trong chuyến biển kéo dài 20 - 25 ngày mà chỉ làm một nghề câu cá ngừ đại dương, nhiều khi bị lỗ tổn.

Bởi vậy, 5 năm trước, tôi đầu tư thêm nghề mành chụp, và hoạt động hai nghề cùng lúc. Từ đó, sản lượng khai thác khá hơn, thu nhập bạn tàu ổn định hơn”.

Ngoài hoạt động kiêm nghề song song, để tăng hiệu quả kinh tế, nhiều tàu cá còn tổ chức KTTS theo mùa vụ, nghề chính - nghề phụ.

Ngư dân Ngô Đức Lai, ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, thuyền trưởng tàu cá BĐ 93480-TS, làm nghề chính câu mực - nghề phụ lưới rê, thổ lộ: “Tàu có 5 người, ngư trường hoạt động chủ yếu ở khu vực giữa hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa.

Đánh bắt theo mùa vụ chính là câu mực từ tháng 2 - 8 âm lịch, mùa biển động thì làm lưới rê; thu nhập bạn tàu trung bình 8 - 10 triệu đồng/người/chuyến biển”.

Vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu năm 2016 với nghề chính là lưới vây ánh sáng, nhưng do nghề lưới vây hoạt động không hiệu quả, tháng 4 /2020 ngư dân Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99016-TS, đã làm thủ tục bổ sung nghề phụ mành chụp.

Anh Thãi chia sẻ: “Với giấy phép KTTS mới được cấp, nghề chính tàu tôi được làm là lưới vây ánh sáng, mỗi năm được hoạt động 6 tháng, nghề phụ là mành chụp hoạt động 4 tháng.

Với tàu vỏ thép, mỗi chuyến biển bốc tổn từ 260 - 280 triệu đồng, phải ứng trước tiền thuê bạn 6 triệu đồng/người. Vì vậy, doanh thu mỗi chuyến biển tối thiểu phải đạt 400 triệu đồng mới có tiền chia cho bạn.

Song, muốn giữ chân bạn, tàu phải đánh bắt hiệu quả, chính vì vậy tôi xin bổ sung nghề mành chụp”.

Với các tàu vẫn chuyên một nghề KTTS, ngư dân từng bước chuyển từ máy dò ngang sang máy dò chụp, dò quét, để đánh bắt hiệu quả hơn.

Ngư dân Võ Văn Tánh, ở phường Hoài Hương, TX Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 97654-TS, làm nghề lưới vây ánh sáng, cho biết: “Năm 2016, tôi đầu tư gần 300 triệu đồng nâng cấp máy dò cá từ loại dò ngang chuyển sang dò chụp.

Máy dò chụp không chỉ dò tìm luồng cá có góc quét rộng hơn, độ dò sâu hơn, mà còn giúp thuyền trưởng theo dõi liên tục hướng di chuyển của đàn cá, mật độ đàn cá, để tính toán thả lưới đạt hiệu quả cao nhất.

 Đầu tư như tôi là còn ít, gần đây nhiều tàu đầu tư máy dò chụp, trị giá  5 - 7 tỷ đồng, có nhiều chức năng hiện đại giúp nâng hiệu quả KTTS lên rất cao”. 

Bình Thuận: Nhộn nhịp mùa cá cơm cuối vụ Nam

Hiện, ngư dân trên địa bàn tỉnh đang đánh bắt những ngày cuối của vụ cá Nam. Đây cũng là thời điểm các tàu đánh bắt cá cơm tranh thủ những chuyến ra khơi cuối vụ.

ca-9.jpg

Được mùa cá cơm vụ Nam.

 

So với năm 2019, năm nay sản lượng cá cuối vụ ổn định, cộng với cá cơm được giá sau những chuyến ra khơi. Biển Bãi sau thuộc phường Mũi Né, Tp Phan Thiết vào một buổi sáng cuối vụ cá Nam vẫn rất đông tàu cập bờ.

Từng giỏ cá cơm còn tươi rói nhanh chóng được đưa xuống thúng. Sau khi thỏa thuận giá, cá được bốc lên xe vận chuyển đến các lò hấp, hoặc cơ sở chế biến nước mắm tại T.p Phan Thiết. 

Hoạt động này, diễn ra ngay trong những ngày bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 nên ngư dân rất phấn khởi.

Theo nhiều ngư dân, mỗi chuyến biển bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng và vào bờ lúc 7 giờ cùng ngày. Trung bình mỗi ngư dân đánh bắt được 200 - 300 kg cá cơm/chuyến. 

Cá cơm có nhiều loại, nhiều tên như, cơm than, cơm nồi, cơm ba lài, cơm ngần, cơm sùng, cơm đỏ, cơm trắng, cơm săn….Giá tại bến 13 - 15.000 đồng/kg, tùy theo lớn nhỏ; trừ chi phí, các tàu thu trên dưới 4 triệu đồng/ chuyến biển.

Cuối vụ, lượng cá vẫn không giảm. Nguồn nguyên liệu dồi dào, các lò hấp cũng hoạt động hết công suất. Hằng trăm lao động biển có việc làm nhờ phơi cá cơm cho doanh nghiệp, khoảng 150 ngàn đồng/ người/ngày.

Các vựa cá cho biết, để làm ra 1kg cá cơm khô cần 3,5 kg cá tươi; thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc. Song, do dịch Covid – 19, việc tiêu thụ có phần chậm, nhưng giá cá vẫn ổn định.

Hiện, luồng cá cơm vẫn dồi dào, sau khi đưa cá lên bờ, các tàu lại chuẩn bị chuyến biển tiếp theo. Được mùa cá cơm ở cuối vụ Nam, đã góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho  ngư dân, nhất là trang trải chi phí những chuyến biển đầu năm không thuận lợi.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

  • HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    HTX An Hòa: Tập trung ruộng đất, phát triển nông nghiệp quy mô lớn

    Để phát huy hiệu quả giá trị tài nguyên đất, chị Hoàng Thị Gái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX An Hòa đã mạnh dạn tập trung ruộng đất, áp dụng cơ giới hóa, từ đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Top