KTNT - Đối với tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG), đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi hiệu quả không chỉ giúp bảo toàn và duy trì giá trị thực của nguồn vốn, mà còn giúp nâng cao năng lực tài chính để bảo đảm thanh khoản dự phòng chi trả, xử lý và tham gia hỗ trợ quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD). Tổ chức BHTG nên đầu tư đa dạng vào các tài sản rủi ro thấp và quản lý an toàn nguồn vốn, duy trì thanh khoản và kiểm soát rủi ro.
Thông lệ quốc tế về hoạt động đầu tư nguồn vốn
Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi là nguồn vốn thể hiện dưới dạng tiền mặt thực có của tổ chức BHTG, tạm thời chưa dùng đến để trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền cũng như thực hiện các khoản chi tiêu theo chế độ tài chính hiện hành của tổ chức BHTG. Nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức BHTG có thể dùng để đầu tư theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và phát triển vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản của tổ chức BHTG và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Theo một khảo sát năm 2016 của IADI, tổ chức BHTG thường đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi theo các hình thức: Gửi tiền hoặc mua tín phiếu NHTW; Gửi tiền hoặc mua trái phiếu ngân hàng thương mại; Mua trái phiếu chính phủ (TPCP); Tham gia trên thị trường chứng khoán; và các hình thức đầu tư khác. Các tổ chức BHTG đều tận dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để đầu tư vào các công cụ tài chính để tăng trưởng vốn, nâng cao năng lực và củng cố vị thế tài chính.
Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) khuyến nghị tổ chức BHTG phải có trách nhiệm đầu tư và quản lý an toàn các quỹ mình quản lý, có chính sách đầu tư cụ thể để đảm bảo các yếu tố về (a) bảo toàn nguồn vốn và duy trì thanh khoản, (b) có đầy đủ chính sách và quy trình quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, hệ thống công bố thông tin - báo cáo về tình hình đầu tư nguồn vốn. Theo đó, tổ chức BHTG có thể gửi tiền tại NHTW, thiết lập và tuân thủ nguyên tắc nhằm hạn chế đầu tư quy mô lớn vào ngân hàng và sản phẩm ngân hàng (IADI, Core principles version November 2014).
Tại Châu Âu, Chỉ thị 2014/49/EU cũng khuyến nghị cơ chế bảo đảm tiền gửi các nước thành viên nên đầu tư vào các tài sản rủi ro thấp và hình thức đầu tư phải đa dạng.
Các tổ chức thành viên Hiệp hội BHTG quốc tế tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APRC) đều có quy định pháp lý về nguồn vốn, cơ sở quan trọng để đảm bảo cho hoạt động đầu tư khi nguồn vốn ở trạng thái tạm thời nhàn rỗi, gồm vốn cấp ban đầu (Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Kazakhstan, Nga, Philippines và Việt Nam), thu phí, thu nhập từ đầu tư vốn, thu sau thanh lý và thu khác. Tất cả 16 hệ thống BHTG đều có nhiều nguồn tài chính cho quỹ BHTG và sử dụng cho các mục đích khác nhau như trả tiền bảo hiểm; hỗ trợ tài chính để củng cố TCTD sau thương vụ P&A và M&A; thành lập và cấp vốn cho ngân hàng bắc cầu tạm thời tiếp quản TCTD đổ vỡ; hỗ trợ tài chính để cải thiện hoạt động của tổ chức gặp vấn đề; và cung cấp thanh khoản hỗ trợ chi trả. Các tổ chức BHTG theo mô hình thuần chi trả chủ yếu sử dụng quỹ BHTG để chi trả; trong khi các tổ chức có mô hình kết hợp giữa thuần chi trả và chi trả với quyền hạn mở rộng (như Việt Nam) hoặc mô hình giảm thiểu rủi ro có thêm nhiều công cụ xử lý linh hoạt khác.
Để đảm bảo an toàn và thanh khoản, hầu hết 16 tổ chức BHTG thành viên APRC đều đầu tư vào các công cụ tài chính (theo hướng duy trì và bảo toàn vốn gốc) với tính thanh khoản cao như TPCP, trái phiếu ngân hàng, tín phiếu ngắn hạn hoặc gửi tiền tại NHTW hoặc TCTD lành mạnh.
Khuôn khổ pháp luật và thực tế tại Việt Nam
Điều 31 Luật BHTG; Khoản 7 Điều 8 Điều lệ tổ chức và hoạt động của BHTGVN; Khoản 4 Điều 5 Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định: Tổ chức BHTG được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua TPCP, tín phiếu NHNN và gửi tiền tại NHNN. Từ khi Luật BHTG có hiệu lực ngày 1/1/2013, BHTGVN tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, góp phần phát triển vốn tăng trưởng ổn định, hiệu quả, trong đó chủ yếu là đầu tư trái phiếu Chính phủ và gửi tiền tại NHNN.
Với mức lãi suất TPCP hấp dẫn thời gian qua, đây là lựa chọn ưu tiên của BHTGVN. Hiện nay, BHTGVN đang đầu tư vào trái phiếu Chính phủ trên 2 thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi theo kỳ hạn và cơ cấu đầu tư. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng số vốn đầu tư là khoảng trên 35.000 tỷ đồng, trong đó hơn 90% đầu tư vào TPCP. Đây là hình thức an toàn, mang lại nguồn thu tương đối ổn định cho BHTGVN. Tốc độ tăng trưởng bình quân số tiền đầu tư ước đạt từ 20% đến 25%/năm. Việc sử dụng hiệu quả vốn đầu tư góp phần vào sự tăng trưởng ổn định nguồn vốn, nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN và bổ sung nguồn lực quan trọng cho quỹ dự phòng nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, danh mục đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN còn rất hạn chế, chủ yếu là TPCP. Trên thị trường sơ cấp, nhu cầu mua TPCP phụ thuộc vào việc phát hành và lịch đấu thầu của Kho bạc Nhà nước, trong khi mua TPCP trên thị trường thứ cấp tiềm ẩn rủi ro về giá cả trái phiếu và phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường. Đồng thời, BHTGVN được phép mua và nắm giữ TPCP đến khi đáo hạn, chỉ bán khi cần thiết (khi cần tiền chi trả BHTG), nên hoạt động đầu tư TPCP chưa phù hợp với quy luật thị trường, phần nào gây ra bất lợi cho kết quả đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN.
P.V
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.