Nhân dịp đầu Xuân Tân Sửu - 2021, phóng viên Kinh tế nông thôn đã gặp gỡ và ghi lại những trải lòng của một số doanh nhân về khó khăn, giải pháp và những kiến nghị để cùng nhau vượt qua thách thức trước đại dịch Covid-19.
Ông Phạm Văn Lượng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ:
Muốn liên kết với Hội Làm vườn để cùng phát triển
Công ty mong muốn được gắn kết với Hội Làm vườn để triển khai các nghị quyết Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của Hội đề ra. Đồng thời, đồng hành cùng hội viên, nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Hải Phòng tạo chuỗi liên kết sản xuất. Việc này cũng phải được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương. Mong Nhà nước có chính sách thông thoáng cho ngành chăn nuôi, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, HTX phát triển để bắt kịp với xu thế của thế giới. Giữa nông dân và nông dân cần dồn điền đổi thửa để tạo vùng phát triển chăn nuôi tập trung.
Với quy mô sản xuất hàng chục hecta được đặt tại xã Hồng Phong, huyện An Dương, TP. Hải Phòng, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường hàng chục triệu con gà giống cho các tỉnh, thành trong cả nước. Công ty đang mở rộng khu Nhà máy chế biến thịt gia cầm quốc tế Ogari, đồng thời mở rộng hợp tác với nông dân trong thành phố về phát triển chăn nuôi gà theo 1 chuỗi hoàn thiện.
Chị Ngô Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Lineup (xã An Thắng, huyện An Lão, TP. Hải Phòng):
Mong được hỗ trợ sản xuất - kinh doanh
Là doanh nghiệp nhỏ, công ty mong muốn nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển bền vững. 7 sản phẩm gồm bột bí ngô, bột khoai lang tím, bột hoa đậu biếc, bột cà rốt, bột củ dền, bột lá bạc hà và bột cải xoăn đang được công ty cung cấp ra thị trường.
Công ty mong muốn được các cấp chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, xây dựng mối liên kết tiêu thụ sản phẩm; được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật...
Ông Võ Văn Tài, Giám đốc công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng (Sapa, Lào Cai):
Doanh nghiệp trăn trở về vốn và mặt bằng
Năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến Sapa không nhiều, trong khi mặt hàng thổ cẩm phụ thuộc rất nhiều vào khách quốc tế khiến doanh nghiệp chúng tôi lao đao, khó khăn chồng chất khó khăn.
Năm 2021, chúng tôi quyết tâm mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp, để thu hút khách trong trước, thay vì phụ thuộc vào khách nước ngoài như trước đây. Chúng tôi xây dựng khu nhà xưởng, trưng bày, trải nghiệm cho du khách đến trải nghiệm học cách làm thổ cẩm. Đặc biệt, các em học sinh đến đây sẽ tìm hiểu về giá trị văn hóa thổ cẩm truyền thống của 5 dân tộc tại Sapa, được hướng dẫn làm thổ cẩm, như: nhuộm chàm nghệ thuật, vẽ sáp ong trên vải, thêu dệt...
Để thành công với mô hình này, doanh nghiệp rất trăn trở về nguồn vốn và mặt bằng. Chúng tôi rất hy vọng sẽ được chính quyền địa phương, các cấp quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho chúng tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và đặc biệt là trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để chúng tôi có đủ điều kiện phát triển cũng như tìm hướng đi tích cực đầu ra cho sản phẩm, đây cũng là cách để giữ gìn bản sắc văn hoá địa phương.
Ông Đặng Văn Bình, Giám đốc HTX Bình Phú (xã Liêm Phú, Văn Bàn, Lào Cai):
Khó tiếp cận nguồn vốn vay
Hiện, HTX đang sản xuất và phân phối nấm sò, với 7 thành viên liên kết với 16 hộ dân cùng sản xuất. Trong năm 2020, HTX gặp rất nhiều khó khăn do sản phẩm nấm chưa có phương pháp bảo quản lâu, về máy móc thiết bị sản xuất là do các thành viên tham gia đóng góp mua, chứ chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi vì HTX không phải doanh nghiệp.
Trong khi đó, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến giá bán sản phẩm giảm, lượng khách hàng cũng ít đi, sản phẩm làm ra không bán được, nếu là doanh nghiệp thì được hỗ trợ từ chính sách của nhà nước nhưng HTX lại không được áp dụng. Trong 3 tháng đầu năm nhân công phải nghỉ việc, sản xuất, tiêu thụ thất thường, sản phẩm không tiêu thụ được nên hư hỏng, không vận chuyển được đi xa.
Năm 2021, HTX muốn mở rộng sản xuất, mở rộng nhà xưởng, thị trường và đầu tư máy móc để chế biến nấm khô. HTX cũng có kế hoạch tiếp thị sản phẩm ở các huyện, thị trong tỉnh, mỗi nơi dự kiến làm 5 điểm giao dịch, liên kết bao tiêu sản phẩm. Rất nhiều hộ dân đăng ký tham gia nhưng cơ sở sản xuất còn hạn hẹp, trồng nấm lại yêu cầu kỹ thuật cao (phải quây kín, đảm bảo độ ẩm cho đúng theo độ tuổi cây nấm, cần ánh sáng bao nhiêu, phải điều tiết cho phù hợp theo từng độ tuổi sinh trưởng của cây nấm).
Khó khăn phải giải quyết trước mắt là trang bị máy sấy để chế biến nấm tươi tiêu thụ chậm thành nấm khô, tránh được hỏng, thối sản phẩm và vận chuyển được đi địa bàn xa hơn. Hiện, sản phẩm của HTX đã đạt được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn được tiếp cận kiến thức sản xuất, năng lực bán hàng, điều hành HTX, các kênh bán hàng điện tử… Đặc biệt là những cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, được hỗ trợ về tem, mác, được đào tạo những kỹ năng kinh doanh… để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, HTX lớn mạnh hơn, tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân hơn nữa.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Giám đốc Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Phú Giang:
Vướng mắc quy định về đất đai cần được khắc phục
Công ty được UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) tạo điều kiện cho thuê đất để triển khai đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là trồng cây ăn quả trên địa bàn xã Xuân Hồng (30ha). Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả đã được mở rộng ra xã Xuân Phú, với tổng diện tích 60 ha.
Tuy nhiên, theo ông Giang, cái khó hiện nay của doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc quy định về đất đai, thời gian thuê đất ngắn, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư. Hơn nữa, để phát triển sản xuất lâu dài, bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống thiết bị, công nghệ, vì vậy, cần nguồn vốn lớn, trong khi việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nhất là vốn vay ưu đãi, còn gặp nhiều khó khăn. Không những thế, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tiềm ẩn rủi ro lớn do bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Mong Nhà nước có chính sách bảo hiểm nông nghiệp phù hợp.
Ông Ngô Đình Sự, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Năng:
Mở rộng thuê đất để làm vùng mẫu lớn
HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Năng, thuộc xã Trường Xuân (Thọ Xuân, Thanh Hóa) hiện có hàng trăm hộ dân trồng lúa và các cây màu khác. Các hộ tham gia liên kết với diện tích 110ha, trên cơ sở quy trình sản xuất được HTX xây dựng trình duyệt trong dự án và hướng dẫn của các đơn vị chuyên môn. HTX tiến hành tổ chức sản xuất tuân thủ theo đúng yêu cầu, quy trình thống nhất, đồng bộ.
Nội dung thực hiện được HTX và nông dân thể hiện rõ ràng trong hợp đồng liên kết, trong đó quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên. Đây là cơ sở để các bên làm căn cứ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy có nhiều thuận lợi trước mắt, nhưng về lâu dài thì hoạt động sản xuất của HTX còn manh mún. HTX mong muốn các cấp chính quyền, ngành chức năng tạo điều kiện cho HTX thuê đất để thâm canh vùng mẫu lớn, có nơi sản xuất mạ khay, phục vụ mạ cho hội viên HTX kịp thời.
HTX nông nghiệp TT - Huế nỗ lực vượt qua khó khăn
Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 Nguyễn Lương Trí cho biết, do ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh diễn ra liên tiếp trong năm 2020 đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, các thành viên của HTX đang cố gắng khắc phục khó khăn của thời tiết để sản xuất trở lại.
“Trong năm 2021, chúng tôi cũng có nhiều dự định cho sự phát triển của HTX. Tuy nhiên, phải chờ ít đến khi Đại hội thông qua những phương hướng này”, ông Trí chia sẻ.
Trao đổi với PV Kinh tế nông thôn, ông Phạm Hồng Phong, Chánh văn phòng Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, ngoài những nỗ lực, trong giai đoạn 2021 – 2025, đơn vị sẽ thực hiện tốt hơn nữa việc phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của các thành viên, qua đó hướng tới phát triển kinh tế hộ gia đình thành viên một cách hiệu quả và thiết thực hơn.
“Muốn phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động của từng hội viên, chúng tôi đã xác định phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chiếm vai trò quan trọng hơn cả”, ông Phong chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông tín:
Cần đầu tư cho nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao giá trị
Sản phẩm nông nghiệp phải đầu tư khoa học để nâng cao giá trị. Để làm được việc này, cần có sự hợp tác bình đẳng giữa các bên liên quan: Nhà nước – doanh nghiệp và nhà nông. Làm sao mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông đảm bảo, tránh tình trạng là dù có hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhưng nông dân lại chạy theo lợi nhuận trước mắt, không có chế tài, không bị ràng buộc. Cần tháo gỡ hàng rào pháp lý trong đầu tư xây dựng đối với lĩnh vực nông nghiệp; có chế tài đặc biệt, có chính sách ưu đãi đối với đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, phải ưu tiên cho nông nghiệp phát triển ngang tầm với tỉ trọng nông nghiệp – nông dân – nông thôn hiện nay.
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed:
Chính sách thuế áp cho nông nghiệp chưa hợp lý
Để phát triển nông nghiệp nước ta trong những năm đến, trước hết cần sửa Luật Đất đai. Thứ hai là sửa chính sách thuế, hiện nay, chính sách thuế chưa công bằng, bởi ngành nông nghiệp bị rủi ro rất là cao. Thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân với doanh nghiệp nông nghiệp, người đầu tư vào nông nghiệp cũng như các ngành khác là không hợp lý.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhưng chưa thực sự có sức hút. Phải có chính sách đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân thành doanh nhân. Tạo cơ chế liên kết giữa nông dân với HTX, giữa nông dân với với doanh nghiệp.
Bà Thái Hương, Nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH:
Công nghệ chưa đủ, phải tính đến khoa học quản trị
Theo bà Thái Hương, nông nghiệp Việt Nam cần có thay đổi về mặt tư duy. Đó là sự đột phá, không đi theo lối mòn. Nói về công nghệ không là chưa đủ mà phải nói tới khoa học quản trị.
Muốn bán được hàng phải có thương hiệu, phải có cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ. Nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả một con đường dài và còn nhiều việc phải làm.
Bà Thái Hương mong muốn, các doanh nghiệp hãy xây dựng tinh thần văn hóa doanh nhân.
“Khi chúng tôi định vị sản phẩm thì lợi nhuận vẫn là sau cùng, hài hòa lợi ích”, bà Thái Hương cho biết.
Bây giờ khích lệ cụ thể phải vào sản phẩm, khi đưa ra được bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, thông lệ quốc tế thì chất lượng sản phẩm sẽ đi theo con đường phát triển bền vững.
Bà Thái Hương bày tỏ mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục khích lệ những người làm nông nghiệp để ngày càng có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp đổi mới trong nông nghiệp, để Việt Nam cùng cất cánh.
Doanh nhân Bùi Thị Quy:
Người tạo vị thế của Tập đoàn Vạn Phát
Tôi có cơ duyên gần gũi với doanh nhân Bùi Thị Quy, người đã giành gần một đời gắn kết với nông dân bằng những dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nơi đặt chân đến.
Cũng như bao người con quê Bình Định, chị Bùi Thị Quy tha phương cầu thực trên đất Sài thành từ những năm 1970, với đôi vai gánh cả cuộc sống gia đình.
Năm 1974, chị dấn thân vào ngành đường, với cơ sở sản xuất cồn, gas và kinh doanh mật ri trên đất khách quê người. Năm 1986, nhờ chính sách mở cửa của nền kinh tế, cơ sở SXKD trên phố Sài Gòn ngày càng phát triển, năm 1997, chị đứng ra thành lập DNTN Vạn Phát.
Từ 40ha đất được người dân chuyển nhượng, chị đã biến nó thành những khu riêng biệt bằng những ranh giới phủ kín cây xanh, bảo vệ môi trường. Bước đầu, chị cho xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, với dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, công suất thiết bị 250 tấn sản phẩm/ngày và nhà máy phân bón NPK đã đi vào hoạt động. Những bước tiếp theo, chị cho ra đời các nhà máy đường, nhà máy thức ăn gia súc.
Thấy được sự nhiệt huyết, bản lĩnh của doanh nhân Bùi Thị Quy nói đi đôi với làm, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai, huyện Krông Pa và xã Chư Ngọc đã tạo mọi điều kiện giúp chị chuyển nhượng thành công 80ha đất để đầu tư thực hiện dự án “Năng lượng xanh”. Tháng 9/2020, khi bước vào tuổi 75 cũng là lúc chị phát lệnh động thổ xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời, công suất 2MW, tọa lạc tại xã Chư Ngọc, bên QL25, đối diện diện với cụm công nghiệp 40 ha.
Vượt qua nhiều khó khăn, hôm nay, chị đã khẳng định vị thế của Tập đoàn Vạn Phát trên thương trường, đặc biệt là trước sự cạnh tranh khốc liệt của ngành mía đường Việt Nam. Sự nỗ lực không mệt mỏi ấy của doanh nhân Bùi Thị Quy đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh “Nhà lãnh đạo giỏi”; Năm 2014, lần thứ hai chị được trao tặng cúp “Bông Hồng Vàng” dành cho 100 nữ doanh nhân tiêu biểu Việt Nam.
Nhóm phóng viên
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.