Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 5 năm 2018 | 13:10

Đẩy mạnh quảng bá chè Shan tuyết

Cùng với việc nâng cao chất lượng, những năm gần đây, Hà Giang đã đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết.

3.JPG
Những năm qua, Trung tâm KCXTCT  Hà Giang triển khai nhiều đề án hỗ trợ, nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu sản phẩm, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó khẳng định  thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang ở nhiều thị trường. 

 

Đến nay, chè Shan tuyết Hà Giang đã được tiêu thụ ở nhiều thị trường, trong đó có thị trường tại các nước Liên minh châu Âu.

Xây dựng thương hiệu

Chè Shan tuyết được trồng chủ yếu trên dãy núi cao Tây Côn Lĩnh, trong các khu rừng tự nhiên nên không bảo đảm mật độ trồng, việc đầu tư thâm canh không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật nên năng suất chè thấp. Quá trình thu hái, chế biến, bảo quản chưa đúng quy trình kỹ thuật làm giảm năng suất, chất lượng cây chè. Một số sản phẩm chế biến chưa đa dạng, cung cấp ra thị trường chủ yếu là sản phẩm thô nên giá trị mang lại không cao.

Triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến công theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP trên địa bàn các huyện của tỉnh Hà Giang, Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến Công thương (KCXTCT - Sở Công Thương Hà Giang) đã xây dựng và triển khai nhiều đề án hỗ trợ phát triển ngành nghề chế biến chè, bước đầu đã mang lại hiệu quả khả quan.

HTX chế biến chè Hạnh Quang, ở xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì), được thành lập năm 2006, là một trong những đơn vị được Trung tâm KCXTCT lựa chọn hướng dẫn. Khi mới thành lập, năng suất, chất lượng chè thấp, sản phẩm chủ yếu là chè khô, bao bì không có nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm nên tiêu thụ chủ yếu trong địa bàn huyện.

Năm 2010, được sự tư vấn, thiết kế logo, bao bì sản phẩm và hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu từ nguồn ngân sách Nhà nước của Trung tâm KCXTCT Hà Giang, HTX Hạnh Quang đã xây dựng thành công thương hiệu chè  mang tên “Chè Shan tuyết Cổng Trời”. Từ đây, nhiều người biết đến thương hiệu chè của HTX, giá  bán cũng cao hơn và từng bước có chỗ đứng trên thị trường.

Sau khi nghiên cứu, Trung tâm phối hợp với HTX lập Đề án “Hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến chè xanh Hạnh Quang”, tổng số tiền mua máy sấy chè là 210 triệu đồng, trong đó Trung tâm KCXTCT hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn kinh phí Khuyến công Quốc gia. Sau khi nghiệm thu và đưa hệ thống máy sấy chè vào hoạt động, năng suất được tăng lên rõ rệt, giảm chi phí lao động phổ thông.

Từ những cố gắng của HTX, năm 2014, chè Shan tuyết Cổng Trời đã được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014. Đây là niềm vinh dự cũng như khẳng định hướng đi đúng của HTX chè Hạnh Quang, trong đó có sự tư vấn, giúp đỡ, tạo ra sản phẩm chất lượng, tăng năng suất của Trung tâm KCXTCT Hà Giang.

Gần đây, Công ty TNHH Trà Hoàng Long phối hợp với Trung tâm KCXTCT Hà Giang thực hiện Đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất chế biến chè Hoàng Long”, công suất khoảng 220 tấn chè khô/năm, từ nguồn kinh phí của Chương trình Khuyến công quốc gia năm 2017.

Thiết bị được đầu tư với công nghệ mới, phần lớn công đoạn của dây chuyền sản xuất được cơ khí hóa, hạn chế lao động thủ công, một số công đoạn điều khiển tự động. Hệ thống thiết bị sẽ tạo ra sản phẩm chè mới với ưu điểm vượt trội như: Cánh xoăn đều, tỷ lệ gãy vụn ít, màu nước xanh đậm, hàm lượng nước thấp, thời gian bảo quản lâu hơn. Với đề án này, vùng nguyên liệu chè được phát huy tối đa lợi thế.

Xuất khẩu sang thị trường khó tính

Những năm qua, Trung tâm  KCXTCT Hà Giang đã tập trung nghiên cứu, hỗ trợ phát triển các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh. Đặc biệt, hỗ trợ nâng cao chất lượng chế biến, xây dựng nhãn hiệu, mẫu mã bao bì và các hoạt động xúc tiến thương mại trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị, dần khẳng định  thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang.

Năm 2018, Trung tâm tiếp tục triển khai đề án khuyến công địa phương, hướng dẫn các đơn vị hoàn thiện thủ tục hồ sơ chứng từ các  đề án khuyến công. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chế biến chè; nắm bắt nhu cầu, tiềm năng phát triển của các cơ sở, đơn vị sản xuất chè để đề xuất với tỉnh và Bộ Công Thương giải pháp hỗ trợ phát triển, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang.

Những chính sách, đề án mà Trung tâm KCXTCT Hà Giang triển khai đã và đang tạo được chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang. Từ đó, khẳng định được vị thế, thương hiệu của chè Shan tuyết Hà Giang trên thị trường, đặc biệt là đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Được biết, tỉnh Hà Giang đang giao cho cơ quan chức năng nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan tuyết tỉnh Hà Giang. Khi sản phẩm chè Shan Tuyết được công nhận chỉ dẫn địa lý cùng với việc đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của  Trung tâm KCXTCT Hà Giang, chắc chắc những năm tới, sản chè Shan tuyết sẽ tiếp tục khẳng định được thương hiệu, vươn mình ra nhiều thị trường trên thế giới, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Trung tâm  KCXTCT Hà Giang đã xây dựng phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm trà của tỉnh Hà Giang; tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, để quảng bá, giới thiệu chè Shan tuyết Hà Giang đến bạn bè thế giới. 

Bài 3: Chè giá 6,2 triệu đồng/kg có gì đặc biệt?


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top