Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 8 năm 2021 | 9:47

ĐBSCL: Chủ động phân “luồng xanh” để lưu thông lúa gạo

Với hệ thống sông, kênh rạch dài đặc, đây là điều kiện để các tỉnh ở ĐBSCL tối ưu hoá việc vận chuyển hàng hoá. Đặc biệt, là trong thời giãn cách xã hội thì tất cả các tuyến vận tải đường thủy đều được coi là “luồng xanh” để lưu thông lúa, gạo.

Hai phương án vận chuyển lúa gạo

Với đặc thù địa hình kênh rạch dày đặc, có tới trên 90% lượng lúa, gạo của các nhà máy sản xuất, chế biến ở ĐBSCL được vận chuyển bằng đường thủy. Do đó, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Mới đây, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, giải tỏa được ách tắc hiện nay.

 

Trên 90% lúa gạo ở ĐBSCL vận chuyển bằng đường thủy, việc mở luồng xanh đường thủy sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho lưu thông lúa gạo của vùng và xuất khẩu, (ảnh: Trần Mạnh).

 

Các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL khẩn trương chỉ đạo các cấp tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thóc, gạo nói chung và thương lái nói riêng được đi lại thu mua trực tiếp tại đồng. Bộ Công Thương trao đổi và thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải xem xét, áp dụng linh hoạt các phương án.

Phương án 1: Chấp nhận các xét nghiệm nhanh tại ấp/xã, đăng ký thông tin, lịch trình di chuyển với cơ quan quản lý nhà nước tại ấp/xã và áp dụng tương tự đối với lực lượng bốc xếp thóc xuống/lên ghe. Đặc biệt xem xét ưu tiên phân luồng xanh (xét nghiệm nhanh tại chốt kiểm dịch trên sông) cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ đồng ruộng về hệ thống nhà máy sấy vệ tinh trong khu vực gần nhất (cùng xã/huyện) để đảm bảo chất lượng thóc tồn trữ đạt yêu cầu.

Phương án 2: Trường hợp thương nhân đồng ý hỗ trợ cung cấp các bộ kit xét nghiệm nhanh cho các chốt trên sông, khi ghe/sà lan của các thương nhân di chuyển qua, đề nghị nhân viên chịu trách nhiệm trực chốt tiến hành xét nghiệm nhanh và đóng dấu thông hành cho các phương tiện tranh thủ di chuyển tiếp.

Bộ Công thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ về lãi suất cho các doanh nghiệp; và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 3,492 triệu tấn, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,0 - 6,2 triệu tấn gạo các loại, trị giá đạt khoảng 3,325 tỉ USD. Việc áp dụng chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu.

Các địa phương phải chủ động 

Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Nam, Thứ thưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tính đến ngày 12/8, vụ lúa hè thu tại các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được 780.000 ha, sản lượng đạt khoảng 4,524 triệu tấn. Dự kiến thu hoạch rộ trong tháng 8 và dứt điểm khoảng vào giữa tháng 9/2021. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành nông nghiệp đó là việc áp dụng Chỉ thị 16 tại các tỉnh, thành phố phía Nam dẫn đến tình trạng tắc nghẽn lưu thông lúa, gạo, hàng hóa từ ruộng về nhà máy và từ nhà máy ra các cảng biển để xuất khẩu.

Hiện nay, người nông dân đang thu hoạch lúa trong khi các cấp xã, thôn, ấp áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch… dẫn đến thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động thời vụ trên đồng, từ người đi thu mua cho đến người gặt lúa, bốc vác xuống ghe. Thông thường, người dân sẽ sử dụng ghe, thuyền gia dụng để vận chuyển lúa từ ruộng, đồng, tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện này không thể di chuyển từ vùng này sang vùng khác, đặc biệt là khu vực kênh, mương thủy lợi nội đồng gây khó khăn trong lưu thông lúa, gạo, ông Nam cho biết.

 

 Ghe, thuyền gia dụng là phương tiện chủ yếu được người dân vùng ĐBSCL vận chuyển lúa từ ruộng, đồng.

 

Về vấn đề này, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa. Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.

Theo ông Thọ, tại ĐBSCL vận tải hàng hóa bằng đường thủy là tối ưu và hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Vì vậy, hiện nay tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là "luồng xanh". Tức là các tuyến đường thủy vẫn hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng chống dịch của ngành y tế đối với đội ngũ thuyền viên, tuyệt đối không được lợi dụng để chở người trái phép.

Hiện, việc quản lý và cho phép các hoạt động ghe thuyền nhỏ đi trong kênh rạch, tuyến thủy lợi nội đồng thuộc về thẩm quyền của địa phương. Các Sở GTVT phải khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh thống nhất giải pháp phòng chống dịch phù hợp, tạo điều kiện cho người dân được ra đồng lao động, vận chuyển phương tiện thu hoạch. Đồng thời, cho phép ghe, thuyền dân sinh, thuyền gia dụng được lưu thông vào các tuyến kênh, mương, hệ thống thủy lợi nội đồng để thu gom lúa gạo, kết nối với các tuyến đường thủy, không để gián đoạn khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ”, ông Thọ nói.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy nội địa và các cảng, bến.

Các doanh nghiệp, người tham gia vận tải hàng hóa phải thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên hệ thống đường thủy nội địa hiệu quả; có phương án tổ chức lao động, sinh hoạt phù hợp để bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện vận chuyển đúng mục đích, loại hàng hóa và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. 

Các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông vận tải phải chủ động thông tin, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương để phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và theo các hướng dẫn chung của Chính phủ, Bộ Y tế và ngành giao thông vận tải.

Cần cắt giảm các thủ tục

Anh Thương, một thương lái mua lúa tại Tiền Giang cho biết, nghe nói chính quyền các tỉnh miền Tây tạo điều kiện cho vận chuyển nông sản bằng đường thủy, tụi tôi cũng mừng lắm. Chứ phương tiện thủy di chuyển chậm mà đi vài kilômet lại gặp chốt kiểm tra, rồi hạn chế khung giờ đi nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hồ Văn Chịu, thương lái mua lúa ở An Giang cho biết, bình thường ông thuê ghe chở lúa từ Kiên Giang về An Giang chỉ mất tối đa 3 ngày nhưng nay mất 4-5 ngày, chi phí tăng gấp đôi. Bởi muốn mua lúa, cần phải có 2 loại giấy, gồm giấy xác nhận mua lúa từ điểm đi tới điểm thu mua lúa và giấy xét nghiệm âm tính.

Nhưng đi mua lúa đâu phải làm liền mà phải mua trước khi cắt 10 - 15 ngày và phải tốn rất nhiều chi phí. Một ghe bình thường có 3 người phải tốn chi phí gần 1 triệu đồng/lần test nhanh. Đi một chuyến ghe phải xét nghiệm từ 1 đến 2 lần. Nhiều chủ ghe hay thương lái gặp cảnh test này hoài nên đã nghỉ mua, ông Chịu nói thêm.

Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Kiên Giang thừa nhận, các ghe đến địa phương mua nông sản, trong đó có lúa phải đáp ứng đủ 4 loại giấy tờ để qua chốt đường thủy gồm: giấy xác nhận điểm đi, giấy đi đường, giấy âm tính điểm đi, giấy âm tính điểm đến và xác nhận điểm đến.Theo ông Toàn, cần giảm bớt một số khâu thủ tục, giấy tờ để tạo điều kiện cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông  nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ, những chủ trương, quyết định chung có tính chất tháo gỡ khó khăn đã được đưa ra nhưng còn phụ thuộc vào mỗi địa phương về cách hiểu và áp dụng triển khai như thế nào. 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành Trung ương, hi vong trong thời gian sớm nhất các tỉnh ở ĐBSCL sẽ chủ động phân luồng xanh đường thuỷ, khơi thông dòng chảy cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá, từ đó giúp các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

 

 Tàu Hải quân vận chuyển nông sản từ miền Tây lên TP.HCM

Chiều ngày 19/8, 47 tấn lương thực, nông sản gồm gạo, rau, củ… từ nhiều nơi ở các tỉnh miền Tây được tàu của lực lượng Hải quân Việt Nam và tàu cao tốc (Công ty GreenlinesDP) hỗ trợ vận chuyển đã cập cầu tàu của Lữ đoàn 125 hải quân tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức để trao tặng cho TP. HCM giúp người dân đang gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm.

 

 Các thùng chứa khô cá tra phồng - đặc sản của tỉnh Đồng Tháp, được các chiến sĩ Hải quân đưa lên tàu, (Ảnh: vnexpress).

 

Dự kiến, trong ngày 20/8, có thêm 40 tấn lương thực, nông sản sẽ được các doanh nghiệp này tiếp tục tổ chức vận chuyển bằng đường thủy từ các tỉnh miền Tây về TP.HCM hỗ trợ cho người dân.

Trước đó, chiều ngày 18/8, tàu 626 của Hải quân Vùng 2 chở gần 30 tấn nông sản gồm gạo, khoai, bắp, chanh của bà con tỉnh Đồng Tháp tặng người dân ở TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Số nông sản trên chia thành 5.000 phần quà gồm: 5 kg gạo, 3 kg khoai, một kg chanh và nửa kg khô cá tra phồng. Tổng trị giá đợt hàng khoảng một tỷ đồng.

Trung tá Võ Minh Thắng, Trưởng Ban Dân vận thuộc Hải quân Vùng 2 chia sẻ, sau khi được thủ trưởng đồng ý, ông cùng các chiến sĩ tàu 626 nhanh chóng chuẩn bị để lên đường. Tâm tư tình cảm của người lính được phục vụ nhân dân khó mà diễn tả hết được.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top