Ngành Dịch lịch vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh những năm qua đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết để hoàn thiện nhiều tuyến du lịch góp phần đưa ngành du lịch trở thành kinh tế quan trọng của địa phương.
Liên kết phát triển du lịch
Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, các tỉnh, thành ĐBSCL còn nhiều dư địa để phát triển với TP. Hồ Chí Minh nhằm tạo ra không gian du lịch đặc sắc, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường, từ đó thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch liên vùng. Do vậy, việc "bắt tay" giữa TP Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL sẽ là cơ hội để khôi phục ngành du lịch phát triển trong năm 2022.
Du lịch sông nước hữu tình, một trong các tour du lịch đặc thù ở đồng bằng sông Cửu Long rất thu hút du khách.
Trước mắt, Bạc Liêu sẽ xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến đã có sẵn nhưng làm sản phẩm mới hơn, đặc sắc hơn, hấp dẫn hơn, nhất là đảm bảo cho du khách an toàn với dịch bệnh Covid-19. Các tỉnh, thành trong vùng có thể thể tập trung phát triển các sản phẩm du lịch bằng đường thuỷ kết hợp đường bộ giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL; xây dựng thêm sản phẩm liên tuyến giới thiệu giá trị văn hoá, ẩm thực và trải nghiệm sinh hoạt cộng đồng đặc trưng Nam Bộ. Đây là một lợi thế cần được nghiên cứu, phát huy để tạo ra tính cạnh tranh của sản phẩm vùng so với các vùng khác trên cả nước, ông Thiều cho biết thêm.
ÔngThiều kiến nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch tiếp tục quan tâm hỗ trợ nhiều hơn đến du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long như ưu tiên quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch, công tác quảng bá xúc tiến đầu tư và trong phát triển nguồn nhân lực du lịch... Lãnh đạo Bộ sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để tạo điều kiện phát triển kinh tế du lịch vùng; tiếp tục hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đầu tư hạ tầng dịch vụ du lịch. Trong quá trình lập Đề án Quy hoạch du lịch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng đưa các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long vào tổng thể quy hoạch, để có định hướng và dành nguồn lực đầu tư phát triển. |
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh chương trình liên kết phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2019-2022 cho thấy, các chương trình liên kết du lịch TP. Hồ Chí Minh và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL luôn được đánh giá cao là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân trong mùa dịch. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.
Một góc Đồng bằng sông Cửu Long nhìn từ trên cao.
Thao đánh giá của bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, theo lộ trình của Chính phủ, du lịch đã mở cửa hoàn toàn, không chỉ thị trường nội địa mà cả thị trường quốc tế. Đây là thời cơ vàng để du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL phục hồi và phát triển. Với sự gắn bó chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố như thời gian qua, ngành du lịch chắc chắn sẽ khởi sắc trở lại và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Sự tham gia tích cực của doanh nghiệp
Để đẩy mạnh hợp tác liên kết du lịch, các doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng hơn 50 tour, được kích hoạt từ TP. Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong đó, Saigontourist Group, đơn vị thành viên của chương trình liên kết vùng, cũng đã tiến hành khảo sát 126 điểm đến, 31 khách sạn, resort, homestay, farmstay, 15 nhà hàng và 11 cửa hàng quà tặng, quà lưu niệm và 5 chương trình nghệ thuật phục vụ du khách.
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, mặc dù trải qua 2 năm dịch bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng công ty đã xây dựng và triển khai được 3 sản phẩm liên kết theo tuyến, là các tour dài ngày đi qua hết các tỉnh, thành trong vùng. Các sản phẩm du lịch này hiện đã được quảng bá truyền thông với công nghệ mới, công nghệ số, được giới thiệu trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, báo chí, quầy giao dịch của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại 14 địa phương. Thực tế các tour liên kết hiện nay với các tỉnh ĐBSCL được đông đảo du khách lựa chọn.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết, vừa qua, sau khi liên kết du lịch với TP. Hồ Chí Minh, ĐBSCL đã cho thấy sự phân vai rõ hơn, chia thành các cụm phía Đông, cụm phía Tây và từng tỉnh đều tìm kiếm nét khác biệt cho sản phẩm du lịch của địa phương mình. Ví dụ, các tỉnh đã chuyển hướng làm mới sản phẩm theo hướng không phải nơi nào cũng có đờn ca tài tử hoặc miệt vườn sông nước mà xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của từng tỉnh. Đây là điều tích cực, bởi khách đi tour không cảm thấy trùng lắp.
Tuy nhiên, ông Duy cho rằng, để thúc đẩy hiệu quả việc liên kết du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đạt hiệu quả cao trong điều kiện an toàn với dịch bệnh, sắp tới cần thống nhất quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực du lịch thay vì mỗi địa phương áp dụng một cách như trước đây. Riêng về tour, tuyến, sản phẩm du lịch của từng địa phương ở ĐBSCL dù có sự cải thiện nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt nên cần làm mới sản phẩm hơn cũng như đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú...
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, hiện các hoạt động liên kết du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương. Chẳng hạn như với Cần Thơ có du lịch sông nước, chợ nổi; An Giang phát triển lợi thế về du lịch tâm linh; Kiên Giang phát huy sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển đảo; Cà Mau đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với rừng; Bạc Liêu khai thác sản phẩm du lịch điện gió hay du lịch đặc sản nông nghiệp… để kéo chân du khách.
Ông Việt cho rằng, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL muốn triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian tới cần phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường; nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường nhân lực du lịch; tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến quảng bá thu hút khách; tăng cường công tác thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.
Các địa phương cần đảm bảo điểm đến du lịch được kiểm soát an toàn, hoạt động du lịch được tổ chức chặt chẽ, có lộ trình đồng bộ, khoa học và hiệu quả; chủ động chuẩn bị các phương án xử lý đối với trường hợp rủi ro trong quá trình triển khai mở cửa lại hoạt động du lịch. Đồng thời tạo môi trường giao lưu, gặp gỡ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp du lịch của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…