Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 1 năm 2022 | 23:43

ĐBSCL triển khai nhiều giải pháp ứng phó với mùa khô

Năm 2021, lũ ở vùng ĐBSCL về thấp và muộn hơn so với những năm trước. Các cơ quan chức năng nhận định, mùa khô năm 2022 sẽ ít có khả năng bị hạn mặn gay gắt, nhưng các địa phương ở đây đã chủ động triển khai nhiều giản pháp để ứng phó.

Tiếp tục là năm ít nước

Thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, mực nước trung, thượng lưu sông Mekong biến đổi chậm và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ từ 0,2 đến 1,7 m. Từ tháng 1 đến tháng 3/2022, tổng lượng mưa có xu hướng cao hơn so TBNN do có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa. Vào tháng 4/2022, tổng lượng mưa phổ biến sẽ cao hơn từ 10 đến 30% so TBNN.

Tuy nhiên, tình hình xâm nhập mặn vẫn diễn ra ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Chính vì vậy, các địa phương ở vùng ĐBSCL cần sớm triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, hạn hán, đề phòng tình hình khí tượng-thủy văn diễn biến phức tạp hơn.

Thi công nạo vét kênh cấp, trữ nước ngọt ở tỉnh Sóc Trăng.

 

Các đợt xâm mặn có xu thế tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh vào các thời kỳ từ ngày 28/1/2022 đến 3/2, 26/2 đến 5/3, 28/3 đến 3/4 và 29/4 đến 4/5. Tuy nhiên, với sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ngay từ sớm cùng với kinh nghiệm sống chung với hạn, mặn của người dân vùng ĐBSCL sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lũ năm 2021 ở vùng ĐBSCL thuộc loại lũ nhỏ (dưới báo động I), dòng chảy sông Mekong hiện đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Cùng với đó, Biển Hồ (Campuchia) - nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện nay ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 3 tỷ m3. Tổng lượng nước trữ bình quân của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn hiện đang ở mức 80% dung tích thiết kế.

Nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và thế giới, năm 2022 tiếp tục là năm ít nước trên lưu vực sông Mekong. Trong các tháng đầu mùa khô, khả năng các hồ chứa ở thượng nguồn sẽ hạn chế xả nước. Do vậy, dòng chảy trên dòng chính sông Mekong sẽ giảm nhanh, lượng nước về ĐBSCL các tháng đầu mùa khô năm 2021-2022 khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021-2022 khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng đến việc vận hành lấy nước của các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Triển khai nhiều giải pháp

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021-2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn.

Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô với các kịch bản khả năng ảnh hưởng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, bao gồm cả các kịch bản ứng phó với xâm nhập mặn cực đoan như đã xảy ra các năm 2015-2016, 2019-2020.

Người dân cần chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 – 2022 để đảm bảo sản xuất.

 

Địa phương chủ động khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, khoanh vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước, tăng cường xây dựng các ao trữ nước phân tán, bảo đảm có đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, duy trì sức sống cho cây trồng.

Tiếp tục chú trọng bố trí cơ cấu mùa vụ phù hợp, đẩy nhanh tiến độ xuống giống sớm vụ đông xuân 2021-2022 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, nhóm giống chịu mặn, phèn để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. 

Tại Vĩnh Long, tỉnh này đã xây dựng nhiều kịch bản chống hạn hán, xâm nhập mặn, nhằm bảo đảm nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo đó, tỉnh tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có. Đồng thời, triển khai nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước.

Các địa phương ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, nhất là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn. Trong đó, tỉnh bảo đảm ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20 nghìn héc-ta lúa hè thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao như: Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít, Tam Bình và Long Hồ. Để thích ứng với xu thế chung, người dân đã mua túi trữ nước ngọt để dùng tưới vườn cây ăn quả mỗi khi vào mùa hạn, mặn.

Tại Cần Thơ, thành phố ưu tiên thực hiện các dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán, như: nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh thủy lợi tạo nguồn đã bị bồi lắng, xuống cấp. Các tuyến kênh được nạo vét gồm: kênh Ngang, kênh Ðông Pháp, kênh E1, kênh G1, với tổng chiều dài nạo vét 29.200 m. Các công trình trên đã góp phần khai thông dòng chảy, cung cấp và trữ nước, góp phần hạn chế khô hạn, thiếu nước xuất hiện trên địa bàn TP. Cần Thơ.

Cống Cái Lớn - Kiên Giang được ví là "siêu cống" ở miền Tây để ngăn mặn (Ảnh: Chí Quốc).

 

Tại huyện Chợ Lách (Bến Tre), địa phương này đã lên kế hoạch ứng phó với mùa khô năm 2022. Theo đó, ngành Nông nghiệp địa phương đã tuyên truyền và đề nghị người dân thường xuyên theo dõi thông tin về hạn, mặn để chủ động nguồn nước tưới; đồng thời tập trung xây dựng đập ngăn mặn, hồ trữ nước, phục vụ sản xuất hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có công văn giao Sở Nông nghiệp và PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị chức năng chủ động, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung có liên quan hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong đó, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn để đánh giá, dự báo tình hình thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa, có biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa mùa khô năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh, với các kịch bản khả năng ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ngọt hóa phù hợp với tình hình thực tế, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, trình UBND tỉnh trước ngày 05/02/2022 để xem xét, phê duyệt, triển khai thực hiện.

Tuy đang ở đầu mùa khô, trước tình trạng biến đổi khí hậu có thể làm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL gia tăng. Việc, các địa phương trong vùng chủ động xây dựng phương án thích ứng, tích nước hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra là việc làm cần thiết, thể hiện sự thuận thiên của chính quyền và nhân dân dân ở đây.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top