Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 4 năm 2020 | 14:33

Để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nhờ đó, vùng đất này có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.

 

t18.jpg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh khảo sát vùng trồng chuyên canh thanh long xuất khẩu tại xã Kiểng Phước (Gò Công Đông-Tiền Giang) về thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP. Ảnh: Minh Trí.

 

Nghị quyết từ “Hội nghị Diên Hồng”

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ 21, Việt Nam là một trong 5 quốc gia được đánh giá là chịu tổn thương nhất với biến đổi khí hậu (Dasgupta et at., 2007), trong đó ĐBSCL được coi là khu vực chịu ảnh hưởng chính, thiên tai ngày càng gia tăng cả về số lượng, cường độ và phạm vi, tác động nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. Và thực tế đã như cảnh báo.

Đứng trước tình hình đó, cuối tháng 9 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị về phát triển ĐBSCL bền vững trước BĐKH. Nhiều nhà khoa học, người dân khu vực gọi đây là “Hội nghị Diên Hồng” của vùng. Kết thúc hội nghị, một Nghị quyết cho ĐBSCL đã được ban hành - Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết tạo bước đột phá trong định hướng phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện thích ứng với BĐKH tầm nhìn đến năm 2100.

Kết quả và những nút thắt

Hơn hai năm triển khai, Nghị quyết 120/NQ-CP đã tác động tích cực đến nhiều mặt của ĐBSCL: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực. Tăng trưởng GDP của vùng năm 2018 đạt mức ấn tượng, tăng 7,8%.

Nghị quyết của Chính phủ đã xác định được đúng cái gốc của vấn đề là sự mẫn cảm với các thay đổi của tự nhiên, đặc biệt là tài nguyên nước của ĐBSCL. Đã khẳng định cần thay đổi tư duy phát triển từ nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng và chất lượng, tôn trọng quy luật tự nhiên và có đủ khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, tại Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết, một số tồn tại, hạn chế đã bộc lộ, như: Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân vùng kinh tế theo ngành, lãnh thổ dựa vào điều kiện tự nhiên còn chậm, vẫn còn xung đột phát triển giữa các loại hình kinh tế, dẫn đến hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao, thiếu tính bền vững. Việc huy động và phát triển nguồn lực cho phát triển ĐBSCL dù đã có chuyển biến mạnh nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Nguyên nhân là do cách tiếp cận dựa vào nội lực chưa được đề cao, chưa huy động được sự tham gia chủ động và rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL chưa có, chưa thể định hướng để các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng.

Giải pháp phải thuận tự nhiên

Trước thực trạng trên đòi hỏi chúng ta phải “hành động” ngay, kịp thời triển khai kế hoạch phát triển bền vững đồng bằng. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong thời gian tới không phải là đối phó, chống lại BĐKH, mà là thích ứng, tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, không can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

 

t19.jpg
Mô hình trữ ngọt trong bạt nylon ở hộ ông Huỳnh Văn Như, xã Ngũ Hiệp (Cai Lậy, Tiền Giang). Ảnh: TTXVN

 

Việc triển khai Nghị quyết 120 chính là “đòn bảy” tạo bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong phát triển bền vững. Việc triển khai mạnh mẽ Nghị quyết cùng với sự nỗ lực chung của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị chắc chắn sẽ giúp cho Việt Nam đạt những thành tựu cao trong ứng phó BĐKH. Theo đó, một số hướng cần ưu tiên:

- Đa dạng về giống cây trồng có khả năng chịu đựng nhiệt độ, độ mặn, hạn hán và lũ lụt cao.

- Tạo sự kết nối đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương và các lĩnh vực trong ứng phó với BĐKH. Đây là nền tảng để tạo nên một xã hội bền vững trước BĐKH ở ĐBSCL.

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về BĐKH. Để làm tốt việc này, cần khuyến khích sự tham gia của nhiều nhân tố đến từ các lĩnh vực khác nhau để tạo ra sự đổi mới và sáng tạo hơn.

- Nghiên cứu những giải pháp và mô hình mới cho người dân địa phương để ứng phó với các tác động của BĐKH và nước biển dâng.

- Quan tâm đầu tư các công trình chống sạt lở và công trình cung cấp nước quy mô cho toàn vùng.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung xử lý các yếu tố nội tại, biến “nguy cơ” thành “thời cơ”, biến bất lợi thành lợi thế; coi mặn, lợ, khô, ngập cũng là tài nguyên để phát triển. Trước mắt cần phát triển nông nghiệp đồng bằng bền vững theo 3 vùng: Vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển. Trong đó, vùng thượng sẽ tập trung phát triển nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan; là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững. Vùng giữa phát triển nông nghiệp miệt vườn - trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Cuối cùng là vùng ven biển, nơi phát triển nông nghiệp dựa vào nước mặn và lợ để phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, cây trồng sử dụng ít nước ngọt và chịu mặn. “Cần triển khai việc xoay trục chiến lược sang thủy sản - trái cây - lúa gạo, phát triển đồng bằng thành vùng du lịch nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Không cứng nhắc duy trì sản xuất lúa và xuất khẩu gạo số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước. Đến năm 2030, đưa diện tích canh tác lúa dự kiến giảm 220 - 300 nghìn hecta đi cùng với giảm diện tích lúa 3 vụ; chuyển đổi mạnh sang lúa 1, 2 vụ hoặc luân canh với cây màu/thủy sản”.

Đề xuất một số giải pháp về đào tạo

Trên quan điểm đào tạo, xin được đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, các giải pháp cần trên cơ sở lồng ghép chính sách, xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ, kết nối nhằm giảm thiểu rủi ro tối đa và đa dạng hoá sinh kế cho người dân.

Thứ hai, mục tiêu mà các giải pháp cần hướng tới là: Giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh con người; Coi trọng việc nâng cao năng lực tự ứng phó của người dân trước tác động của BĐKH kết hợp với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng;

Thứ ba, cần làm tốt vai trò kết nối các nguồn lực nhằm phục hồi, cải thiện và đa dạng các điều kiện sinh kế để đảm bảo đời sống người dân các vùng dễ bị tổn thương, bao gồm các hỗ trợ về kỹ thuật, hỗ trợ tài chính, huy động sự tham gia của các cơ quan nhà nước (trung ương và địa phương), các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Thứ tư, xây dựng mô hình và thử nghiệm các mô hình thí điểm ứng phó với BĐKH trong các lĩnh vực dựa vào cộng đồng có sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức hội đoàn thể, sự tham gia của người dân trong ứng phó và tự ứng phó với BĐKH và nước biển dâng. Kết hợp hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho nông dân với  Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

Thứ năm, xây dựng mới các công trình công cộng phục vụ phòng chống lụt bão, thiên tai, ứng phó với BĐKH. Xây dựng các chính sách vĩ mô các giải pháp ứng phó với BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách ở quy mô quốc gia và địa phương.

Thứ sáu, hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là các hộ nghèo nhằm hạn chế và khắc phục rủi ro do BĐKH, ổn định sinh kế cho người dân; hỗ trợ xây dựng các khu định cư để di chuyển người dân ra khỏi những địa bàn bị rủi ro. Đồng thời mở rộng diện thụ hưởng của các chính sách trợ giúp xã hội trên cơ sở các tiêu chí, chỉ tiêu xác định đối tượng thụ hưởng trợ giúp đột xuất bị thiên tai dẫn đến mất nguồn sinh kế.

Thứ bảy, lồng ghép nội dung tác động của BĐKH vào chương trình đào tạo, gồm cả đào tạo ở các bậc trung cấp, cao đẳng. Các nội dung chủ yếu, cơ bản cần thiết phải đưa vào giảng dạy là nhận thức về BĐKH và tác động của BĐKH, vai trò, nhiệm vụ và hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục hậu quả tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan do BĐKH.

Thứ tám, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các chính sách, giải pháp, những tác động của BĐKH đến đời sống để mọi người chủ động tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm thích ứng với BĐKH, đảm bảo an sinh xã hội.

Nguyễn Tiến Huyền (Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top