Chiều 20-2, tại TP Vinh (Nghệ An), Ban Kinh tế Trung ương, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Nghệ An và Ngân hàng TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo khoa học phát triển du lịch vùng Bắc-Nam Trung Bộ.
Đại diện các tỉnh ký cam kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Dự hội thảo có ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an; cùng hơn 400 đại biểu trong nước và quốc tế.
Bắc-Nam Trung Bộ được xem là vùng có nhiều thế mạnh về du lịch, nhiều địa điểm nổi tiếng trong nước và quốc tế, chỉ có vùng này mới có được, nó đứng vào bậc nhất thế giới như: Làng sen Quê Bác, ngã ba Đồng Lộc, hang Sơn Đòong, thành cổ Quảng Trị…; là tuyến tiếp giáp với vùng Đông Bắc Thái Lan, đồng thời đây cũng là vùng có vai trò quan trọng trong bản đồ phát triển du lịch của cả nước.
Những năm qua, việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong khu vực cũng như liên kết quốc tế trong việc phát triển du lịch đã được các quốc gia và các địa phương quan tâm thực hiện với việc ra đời hàng loạt các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Hành trình di sản miền Trung, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, chương trình một ngày ăn cơm ba nước, hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội... Tuy nhiên, để tăng khả năng phát triển du lịch vùng, thu hút và phát triển thị trường khách du lịch đường bộ cả trong nước và quốc tế thì việc quan tâm tới sản phẩm đặc thù, đặc sắc nhất của mỗi vùng là hết sức cần thiết và cần có sự chung tay hợp tác chặt chẽ của tất cả các tỉnh trong vùng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Chúng ta phải nhìn nhận từ góc độ văn hóa để phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ, nếu không sẽ lẫn với các vùng khác, nước khác. Mặt khác, cần tạo động lực và cơ chế liên kết phát triển du lịch, triển khai thực hiện đồng bộ".
Ông Huệ chỉ đạo: Chúng ta nghĩ đến liên kết vùng là điều hiển nhiên để phát triển du lịch, nhưng nếu không nghĩ đến việc liên kết ngành (như giao thông, tài chính, bảo hiểm....) thì khó mà phát triển du lịch theo mong muốn. Do vậy, vấn đề này cần tư duy nhận thức của hệ thống các cấp chính quyền; phải thay đổi nhận thức về du lịch là ngành mũi nhọn cần phát triển.
Ông Huệ cũng đề cập đến cần phải có thể chế rõ ràng, cơ chế cụ thể để phát triển du lịch vùng chứ không thể chỉ là thành công trong phòng họp, rồi sau đó mạnh ai nấy làm.
Cũng trong hội thảo, ngân hàng BIDV cam kết dành 3 – 5 tỉ USD tài trợ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm trong vùng từ 2016-2020; hỗ trợ 10 tỉ đồng xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch.
Trong buổi hội thảo, các đại biểu đã chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch quan trọng giữa 14 tỉnh, thành phố Bắc - Nam Trung Bộ. Theo đó, vùng Bắc - Nam Trung Bộ sẽ hợp tác trao đổi thông tin về tình phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển nhân lực du lịch theo nguyên tắc: Thống nhất về chủ trương, chính sách, nội dung hợp tác chính và xuyên suốt.
Văn Khiêm
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.