Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 14 tháng 7 năm 2021 | 10:15

Để sớm gỡ “thẻ vàng” IUU: Cần sự tham gia tích cực của ngư dân

Sau gần 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

01.jpg
Ngư dân chuyển hải sản từ tàu lên bờ tại Cảng Bến Đá (TP. Vũng Tàu). Ảnh: Minh Nhân.

 

Trong số 21 quốc gia bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp từ cuối năm 2017, đến nay đã có 14 quốc gia được xóa thẻ, trong đó không có Việt Nam.

Sau gần 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của EC, kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng.

4 nút thắt lớn

Việc chưa gỡ được “thẻ vàng” đối với hải sản được đánh giá là thách thức không nhỏ trong xuất khẩu thủy sản sang EU và các thị trường khó tính, bởi lẽ, “thẻ vàng” ảnh hưởng đến tín chỉ, tăng thêm các thủ tục hành chính, kiểm soát thủy sản vào thị trường EU và các thị trường khác.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, hiện vẫn còn tồn tại 4 nút thắt lớn trong tháo gỡ “thẻ vàng”.

Thứ nhất, về xây dựng luật pháp, mặc dù chúng ta đã xây dựng Luật Thủy sản 2017 với mục tiêu hướng phát triển bền vững không tận diệt và không tận dụng tối đa. Tuy nhiên, đối với 2 nghị định và 8 thông tư, vẫn chưa có đồng thuận cao từ phía EC.

Thứ hai, về quản lý đội tàu. Đầu năm 2021, vẫn xảy ra 32 vụ với 56 tàu cá vi phạm đánh bắt trong vùng biển nước ngoài. Việc này nếu không làm tốt, rất khó có thể gỡ được “thẻ vàng”, thậm chí sẽ bị “thẻ đỏ”.

Thứ ba, về truy xuất nguồn gốc, hạ tầng cảng cá yếu, gây khó khăn trong việc quản lý đội tàu cùng với việc thiếu nguồn nhân lực về truy xuất nguồn gốc đang là “bài toán” khó đối với Việt Nam.

Thứ tư, về thực thi pháp luật, công tác thông tin tuyên truyền về Luật Thủy sản 2017, khai thác IUU dù đã triển khai nhưng còn phải thực hiện sâu rộng hơn để người dân nhận thức được.

Kiểm soát đội tàu chưa chặt

Ông Lê Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nêu rõ, theo quy định, đối với tàu cá 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Tổng cục Thủy sản thống nhất quản lý tàu cá với tàu 15m trở lên; phân tích dữ kiện tàu 24m trở lên, phân quyền cho địa phương thực hiện giám sát hành trình.

Hiện, 86% số tàu trên 15m đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, một số địa phương còn triển khai chậm, có địa phương đạt dưới 50% số tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình như Thanh Hóa, Quảng Trị...

Hiện hệ thống giám sát tàu cá đã được đầu tư xây dựng, do Trung tâm Thông tin thủy sản vận hành. Hệ thống cơ sở dữ liệu cũng được phân quyền từ Trung ương đến địa phương.

Theo quy định, địa phương bố trí trực nhân lực vận hành 24/24h, phân tích dữ liệu tàu cá. Tuy nhiên, hiện mới có 5/28 địa phương ven biển bố trí nguồn lực trực hệ thống giám sát tàu cá, gồm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cà Mau, Trà Vinh.

“Điều này gây khó khăn trong quản lý tàu cá. Ví dụ, Trung tâm Thông tin thủy sản trong quá trình vận hành, phát hiện tàu cá mất kết nối trong 10 ngày, nguy cơ vượt ranh giới sẽ thông báo ngay xuống địa phương để xử lý vi phạm. Những địa phương nào có bộ phận trực sẽ xử lý ngay; còn địa phương chưa bố trí lực lượng trực sẽ chậm trễ trong việc xử lý thông tin với tàu cá vi phạm”, ông Kiên phân tích.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh, để gỡ được “thẻ vàng” và không bị cảnh báo “thẻ đỏ”, vấn đề then chốt là phải kiểm soát được đội tàu.

Đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động

Với gần 95.000 tàu khai thác cùng với hơn 650.000 lao động, việc quản lý đánh bắt hải sản trên biển đối với các cơ quan chức năng luôn là một thách thức. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, việc nâng cấp hạ tầng nghề cá, cắt giảm 30% số đội tàu song hành với quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác, nâng cao chất lượng chế biến và giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch là việc cần làm ngay để tháo gỡ “thẻ vàng” trong năm nay.

Năm 2020, mặc dù rất khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu hải sản cả nước vẫn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2019. Nếu khắc phục được hạ tầng nghề cá, nâng cao chất lượng chế biến và giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch, con số này sẽ còn tăng lên nữa. Những gì đã đạt được là chưa tương xứng với nguồn lực của Việt Nam.

Ngoài thay đổi hạ tầng, việc đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động cũng là mấu chốt để có thể tháo gỡ “thẻ vàng”. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng cục đang xây dựng chuyển đổi nghề cũng như chính sách giải mạn tàu cá để ngư dân khai thác bảo đảm thu nhập và tiến tới khai thác hải sản bền vững phù hợp với trữ lượng hải sản ngoài tự nhiên.

Nâng đầu tư công cho hạ tầng

Theo ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, đang thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến và doanh nghiệp chế biến thủy sản. Vì vậy, khó khăn cho công tác quản lý ổn định, cung cầu nguyên liệu thủy sản của địa phương. Nếu phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nguồn nguyên liệu là một vấn đề, cần phải có quy hoạch đồng bộ, tổng thể để phục vụ công tác chế biến và xuất khẩu, đặc biệt là xuất sang thị trường Trung Quốc. Quảng Ninh đang chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng đầu tư thành lập các cụm công nghiệp, ưu tiên dành quỹ đất cho hạ tầng chế biến thủy sản...

 

02.jpg
Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên truyền Luật Thủy sản 2017, Nghị định 42 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho ngư dân. Ảnh: Minh Nhân.

 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đang quyết liệt thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.

Thủy sản được xác định là trụ cột tăng trưởng cho ngành nông nghiệp nhưng việc đầu tư còn chưa tương xứng về hạ tầng như: cảng cá, tàu bè, quy hoạch nuôi trồng chưa tốt, hệ thống ngành thủy sản mỏng và yếu. Mặc dù, năm qua xuất khẩu được 8,6 tỷ USD, sản phẩm thủy sản đã có mặt trên 195 thị trường nhưng các quốc gia cũng đang áp dụng các hàng rào kỹ thuật phòng vệ thương mại. Để đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu không cách nào khác phải đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ về giống, nuôi trồng, thú y phòng bệnh và bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn, theo chuỗi và nâng cao giá trị.

Để khai thác hải sản một cách bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ, phải làm tốt bảo tồn phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững, giá trị gia tăng và phục vụ xuất khẩu. Mục tiêu Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến 2030 và tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột gồm: khai thác, bảo tồn và nuôi trồng gắn với chế biến.

“Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Nghị quyết của Ban cán sự về việc nâng cao đầu tư công cho hạ tầng thủy sản giai đoạn 2021 - 2025, đang trình Bộ Kế hoạch Đầu tư để trình Quốc hội khóa 15. Thứ 2 là đề xuất với Chính phủ những dự án vay vốn cho hạ tầng thủy sản, riêng ngành tôm thì thực hiện Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để vay nguồn của ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á). Như vậy, với các nguồn vốn tập trung, hy vọng hạ tầng thủy sản Việt Nam sẽ có thay đổi trong giai đoạn 2021-2025, đảm bảo cho phát triển thủy sản một cách bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Giải pháp giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam

Ngày 24/6/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 17/CT-TTg về cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài.

Theo đó, để gỡ “thẻ vàng”, giữ uy tín thương hiệu thủy sản Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã chỉ đạo các ban, bộ, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp về ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài trên cơ sở các nguyên tắc, nội dung chính sau:

Bộ Nông nghiệp và PTNT trao đổi thông tin liên quan đến công tác quản lý tàu cá và ngư dân hoạt động khai thác thủy sản trên biển; kết quả hợp tác về khai thác thủy sản và khai thác IUU với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực; tàu cá mất tín hiệu, vượt ranh giới đánh bắt trên biển, có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài…

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng là đầu mối trao đổi thông tin về kết quả xử lý tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá và ngư dân gửi cơ quan đại diện ngoại giao để làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam.

Bộ Quốc phòng chủ trì thông tin về tình hình, kết quả tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển giáp ranh, vùng chồng lấn, vùng biển chưa phân giới giữa Việt Nam và các nước; tình hình, kết quả kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào, cập cảng theo quy định; tình hình, kết quả ngăn chặn, điều tra, xác minh xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản; tình hình, kết quả can thiệp, đấu tranh chống lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá Việt Nam trên vùng biển giáp ranh.

Thông tin về kết quả xác minh thông tin liên quan đến tàu cá và ngư dân để cơ quan đại diện ngoại giao làm cơ sở đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam cũng do Bộ CHQS tỉnh phụ trách.

Bộ Công an chủ trì thông tin về tình hình, kết quả điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tổ chức, môi giới, móc nối người, tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài; đưa tàu cá và ngư dân về nước...

Bộ Ngoại giao là nơi thông tin về quá trình đàm phán, ký kết phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các nước có liên quan; tình hình, kết quả đấu tranh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam khi bị lực lượng có thẩm quyền của nước khác bắt giữ, xử lý.

Bộ Ngoại giao cũng chủ trì nội dung về kết quả thu thập thông tin về tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, trao trả (biển kiểm soát tàu, họ tên, địa chỉ thuyền trưởng, thuyền viên, vùng biển bị xâm phạm…) hậu quả, biện pháp ngăn chặn, xử lý tàu cá nước ngoài bị bắt giữ…) để các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước điều tra, xử lý; chứng cứ vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam khi các nước cung cấp…

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài.

UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển phụ trách công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại địa phương; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá; cấp, gia hạn, cấp lại và thu hồi giấy phép khai thác thủy sản.

 

Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU. Đồng thời, EC đưa ra các khuyến nghị Việt Nam cần phải thực hiện ngay trong 6 tháng (từ 23/10/2017 đến 23/4/2018) về chống khai thác IUU.

Tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Phía EC tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Ngày 5-14/11/2019, Đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề và biển và thuỷ sản của EC (DG-Mare) tiếp tục đến Việt Nam kiểm tra lần 2 việc thực hiện các khuyến nghị liên quan đến hoạt động chống khai thác IUU.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top