Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 12 tháng 8 năm 2021 | 1:25

Doanh nghiệp nông nghiệp “trụ khỏe”, bất chấp Covid -19

Bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp lớn vẫn “trụ khỏe”...

san-xuat-trung-tu-dong-hoa.jpg
Công nghệ tự động hóa trong sản xuất trứng là công nghệ được thực hiện bởi Tập đoàn Dabaco, Công ty Ba Huân nhiều năm qua.

 

DN lớn làm gì?

Thời điểm này, trong khi nông dân và các trang trại sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều gian khó do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, thì nhiều doanh nghiệp (DN) nông nghiệp vẫn có lãi lớn. 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, những chuỗi giá trị lớn chịu ít tác động hơn trước những biến động của thị trường và xã hội. Do đó, chúng ta cần tập trung củng cố, mở rộng các chuỗi.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco cho biết, hiện mỗi ngày công ty xuất ra hơn 3.000 con lợn, giá xuất chuồng dao động quanh mức 55.000 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân nhiều địa phương "than thở" họ đang bị lỗ, nhưng với Dabaco vẫn có lãi.

Lý giải về điều này, ông So chia sẻ là do công ty tự sản xuất được con giống, thức ăn chăn nuôi và làm chủ kỹ thuật chăn nuôi, nên giá thành sản xuất thấp. Ngoài ra, Dabaco còn cung ứng ra thị trường 800.000 quả trứng/ngày, và liên tục sản xuất 3 ca để đảm bảo lượng dầu ăn ra thị trường.

Kinh nghiệm của Dabaco là sớm tiêm vaccine Covid-19 cho người lao động, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, chủ động khoanh vùng nguy cơ ở khâu vận chuyển. Công ty cũng chủ động mở nhiều điểm bán hơn so với trước dịch.

"Trong quá trình sản xuất rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ vấn đề quan trọng nhất là lưu thông từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi hiện nay, vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu".

“Tập đoàn đang sản xuất theo chuỗi và nhờ phòng dịch từ trước nên không bị tác động bởi giãn cách xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rất cần các cơ quan chức năng tháo gỡ vấn đề quan trọng nhất là lưu thông từ sản xuất đến tiêu thụ. Bởi hiện nay, vẫn có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm việc với ngành giao thông để thống nhất cả nước trong vấn đề lưu thông”, ông So khuyến nghị.

Đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu rau quả của Công ty vẫn diễn ra bình thường. Công ty đã sớm chủ động lường trước mọi khâu trong sản xuất, bao gồm thủ tục “luồng xanh” cho xe vận chuyển hàng, nên không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông.

Hiện Công ty duy trì chế biến từ 400 đến 500 tấn nguyên liệu một ngày, tạo ra 150-180 tấn thành phẩm. Ngoài sản phẩm dứa truyền thống, công ty còn thu mua xoài, ngô ngọt Sơn La, măng Yên Bái, và chanh leo Gia Lai để đa dạng hóa thành phẩm.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, nhà máy của công ty sản xuất, chế biến khép kín, cộng với việc áp dụng công nghệ nên không bị động về nhân công. Chia sẻ với khó khăn của người tiêu dùng nên giá cả sản phẩm của doanh nghiệp vẫn giữ ổn định. Hiện mỗi ngày đơn vị cung cấp từ 1,2 - 1,4 triệu quả trứng ra thị trường.

Theo ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, là Công ty chế biến thịt lợn cung cấp cho thị trường Hà Nội, từ khi dịch Covid -19 bùng phát trở lại, Công ty đã tăng sản lượng thịt lợn cung ứng ra thị trường lên gấp đôi so với thời gian trước.

Những ngày vừa qua, trong khi nhiều đơn vị cung ứng thực phẩm phải ngừng hoạt động do có những ca nhiễm Covid-19, thì Công ty cổ phần Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội vẫn tăng số lượng lên 300 - 400% theo yêu cầu của thành phố và thị trường để phục vụ cho các hệ thống siêu thị tại Hà Nội.

“Công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”, 3 ngày thực hiện test Covid-19 một lần cho công nhân và riêng chi phí test, sát khuẩn, bảo hộ với 70 người làm việc đã tốn khoảng 10 triệu đồng/ngày. Hiện doanh nghiệp đang sản xuất hết công suất, lao động làm tăng ca gấp đôi so với bình thường để đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại thành phố Hà Nội”, ông Dũng chia sẻ.

"Đơn vị chuyên giao hàng bằng xe chuyên dụng, nhưng nhiều đơn vị khác phải vận chuyển bằng xe máy nên cần tạo “luồng xanh” cho xe vận chuyển thực phẩm., ông Dũngđề xuất, đồng thời kiến nghị, khi cơ quan quản lý nhà nước có chỉ đạo mới thì nên tham vấn ý kiến doanh nghiệp".

Luôn chủ động, sáng tạo

Ông Nguyễn Xuân Dương, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các cơ sở không nằm trong chuỗi giá trị. Những cơ sở này dễ bị đứt gãy chuỗi sản xuất và bị phụ thuộc vào đối tượng thu gom.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân, trang trại, hợp tác xã thông qua các thủ tục hành chính, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất miễn 100% lệ phí cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Miễn phí kiểm dịch đối với vật nuôi tại các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh.

"Trong thời điểm giãn cách gắt gao hiện nay, các chuỗi không bị đứt gãy, vẫn được phát huy tốt từ tổ chức sản xuất, chế biến, lưu thông, phân phối và kể cả cung cấp đến địa điểm của người tiêu dùng. Đây là bài học về xây dựng, củng cố và mở rộng chuỗi khép kín trong nước và quốc tế".

 

khep-kin-chuoi-san-xuat-rau-qua-bang-du-an-ngan-ty1542330536.jpg
Chuỗi sản xuất khép kín của nhà máy chế biến rau củ quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao (Doveco).

 

Miễn 100% lệ phí cấp chứng thư xuất khẩu, giảm 50% chi phí kiểm tra lô hàng xuất khẩu liên quan đến việc cấp chứng thư xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong 7 tháng qua, nông nghiệp là một trong số ít ngành hàng có xuất siêu, với thặng dư thương mại 3,9 tỷ USD.

Đánh giá cao nỗ lực của những doanh nghiệp như Doveco, Dabaco, Ba Huân…Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, qua hoạt động của các doanh nghiệp lớn cho thấy, các chuỗi sản xuất rất quan trọng.

Về việc các địa phương vẫn có những quy định khác nhau trong lưu thông, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong quá trình thực hiện nảy sinh những mâu thuẫn phát sinh, Bộ sẽ tiếp tục bàn với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ kịp thời. Riêng Hà Nội đã có các kịch bản nếu chợ đầu mối nào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sẽ có những điểm thay thế phù hợp.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị sự chủ động, sáng tạo của các cơ sở, các địa phương, đồng thời yêu cầu Cục Trồng trọt chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp;  Cục Chăn nuôi thúc đẩy triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học trên các đối tượng vật nuôi.

Kỳ vọng xuất khẩu gạo tăng vào cuối năm

Theo doanh nhân Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở các tỉnh miền Nam khiến hoạt động giao dịch gạo cực kỳ khó khăn, chưa kể đến tình trạng đóng băng toàn bộ chuỗi giá trị khi một ca nhiễm COVID-19 phát hiện chỉ trong 1 nhà máy. Các thương lái ngành gạo đang đối diện với những khó khăn chồng chất do lệnh giãn cách xã hội, đặc biệt ở khâu bốc dỡ hàng hóa.

Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn bởi thiếu nhân lực lao động, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào.

Doanh nhân Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cũng cho biết, sau ngày 16/8, ông phải đàm phán lại với đối tác để thống nhất thời hạn giao hàng, bởi hiện tại công nhân đang nghỉ giãn cách để chống dịch, việc đóng hàng đưa xuống cảng chưa thể thực hiện.

Nhiều thương nhân khác tin tưởng, mặc dù xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn, nhưng các thương nhân cũng dự báo xuất khẩu gạo vẫn có khả năng tăng vào cuối năm khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt hơn. Thực tế, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8.2021, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có đơn hàng nhưng do đang thực hiện giãn cách, thiếu nhân lực, tình trạng ùn ứ tại cảng nên chưa thể đóng hàng để gửi đi.

Trong 7 tháng năm 2021, mặc dù xuất khẩu gạo giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ NN-PTNT), xuất khẩu gạo vẫn đạt 550 nghìn tấn với trị giá 289 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu 7 tháng của năm 2021 lên 3,58 triệu tấn, trị giá 1,94 tỉ USD, giảm 10,6% về lượng và 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Điều tiết hàng hóa XK

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiều nông sản xuất khẩu (XK) gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với thị trường chủ lực từ Trung Quốc. Hiện cơ quan chức năng của Trung Quốc có rất nhiều quy định mới trong việc nhập khẩu nông sản.

Thời gian qua, các tỉnh có cửa khẩu đã vào cuộc rất tích cực, quan hệ tốt với các địa phương của Trung Quốc để tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu.

Tiềm năng thương mại nông sản giữa hai nước cũng còn rất lớn. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương, Thương tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam cần tích cực tháo gỡ các thủ tục về kiểm dịch.

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện chỉ có 10% là xuất khẩu theo hợp đồng thương mại, còn lại xuất khẩu chủ yếu theo chính sách biên mậu. Đây là nút thắt cần tháo gỡ và có sự vào cuộc của cơ quan chức năng hai nước.

Thương nhân, doanh nghiệp vẫn chưa cập nhật thông tin kịp thời về điều kiện xuất khẩu như: kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc…  nên hàng hóa thông quan gặp nhiều khó khăn.

 

2cuakhau-1581290347-width698height391.jpg
 Cần điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa.

 

Ông Bùi Văn Khắng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cần phổ biến, hướng dẫn để nhân dân, doanh nghiệp trong sản xuất chủ động đảm bảo các yêu cầu của phía bạn để hàng hóa đưa đến các địa phương biên giới mới thông quan nhanh chóng hơn.

"Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh rất tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương phía Trung Quốc và đã gửi 3 công hàm nhằm tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu. Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nâng cấp cửa khẩu, cảng để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa; hoàn thành tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa", ông Bùi Văn Khắng cho biết.

Ông Đỗ Văn Duy – Giám đốc Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng kiến nghị, các bộ, ngành cần thường xuyên cập nhập và thông báo với thương nhân về những quy định của phía Trung Quốc như: tem nhãn, truy xuất vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch… và quan trọng nhất là xây dựng nhãn hiệu thương hiệu hàng hóa để xuất khẩu ổn định.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần điều phối các vùng sản xuất trọng điểm để các địa phương biên giới có thể điều tiết lượng hàng hóa hợp lý. Nhiều sản phẩm khi vào vụ thu hoạch nếu không điều tiết sẽ dẫn đến ùn ứ. Các tỉnh cung cấp thông tin về chủng loại, số lượng, thời điểm thu hoạch các loại nông sản về các đầu mối tiêu thụ là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để kết nối với các địa phương có cửa khẩu. Qua đây có thể điều tiết nông sản xuất khẩu không chỉ qua cửa khẩu của Lào Cai mà còn qua các cửa khẩu khác", ông Đỗ Văn Duy cho hay.

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất  thủ tục mở cửa thị trường nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc như na, ớt, chanh leo…

Cùng với đó là việc cấp mã số vùng trồng và khuyến nghị các địa phương có nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc chủ động xây dựng kế hoạch thu hoạch, điều tiết hàng hóa xuất khẩu phù hợp với năng lực các cửa khẩu để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa./.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • NHCSXH TP. Lào Cai: Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn

    NHCSXH TP. Lào Cai: Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top