Sau khi nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Hà Tĩnh) xin đổi tên dự án, điều chỉnh quy mô nuôi bò và giảm vốn đầu tư.
Kỳ vọng nhiều, bức xúc lắm
Năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà ) thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt trên diện tích hơn 2.000ha, tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò/năm.
Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Bình Hà xây được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ; trồng được 678ha cỏ.
Dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm; xuất bán khoảng 43.000 con sau khi vỗ béo; lượng bò nhập về thả nuôi giảm dần theo từng năm. Cuối tháng 3/2017 thì ngừng nuôi, hệ thống chuồng trại bỏ không. Cùng năm, Công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất trồng chuối trên diện tích 200ha. Nhà chức trách Hà Tĩnh đánh giá việc chuyển đổi sang trồng chuối là trái quy định.
Hai năm 2018-2019, điều tra vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty Bình Hà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đã chết), Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh) cùng nhiều cán bộ khác về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các ông Đinh Văn Dũng và Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà) cũng bị bắt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, năm 2015 - 2018, BIDV Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Tại phiên xử mở đầu tháng 11/2020, TAND Hà Nội phạt ông Lang 8 năm tù giam, ông Hòa 5 năm, bà Vân Anh 3 năm tù treo. Ông Dũng và Quang bị phạt từ 12-13 năm tù giam.
Đổi tên, điều chỉnh quy mô dự án
“Dự án của Công ty Bình Hà bỏ hoang mấy năm nay. Ngoài bò trắng chuồng thì chuối cũng trắng đồng. Việc tái khởi động dự án, chúng tôi ủng hộ chủ trương nhưng sẽ rất khó hiệu quả”, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) nhận định.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Luận, Thôn trưởng Tân Tiến (xã Cẩm Quan) cho rằng, dự án chăn nuôi bò Bình Hà chưa bao giờ có hiệu quả. Các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri người dân đều phản đối việc tái khởi động dự án.
“Hàng chục nghìn con bò nuôi đầu nguồn đập Đá Hàn (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân) từng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bây giờ tiếp tục nuôi bò khác gì bắt dân ăn nước bẩn? Còn việc trồng ngô, trồng dứa cũng khó thành công, vì địa hình đất Cẩm Quan chủ yếu dốc cao, mưa xuống bào mòn chỉ trơ lại đá tảng”, ông Luận nói.
“Hiện, vẫn còn khoảng 60ha của 16 hộ dân trong toàn xã nằm trong quy hoạch dự án chăn nuôi bò Bình Hà chưa đền bù, giải phóng mặt bằng”, Chủ tịch xã Cẩm Quan thông tin thêm. Đồng thời nhấn mạnh, dự án tái khởi động nếu tiếp tục không phát huy hiệu quả sẽ càng gây bức xúc cho chính quyền địa phương và người dân.
Ông Phạm Văn Thành đề nghị tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại việc giao đất cho doanh nghiệp. Trong thời hạn cam kết, nếu công ty sản xuất không đạt quy mô đất được giao thì cần thu hồi bàn giao lại cho địa phương quản lý, giao khoán cho dân sản xuất, tránh gây lãng phí đất đai.
Bên cạnh đó, các sở, ngành cấp tỉnh, huyện phải thường xuyên kiểm tra tính hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu dự án.
Mới đây, tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý chủ trương về đề xuất tái cơ cấu toàn bộ dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà đặt tại 2 huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên. Theo đó, doanh nghiệp được đổi tên dự án “Nuôi bò giống và bò thịt tại Hà Tĩnh” thành “Chăn nuôi bò và trồng cây nguyên liệu tại Hà Tĩnh”; điều chỉnh quy mô nuôi bò từ hơn 254.000 con/năm xuống 35.000 con/năm; trồng thêm cây nguyên liệu như chuối, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu...
Ngoài ra, Công ty cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ hơn 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng, giảm quy mô diện tích dự án ở các khu đất thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh từ hơn 2.000ha xuống còn hơn 1.000ha.
Một lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, việc đồng ý chủ trương tái cơ cấu của Công ty Bình Hà là để doanh nghiệp “phát triển quỹ đất và hệ thống cơ sở hạ tầng đã giao, tránh gây lãng phí”.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh, Công ty Bình Hà đưa ra phương án kinh doanh theo hai lĩnh vực chính là trồng ngô và trồng dứa; nuôi bò và trồng cỏ. Tổng mức nhà đầu tư đưa ra dự kiến là khoảng 1.800 tỷ đồng. Trong đó Công ty Bình Hà thực hiện góp vốn bằng tài sản hiện hữu tại dự án khoảng 700 tỷ đồng, còn 1.100 tỷ đồng là góp vốn của các đối tác thông qua hình thức góp bằng tiền, giống cây và phân bón.
Được biết, để hoạt động lại dự án, tháng 6/2020, Công ty Bình Hà đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty TNHH Thương mại đầu tư phát triển Do Holdings, Công ty Đỗ Lạng Sơn và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh trồng ngô, dứa.
Về lĩnh vực trồng ngô, dứa, chủ đầu tư sẽ sử dụng khoảng 300ha đất, với nguồn vốn khoảng 500 triệu đồng/ha. Xây dựng hạng mục đường nước, hàng rào bảo vệ, thiết bị máy móc và nhân công lao động. Lĩnh vực này các bên đánh giá sẽ có hiệu quả vì khả năng chịu khô hạn của giống dứa và ngô khá cao, phù hợp với miền Trung.
Còn về thị trường tiêu thụ, chủ đầu tư đã ký hợp đồng bao tiêu với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đảm bảo đầu ra với giá ổn định. Đặc biệt, chủ đầu tư hướng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm hoa quả xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự bê bối thời gian qua của dự án chăn nuôi bò Bình Hà khiến chính quyền và người dân chưa tin tưởng vào sự “hồi sinh” sau khi cơ cấu lại, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng nên cân nhắc tính khả thi của dự án.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…