Trước tình hình giá lợn hơi ở mức cao, ngành chức năng đã có những chỉ đạo bình ổn giá, khuyến khích tăng cường tái đàn gắn với an toàn sinh học, nhập khẩu thịt lợn… từ đó, giảm giá thịt lợn hơi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, thực hiện những giải pháp này không phải dễ.
Người chăn nuôi không mặn mà tái đàn
Giá lợn đang ở mức cao, thế nhưng, hầu hết người chăn nuôi không còn mặn mà với việc tái đàn. Chị Lê Thị Thúy, ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam) cho biết: “Nhìn giá lợn lên thì cũng thích, nhưng bây giờ chúng tôi đang nợ nần chồng chất, vay không ai cho vay, hơn nữa dịch chưa ổn định nên cũng không dám tái đàn”.
Không chỉ ở Ngọc Lũ mà hiện nay ở nhiều vùng chăn nuôi lớn, người chăn nuôi cũng đang hết sức khó khăn và cũng không mặn mà khi tái đàn. Anh Đỗ Văn Nghĩa, chủ một trang trại lợn ở xã Tân Dân (Khoái Châu - Hưng Yên) cho biết, hiện nay bệnh dịch vẫn chưa ổn định nên việc tái đàn sẽ có rủi ro rất lớn. Như gia đình anh, trước dịch tả lợn châu Phi, cả trang trại có hơn 6.000 đầu lợn, trong đó hơn 500 con nái, thế nhưng hiện nay anh chỉ nuôi cầm chừng gần 300 con nái và duy trì ở mức gần 1.000 lợn thịt. Vẫn biết giá lợn đang cao nhưng anh vẫn không dám tái đàn vì rủi ro là rất lớn.
“Ở đâu tái đàn tôi không biết, nhưng như xã tôi không ai dám tái đàn, vì có nhà tái đàn xong lại chết hết. Thấy giá lợn cao ai cũng mong tái đàn để gỡ, nhưng vẫn sợ, nếu mất còn mất nhiều hơn”, anh Nghĩa chia sẻ.
Ông Lê Đình Thất (thôn Thọ Bình, xã Tân Dân) cho biết, giá lợn hiện đang rất cao nhưng gia đình ông cũng không dám tái đàn vì nhiều lý do: “Lâu nay có nuôi nữa đâu, vì không biết dịch thế nào dù thấy im. Có nhà ở đây vừa vào được một thời gian ngắn lại chết hết nên không ai còn dám tái đàn”.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai, việc tái đàn hiện nay đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là hết sức khó khăn vì không còn cả lực lẫn công tác phòng dịch nên chỉ hy vọng vào các tập đoàn lớn để đảm bảo nguồn cung.
“Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lẽ không thể tái đàn được, nhưng đối với tập đoàn lớn như CP, vẫn có hàng triệu con nái và các trại của họ vẫn hoạt động tốt thì đây là cơ sở để chúng ta tin tưởng đảm bảo nguồn cung thịt lợn”, ông Quang nói.
Đề xuất đưa thịt lợn vào kê khai giá, kiểm soát yếu tố hình thành giá
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng, giá thịt lợn hiện nay đang ở mức rất cao và tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Liên tục từ tháng 7/2019 cho đến tháng 1/2020, giá thịt lợn liên tục tăng, thời điểm cao nhất bắt đầu từ các tháng 10, 11, 12/2020 kéo theo chỉ số giá tiêu dùng CPI ở mức cao.
“Nhìn rõ giá thành, các khâu trung gian như thế, tại sao khi đến tay người tiêu dùng giá chênh lệch, chênh lệch giữa lợn hơi và giá lợn bán lẻ gấp 1,7 lần tính theo bình quân. Mức giá 80.000 đồng/kg hiện nay ra đến ngoài gấp 1,7 lần, cứ 150.000 - 160.000 đồng/kg. Vì mặt hàng này không thuộc diện bình ổn theo Luật Giá, cũng không phải mặt hàng kê khai giá nên doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm.
Lãi cao thì sẽ nộp thuế, chỉ là khâu kiểm soát về thuế anh nộp có đúng hay không theo thị trường. Chúng ta ở đây quản lý bằng cách nào thì các bộ nên có những giải pháp quản lý về giá, để không những chỉ có sự chia sẻ về lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của người dân mà còn là ổn định kinh tế vĩ mô”, bà Ngọc đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng, thịt lợn chưa là mặt hàng bình ổn giá, chúng ta đề xuất nếu các bộ, ngành đưa vào thì kể cả lúc giá xuống hay giá lên sẽ thuận lợi. Căn cứ vào tình hình thực tế, căn cứ vào chi phí, đưa ra một mức giá nếu dịch bệnh giá tăng lên bao nhiêu thì mới chúng ta mới điều hành.
“Vì mặt hàng thịt lợn ảnh hưởng trực tiếp đến CPI, vấn đề lạm phát. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng như Tổng cục Thống kê nên ủng hộ hướng đến trình Chính phủ đưa ra trình Thường vụ Quốc hội để đưa vào danh mục mặt hành bình ổn theo Luật Giá”, ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, vừa qua, Bộ đã cùng cộng đồng doanh nghiệp (DN) kêu gọi điều chỉnh giá lợn theo chiều hướng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Trên thực tế, nhiều DN đã nỗ lực chung tay cùng Chính phủ giảm giá thịt lợn nhưng vẫn có doanh nghiệp đang “neo giá” ở mức cao.
“Đối với Bộ Công Thương, đề nghị tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kết nối với các Tham tán thương mại ở nước ngoài tìm kiếm nguồn nhập khẩu hiệu quả để cung ứng nhu cầu trong nước. Theo đề xuất của Tổng cục Thống kê, đề nghị quản lý thị trường tiếp tục siết chặt các tỉnh biên giới, xem xét hệ thống phân phối để huy động toàn lực tham gia. Đề nghị Tổng cục Thống kê phối hợp với Cục Chăn nuôi thống kê sát hơn với thực tế để phục vụ công tác điều hành bằng cơ chế chính sách về đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.
DN “hạt nhân” tiên phong
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến thời điểm này, có thể khẳng định chúng ta không thiếu nguồn thịt lợn và sẽ đảm bảo đưa giá xuống quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi vì một số lý do: Thứ nhất, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, 99% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Thứ hai, hiện nay đàn giống lợn cụ, kỵ, ông bà có 110.000 con, có 2,7 triệu lợn nái và rất nhiều địa phương đang tái đàn tích cực hiệu quả thì không có lý do gì để thiếu thịt lợn trong thời gian tới.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã yêu cầu 17 DN lớn “dẫn dắt” ngành chăn nuôi phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng. Lý do hiện nay giá thành sản xuất của doanh nghiệp khoảng 40 - 45.000 đồng/kg, như vậy, khi đưa giá lợn giảm xuống ở mức 70.000 đồng/kg là phù hợp, nhằm bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững. Nếu giá cao quá thì hàng hóa ở các thị trường khác tràn vào và lúc đó chính chúng ta đánh mất thị trường của mình.
Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý còn thể hiện chúng ta phải có ứng xử phù hợp để người tiêu dùng thấy giá hợp lý thì mới tiêu thụ sản phẩm này. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị 17 DN chăn nuôi “hạt nhân” gương mẫu, đi đầu, tiên phong có giá định hướng để những cơ sở khác cũng đi theo và như vậy, sẽ giải quyết được câu chuyện về giá thịt lợn hiện nay.
Đồng tình với chủ trương này, ông Nguyễn Khắc Thảo, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, cho hay: “Về giá lợn, chúng tôi đồng tình với Chính phủ. Dabaco không muốn giá lợn cao, vì như thế sẽ không bền vững, không phát triển được. Chúng tôi sẽ phát triển tái đàn. Cam kết với Bộ trưởng là Tập đoàn sẽ cố gắng đưa giá lợn xuống mức 70.000đồng/kg”.
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, bình quân mỗi ngày công ty cung cấp ra thị trường khoảng 17 nghìn con lợn thịt. Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ và đề nghị của Bộ Nông nghiệp và PTNT, công ty đã giảm giá lợn liên tục trong vòng 1 tháng qua. Công ty cũng không mong muốn giá lợn hơi trong nước quá cao bởi sẽ tạo ra sự bất ổn đối với ngành chăn nuôi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.