Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 13 tháng 5 năm 2016 | 2:34

Đưa hương vị quế Văn Yên hội nhập sâu rộng

Quế được xem là cây chủ lực của huyện Văn Yên (Yên Bái). Tuy nhiên, để đưa hương vị quế đến với bạn bè quốc tế thì còn nhiều việc phải làm, bởi hiện nay, từ khâu khai thác đến chế biến vẫn còn quá manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng. Làm sao để quế Văn Yên bay xa vẫn là câu hỏi khó.

Nguồn lợi kinh tế

Xã Đại Sơn được coi là “thủ phủ” của cây quế Văn Yên. Nơi đây có tới 90% dân số là đồng bào Dao, còn lại là các dân tộc khác như Mông, Kinh…

Vào lúc xế chiều, rừng quế càng hấp dẫn, thẳng tắp và cao vút; trụ sở UBND xã đang xây dựng to đẹp, đàng hoàng không khác gì dưới xuôi. Đi sâu một chút nữa là những ngôi nhà cao tầng của đồng bào Dao được xây dựng kiên cố, nằm sát nhau thành một dãy phố trong núi. Người dân ở đây cho biết, tất cả đều nhờ cây quế mà có.

Được biết, lĩnh vực nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tới 65% cơ cấu kinh tế của Đại Sơn, quế là cây trồng chủ lực, góp phần giúp công tác trồng rừng của xã luôn đạt 100% kế hoạch (riêng năm 2015 đạt 120%). Đại Sơn đang có kế hoạch bảo tồn 30 cây giống lâu đời và 5ha quế để phối hợp với Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện, Công ty Du lịch Yên Bái xây dựng một số điểm tham quan, du lịch cộng đồng để tìm hiểu các phong tục tập quán của đồng bào Dao như Lễ cấp sắc, nhằm hút khách du lịch và bạn hàng đến với địa phương nhiều hơn nữa. Hiện, Đại Sơn đã có 1 nhà máy sản xuất tinh dầu quế, sản lượng năm 2015 đạt 15 tấn; 1 doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng, sản lượng tiêu thụ năm 2015 ước đạt 1.050m3 gỗ ván bóc.

Ông Đỗ Văn Sơn, quản lý cơ sở sản xuất tinh dầu quế, Công ty TNHH Quế Văn Yên, cho biết, cây quế được khai thác triệt để từ gốc đến ngọn, không bỏ đi một thứ gì. Hiện, giá vỏ quế khô là 32.000đồng/kg, tươi 15.000 - 20.000đồng/kg; lá, cành để sơ chế tinh dầu 2.000 - 2.100đồng/kg; giá dầu thô trên 500.000 đồng/kg, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Những gốc quế  30 - 50 năm tuổi trở lên sau khi chặt cây được sử dụng để làm bàn ghế rất được ưa chuộng.

Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, ông Lý Văn Minh, cho biết, không giống các cây trồng khác, sản phẩm thu hoạch từ quế khá đa dạng. Gia đình ông cũng có 5 - 6ha quế, với 3 lứa tuổi: 15, 8 và 3 tuổi, đã và đang khai thác, chăm sóc. Trong xã còn có hộ ông Bàn Tiến Hiến (thôn Khe Nà) có 10ha quế, phần lớn là cây 30 năm tuổi (cao nhất vùng), sản lượng, giá bán cao gấp 3 lần cây 10 năm tuổi (60.000 đồng/kg), tuy nhiên còn phụ thuộc vào lượng dầu và độ dày của vỏ. Ngoài ra, ông Hiến còn nhiều loại quế ở các cấp tuổi khác nhau: từ 1 đến 7-8 tuổi; 15- 20 tuổi. Hộ ông Hoàng Văn Thư (thôn Khe Giang) có 15ha quế độ tuổi 20 năm trở lại. Quế được xem là “của để dành” của bà con, khi nào nhà có công việc thì khai thác, tùy theo việc lớn nhỏ mà khai thác nhiều hay ít.

Cần nhiều cấp ngành chung tay

So với cây quế Trà My (Quảng Nam) thì quế Văn Yên lượng tinh dầu nhiều hơn, có lẽ do chất đất Feranit đỏ vàng, đỏ nâu, ngoài ra còn có đất mùn vàng, mùn nâu, có nơi dày trên 50cm. Là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu nên địa phương đã giúp bà con các dân tộc trong huyện xây dựng kế hoạch mỗi năm trồng mới, trồng sau khai thác diện tích quế từ 1.000ha trở lên. Đến nay, Văn Yên đã có 23.417ha quế trồng mới, đưa tổng diện tích quế toàn huyện lên 40.018ha, sản lượng bình quân đạt 4.561 tấn/năm.

Tuy nhiên, khó khăn trước mắt của cây quế vẫn còn nhiều và cần sự quan tâm, giúp đỡ của nhiều cấp ngành mới giải quyết được. Đó là, phần lớn diện tích rừng quế vẫn do hộ gia đình quản lý, việc trồng và chăm sóc vẫn còn tự phát; chưa theo quy hoạch hay nhu cầu thực sự của thị trường. Đại đa số nông dân trồng quế chưa được đào tạo về phương pháp canh tác bền vững. Kỹ thuật thu hái, bảo quản chưa theo tiêu chuẩn chất lượng thị trường yêu cầu. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ít được thực hiện và gặp nhiều khó khăn, đang dừng lại ở kinh nghiệm truyền thống là chính.

Mặt khác, việc quản lý, khai thác đi đôi với nâng cao năng suất, chất lượng còn khó khăn do diện tích nhỏ lẻ, phân tán trong dân, cách xa đường giao thông. Tỉnh Yên Bái chưa có quy trình kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng cụ thể để tuyên truyền, khuyến cáo người dân khi khai thác. Đặc biệt, những năm gần đây, dịch hại quế có phần gia tăng, nhất là sâu đục thân, sâu ăn lá. Mỗi năm có hàng chục hecta quế bị nhiễm bệnh nặng phải thu hoạch sớm, gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân. Việc nghiên cứu, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây quế chưa được quan tâm nhiều.

Khâu thu hoạch, sơ chế (phơi, phân loại) đang thực hiện ở cấp độ gia đình, không có sân phơi đảm bảo là một điểm yếu của quế Văn Yên. (Người dân phải phơi ngoài đồng, ven đường giao thông, thậm chí phơi cả trên  đường giao thông, rất dễ lẫn tạp chất. Việc phơi quế phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quế thành phẩm. Cơ sở vật chất kỹ thuật chế biến quế vỏ còn quá nghèo nàn, công cụ thô sơ, chủ yếu là chế biến thủ công, thiếu thiết bị máy móc, thiếu sân phơi, kho chứa hàng).

Song song với việc giải quyết những khó khăn trên, để sản phẩm quế xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường quốc tế, nhất thiết phải xây dựng quy trình canh tác, thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.  

Những thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu,... khi tiếp nhận loại hàng hóa mới luôn đòi hỏi xuất xứ, nguồn gốc, địa chỉ cụ thể nhưng hiện nay việc xuất khẩu quế Văn Yên vẫn phải qua khâu trung gian. Dự kiến, trong thời gian tới, Văn Yên sẽ xúc tiến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quế.

Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng cần xây dựng chính sách mở rộng diên tích quế trong vùng rừng kinh tế, rừng sản xuất; hỗ trợ kinh phí trồng rừng; nâng cao chất lượng sản phẩm. Xây dựng quy trình chọn tạo giống, chăm sóc, thu hoạch, sấy, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, áp dụng cho từng địa bàn. Ban hành quy chế quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với bảo vệ rừng. Có chính sách thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư chế biến quế. Có cơ chế phát triển và nâng cao chuỗi giá trị quế với sự liên kết 4 nhà, để vùng quế thực sự giàu có từ đặc sản này.

Từ thập niên 60 thế kỷ trước, đồng bào Dao Văn Yên đã có phong tục trồng quế. Xuất phát từ lợi ích kinh tế, môi trường của cây quế nên Văn Yên đã có chủ trương mở rộng phát triển vùng quế. Người Dao ví quế như “kho vàng xanh” để lưu truyền muôn đời con cháu.

Cây quế hiện có mặt ở 27 xã , thị trấn của huyện, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác. Quế có chất lượng tốt nhất, diện tích nhiều nhất tập trung ở các xã nằm ở khu vực hữu ngạn sông Hồng. Văn Yên đã trở thành vùng quế sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, mỗi năm xuất ra thị trường từ 4.000 - 5.000 tấn vỏ quế khô các loại, thu về hàng chục tỷ đồng.

Năm 2011, quế Văn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Dương An Như

 

Cán bộ huyện Văn Yên thăm rừng quế Đại Sơn.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top