Đường lậu vào Việt Nam vẫn ồ ạt dù đã có các chế tài của Nhà nước và sự can thiệp của lực lượng chức năng trong việc chặn phá nhiều đường dây nhập lậu,…
Ngành đường Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu thời gian tới vẫn là dấu chấm hỏi khá lớn?
Buôn lậu đường như… đi chợ
Nhiều năm qua, mặc dù lực lượng chức năng đã vào cuộc, phát hiện và triệt phá nhiều đường dây lớn đưa đường lậu vào Việt Nam nhưng thực trạng này vẫn còn nhức nhối. Thống kê cho thấy, “dòng thác” lượng đường lậu vào Việt Nam vẫn còn ở mức cao hằng năm, nhất là ở các tỉnh có đường biên giới thuận lợi như An Giang, Long An, Tây Ninh…
Theo Hải quan Online, từ đầu năm 2020 đến nay, các lực lượng chống buôn lậu của An Giang đã phát hiện và bắt giữ trên 415 tấn đường cát nhập lậu, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 An Giang, trong thời gian qua, các đối tượng không còn tập trung hoạt động mạnh ở địa bàn An Phú, mà chuyển sang hoạt động ở các địa bàn lân cận khác như Tân Châu, Châu Đốc.
Còn tại Long An, trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng 389 Long An cũng đã bắt giữ 38 tấn đường cát nhập lậu.
Tháng 10/2020, Cục QLTT tỉnh Tây Ninh tổ chức tiêu hủy 13.820 kg hàng hóa vi phạm, trị giá hơn 834 tiệu đồng, trong đó có 9.800 kg đường cát (chủ yếu là đường lậu từ Campuchia).
Dù phát hiện nhiều nhóm buôn lậu đường nhưng đây được xem chỉ là “tảng băng nổi” so với thực tế “kinh khủng” diễn ra. Số lượng vụ án được phát hiện như trên thời gian qua không nhiều. Những “ông trùm” đường lậu đa số vẫn núp trong “bóng tối”.
Nông dân bỏ mía vì đường lậu, đường phá giá
Khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (01/01/2020), hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát quan biên giới có giảm. Nhưng giá đường Thái Lan trên thị trường hiện nay được bán với giá thấp rất nhiều hơn so với đường trong nước, khiến cho doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.
Nhiều nông dân bỏ mía vì đường lậu, đường phá giá
Đứng trước thực tế cạnh tranh không công bằng, ngày 09/02/2021 Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 477 áp dụng thuế chống bán phá giá với đường có xuất xứ Thái Lan. Rào cản thuế suất khiến giá đường nhích lên chút ít nhưng lại vô tình “tạo cớ” cho các đối tượng buôn lậu đường hoạt động sôi nổi trở lại, bành trướng với nhiều phương thức ngày càng táo tợn và tinh vi hơn: Tổ chức thành nhóm với đường dây chặt chẽ, thuê người theo dõi lực lượng chống buôn lậu để tìm cách đối phó; lợi dụng khu vực cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sử dụng phương tiện chuyên chở hàng lậu đa dạng (ghe máy, xe mô tô phân khối lớn chạy tốc độ cao…).
Hết đường nhập lậu lại đến đường phá giá đẩy doanh nghiệp ngành đường Việt Nam vào con đường phá sản, nông dân phải bỏ cây mía vì thua lỗ.
Diện tích trồng mía đường liên tục giảm, nguy cơ khan hiếm nguồn nguyên liệu
Thống kê, diện tích mía của cả nước từ 300.000 ha nay giảm xuống còn gần 127.000 ha. Trước đây có khoảng hơn 300 nghìn hộ dân tham gia trồng mía, nay chỉ còn khoảng 170 nghìn người trồng. Các vùng canh tác mía lâu năm như Đồng Nai, Gia Lai, Thanh Hóa… nay người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cam, thanh long… để tìm “cửa sống” tốt hơn.
Báo cáo mới nhất, lũy kế đến cuối tháng 3/2021, toàn ngành mía đường đã ép được 5.806.741 tấn mía, sản xuất 611.767 tấn đường, chỉ bằng 76,6% sản lượng mía ép và 84,6% sản lượng đường so với cùng kỳ vụ 2019 - 2020. Ước tính, sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 đạt khoảng 700.000 tấn, thấp hơn vụ 2019 – 2020.
Đường lậu tăng theo cấp số nhân đã làm sụt giảm diện tích trồng mía của người.
Doanh nghiệp “núp bóng” đường lậu
Từ lâu, trong ngành mía đường có sự tồn tại của những đơn vị kinh doanh mặt hàng đường nhưng thật sự họ không hề có nhà máy, không hề có nguyên liệu và cũng không hề mua bán gì với các nhà máy đường trong nước.
Họ thường mua số lượng lớn đường trên thị trường rồi về phối trộn, sang chiết ra túi nhỏ và in dán thương hiệu công ty mình. Đây là một chiêu thức tinh vi và nguy hiểm đối với ngành mía đường trong nước vì nó hợp thức hóa được số lượng đường lớn không rõ nguồn gốc, trong đó có đường nhập lậu.
Nguy hại hơn, lượng đường được “hô biến” này vừa khiến đường trong nước không bán được lại vừa gieo tiếng xấu cho đường trong nước vì thương hiệu kém chất lượng tràn lan.
Cuộc chơi công bằng cho ngành đường Việt Nam: Khó hay dễ?
Trước tình hình cạnh tranh khốc liệt từ nhiều phía đặc biệt là “cơn dịch” đường lậu, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để bảo vệ ngành mía đường, doanh nghiệp và người dân.
Ngày 17/6, Bộ Công Thương đã công bố quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) chính thức một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trong đó, việc áp thuế được áp dụng cho tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Thái Lan với mức thuế CBPG chính thức là 42,99% và mức thuế CTC chính thức là 4,65%. Quyết định có hiệu lực thực thi kể từ ngày 16/6/2021. Thời hạn áp dụng là 5 năm kể từ ngày quyết định chính thức có hiệu lực.
Đây là tin vui của ngành đường trong nước, chính sách này sẽ nhanh chóng đảm bảo cạnh tranh cho các công ty đường trong nước. Đặc biệt, áp thuế sẽ giúp bảo vệ đường trong nước khỏi đường nhập khẩu giá rẻ từ Thái Lan cũng như đường nhập lậu, thúc đẩy ngành đường trong nước về lâu dài.
Được cho là những tia hy vọng cho ngành đường trong nước, tạo ra sân chơi sòng phẳng, tuy đã có kết quả tạm thời nhưng thực tế, sự lo ngại và hoang mang vẫn hiện diện. Nếu chỉ trông chờ vào các quy định, chế tài của Nhà nước mà không chặn đứng được vấn nạn đường lậu hay gian lận thương mại, e rằng cũng chẳng thấm tháp vào đâu. Nếu không quyết liệt, không kiểm soát chặt chẽ, đường nhập lậu tiếp tục lũng đoạn giá đường trong nước, đường sản xuất trong nước vẫn không tiêu thụ được, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nông dân lại chọn rời xa cây mía… Đây chính là vòng luẩn quẩn, mãi không có lối thoát nhiều năm qua.
Để phát triển và đưa ngành đường Việt Nam về đúng với tầm vóc và cuộc chơi thương mại sòng phẳng, cần sự hợp sức và chung tay của tất cả các thành phần, từ chính quyền, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nông dân… Hơn hết, lực lượng chức năng cần vào cuộc, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để phá các đường dây, xử lý nghiêm các đối tượng “ông trùm” buôn lậu, các doanh nghiệp núp dưới mác đường nội địa…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…