Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 29 tháng 12 năm 2015 | 11:24

Ethephon không phải chất độc hại

Thời gian gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin và hình ảnh về việc nông dân và thương lái buôn bán hoa quả ở miền Đông Nam Bộ, Đắk Lắk “nhúng”, “tắm” một loại hóa chất có tên là Ethephon để kích thích các loại hoa quả như chuối, mít, đu đủ, sầu riêng… chín đều, chín nhanh và cho rằng chất này chỉ được dùng để kích thích mủ cây cao su và có độc đối với sức khỏe con người, điều này gây ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp nước nhà.

Các nhà khoa học giải thích về hoạt chất Ethephon (từ trái qua phải, PGS TS. Mai Thành Phụng; GS. TS. NGND Nguyễn Quang Thạch, TSKH Trần Hạnh Phúc, ông Nguyễn Lâm Viên và GS. Nguyễn Lân Hùng)

Tại buổi tạo đàm “Đánh giá đúng chất làm chín trái cây Ethephon”, do Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP.HCM ngày 28/12, các nhà khoa học đầu ngành đã khẳng định hoạt chất Ethephon không độc hại.

Chúng ta chưa hiểu đúng về Ethephon

Theo GS. TS. NGND Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, trong thời gian qua, do có nhiều nguồn thông tin chưa được hiểu đúng đối với việc sử dụng các hợp chất sinh học trên các loại cây trồng dẫn đến những hiểu biết chưa đúng, gây thiệt hại cho các loại nông sản Việt Nam và ảnh hưởng cả tới hình ảnh nông sản Việt Nam, việc hiểu đúng và rõ chất Ethephon khi sử dụng đối với nông nghiệp trong thực tế hiện nay cần phải được tuyên truyền đúng.

“Từ lâu các nước trên thế giới đã sử dụng rộng rãi Ethephon trong ngành trồng trọt cả trong và sau thu hoạch để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả, tạo điều kiện cho công nghệ sau thu hoạch, đây là một công trình khoa học của thế giới”. GS-TS Nguyễn Quang Thạch cho biết thêm.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho biết, cách đây 20 năm, để thúc đẩy sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam, với 80% dân số sống bằng nghề nông, Nhà nước đã cho tiến hành dự án “Chuyển giao sản xuất thử nghiệm và ứng dụng chế phẩm Ethephon từ Liên bang Nga vào Việt Nam”. Căn cứ vào chương trình hợp tác khoa học công nghệ với Nga được ghi trong Nghị định thư tại khóa họp lần II của ủy ban Hợp tác Khoa học Công nghệ Việt Nga, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ & Môi trường có quyết định số 1647/QĐ-QHQT ký ngày 26/9/1995 giao cho Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Trung tâm Khoa học Tự nhiên Và Công nghệ Quốc gia thực hiện dự án.

Các đơn vị tham gia thực hiện dự án phía Việt Nam gồm: Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, Vườn cây ăn trái huyện Long Thành (Đồng Nai), Trung tâm Khuyến nông và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận, Viện Nghiên cứu nông nghiệp miền Nam, Bộ môn Đất phân, Công ty Thuốc sát trùng Việt Nam VIPESCO, Trung tâm Nghiên cứu Khuyến Nông, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam, Bộ môn Sinh lý Khai thác, Nông trường Cao su KrôngBúk, tỉnh Đắc Lắc. Dự án đã hoàn thành và được nghiệm thu cấp cơ sở ngày 21/8/2001; được Hội đồng Nghiệm thu cấp Nhà nước nghiệm thu ngày 13/11/2006.

Kết quả nghiên cứu của Dự án được các Hội đồng khoa học nghiệm thu đánh giá cao và cho phép triển khai ứng dụng với các ứng dụng chính là: Sử dụng Ethephon để điều khiển quá trình ra hoa kết trái của cây trồng theo ý muốn của nhà nông nhằm rải vụ và nghịch vụ các loại cây trái để tránh trái cây chín tập trung trong một thời gian quá ngắn, thất thoát nhiều và bị rớt giá; nhằm phục vụ cho xuất khẩu quanh năm như xoài, nhãn, thanh long…

Sử dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây Việt Nam có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực.

Ethephon có nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin. Ở nước ta, Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BNNPTNT ngày 24/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký các nghành sinh học Việt Nam, Etylen là một Cacbuahyđro đơn ở dạng khí, được phát hiện và xếp vào nhóm phytohormones muộn nhất nhưng được đưa vào ứng dụng đại trà nhanh nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khác với các chế phẩm hóa học khác, Etylen không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng vệ sinh nông sản và môi trường. Do đó Etylen là một chất điều tiết sinh trưởng được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Khoa học đã chứng minh được tác động của Etylen đến các quá trình sinh trưởng khác nhau của cây trồng như: Sự phát triển và chín của quả; kích thích sự tiết nhựa (cây cao su), ức chế sinh trưởng, sự ngủ nghỉ của củ giống và hạt giống; sự phân hóa, sinh trưởng của rễ cây; sự rụng lá; sự ra hoa, sự phân hóa giới tính của hoa (hoa cái của cây họ bầu bí).

Tiến sĩ khoa học Trần Hạnh Phúc, Viện Sinh học Nhiệt đới cho biết, Ethephon không liên kết được trong mô cây trồng. Nó dễ dàng bị loại bỏ khi rửa bằng nước. Do đó, dù là trái cây hay rau củ, nên rửa sạch trước khi sử dụng. Đối với các nhà vườn và các thương lái nên sử dụng đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó cũng chính là cách thể hiện lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội vì sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, bước đầu có thể loại bỏ lo ngại về tác hại của Ethephon gây ra trong quá trình rấm (ủ) chín hoa quả. Việc cung cấp thông tin chính xác về chế phẩm Ethephon để mọi người hiểu rõ hơn về đặc tính sinh hóa cũng như các công dụng của nó trên cây trồng và yên tâm khi sử dụng các loại trái cây rấm chín.

Cần hiểu rõ khi đưa tin

Thời gian qua, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc cơ quan chức năng bắt và xử phạt cơ sở thu mua sầu riêng tại Đắk Lắk với những câu chữ như: “tẩm hóa chất”, trái cây “nhúng hóa chất”… đã gây thiệt hại không nhỏ cho trái cây Việt Nam nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung, đây là những thông tin không chính xác. Thực tế là cơ sở thu mua này đã dùng hoạt chất Ethephon để nhúng sầu riêng cho trái chín đều.

Hoạt chất Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36, ngày 24.6.2010 của Bộ trưởng NN&PTNT.

Theo các nhà khoa học, việc người dân sử dụng Ethephon theo tỷ lệ cho phép trong kích thích trái cây chín đều, chín nhanh hoàn toàn không gây độc hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Bởi khi gặp nước, Ethephon chuyển thành Etylen - một hormon thực vật giữ vai trò chính trong quá trình chín của cây trồng và nông sản, nên khi phun hoặc nhúng vào trái cây, quả không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đây được xem là một ứng dụng hiệu quả cho công nghệ sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm đẹp, đồng đều, chống thất thoát, chất lượng tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và trái cây Việt Nam có khả năng cạnh tranh được với trái cây của các nước trong khu vực.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, bản thân chất Etylen đã được thế giới sử dụng phổ biến trong trồng trọt, có tác dụng điều hòa sinh trưởng cây trồng, thúc hoa quả chín nhanh, chín đều chứ không phải độc hại. Chỉ có cách dùng không đúng liều lượng, hoặc sử dụng Ethephon không rõ nguồn gốc mới gây nguy hại sức khỏe.

Cho dù các nhà khoa học khẳng định Ethephon không độc hại, nhưng vấn đề được người tiêu dùng quan tâm là ai sẽ hướng dẫn nông dân sử dụng đúng liều lượng như khuyến cáo. TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, không nên dùng Ethephon ép chín trái cây một cách quá nhanh. Thay vì ép chín một ngày thì nông dân nên sử dụng liều lượng cho quá trình chín kéo dài ba bốn ngày. “Trong quá trình bảo quản, lưu thông, hoạt chất Ethephon trong trái cây sẽ bốc hơi chứ không còn tồn dư như người dùng lo ngại”, ông Nghĩa khẳng định.

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, việc người dân nhúng hay phun trực tiếp lên trái cây đều được, miễn là phải pha theo tỷ lệ của nhà sản xuất khuyến cáo. “Nếu các bạn qua Thái Lan các bạn sẽ thấy người trồng sầu riêng cũng như một số trái cấy khác cũng đều nhúng Ethephon để cho trái chín đều. Nhúng hay phun chỉ là phương pháp áp dụng”, GS. Nguyễn Lân Hùng cho biết.

Sở dĩ vừa qua một số báo chí đưa tin về vụ việc trái cây “nhúng hóa chất” là do hầu hết các phóng viên đều không phải là nhà khoa học, hơn nữa sau khi có thông tin trên thì các nhà khoa học, cơ quan chức năng không ai lên tiếng và không ai chịu cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, đây cũng là một phần lỗi của các nhà khoa học đầu ngành”, Nhà báo Trần Thanh Sơn, Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit cho biết: “Phát triển nông nghiệp hiện đại không thể thiếu những ứng dụng của công nghệ sinh học. Trong ngành chế biến nông sản, không ai có thể chờ từng trái cây chín rồi mới đưa vào sản xuất, nhất là các loại trái rất khó chín đều như mít, sầu riêng, chuối.”

Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần hiểu rõ hơn về hoạt chất Ethephon, vì đây là một công trình khoa học cấp Nhà nước, được sử dụng rộng rãi trên thế giới trong ngành nông nghiệp, đồng thời cũng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh tạo ra tâm lý xa lánh hàng Việt Nam, vô tình tiếp tay cho các thương hiệu nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Các nhà khoa học đều khẳng định Ethephon không liên kết chặt chẽ trong mô cây trồng. Nó có thể được loại bỏ dễ dàng bằng cách rửa. Do đó, dù là trái cây hay rau củ, nên rửa sạch trước khi sử dụng. Đối với các nhà vườn và các thương lái nên sử dụng đúng giai đoạn, đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; sử dụng sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đó cũng chính là cách thể hiện lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội vì sức khỏe của cộng đồng. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần quyết liệt hơn trong việc xử lý những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhằm lành mạnh hóa thị trường và ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh tạo ra tâm lý xa lánh hàng Việt Nam, vô tình tiếp tay cho các thương hiệu nhập khẩu chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ethephon có rất nhiều ứng dụng để điều khiển các quá trình sinh trưởng của cây và trái chứ không chỉ gói gọn trong việc kích thích ra mủ trên cây cao su như một số bài báo đã đưa tin. Ở nước ta, Ethephon được phép sử dụng trong phân bón và điều này được ghi rõ trong Danh mục các chất điều tiết sinh trưởng được phép sử dụng trong phân bón ban hành kèm theo Thông tư số 36, ngày 24.6.2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Quang Minh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top