Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 8 năm 2020 | 15:33

EVFTA, cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường của ngành gỗ

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; kỳ vọng mang lại khoảng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang EU trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.

Để đạt mục tiêu đó, các doanh nghiệp phải xem xét những tiêu chuẩn của thị trường EU để tìm cách áp dụng vào sản phẩm của mình. Đồng thời, cũng cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để dễ dàng tiếp cận thị trường này.

 

tr19.jpg
Vận chuyển sản phẩm gỗ nguyên liệu về nhà máy phục vụ sản xuất để xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Sinh.

 

Nhiều lợi thế

EVFTA sẽ tác động tương đối lớn tới sự phát triển của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam. Sản phẩm gỗ “Made in Viet Nam” sẽ được tiếp cận thị trường EU với mức thuế ưu đãi hơn các đối thủ cạnh tranh.

Với chất lượng đã được khẳng định, mức thuế ưu đãi sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam có được nhiều đơn hàng hơn.

Thời gian gần đây, xuất khẩu đồ gỗ sang EU luôn chiếm tỷ trọng 13 - 17% tổng kim ngạch thương mại đồ gỗ, giá trị xuất khẩu sang EU luôn ổn định và tăng nhẹ. Thêm vào đó, khi EVFTA có hiệu lực (từ 1/8/2020), nhiều sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được xóa bỏ thuế về 0% sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ so với các đối thủ cạnh tranh.

Theo số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hàng năm Việt Nam xuất khẩu trung bình 800 triệu USD sang EU (nếu tính cả Anh). Trong đó, các sản phẩm gỗ Việt Nam gồm: đồ gỗ phòng ngủ, đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ phòng bếp, đồ gỗ khác và bộ phận đồ gỗ chiếm trên 65% tổng giá trị xuất khẩu, và thuế suất phải chịu là 2-10% (gỗ Chương 44) và 2,7 - 5,6% (sản phẩm gỗ).

Chỉ có 13% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU là các mặt hàng thuộc Chương 44, mặt hàng mà Việt Nam ít có lợi thế cạnh tranh. 87% còn lại thuộc Chương 94, trong đó 92% giá trị xuất khẩu của các mặt hàng thuộc chương này đang hưởng mức thuế suất 0% khi xuất sang EU.

EVFTA được đánh giá sẽ mở ra một lộ trình thênh thang cho ngành gỗ khi phần lớn sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay khi Hiệp định đi vào thực thi; 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm, bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm,…

Như vậy, khi Hiệp định đi vào thực thi, 99% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ được hưởng thuế xuất 0%, chỉ còn 1% giá trị xuất khẩu ở mặt hàng ván sợi, ván dăm và gỗ dán sẽ về 0% sau từ 4-6 năm.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ  tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho hay, trước đây, EU áp thuế từ 2-4% đối với các mặt hàng thuộc mã từ 4401- 4409 và áp thuế áp thuế từ 2,5-4% đối các mặt hàng thuộc mã Hs 4414/15/18/20/21. Tuy nhiên, mức thuế suất đã chính thức về 0% từ ngày 1/8, khi Hiệp định đi vào thực thi. Hiện nhóm các mặt hàng này đang chiếm 10% giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU, một con số còn khiêm tốn nhưng sẽ sớm trở thành một chủ lực nếu như ngành gỗ tận dụng hết dư địa này.

“Các mặt hàng thuộc mã 4410 – 4412, mức thuế EU đang áp từ 6-10%, nhóm các mặt hàng này chỉ chiếm gần 1% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU, sẽ xóa bỏ dần đều trong 4-6 năm tới và hàng hóa sau đó không bị áp thuế quan nữa”, ông Lập cho biết thêm.

Cùng trong nhóm được hưởng thuế 0% sau khi Hiệp định đi vào thực thi còn phải kể tới các sản phẩm như đồ nội thất sử dụng trong nhà bếp (HS 9403.40); bộ phận đồ gỗ (HS 9403.90); đồ nội thất kết hợp với vật liệu khác (HS 9403.80), mức thuế EU hiện áp từ 2,7-5,6%, giá trị xuất khẩu của nhóm này chiếm 7% tổng giá trị xuất khẩu sang EU.

Các mặt hàng thuộc nhóm HS 4413/17/16/19 và các mặt hàng ghế ngồi (Hs 9401); đồ gỗ văn phòng (Hs 9403.30); đồ gỗ dùng trong phòng ngủ (Hs 9403.50), đồ gỗ nội thất khác (Hs 9403.60) đã hưởng thuế 0%, giá trị xuất của nhóm này chiếm tới 82% tổng giá trị xuất khẩu.

Tận dụng tối đa thế mạnh

Nước ta đang chuẩn bị nội luật hóa các quy định để có thể nhanh chóng cấp giấy phép FLEGT (văn bản pháp lí chứng minh sự hợp pháp của sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU của Việt Nam), mở đường để gỗ Việt “rộng cửa” vào EU và các thị trường uy tín khác.

 

tr20.jpg
Sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU của Công ty CP WOODSLAND Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Sinh.

 

Nói về tiến trình thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), bà Nguyễn Tường Vân, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Lâm nghiệp), cho biết: “Hiện nay, Nghị định đã được xây dựng hoàn thiện chờ Chính phủ phê duyệt. Nếu suôn sẻ, Nghị định dự kiến được kí ban hành khoảng tháng 9/2020. Sau khi Nghị định có hiệu lực, vấn đề quản lý gỗ nhập khẩu phải áp dụng luôn theo quy định trong Nghị định, trong khi đó 6 tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp. Đến đầu năm 2021, Việt Nam có thể vận hành được hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp. Kinh nghiệm cho thấy, phải đến cuối năm 2021, đầu năm 2022 mới có giấy phép FLEGT đầu tiên được cấp”.

Ở góc độ sự chuẩn bị của doanh nghiệp để tận dụng cơ hội mà VPA/FLEGT và EVFTA đem lại, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến nay, các doanh nghiệp lớn có chế biến, xuất khẩu gỗ sang EU cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong Hiệp định. Hiệp định này thực chất là sự tổng hợp, hệ thống hóa tất cả những gì ngành gỗ Việt Nam đã làm từ trước tới nay.

“Tôi khẳng định, nếu làm tốt thì với hai Hiệp định này, các đối tượng bị chi phối nhiều nhất, đồng thời cũng là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là trên 3.000 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ; 324 làng nghề có kinh doanh trong lĩnh vực chế biến gỗ và 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng”, ông Hoài đánh giá.

Gỡ nút thắt thị trường

Không chỉ dừng ở khía cạnh xuất khẩu gỗ, việc tiếp cận máy móc, công nghệ hiện đại của EU cũng được các chuyên gia đề cập đến. Bởi lẽ, nếu trước đây, các loại máy móc, thiết bị, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu từ EU phải chịu thuế từ 20 - 30%, thì khi EVFTA đi vào thực thi sẽ giảm giá thuế nhập khẩu, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị. Lợi ích không nhỏ khác là nhập khẩu nguyên liệu từ EU, nguồn gỗ của EU có chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, giúp doanh nghiệp chế biến gỗ sẽ tăng khả năng thu mua khi được miễn thuế. Đây chính là cơ hội để  doanh nghiệp chế biến gỗ tìm lại thị trường.

Nếu không có EVFTA với tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay, ngành gỗ Việt Nam dễ mất sức cạnh tranh do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) như Malaysia, Trung Quốc…

EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi cung sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng EU, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các chuỗi cung ứng đồ gỗ toàn cầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản,… Nhờ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể chủ động hình thành các chuỗi cung ứng mới, mở rộng thị phần xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm gỗ của EU khoảng 80 - 85 tỉ USD/năm. Con số đó đang lớn hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang EU. Dư địa thị trường rộng mở và các nhà nước và doanh nghiệp kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào EU sẽ đạt 1 tỉ USD ngay trong năm đầu tiên EVFTA được thực thi.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cho biết “nút thắt” lớn nhất mà mọi doanh nghiệp xuất khẩu lĩnh vực này muốn vào EU phải đáp ứng, đó là nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu. Bởi lẽ, EU sẽ từ chối đơn hàng nếu phát hiện nguồn gốc gỗ nguyên liệu được khai thác bất hợp pháp.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, tới đây, Bộ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó đối với ngành đồ gỗ sẽ nhanh chóng triển khai VPA/FLEGT để thúc đẩy xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.  Bên cạnh đó, cần tập trung vào các vấn đề then chốt như: tăng cường diện tích rừng trồng có chứng chỉ; tất cả doanh nghiệp ngành gỗ khi tham gia chuỗi cung ứng phải minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng.

Hàng rào thuế quan giảm mở ra cơ hội rất lớn cho ngành gỗ Việt Nam tại thị trường EU. Cùng với sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, vấn đề còn lại nằm ở chính các doanh nghiệp gỗ Việt Nam. Theo đó, cần phải xem xét những tiêu chuẩn của thị trường EU để tìm cách áp dụng vào sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để dễ dàng tiếp cận thị trường này hơn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, về xuất khẩu năm nay, ngoài khó khăn về thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội, điểm đáng chú ý là một số sản phẩm của ngành lâm nghiệp đã phải chịu rào cản thương mại, đối mặt những vụ kiện về chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế.

“Về con số dự báo xuất khẩu của cả năm, tôi cho rằng không được thấp hơn 12 tỷ USD để bù đắp vào những phần sụt giảm ở những lĩnh vực khác”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Toàn ngành cần tiếp tục tập trung, nhìn rõ dư địa lĩnh vực còn khai thác được để đẩy mạnh khai thác, đồng thời cũng phải nhìn rõ cả những hạn chế yếu kém để kịp thời khắc phục. Làm được như vậy mới mong duy trì được đà tăng trưởng.

Ông Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới, toàn ngành nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng phải tập trung vào giải quyết vấn đề thị trường. Bởi nếu mất thị trường quốc tế, xuất khẩu lâm sản sẽ sụt giảm ngay.

Tổng cục Lâm nghiệp phải hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp với bộ, ngành liên quan giải quyết tranh chấp thương mại, nhất là với gỗ dán; đánh giá tác động của vấn đề này như thế nào.

Đồng thời, triển khai tích cực VPA/FLEGT, nắm bắt đón cơ hội từ EVFTA...


 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top