Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 29 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 2017 | 1:30

Gà Việt quý hiếm giúp nông dân “hốt bạc”

Trong khi chăn nuôi gà công nghiệp bấp bênh, lợi nhuận thấp thì một bộ phận nông dân đã hướng về chăn nuôi những giống gà bản địa quý hiếm, luôn giữ được giá bán cao. Những giống gà chín cựa, Đông Tảo, gà Hồ,… với giá bán tiền triệu, thậm chí hàng chục triệu mỗi con đã và đang giúp người chăn nuôi “hốt bạc”.

Độc đáo gà chín cựa

Gà Đông Tảo

Cách đây 7-8 năm, rất nhiều bài báo viết về gà chín cựa ở Phú Thọ, nói rằng đó là giống gà từ thuở truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh nơi đất Tổ vua Hùng còn lại đến ngày nay.  Rồi một ngày cách đây 4 năm, Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty Gà thuộc Tập đoàn Dabaco, gọi điện thoại cho tôi bảo: “Báo chí và ngay cả các nhà khoa học trong ngành cũng đã nhầm lẫn. Gà ở Tân Sơn (Phú Thọ) là gà nhiều ngón, chứ không phải là gà chín cựa. Ngón có ngay từ khi gà bóc trứng, còn cựa phải khi trưởng thành mới nhú và chỉ có ở đám gà trống”. 

Gà “chín cựa” có thật hay chỉ là huyền thoại?. Đó là câu hỏi ám ảnh ông Nguyễn Như So, Tổng giám đốc Tập đoàn Dabaco. Ông So chỉ đạo Nguyễn Hoàng Nguyên phải tìm khắp trên đất nước Việt Nam, nếu có con gà nào đúng chín cựa thì mua về, dù giá cao đến đâu cũng phải mua.

Cho đến một ngày, một nông dân ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) gọi điện thoại mời Nguyên đến xem gà. Đến nơi, ôm con gà trống, giơ cặp chân lên ngắm nghía một hồi, đếm đủ chín cựa, những chiếc cựa hình tròn, bằng sừng nhọn hoắt, không có da, cũng không có đốt ngón chân, Nguyên mừng húm: “Gà chín cựa rõ ràng thế này mà mình tìm mãi chẳng thấy tăm hơi đâu”. Có được con gà quý, Dabaco đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu gà chín cựa tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Đến thăm Trung tâm Nghiên cứu gà chín cựa của Dabaco trước thềm xuân Đinh Dậu, chúng tôi được chiêm ngưỡng hàng nghìn con gà trống chín cựa đều tăm tắp như tranh vẽ, chuẩn bị tung ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán. Tất thảy gà trống ở đây đều đồng nhất, với 5 màu ngũ hành: đỏ son của mào, vàng rơm của chân, đen và tía xen xanh cánh trả của lông. Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Trung tâm Gà chín cựa kể: Con gà giống chín cựa mà chúng tôi “vớ được” ở huyện Thuận Thành là một con gà chọi chính cống với đặc điểm hiếu chiến và hung dữ. Tuy có chín cựa, nhưng nó chưa đủ để thành một thần kê trong truyền thuyết vì vóc dáng xấu, lông ngắn, chân chì. Vậy là những chuỗi ngày khổ cực tạo giống bắt đầu. Chân con trống có nhiều cựa sắc nhọn nên nhảy là gà mái trầy da, hễ nhìn thấy bóng nó từ xa là lũ mái đã cụp đuôi bỏ chạy. Đành lọ mọ học… “mát xa” cho gà để lấy tinh mà thụ nhân tạo cho gà mái. Trung tâm bền bỉ nghiên cứu, lai tạo từng phẩm chất lấy cựa, lấy màu lông, màu chân, cầu kỳ qua từng tháng, từng năm. Với kỹ thuật sàng lọc tinh, gà con sinh ra 98% là gà trống.

Được biết, gà trống chín cựa chuẩn Dabaco năm nay có giá bán từ 2-5 triệu đồng/con, tùy trọng lượng và độ đẹp của hình thái.

Gà Đông Tảo: Đắt xắt ra miếng

Gà Đông Tảo được mệnh danh “gà tiến vua” xuất xứ từ làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ngày nay, giống gà này được coi là quý hiếm và từ nhiều năm trở lại đây trong giới nhà giàu rộ lên trào lưu mua gà Đông Tảo để ăn Tết, bất chấp cái giá “khủng” của nó. Những con gà Đông Tảo chuẩn có giá bán phổ biến từ 1,5- 2 triệu đồng/kg, tức là trên dưới 10 triệu đồng một con trống trưởng thành cỡ 5kg.

GĐ Nguyễn Hoàng Nguyên và con gà chín cựa.

Gà Đông Tảo có cặp chân xù xì, cặp chân gà trống to và bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại da sùi giống bề mặt trái dâu tằm, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc. Mào gà trống là mào sun (ngắn và thun lại) màu đỏ tía. Lúc trưởng thành con trống nặng 5,5-6kg, con mái nặng 4kg/con. Thịt gà ngon, ngọt với khối thịt ức ngồn ngộn đỏ hồng, những bắp thịt đùi với những bó cơ cuồn cuộn vắt lên nhau, nhưng không dai.

Tuy bán được giá cao, nhưng vì giống gà Đông Tảo đẻ rất ít trứng, bộ chân to vụng về khiến gà vụng ấp và nuôi con nên công cuộc nhân đàn rất ì ạch. Chưa năm nào làng Đông Tảo có được 2.000 con gà thuần chủng để xuất bán. Anh Giang Lê Hân, chủ trại chăn nuôi gà Hân Minh cho hay, để chọn được một con giống “chuẩn”, người chủ phải có con mắt tinh tường. Gà nuôi đến giai đoạn 3- 4 tháng tuổi, người nuôi phải để ý sàng lọc và chọn những con gà có hình dáng thanh thoát, đầu to (hình củ tre), vai rộng, hai gối chân thẳng, đặc biệt là chân gà phải đỏ, bụ bẫm, dọc ống chân có vảy thịt xếp cài gối nhau thẳng hàng, bàn chân tù, dày, ngón chân ngắn. “Không phải đàn gà nào nở ra cũng chọn được những con có đặc điểm hoàn hảo như thế, mà có đàn chọn được 1-2 con, nhưng có đàn không chọn được con nào. Dù chọn được gà giống như ý muốn, nhưng khi nuôi đến khi trưởng thành lại không thành công nếu không chăm sóc đúng”, anh Hân chia sẻ.

Gà Hồ vẫn còn đó nỗi lo tuyệt chủng

Gà Hồ là một giống gà nổi tiếng của thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Do số lượng ít, sinh sản khó khăn, nên ngày nay giống gà này đã trở thành quý hiếm. Có thời điểm, gà Hồ tưởng như tuyệt chủng, đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Đăng Chung, Hội trưởng Hội chăn nuôi gà Hồ ở thị trấn Hồ, gà Hồ tương truyền có lịch sử hơn 600 năm, từng được chọn làm sản vật tiến vua của vùng đất Kinh Bắc. Mặc dù được coi là thủ phủ của giống gà này song ở Bắc Ninh, số lượng người nuôi không nhiều. Hiện tại, Câu lạc bộ gà Hồ trong làng chỉ có khoảng 34 hộ nuôi loại này với tổng số gần 1.000 con. 

Ngoài kích cỡ lớn, gà Hồ không có đặc điểm khác biệt so với giống thông thường. Tuy nhiên, dòng giống, tiếng tăm và độ thơm ngon của thịt khiến sản phẩm được khách chuộng mua. Năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Trường ở làng Lạc Thổ, Thuận Thành, Bắc Ninh có khoảng 100 con gà Hồ bán Tết. “Mỗi con có giá lên tới 3-4 triệu đồng. Hầu như ngày nào cũng có người đến hỏi mua nên tôi chẳng dám đi đâu, phải thường trực ở nhà tiếp khách”, anh Trường cho hay. Anh Nguyễn Văn Thanh, cùng làng với anh Trường, đang sở hữu 100 con gà Hồ, cho hay: “Từ đầu tháng 12, gia đình đã không còn gà để bán. Khách mua chủ yếu là chỗ quen biết ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận”. 

“Dù người dân làng Hồ đã bắt đầu có ý thức chăn nuôi gà Hồ hàng hóa nhưng giống gà này vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, nếu không kiểm soát chặt sẽ bị lai tạp, đồng hóa với các giống gà khác. Vì vậy, Hội đang thiết lập quy chế xây dựng thương hiệu cho gà Hồ, có nhãn mác sản phẩm…”, ông Chung cho biết.

Chu Khôi

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch

    Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp UBND huyện Phong Điền tổ chức hội nghị Công bố và trao văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa Làng Cổ Phước Tích và Nhãn hiệu tập thể Đệm bàng Phò Trạch.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

Top