Năm 2020, ngành tôm nước lợ đặt kế hoạch thả nuôi 730.000ha với sản lượng ước thu về 830.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng từ 2-3% so với năm 2019.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải "biến nguy thành cơ," phấn đấu phát triển mạnh ngành tôm trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Ngành tôm cũng sẽ phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3,5 tỷ USD.
Bộ trưởng phát biểu như vậy tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020,” tổ chức ngày 8/5 tại Sóc Trăng.
Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp 8 tỉnh ven biển vùng ĐBSCL và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến thủy sản khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành tôm nước lợ 2020 phải đối mặt với nhiều thách thức.
Dịch COVID-19 không chỉ đe dọa đến cả tính mạng, sức khỏe của nhân dân trên toàn thế giới, còn làm ảnh hưởng nặng đến toàn bộ chuỗi kinh tế trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, thời tiết cực đoan, hạn mặn những tháng đầu năm cũng làm cho việc nuôi tôm gặp thách thức lớn. Cùng với đó, dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, thị trường tiêu thụ khó khăn... Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh về cơ hội, triển vọng phát triển cho ngành tôm nước lợ năm 2020.
Theo Bộ trưởng, sắp tới, Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), theo đó, thuế các loại nông sản, trong đó có sản phẩm tôm về mức vô cùng thuận lợi. Hiện các thị trường đang trong giai đoạn khống chế dịch COVID-19, nhưng tới đây, sẽ có nhiều cơ hội triển vọng cho ngành tôm Việt Nam.
Để "biến nguy thành cơ," công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển thủy sản phải chặt chẽ, khối doanh nghiệp phải chủ động tự mình cứu mình; có kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh tốt và nhà nước cũng sẽ hỗ trợ hết sức để đảm bảo phát triển hiệu quả.
Năm 2020, ngành tôm nước nợ đặt kế hoạch thả nuôi 730.000ha với sản lượng ước thu về 830.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng từ 2-3% so với năm 2019.
Để đạt được mục tiêu này, tại hội nghị, nhiều ý kiến của đại diện các đơn vị chuyên môn, hiệp hội, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản tham gia hội nghị cho rằng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn cần triển khai quyết liệt công tác ứng phó xâm nhập mặn, quan trắc cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vật tư đầu vào, kiểm tra đánh giá, công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, đồng thời xử lý tận gốc các cơ sở vi phạm chất lượng giống thủy sản, thức ăn.
Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững… Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cần nắm chắc tình hình giá cả tôm nước lợ xuất khẩu, nghiên cứu, phát triển thị trường xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2020, thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan sẽ là nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Hạn, mặn những tháng đầu năm dẫn đến người nuôi chưa thể thả giống hoặc tôm chậm lớn đối với những vùng khó điều tiết nước ngọt.
Bên cạnh đó, giá vật tư và tôm nguyên liệu nhập khẩu tăng, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động thương mại, dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu của nửa đầu năm 2020.
Tính đến cuối tháng 4/2020, diện tích tôm thả nuôi của các địa phương ven biển đạt hơn 480.000ha, bằng gần 85% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt hơn 71% so với kế hoạch năm 2020. Trong số đó, tôm sú hơn 457.000ha, tôm thẻ chân trắng là hơn 22.000ha.
Ước tính sản lượng tôm nước lợ tính đến cuối tháng 4/2020 là hơn 168.000 tấn, đạt 21,7% so với kế hoạch. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm các loại tính đến hết quý 1 năm nay, đạt gần 600 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, có gần 16.000ha nuôi tôm bị thiệt hại, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.