Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 3 năm 2021 | 11:41

GDP quý I tăng 4,48%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3.

 

Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 26,3% trong quý I. - Ảnh: VGP

 

Theo cơ quan này, trong bối cảnh từ cuối tháng Một đến đầu tháng Ba, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế – xã hội cả nước, kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021, làm tăng 0,29 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,78% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

Chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.

Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.

Nguồn: TCTK


Tiến độ giải ngân đầu tư công cải thiện rõ rệt

Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I/2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. “Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 4,48%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp”, cơ quan này đánh giá.

 

Một số chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu quý I năm 2021 như sau:

– Tổng sản phẩm trong nước (GDP): + 4,48%

– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP): + 5,7%

– Số doanh nghiệp thành lập mới: 29,3 nghìn doanh nghiệp

– Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: + 5,1%

– Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội: + 6,3%

– Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa: + 22%

– Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: + 26,3%

– Xuất siêu: 2,03 tỷ USD

– Khách quốc tế đến Việt Nam: -98,7%

– Chỉ số giá tiêu dùng bình quân: + 0,29%

– Lạm phát cơ bản: + 0,67% 

 

 

Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I/ 2021. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước tính đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước và bằng 26,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,1% tổng vốn và tăng 7,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 290,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,2% và tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,7% và tăng 6,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Dịch Covid-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tập trung một số nội dung trọng tâm.

Ngành Nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây. Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường.

Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021. Mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 08/4/2020. Cùng với đó, cần ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác hàng hóa đột lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại.

Phát huy lợi thế và vị thế của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, thành công trong ngăn ngừa và xử lý dịch Covid-19 thời gian qua, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư. Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống.

Điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước. Tăng trưởng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

Ý kiến bạn đọc
Top