Theo Tổng cục Thống kê, quý I năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm sản và thủy sản tăng 4,05% - mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Bức tranh nông nghiệp quý I năm nay có nhiều "điểm sáng" tích cực.
Đó là thông tin vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố tại cuộc Họp báo thường kỳ đồng thời thông báo kết quả công tác quý I/2018 và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm quý II tổ chức chiều nay (3/4).
Nhiều “điểm sáng” trong ngành nông nghiệp
Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn cho biết, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I ước tính đạt khoảng 189,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,18% so với quý I năm 2017. Trong 3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 8,7tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trướcvà đạt 21,4% mục tiêu 2018.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trồng trọt được đánh giá là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng”, góp phần tạo ra mức tăng trưởng cao 5,16%, qua đó tạo động lực giúp ngành đạt mức tăng trưởng cao. Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoài (tăng 5,4%). Đáng mừng hơn, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên (năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao). Dự báo, năm nay Việt Nam có khả năng xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo.
Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, điều ước đạt 201 nghìn tấn, tăng 30%; hồ tiêu ước đạt 76,3 nghìn tấn, tăng 9,8%; xoài ước đạt 194,8 nghìn tấn, tăng 6,9%; cam, quýt ước đạt 284 nghìn tấn, tăng 4%… Đặc biệt, năm nay nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Bộ đang giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn đảm bảo đầu ra ổn định, hiệu quả.
Thủy sản và lâm nghiệp trong 3 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra. Năm nay, thủy sản là lĩnh vực được giao chỉ tiêu cao với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm Tổng cục Thủy sản đã tập trung hướng dẫn các địa phương tăng cường sản xuất nuôi tôm nước lợ và cá tra. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3 ước đạt 171 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kì năm trước, đưa sản lượng 3 tháng đạt 611 nghìn tấn, tăng 6,0%.
Bên cạnh đó, thời tiết biển thuận lợi, nhiều địa phương trúng đậm ngay trong mùa đánh bắt đầu năm nên nhìn chung sản lượng thủy sản khai thác tăng khá. Lũy kế 3 tháng, sản lượng ước đạt 775,8 nghìn tấn, tăng 4% so với quý I/2017. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt1,38 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, Bộ đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy suất nguồn gốc thủy sản, sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EU.
Trong 3 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương ở miền Bắc đã triển khai trồng rừng với kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trồng rừng tập trung đạt 24,3 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; rừng trồng được chăm sóc đạt 147,4 nghìn ha, tăng 1,2%; rừng được khoán bảo vệ đạt 3.238,9 nghìn ha, tăng 12,3%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.928,6 nghìn m3, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng thẳng thắn cho biết, trong quý I năm 2018, chăn nuôi là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch được giao. Trong 3 tháng đầu năm, đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại dài ngày làm 7.594 con gia súc, gia cầm bị chết. Thêm vào đó,tình hình chăn nuôi lợn chưa khởi sắc do giá vẫn ở mức thấp nên nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng nhưng nhiều cơ sở chăn nuôi gia cầm lớn lại mở rộng quy mô đàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng dây truyền chế biến hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm đẩy mạnh xuất khẩu.Bộ trưởng giao Cục Chăn nuôi và các đơn vị liên quan tích cực đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh Hà Nam, Nam Định và các doanh nghiệp xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy chế biến vừa khởi công.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng báo cáo thêm, trong quý I năm 2018, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Đến ngày 20/3, cả nước có 3.289 xã (36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 220xã (2,47%) so với cuối năm 2017; có 47huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 3 huyện so với cuối năm 2017.
Xuất khẩu hướng tới hơn 40 tỷ USD
Trước nhiều thế mạnh phát triển phát triển trong quý đầu năm và nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước đạt 6,5-6,7%, Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết tâm phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt tối thiểu 3,0%, xuất khẩu đạt 40-40,5 tỷ USD, có 39,8% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và độ che phủ rừng đạt 41,65%.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm cấp tỉnh/thành phố và nhóm đặc sản làng/xã để có giải pháp chỉ đạo cụ thể. Đồng thời chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ kịp thời, hiệu quả nông sản.
Đặc biệt, trong năm 2018 ngành sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thủy sản, nhất là chế biến rau quả và các sản phẩm chăn nuôi (gà, lợn), phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tại cuộc họp giao ban tháng 3/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Bức tranh nông nghiệp trong quý I năm 2018 rất tích cực, nhất là tốc độ tăng trưởng ngành tăng cao, tạo tiền đề cho các quý tiếp theo cũng như việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2018.
Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cần giao ban hàng tháng, vào cuộc quyết liệt, bám sát kịch bản tăng trưởng lĩnh vực của mình để chủ động có giải pháp thực hiên nhằm đảm bảo hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa thủ tục. Ngay trong tháng 4/2018, các đơn vị thuộc Bộ phải thống nhất đầu mối kiểm tra lô hàng chồng chéo; tập trung vào cắt giảm các danh mục hàng hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa quy trình kiểm tra chuyên ngành; đồng thời sớm hoàn thành Nghị định sửa đổi các Nghị định có liên quan về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Tại cuộc Họp báo nhiều vấn đề nóng của ngành nông nghiệp như kiểm soát an toàn thực phẩm, quy hoạch các cây con của ngành, vấn đề về phát triển thủy sản đặc biệt là cá tra trong thời gian tới, hay câu chuyện thị trường "đầu ra" của các mặt hàng nông sản được đưa ra bàn luận sôi nổi. Tuy nhiên, kết luận tại cuộc họp Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng bày tỏ sự lạc quan với việc nền nông nghiệp năm nay sẽ hướng tới công tác thị trường và chú trọng bài toán chất lượng cho từng mặt hàng.
"Năm nay, chúng tôi xác định giải pháp để ổn định và mở rộng được thị trường nông sản quốc tế là quan trọng nhất, thậm chí ngành còn đặt trên cả những giải pháp về phòng chống thiên tai. Thị trường là giải pháp quan trong và tập trung nhất. Vì sao, bởi muốn đạt được kim ngạch xuất khẩu 40 đến 40,5 tỉ USD trong năm nay đòi hỏi phải phải tăng trưởng cả về giá trị và tỷ trọng tuyệt đối nhưng bây giờ thị trường quốc tế rất nhiều rủi ro," Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.