Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 4 năm 2017 | 2:49

Giá lợn hơi giảm: Hệ lụy từ nuôi theo phong trào

Xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam) được xem là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc, cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh, thành và xuất sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, các hộ chăn nuôi ở đây đang điêu đứng vì giá lợn tuột dốc không phanh.

Người dân xã Ngọc Lũ lao đao vì giá lợn hơi giảm.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Từ mô hình chăn nuôi lợn phát triển của những hộ  ban đầu, người dân Ngọc Lũ bắt đầu xây dựng chuồng trại, làm giàu từ nuôi lợn. Nhờ đó mà đời sống của người dân nơi đây ngày càng cải thiện, Ngọc Lũ bây giờ chẳng thiếu “tỷ phú nông dân”. Theo thống kê, xã có hơn 2.000 hộ dân thì có khoảng 1.500 hộ nuôi lợn.

Nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn bỗng “lao dốc không phanh” khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ điêu đứng. Chưa bao giờ giá lợn lại xuống thấp như hiện nay. Nhiều người chăn nuôi cho biết, kinh nghiệm trước đây giá lợn xuống rồi sẽ lên nhanh chóng, nhưng lần này giá lợn lao dốc từ 56.000 đồng/kg thịt hơi xuống chạm đáy còn 25.000 - 29.000 đồng/kg và không có dấu hiệu tăng lên.

Theo tính toán của người chăn nuôi, họ mua lợn giống từ 42-45kg với mức giá 75.000-78.000 đồng/kg. Nuôi tầm 5 tháng thì có thể xuất chuồng, nhưng với mức giá như hiện nay, sẽ lỗ từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Còn hộ tự nhân giống, lỗ ít nhất 1 triệu đồng/con.

Chính vì giá lợn lao dốc không phanh nên nhiều hộ chăn nuôi có đàn lợn xuất chuồng vẫn không dám bán, vì bán sẽ lỗ quá nặng, chưa chắc trả đủ tiền cám cho đại lý, chứ đừng nghĩ đến việc có vốn tái đàn.

Bà Trần Thị Hòa, ở xóm 6, xã Ngọc Lũ cho biết: “Gia đình nuôi gần 200 con, mỗi con cũng đến 1 tạ. Đã đến ngày xuất chuồng nhưng không dám bán, vì bán thì cầm chắc lỗ, đành đợi xem giá lợn có lên không?”.

Ông Trần Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, cho biết, ở Ngọc Lũ, hầu hết nhà nào cũng nuôi lợn, nhà ít thì 50 con, nhiều lên đến 2.000 con; nhà lỗ ít thì mất trăm triệu, còn lỗ nặng có thể lên đến vài tỷ đồng.

Theo ông Thiện, hiện xã có hơn 1.100 hộ chăn nuôi lợn, nếu tính lỗ 2,5 - 3 triệu đồng/con cho người mua con giống và 1 triệu đồng/con cho người tự nhân giống thì năm nay Ngọc Lũ mất trắng ít nhất 300 tỷ đồng vì giá lợn xuống dốc.

Hệ lụy từ chăn nuôi ồ ạt

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam), thị trường Trung Quốc vốn “khi đóng, khi mở” nên từ lâu địa phương đã có cảnh báo cho người dân. Tuy nhiên, lúc Trung Quốc ồ ạt thu mua, giá tăng, bà con đổ xô nuôi. Thời điểm ra Tết Nguyên đán, Trung Quốc hạn chế nhập nên giá lợn hơi giảm liên tục.

Cụ thể, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2016, thị trường lợn hơi biến động tăng do nhu cầu xuất sang Trung Quốc cũng như nội địa tăng.

Vào thời điểm tháng 5/2016, giá heo đạt đỉnh ở mức 55.000 đồng/kg, tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với trước đó ba tháng. Thêm nữa, thị trường Trung Quốc rất chuộng loại heo có trọng lượng hơn 100kg, nhiều mỡ.

Cho nên, vào thời điểm đó, thương lái Trung Quốc nhập ồ ạt lợn Việt Nam với giá cao ngất, khiến người chăn nuôi của tỉnh Hà Nam nói chung và các hộ dân Ngọc Lũ nói riêng ồ ạt tăng đàn. Chính việc phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng bấp bênh này, trong khi thị trường nội địa lại không chuộng loại lợn có trọng lượng lớn, nhiều mỡ, dẫn đến giá thịt lợn hơi giảm.

Cùng chung cảnh ngộ với người chăn nuôi lợn, nhiều đại lý cám cũng lao đao vì giá lợn xuống dốc khiến người chăn nuôi dè chừng. Đặc biệt, nhiều gia đình chăn nuôi do thua lỗ nên chưa trả hết số tiền cám đã mua của đại lý từ trước.

Anh Nguyễn Văn Toàn, chủ đại lý thức ăn gia súc Toàn Thu, cho biết: “Thông thường đại lý bán cám cho người chăn nuôi, khoảng 3 - 5 tháng sau họ bán lợn và thanh toán tiền. Nhưng hiện nay, họ chăn nuôi thua lỗ nên chỉ trả được phần nào, rồi họ dùng tiền quay vòng tái đầu tư”.

Theo anh Toàn, giá cám hiện nay không xuống, nhiều đại lý phải giảm lợi nhuận của chính mình để chia sẻ với người chăn nuôi trong lúc khó khăn. Nhưng nếu giá lợn cứ giảm như hiện nay thì sản lượng bán hàng giảm sút, nhiều đại lý ở xã phải đóng cửa.

Để đảm bảo cho người chăn nuôi có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại như thời gian vừa qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào cho đến các khâu phân phối, tiêu thụ cần được xem là giải pháp căn cơ được đặt ra trong thời điểm này.

Trung Hiếu

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top