Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 7 năm 2017 | 1:56

Giá lợn hơi tăng mạnh: Người chăn nuôi chớ vội tăng đàn

Chỉ trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, giá lợn hơi tăng gần gấp đôi khiến nhiều trang trại chưa muốn xuất bán. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), về tổng thể sẽ không thiếu thịt lợn trong thời gian tới nên Cục khuyến nghị người chăn nuôi phải bình tĩnh trước cơn bão giá, không nên vội tái đàn.

Người chăn nuôi chưa nên vội tái đàn khi giá lợn hơi tăng mạnh. 

Giá tăng nóng

Trong vòng hơn một tuần, giá lợn đã tăng gần gấp đôi, từ mức trên dưới 25.000 đồng/kg lên 42.000 - 45.000 đồng/kg. Tại nhiều vùng chăn nuôi ở các tỉnh, thành miền Bắc như Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên..., giá lợi hơi đạt mức 42.000 đồng/kg, có nơi đạt 45.000 đồng/kg đối với lợn từ 90 - 110 kg/con, song lái buôn cũng khó tìm được nguồn hàng.

Còn tại khu vực miền Nam, giá có xu hướng tăng mạnh hơn và dần rút ngắn chênh lệch giá so với miền Bắc. Giá heo tại các tỉnh Đông Nam Bộ tăng lên 34.000 - 36.000 đồng/kg, tại Bình Dương giá heo khoảng 31.000 - 32.000 đồng/kg, thấp hơn so với mặt bằng chung. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá heo đạt 33.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo đà tăng giá của lợn hơi, thịt lợn bán tại các chợ, siêu thị đã tăng gần 20.000 đồng/kg, mặc dù nguồn cung vẫn khá dồi dào. Tại chợ Lê Quý Đôn (Hà Nội), chị Thanh Thu, chủ một tiệm cơm cho biết, giá thịt lợn tăng mạnh từ hơn 1 tuần qua. Trước đây, khi giá lợn xuống thấp, các cửa hàng bán khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg, tùy loại. Hiện nay, giá thịt lợn đã lên 80.000 - 85.000 đồng/kg, gần bằng mức giá thời điểm giữa năm ngoái mặc dù nguồn cung thịt vẫn dồi dào.

Tại chợ Thành Công (Đống Đa - Hà Nội), giá thịt lợn tăng mạnh từ hơn một tuần qua. Cách đây hơn 1 tuần, giá còn dao động quanh mức 70.000 - 80.000 đồng/kg, nhưng sau đó đã tăng mạnh lên trên 85.000 - 95.000 đồng/kg. Người tiêu dùng cho rằng, mặc dù mức giá tăng nhanh nhưng nhìn chung chấp nhận được. Ngoài ra, so với năm ngoái, giá thịt lợn vẫn thấp hơn.

Không tăng mạnh như ngoài chợ, tại siêu thị Fivimart, giá thịt lợn tăng nhẹ. Thịt ba chỉ 89.000 đồng/kg, nạc vai 90.000 đồng/kg, thịt mông 85.000 đồng/kg, nạc thăn 92.000 đồng/kg, sườn ngon 104.000 đồng/kg, sườn cục 56.000 đồng/kg. Tại các siêu thị khác như: Vinmart, Big C, Aeon…, giá thịt lợn được niêm yết từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Theo chị Thu Phương, một khách hàng của Fivimart: “Trong đợt thịt lợn giảm giá, các siêu thị không giảm nhiều, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg so với hiện nay. Khi giá thịt lợn tăng mạnh, họ cũng tăng giá theo thị trường”.

Chia sẻ về nguyên nhân giá thịt lợn tăng mạnh thời gian qua, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, do số lượng lợn trong thời gian qua bán ra tương đối nhiều nên đàn lợn giảm đáng kể. Bên cạnh đó, công tác quản lý thị trường, kiểm soát thú y, sắp xếp lại thị trường thịt lợn cũng tốt hơn trước đây. Ngoài ra, vừa qua, số lợn đến kỳ xuất chuồng bán đồng loạt một lúc cho nên lứa lợn kế tiếp chưa kịp lớn. Trong khi đó, số lượng lợn để thịt lại thiếu nên làm cho thị trường khan hiếm một chút. Đồng thời, có hiện tượng một số trang trại có lợn đến tuổi xuất chuồng vẫn giữ lại đợi giá lên để bán, góp phần làm cho giá lợn tăng.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, vừa qua, do giá lợn giảm sâu nên một số hộ nuôi từ 20 - 150 con đã bỏ trống chuồng, do đó tại một số khu vực đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung cục bộ. Nhưng xét về tổng thể thì thị trường không thiếu thịt lợn. Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt lợn cho thị trường không thiếu, và ổn định ở mức 280.000 - 300.000 tấn/tháng, đủ cho tiêu thụ trong nước.

Việc tăng giá lợn trở lại đã có tác động tích cực không chỉ đối với người chăn nuôi lợn mà còn cho cả ngành chăn nuôi nói chung, bởi thịt lợn chiếm 65-70% trong cơ cấu sản phẩm toàn ngành. Khi thịt lợn tăng giá sẽ kéo theo sự chuyển mình tích cực của ngành.

Cần cảnh giác với hiện tượng giá cao bất thường

Ông Hoàng Thanh Vân cho hay, hiện nay, với mức giá có nơi lên đến 45.000 đồng/kg là khá cao. Nếu giá còn tăng hơn nữa thì chắc chắn có vấn đề. Do đó, người chăn nuôi cần phải cảnh giác với hiện tượng giá tăng cao bất thường. Tại một số nơi thiếu nguồn cung cục bộ, giá sẽ bị đẩy lên, nếu chỉ nhìn vào đó mà ồ ạt tăng đàn thì sẽ rơi vào tình trạng như vừa qua. Do đó, Cục Chăn nuôi khuyến nghị người chăn nuôi phải bình tĩnh trước cơn bão giá, trên cơ sở đó, duy trì tổng đàn hợp lý và căn cứ vào vùng sản xuất để điều tiết cho phù hợp. Người chăn nuôi cũng không nên quá kỳ vọng vào giá lợn sẽ lên cao nữa.

Đối với những hộ, trang trại, doanh nghiệp có lợn đã đến tuổi xuất chuồng, nên bán ra thị trường, tạo sự cân bằng cho thị trường, tránh mất cân đối cung cầu, tránh thiếu cục bộ hoặc khan hiếm giả, bị đẩy giá, thiệt thòi cho người tiêu dùng. Thực tế, thời gian qua, mặc dù giá thịt lợn rất thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao, điều này là bất hợp lý.

Ngoài ra, các địa phương cần thông tin cho doanh nghiệp và người chăn nuôi được biết, việc mở rộng hay tăng quy mô đàn cần phải hết sức thận trọng, và phải căn cứ vào vùng sản xuất của từng địa phương. Người chăn nuôi cần phải bám sát diễn biến thị trường để quyết định đầu tư. Tuyệt đối không nghe vào tin đồn, nuôi theo kiểu truyền tai nhau không có căn cứ.

“Đúng là thị trường thị lợn đang tốt dần lên, tuy nhiên trước những tín hiệu này chúng ta không nên quá lạc quan, bởi sự tốt lên của thị trường không phải là biểu hiện căn cốt về quan hệ cung cầu. Những tín hiệu tích cực của thị trường thịt lợn đang chỉ mang tính thời điểm, chưa ổn định, vì vậy chúng ta không nên quá lạc quan”, ông Vân nói.

Với quy mô đàn nái, năng lực sản xuất, công suất chuồng trại hiện có, chỉ cần chúng ta tăng khả năng quản lý chăn nuôi, tổ chức sản xuất tốt, có thể cho phép tăng thêm 30% sản lượng thịt để đáp ứng thịt trường mà không cần phải tăng đàn.

Do thời gian qua giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi buông lỏng chăm sóc đàn lợn, buông lỏng tiêm vắc-xin phòng bệnh nên sức khỏe lợn hiện nay không được tốt. Vì vậy người chăn nuôi lúc này cần tập trung tăng cường khâu kiểm soát dịch bệnh, nhất là sử dụng đầy đủ các loại vắc-xin, tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Hơn nữa, thời gian tới sẽ vào mùa mưa bão, khi đó độ ẩm lớn, mầm bệnh nhiều, kết hợp khối lượng vật nuôi trung chuyển lớn vào các tháng cuối năm sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh so với mọi năm.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, những biến động trong thời gian qua là cơ hội rất tốt để những người quản lý và chăn nuôi nhìn nhận lại chính mình. Chúng ta phải xác định rõ: sản xuất cho thị trường, sản xuất vì thị trường. Đây là cơ hội để chúng ta tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, chấm dứt kiểu làm ăn mạnh ai nấy làm. Đây cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi triển khai nhanh các gải pháp tái cơ cấu, tổ chức mạnh sản xuất theo các chuỗi liên kết và điều chỉnh phương thức, đối tượng chăn nuôi cho phù hợp, như chăn nuôi truyền thống kết hợp với chăn nuôi hữu cơ gắn với giết mổ, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ cho các phân khúc thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Nguyên Hoa

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top